Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Khi bà Bộ trưởng nhắc lại chuyện góp vàng cho Chính phủ

Đào Tuấn
Hơn 60 năm sau “tuần lễ vàng 1945”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn QH nhắc lại chuyện “gia đình dòng họ tôi góp vàng cho Chính phủ” từ những ngày đầu lập quốc
2 năm trước, một bức ảnh do nhà sử học lừng danh Dương Trung Quốc sưu tầm được ở Pháp về “tuần lễ vàng 1945” đã gây ra sự xúc động trong dư luận. Đó là một bức ảnh chụp cảnh người dân đi đóng góp tiền, vàng cho quốc gia “đông như hội”. Sau ngày độc lập, ngân khố quốc gia bấy giờ chỉ còn lại 1,2 triệu đồng Đông Dương. Và trong thư gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới “sự hy sinh”. Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương cũng có thể hy sinh để phụng sự Tổ quốc.

Chỉ trong vòng 7 ngày, đồng bào cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền Đông Dương và 370kg vàng. Quy đổi theo tỷ giá 400 đồng Đông Dương 1 lạng vàng thì tuần lễ vàng 1945 đã quyên góp được 59.618 lạng vàng, bằng 10 lần số tiền trong nhà băng Đông Dương khi giành lại chính quyền ở thủ đô Hà Nội.
Những nhà sử học sau này, nhìn con số đó để nói về một “kỳ tích”. Nhưng thứ kỳ tích lớn nhất mà sử sách không thể không ghi. Đó là kỳ tích lòng dân. Kỳ tích về sự hy sinh không có giới hạn. Chưa bao giờ người dân sẵn sàng hy sinh đến thế thế. Chưa bao giờ người dân và Chính phủ lại đồng lòng như thế.
Hôm qua, hơn 60 năm sau “tuần lễ vàng 1945”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn QH nhắc lại chuyện “gia đình dòng họ tôi góp vàng cho Chính phủ” từ những ngày đầu lập quốc, để kêu gọi nhân dân, trong phạm trù “cả hệ thống chính trị” cần “vào cuộc” cùng với Chính phủ trong thời buổi khó khăn này, dù bà không nói rõ về sau này “dòng họ, gia đình” có tiếp tục đóng góp vàng cho Chính phủ.
Lời kêu gọi của bà Bộ trưởng không sai. Chỉ có điều, lời kêu gọi đó rơi tõm trong sự im lặng, không một lời hưởng ứng. Cũng giống y như chuyện Thống đốc cam kết giữ hộ vàng cho dân. Cũng rơi tõm vào sự thất bại.
Lý do tất nhiên hoàn toàn không phải là vì dân không còn tiền, còn vàng.
Thực tế, người dân chưa bao giờ đứng “ngoài cuộc” với những khó khăn của quốc gia, của đất nước. Bản thân việc họ hàng ngày vẫn nai lưng ra làm để kiếm miếng ăn cho bản thân, cho gia đình mang lại sự phồn vinh cho xã hội đã là một sự “giúp sức” cùng Chính phủ . Bản thân việc những người dân của một quốc gia thuộc về phạm trù “thế giới thứ ba” đang phải chịu một mức thuế, phí cao gấp 2-3 lần khu vực, không một lời kêu ca, cũng đã đáng coi là một thứ hy sinh. Bản thân những người nông dân vẫn đang loay hoay với chuyện áo cơm để làm nên kỳ tích xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, nhiều nhất thế giới, và cũng rẻ nhất thế giới, dường như cũng không thể gọi khác hơn là cống hiến.
Và họ đã được hưởng những gì để tiếp tục “vào cuộc”!? Và họ còn gì nữa để có thể “chung sức”!?
Có một câu chuyện thú vị liên quan đến “tuần lễ vàng 1945” mà những bức ảnh tư liệu còn lưu lại được. Đó là hình ảnh cựu hoàng Bảo Đại, bấy giờ mang tên công dân Vĩnh Thụy, đứng phát biểu trong buổi đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hôm bế mạc Tuần lễ Vàng. Bức tranh chân dung Hồ chủ tịch, với giá khởi điểm 10.000 đồng Đông Dương (khoảng 25 lạng vàng) đã được mua với giá 100.000 đồng Đông Dương. Và người mua là phu nhân nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Mở ngoặc đơn, ông bà Bô cũng là những người đóng góp nhiều nhất cho Chính phủ: Hơn 5.000 lượng vàng.
Năm 2003, sau đúng nửa thế kỷ, sau đủ sự can thiệp của 4,5 đời các vị nguyên thủ quốc gia, bà Bô mới đòi được lại căn nhà từng cho nhà nước mượn.
Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ còn có một tuần lễ vàng. Và ngoài bức chân dung ông Cụ 60 năm trước, cũng chẳng có một bức chân dung nào được bán đấu giá nữa. Vì đơn giản sẽ chẳng bao giờ có thêm một “niềm tin bà Bô”, dù lòng dân, sau hơn nửa thế kỷ, có lẽ không hề thay đổi.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"