Trung thu này là đám cưới của Khánh Vy và Minh Đức, nhà của Đức ở thành phố Vĩnh yên, tỉnh Vĩnh phúc.
Cũng như chuyến đi vào Saigon trong dịp đám cưới Thục Vy, lần này
chúng tôi cũng đi xe lửa cho rẻ tiền và an toàn. Đi xe lửa dễ chịu hơn
đi xe ô tô vì được đi lại trên tàu, được ngồi uống trà, ăn cơm và trò
chuyện cùng nhau.
Xe lửa VN vẫn còn rất thô sơ và lạc hậu, toa tàu cũ kỹ như của thời
đệ nhị Thế chiến, phòng vệ sinh bẩn thỉu, người ta xả xuống đường tất cả
cho nên mỗi lần tàu dừng lại là cái mùi xú uế bôc lên ngộp thở. Nhưng
khó chịu nhất là tiếng ồn, khi tàu tăng tốc thì như tiếng máy bay phản
lực bay sát đầu rất kinh khủng, toa tàu thì rung lắc dữ dội, người nào
lần đầu tiên đi tàu không khỏi phải sợ hãi.
Cả nhà tôi có 8 người, để tiết kiệm chúng tôi mang thức ăn theo. Buổi
trưa chúng tôi ăn cơm với thịt xíu, buổi chiều ăn bánh mì chà bông,
khuya thì ăn nhẹ bánh biscuit, hoặc uống sữa.
Chúng tôi hưởng được trọn vẹn cái không khí đầm ấm của một gia đình dù đang ở trên tàu trong một chuyến đi xa.
Một điều nữa đáng chê trách là thức ăn trên tàu không ngon và quá đắt, gấp 2 đến 3 lần bên ngoài. Chính vì vậy mà hành khách phải mang theo mọi thứ từ ổ bánh mì đến chai nước uống như một cách để tiết kiệm và phản ứng lại cách phục vụ bắt bí của tàu.
Một điều nữa đáng chê trách là thức ăn trên tàu không ngon và quá đắt, gấp 2 đến 3 lần bên ngoài. Chính vì vậy mà hành khách phải mang theo mọi thứ từ ổ bánh mì đến chai nước uống như một cách để tiết kiệm và phản ứng lại cách phục vụ bắt bí của tàu.
Sinh hoạt trên tàu sẽ vui hơn nếu giá cả hợp lý, và nhân viên phục vụ trên tàu cũng bớt buồn tẻ vì ế hàng, gần như bị tẩy chay.
Cơm trưa vừa xong thì tàu bắt đầu vượt đèo Hải vân. Chúng tôi tập
trung bên ô cửa để ngắm cảnh trời nước và mây núi Hải vân, qua tấm lưới
sắt nên cũng bớt đi nhiều sự thích thú.
Đã nhiều lần tôi qua Hải vân nhưng tôi không thể cưỡng được sự cuốn
hút của vẽ đẹp hùng vĩ nơi đây. Ngồi trong tàu nhìn xuống dưới kia là
biển và vực sâu, cây cối um tùm và những dòng suối nhỏ róc rách chảy
giữa hai bờ lau lách. Bãi biển vắng lặng với những tảng đá to nằm chơ vơ
bên bờ sóng vỗ không một bóng dáng du khách vãng lai và đối diện là
vách núi cao sừng sững với những bờ đá chênh vênh tạo nên cảm giác hụt
hẩng làm lạnh sống lưng, nhưng cảnh sắc nơi đây làm người ta vừa sợ vừa
đam mê.
Tàu đã đổ dốc về hướng Thừa thiên, bỏ lại Hải vân phía sau với một
chút nuối tiếc. Từ đây cảnh sắc hai bên đường đều đều tẻ nhạt.
Đi qua những làng mạc những cánh đồng hiu quạnh, trời đã về chiều,
một cơn mưa nhỏ làm đất trời âm u, nhìn những con cò co ro từng bước
chậm tìm mồi trên ruộng nước mênh mông trong lòng dâng lên một nỗi buồn
mà chỉ có những ai đã từng trải qua sự nghèo đói rách nát của đất nước
mới cảm nhận được. Mùa đông của những năm 70, 80, 90 của thế kỷ trước
vẫn còn ám ảnh đến bây giờ, sự ám ảnh đó vẫn còn là hiện thực đó đây
trên xứ sở này sau mấy thập niên “đổi mới”.
Một buổi tối trên tàu vui vẻ cũng qua dần khi đêm đã về khuya, cơn
buồn ngủ làm nhiều người nằm co ro trên ghế, dưới gầm và cả đường đi.
Chúng tôi chế một ấm trà ngon và mang ra bánh ngọt, sữa vừa ăn vừa nói chuyện cho qua đêm….hết ấm trà này đến ấm trà khác.
5 giờ sáng tàu đến ga Hà Nội, tôi bước xuống sân ga với cảm giác bồng bềnh chơi vơi của một người sau một đêm không chợp mắt.
6 giờ sáng chúng tôi sang tàu đi Vĩnh yên.
Chuyến tàu đi Vĩnh yên sạch sẽ và thoáng người hơn tàu Bắc- nam.
Tàu chạy chậm nên tôi có cơ hội nhìn kỹ cảnh sắc trên đường, tàu chạy
qua một cánh đồng rộng mênh mông và phì nhiêu với những ruộng lúa vàng
rực, tôi nhận thấy người nông dân ở đây canh tác có vẻ khoa học và
chuyên nghiệp hơn người nông dân Quảng Nam.
Tôi ngồi đối diện với một cô gái trẻ độ tuổi đôi muơi, cô ta ăn mai
và mời tôi ăn cùng. Tôi cám ơn cô với một thoáng vui chợt đi qua trong
tâm hồn mệt mỏi.
Con gái đất Bắc đẹp dịu dàng và tinh tế biết ăn nói thưa gởi lễ độ với người lớn tuổi.
8 giờ sáng chúng tôi đến Vĩnh yên, từ ga Vĩnh yên đi hết 20 ngàn đồng
taxi là đến nhà Đức. Chúng tôi được chào đón rất thân tình, tôi có cảm
giác như ở nhà mình. Nhà của Đức khá đông người, 3 anh trai của Đức đã
có gia đình và đã có con, cùng ở chung một nhà. Khác với nhà tôi buồn tẻ
vì toàn người lớn, nhà của Đức rộn ràng tiếng trẻ con chơi đùa. Bố mẹ
Đức ngoài công việc buôn bán họ còn trông nom 5 đứa cháu nội, họ chẳng
bao giờ buồn vì chung quanh họ là 5 thiên thần bé nhỏ.
Tôi rất ấn tượng khi buổi cơm trưa hôm đó vừa xong, người lớn đang
uống trà, một cháu bé trai sà vào lòng ông Hải ( bố của Đức) lát sau
cháu hỏi rất tự nhiên:
– Các ông ăn có ngon không?
Tôi và mấy ông anh nhìn nhau cười vừa ngạc nhiên vừa thích thú:
–Cám ơn cháu, cháu ngoan lắm.
Buổi tối trước ngày Lễ cưới chính thức tổ chức các cụ bà trong làng
trong họ đến chúc mừng gia đình và đôi bạn trẻ, các cụ ngồi ăn trầu và
hát quan họ đến 10 giờ tối mới về.
Tôi nhận thấy các cụ bà đất Bắc coi việc ăn trầu không đơn giản là
một thói quen như hút thuốc của các cụ ông mà nó là một nghi thức có
phần thiên liêng, họ mời nhau miếng trầu với tâm thức trân quý.
Dù sống trong chế độ CS rất lâu nhưng người đất Bắc vẫn giữ được cái
nền nếp và lối sinh hoạt của ông cha truyền lại, thế mới biết cái chiều
sâu của nền văn hóa Việt không dễ gì mai một.
Đám cưới của Khánh Vy và Minh Đức không hoành tráng nhưng trang trọng
và thân tình. Sau khi tiệc tan mọi người vẫn còn ở lại để hát karaoke
đến khuya mới nghỉ.
Tôi ngủ một giấc ngon với cảm giác bình yên và mãn nguyện.
Sáng hôm sau chúng tôi tổ chức chuyến du lịch lên vùng núi Tam Đảo.
Từ Vĩnh yên đi Tam đảo chỉ 24 km, con đường nhựa không lớn nhưng rất
tốt và chạy trong một không gian đẹp như tranh, một bên là rừng thông
cao vút, một bên là thung lũng sâu với mây mù lúc tan lúc hiện lúc dày
đặc lúc mỏng manh như sương sớm mùa xuân.
Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là một nhà thờ Công giáo do người
Pháp xây dựng đã hơn trăm năm, nhà thờ đẹp và hoành tráng tựa lưng vào
vách núi trong một vùng xanh của mây ngàn và sắc lá.
Nhà thờ đóng cửa không một bóng người, không hoang phế nhưng lạnh lẽo, chỉ còn là một điểm dừng chân cho du khách thưởng ngoạn.
Chụp một vài tấm hình kỷ niệm với anh thợ chụp hình kiêm hướng dẫn
viên du lịch tự nguyện. Anh ta thuyết trình và cho chúng tôi xem những
bức hình của nhà thờ và cả vùng núi Tam đảo này vào những năm 1930, 1940
của thế kỷ 20. Theo lời anh Tam đảo trước đây có đến 280 ngôi biệt thự
của người Pháp xây dựng theo kiến trúc phương Tây, nhưng đã bị triệt phá
hoàn toàn trong thời chiến tranh chống Pháp vì chính sách tiêu thổ
kháng chiến của Việt Minh. Đa số những biệt thự và khách sạn hiện nay
xây trên nền móng cũ, vẫn còn khá nhiều nền nhà củ cỏ mọc um tùm, Tam
đảo còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Chúng tôi tiếp tục đi lên đến tận đỉnh của Tam đảo, ngồi dưới những
tán cây cao và mát rượi ven đường nhìn toàn cảnh Tam đảo đẹp rực rỡ
trong ánh nắng trưa . Tôi tựa vào balcon cho vững, nhìn xuống vực sâu
hun hút và chập chùng mây, thấy mình nhỏ bé và chơi vơi.
Ở đây trời đất giao hòa, nắng thu dịu dàng mơn trớn vuốt ve trên da
thịt, không khí mát và trong như được lọc từ những tầng trời cao rót
xuống. Chung quanh yên tĩnh không một tiếng chim, nguyên khí đất trời
ngưng đọng trên từng đọt lá, tích tụ trong từng hơi sương.
Đường phố Tam đảo sạch sẽ, lên cao xuống thấp, nhấp nhô uốn lượn, đẹp
và thơ mộng qua từng góc đường, góc phố, từng vách đá từng hẻm sâu. Đẹp
với những ngôi biệt thự khách sạn nhà hàng nhỏ nhắn xinh xinh.
Tam đảo tạo cho du khách cảm giác mình đang ở một xứ sở thần tiên
trong cổ tích, còn với tôi, tôi thấy nơi đây thân thuộc đến khó hiểu dù
mới đến một lần, ước gì đất nước thái hòa, tự do tôi sẽ ở lại đây đến
suốt đời, mặc cho cuộc đời dưới kia phồn hoa.
Theo hướng dẫn của anh thợ chụp hình chúng tôi xuống chơi thác Bạc.
Đường dẫn xuống thác Bạc đâu chừng 300 bậc đá, những bậc đá chạy dưới
vòm cây và bên vách núi, dọc đường có nhiều quán ăn nhà nghỉ với lời
mời chào rôm rả ân cần.
Thác bạc là ngọn thác nhỏ và không cao lắm chỉ độ 20m, dòng nước
trong vắt và mát lạnh như từ trong chiếc tủ lạnh khổng lồ của trời đất
chảy ra.
15 phút ở thác Bạc với vài tấm hình lưu niệm rồi chúng tôi đi lên.
Vào một quán ven đường để nghỉ và ăn trưa. Chúng tôi uống trà và nói
chuyện trong khi chờ cô chủ quán nấu cho một nồi cơm với mấy đĩa su su
luộc và xào.
Nhìn ra xa là thung lũng mờ sương có cảm giác như ngồi trong một chiếc lồng cheo leo bên vách núi.
Dù luyến tiếc cũng phải rời Tam đảo.
Con đường đi xuống thênh thang vì vắng người, xe lướt nhẹ giữa rừng
thông bạt ngàn vượt qua những vách đá dựng đứng những hẻm núi thẳm xanh,
bỏ lại Tam đảo phía sau với ước mơ một ngày trở lại.
Chúng tôi ghé qua Tây thiên (một thắng cảnh của Vĩnh phúc) nhưng
không còn nhiều thời gian, cả đoàn quyết định đi một đoạn đường mà trước
đây du khách vẫn đi để lên đỉnh Tây thiên, nhưng từ ngày có cáp treo du
khách không dùng con đường này nữa. Hàng quán, nhà nghỉ dọc đường giờ
đây hoang vắng tiêu điều, chúng tôi là những du khách đơn độc trên con
đường này, chung quanh chỉ có núi rừng , thỉnh thoảng chúng tôi đứng
trước một cơ ngơi của ai đó với vườn cây ăn trái, nhà cửa khang trang
nhưng vắng vẻ.
Con đường chạy dọc theo bờ suối, lòng suối gập ghềnh những tảng đá to
đá nhỏ. Con đường này trước đây chắc là vui lắm, những cơ sở phục vụ
cho du khách vẫn còn nguyên vẹn và khá tốt nhưng giờ đây không biết dùng
để làm gì, tôi chia sẻ sự bùi ngùi nuối tiếc với những chủ nhân của
những dịch vụ nơi đây.
Đến một hồ nước nhân tạo trong vắt, Hiếu và Lễ cởi đồ ra tắm, chúng
tôi chụp một vài tấm hình ghi lại khoảnh khắc này và quyết định trở về
trước khi trời tối.
Một chuyến đi tuyệt vời.
Sáng hôm sau tôi và hai ông anh được bố của Đức đưa đi thăm họ hàng và dự một buổi tiệc nhỏ trước khi trở về Quảng nam.
Gọi là bữa tiệc nhỏ nhưng khá thịnh soạn, bà cô của Đức đặt nhà hàng
nấu hai con gà chọi với đủ món rất ngon. Món gà nấu thật khéo rất hấp
dẫn.
Mọi người hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc và con cái, chúng tôi
nói chuyện về thời cuộc đang diễn ra, về hội nghị trung ương 6, về lãnh
vực ngân hàng. Nhiều người ở đây thông thạo về tình hình nội bộ của chế
độ này hơn tôi. Câu chuyện chuyển hướng khi một ông bác của Đức hỏi
chúng tôi.
–Tôi hỏi các ông chuyện này nhé, chứ hồi còn Mỹ ngụy họ có bắt bớ
đánh đập, bắn giết mình không, có để cho mình làm ăn không? Tôi nghe nói
dân mình trong đó khổ lắm đi làm cũng có cảnh sát theo giữ, đang nói
chuyện sinh hoạt trong nhà chúng nó xông vào đánh đập bắn giết bừa bãi,
thế gia đình các ông sống làm sao được?
Chúng tôi thật sự kinh ngạc vì câu hỏi này, anh Minh của tôi chồm
người ra khỏi ghế vì bị kích động tôi giữ anh lại và từ tốn trả lời ông:
–Hồi chế độ Việt Nam cộng hòa chúng tôi sống rất sung sướng, xã hội
văn minh có luật pháp, có dân chủ và quyền tự do công dân. Cảnh sát nếu
muốn vào khám xét nhà phải có lệnh của Tòa, không có chuyện kiểm tra hộ
khẩu, cũng không có hộ khẩu, ai muốn sống ở đâu cũng được, làm gì cũng
được, báo chí tự do, sinh hoạt tôn giáo tự do, hoạt động chính trị cũng
tự do vì chế độ đa đảng, không có một đảng nào toàn quyền lãnh đạo. Đến
mùa bầu cử rất vui, ai ủng hộ đảng nào thì đi vận động cho đảng ấy.
Không có chuyện cảnh sát đánh chết người một cách bừa bãi như ở chế độ
này, tôi chỉ thấy người dân nổi giận đánh cảnh sát chứ không có chuyện
cảnh sát đánh dân. Chúng tôi được chữa bệnh miễn phí, Bác sĩ khám chữa
bệnh chu đáo, không chu đáo cũng không được vì sẽ bị kiện, giới Luật sư
lúc đó quyền lực lớn lắm chứ không phải như bây giờ chỉ là thứ đồ trang
sức rẻ tiền và vô giá trị.
Chúng tôi đi học không mất tiền, không giới hạn tuổi học, một người
có năng lực 13 tuổi vào đại học vẫn được. Đời sống người dân rất cao, từ
những năm 1970 chúng tôi đã xài TV, xe máy, radio casette, tủ lạnh, máy
ảnh, từ Đà Nẵng đi Saigon bằng Boeing 737. Hàng hóa ngoài phố và chợ
chất cao như núi, tôm cá không ăn hết, những thứ bây giờ là đặc sản thì
đối với chúng tôi khi đó chỉ là thức ăn dân dã. Đại đa số dân chúng tôi
không hề mong muốn mấy ông CS vào chiếm Miền nam, từ khi mấy ông CS cầm
quyền chúng tôi như sống trong địa ngục, nên đã có hàng triệu người bỏ
nước ra đi tìm tự do bất chấp rủi ro bắt bớ, chết chóc…. Đến bây giờ thì
có đỡ hơn một chút về vật chất nhưng tự do và dân chủ thì vẫn không có,
mình không được bầu ra người lãnh đạo của đất nước, tham nhũng và lộng
hành là bản chất của chế độ này, nó sẽ tiếp tục hoành hành khi nào chế
độ này tồn tại đừng hy vọng sẽ chống được tham nhũng và lộng hành, vì
các bác cứ đặt câu hỏi ai tham nhũng, ai lộng hành thì sẽ có câu trả
lời…
Hiện nay nước Mỹ đang trong cuộc vận động tranh cử, Việt nam cộng hòa
trước đây cũng có vận động tranh cử như vậy. Còn ở VN bây giờ có vận
động tranh cử không? vì VN đang sống trong chế độ độc tài toàn trị,
người lãnh đạo đất nước do đảng CS quyết định, người dân chỉ việc cúi
đầu làm theo, ai phản đối sẽ bị thủ tiêu, bỏ tù.
Tôi nói một hồi lâu cố gắng để cho họ hiểu được sự thật như thế nào.
Ông bác của Đức ngả người ra ghế: Thế mà họ bảo dân Miền nam khổ lắm
đói lắm, không đủ cơm ăn, áo quần để mặc, ăn cơm bằng gáo dừa, mo cau,
bị bắn giết, bị hãm hiếp, tra tấn, có hỏi mới biết sự thật.
Một người chú của Đức nói : Giải phóng Miền nam là sai lầm, nếu Miền
nam giải phóng miền bắc thì bây giờ mình đã có nhà lầu ô tô.
Trở lại chuyện tham nhũng và lộng hành ông bác của Đức nói:
– Chỉ có chế độ dân chủ đa đảng thì mới hết tham nhũng lộng hành vì họ kiểm soát lẫn nhau.
Câu nói này từ miệng một người nông dân miền bắc làm cho tôi hy vọng,
nhận thức của người dân mình không đến nỗi tệ quá, nếu có cuộc trưng
cầu dân ý thì chúng ta– những người dân chủ– sẽ thắng VC ít nhất là 55/
45 %.
Tôi ghé qua Hà Nội trong một tiếng đồng hồ để chờ tàu, chỉ đủ thời
gian để chụp chung một tấm ảnh với Người buôn gió và một vài câu trao
đổi với vợ chồng Nguyễn lân Thắng.
Dạo một chút trên bờ hồ Gươm, nhìn ngắm Tháp Rùa, đi qua chỗ vườn hoa
Lý Thái Tổ nhớ lại những chủ nhật hào hùng trong không khí chống Trung
cộng xâm lược, hình dung những con người chưa một lần gặp nhưng rất thân
thương.
Giã từ Hà nội, giã từ đất Bắc trong đêm lòng man mác buồn.
© Huỳnh Ngọc Tuấn
© Huỳnh Ngọc Tuấn
© Đàn Chim Việt