Giới lãnh đạo của đất nước nghèo nàn này không còn có thể tránh né sự toàn cầu hóa được nữa. Người dân mong chờ chế độ mở cửa và cải cách. Người trẻ tuổi đứng đầu nhà nước ra vẻ an cần với dân chúng, nhưng bộ máy của ông ấy vẫn còn giám sát tất cả mọi việc.
Susanne Koelbl
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 41/ 2012
Cuộc trao đổi khựng lại, thêm lần nữa. Người phiên dịch phải chuyển ngữ khái niệm “làng Potemkin”. Anh ấy ngần ngừ. “Điều đấy có nghĩa là gì?”, anh Kim hỏi. “Có nghĩa là chúng tôi chỉ nhìn thấy bề ngoài ở đây thôi”, anh ấy nhận được câu trả lời: “Các anh chỉ cho chúng tôi xem những cái giả là tăng trưởng và tiến bộ, như hầu tước người Nga Potemkim ngày xưa.” Anh Kim nên google diễn đạt này. Nhưng người phiên dịch không thể google “làng Potemkin” được. Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là nước duy nhất trên thế giới mà người dân của nó không có kết nối với mạng lưới khắp thế giới.
Người phiên dịch 21 tuổi đấy chưa từng bao giờ rời Triều Tiên, anh ấy tin vào chiến thắng sắp tới đây của cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa và bây giờ muốn giới thiệu những thành quả của quê hương anh ấy: thủ đô được làm đẹp để kỷ niệm ngày sinh thứ 100 của người lập quốc Kim Nhật Thành cùng với khu nhà cao tầng mới trông giống như kiến trúc của Hundertwasser, nhưng với nhiều bê tông. Giới ngoại giao phương Tây ở Bình Nhưỡng gọi nó nửa yêu mến nửa chế nhạo là “Manhattan Skyline” mới.
Anh Kim không hiểu tại sao những người khách nước ngoài lúc nào cũng đặt ra những câu hỏi đấy: Tại sao ở đây có nhiều người đàn ông mặc quân phục đến như vậy? Triều Tiên có thật sự cần tên lửa tầm xa không? Tại sao 60% ngân sách nhà nước lại được dùng cho vũ trang trong khi tổng sản phẩm nội địa hàng năm trên đầu người chỉ vừa tròn 960 dollar và một người trưởng thành trung bình hàng ngày chỉ có được 2150 calo? Chính quyền cần trại cải tạo để làm gì? Tại sao chúng tôi chỉ đi xe trên những con đường đẹp nhưng không được vào xem các khu phố dân cư bình thường. Và cuối cùng: Tại sao không bao giờ chúng tôi được phép đi lại mà không có người theo dõi?
Điều đấy quá nhiều đối với anh Kim. Vào cuối ngày, anh ấy xin được thay bằng người khác.
Vào buổi tối, đứng trước khách sạn Yanggakdo, một công trình xây dựng mới của 1995 với 47 tầng lầu, là một người đàn ông với đôi mắt nhanh nhẹn và mái tóc thưa. Bộ complê của ông ấy thật là lịch sự, như thể Emporio Armani vừa mới cắt nó cho Mao Trạch Đông vậy.
Ông Hong tự giới thiệu mình là người hướng dẫn mới cho nhóm chúng tôi. Vấn đề là đi xem xem trong Triều Tiên có thay đổi điều gì dưới quyền của nhà độc tài Kim Jong Un hay không. Mười ngày với tàu hỏa và ô tô qua một đất nước đóng kín, sẽ có nhiều câu hỏi. Ông Hong 57 tuổi, trước đây ông đã làm việc trong Đại sứ quán Triều Tiên ở Berlin, trước khi thống nhất và sau khi thống nhất. Ông Hong quen biết thế giới.
Ông ấy thân thiện chìa tay ra, ông ấy mỉm cười. Trong Bình Nhưỡng, ai ở cấp bậc này và ở độ tuổi này mà nhận hướng dẫn những người khách tò mò thì theo thông tin của các chuyên gia phương Tây chắc chắn là thuộc bên an ninh.
Ngày kế tiếp đây sẽ là một ngày đặc biệt cho người giám sát chúng tôi cũng như cho chúng tôi, những người khách. Trước đây đúng 64 năm, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được tuyên bố thành lập. Có diễu hành đông người, múa tập thể, biểu diễn thể dục đông người trong sân vận động, những cái vượt quá tất cả các tưởng tượng của biên đạo múa, có 100.000 người biểu diễn.
Chẳng bao lâu sau đó, ông Hong trợn mắt lên, ông ấy gọi to: “Những bức ảnh này, ngừng ngay! Anh làm cho tôi đau đầu!” Sự tức giận của Hong là dành cho nhiếp ảnh gia Andreas Taubert, người đơn giản là cứ chụp ảnh quá ư là nhiều. Cuộc tranh cãi về ảnh đúng và ảnh sai của Triều Tiên sẽ đi theo chúng tôi cho tới ngày cuối cùng của cuộc hành trình.
Chụp ảnh tập thể dục đông người trên nguyên tắc là được phép, ngay cả khi trong sân vận động có người biểu diễn đông gấp ba lần người xem. Nhưng diễu hành quân đội là điều cấm kỵ, đặc biệt là khi quân đội đến trên những chiếc xe tải xả khói mù mịt của họ, những chiếc vì thiếu xăng dầu mà một phần phải chạy bằng củi.
Những người bán pin, ngồi xổm ở ven đường và buôn bán với hàng hóa ít ỏi của họ, là bị cấm, đấy có thể trông giống như sự thất bại của nền kinh tế kế hoạch. Ô tô trong giao thông thủ đô có thể được cho xem, nếu không thì người ta lại nói rằng đường phố của Bình Nhưỡng trống vắng, ông Hong nói, nhưng những chiếc VW Touareg sáng chói của quan chức cấp cao thì không. Vườn táo và trại nuôi súc vật thì được phép, chúng cho thấy sự sản xuất thực phẩm tốt, không hoan nghênh là hình ảnh những người phụ nữ đội vật nặng trên đầu hay nữ công nhân đổ mồ hôi trên đồng ruộng.
Triều Tiên vẫn là quốc gia khó hiểu nhất trên thế giới. Giống như lịch sử đã trùm một cái vòm bằng kính lên trên đất nước này và giữ thời gian lại – ngay trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.
Ở gần thành phố cảng Wonsan, trong nhà máy sản xuất nông nghiệp “Nguồn Ba Làng”, phụ nữ đã dùng liềm cắt lúa ngay từ lúc mặt trời mọc. Họ mang ngôi sao đỏ trên những chiếc mũ lưỡi trai của họ. Tấm ảnh của người nữ nông dân tốt nhất được treo trước nhà câu lạc bộ của đội, được viền quanh bởi một vòng hoa bằng nhựa. Em trai Jun Hak Ljong năm tuổi, em đứng trong bếp của bố mẹ, những người đã ra đồng. Hôm nay em làm gì? “Chờ”, em nói. Ước ao lớn nhất của em là gì? “Làm lính.”
Quân đội đã dựng chướng ngại vật bằng thép lên trên con đường là ngõ ra của Wonsan. Những người lính trong quân phục màu nâu có thắt băng trên cánh tay kiểm soát ô tô và mỗi một người đi bộ. Tất cả đều cần một giấy thông hành. Không ai trong đất nước này rời một huyện, một tỉnh hay chỉ một khu phố mà không có ai biết.
Nhà nước ở khắp nơi, giám sát và thống trị cuộc sống của người dân, như một người cha.
Trẻ em ba tuổi học bước đều hành quân trong nhà trẻ, thiếu niên tiền phong được chia công việc lao động, đó là những đứa trẻ con mười, mười một tuổi. Đàn ông phải đi lính ít nhất là ba năm, họ dường như hoạt động ở khắp nơi, đổ mồ hôi trong những chiếc áo quân phục màu xanh của họ trên công trường, trong những con hào cạnh đường, trên các quảng trường. Cứ giống như là những chàng trai trẻ tuổi đó dùng cuốc xẻng đào tung cả đất nước lên. Chỉ vì toàn bộ sinh viên trước đó đã được điều động từ trường đại học đi lao động một năm mà thủ đô mới được đánh bóng kịp thời trong tháng 4 nhân các buổi lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Kim Nhật Thành.
Ở Triều Tiên không có cá nhân, chỉ có tập thể.
(Còn tiếp)