Câu chuyện của hai vị cựu bộ trưởng
Phương Hà
Cố tổng bí thư Lê Duẩn
Có một lần tôi may mắn được ngồi dùng cơm với hai vị cựu bộ trưởng một là tiến sỹ luật học, nguyên là bộ trưởng bộ tư pháp Nguyễn Đình Lộc; hai là kĩ sư lâm nghiệp Phan Xuân Đợt, nguyên là bộ trưởng bộ lâm nghiệp. Ông Lộc lúc ấy không còn đương chức bộ trưởng nhưng còn là đại biểu quốc hội, Ủy viên ủy ban pháp luật Quốc hội khóa 11, còn ông Đợt thì đã nghỉ hưu khá lâu. Tuy tuổi tác hai ông cũng đã thất thập nhưng tửu lượng và trí tuệ còn thật đáng nể. Họ kể chuyện cách đây đã vài chục năm mà tôi nghe như họ đang tường thuật câu chuyện vừa xảy ra hôm qua. Đã có nhiều dịp gặp gỡ ngoài đời nên câu chuyện giữa chúng tôi xoay vòng tự nhiên như tua rượu.
Đang vui, cái máu nghề báo nó lại lên cơn. Vốn xuất thân là công tố viên nhiều năm làm công việc pháp luật mà trước đó xuất thân từ sinh viên khoa Lâm sinh trường đại học lâm nghiệp, nay lại được hầu chuyện với vị đứng đầu pháp luật của Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam. Nhớ đến những thắc mắc mà lâu không có câu trả lời thỏa đáng, những điều mà không được ghi chép trong nghị quyết, sách vở, tôi hỏi ông Lộc: sao hồi đó nước ta có giai đoạn không có trường dạy luật, không có trò học luật? Tôi nói với ông Lộc: Ngay đến giai đoạn đầu thập niên 70 khi chúng tôi được vào học trường cán bộ kiểm sát Trung ương thì ngành Tòa án cũng chỉ có trường cán bộ tư pháp hệ trung cấp. Chương trình hết sức nghèo nàn. Thày giáo, giáo trình, chuyên môn pháp luật quá ít bên cạnh đó là chương trình chính trị “hoành tráng”, chúng tôi còn thuộc lòng cả tác phẩm “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng” của Tổng bí thư Lê Duẩn coi đó như sách gối đầu giường là kim chỉ nam để hành động cho cả cuộc đời.Những khái niệm tù mù như quyền làm chủ tập thể đến giờ cũng còn nuốt chưa trôi. Ông nhà thơ Nguyễn Duy đã có lần phán trong thơ ông là “khái niệm bắn ra không biết lối thu về”.
Ông Lộc lặng người đi trong giây lát. Với giọng Nghệ trầm ấm nặng trĩu, ông nói: Anh đã được Tổng bí thư ngày đó huấn thị, không chỉ cho anh mà cho Trung ương lúc đó, là: “Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước do dân và vì dân chứ không phải là nhà nước tư bản của giai cấp tư sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng ta là nhà nước XHCN chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ”.
Đến đây ông tự dưng ngừng lại rồi nhìn sang Ông Đợt rồi nói: chú hỏi xem ông bộ trưởng bộ “phá rừng” xem lý do gì mà phá rừng nhanh thế. Ông Đợt nhìn chúng tôi rồi nói: “Tôi Phá rừng cũng như Ông Lộc phá luật. Năm 1979 nước ta không đủ gạo nuôi dân. Họp Trung ương ông Ba Duẩn chỉ thị bộ Lâm nghiệp phải có kể hoạch khai thác 6 triệu mét khối gỗ để xuất khẩu lấy tiền mua gạo cứu đói cho dân. Tôi nhớ hồi đó Họp chính phủ xong anh Võ nguyên Giáp gọi điện cho tôi. Anh nó: “Cậu mà làm theo chỉ đạo thì lịch sử và nhân dân sẽ không tha thứ cho cậu nhưng cậu mà trái ý tổng bí thư thì có thể mất chức bộ trưởng đấy”.
Đêm đó không ngủ được nghĩ mãi mới tìm được kế hoãn binh, mình báo cáo Tổng bí thư sẽ cho anh em khoa học nghiên cứu triển khai chỉ đạo đánh giá lại trữ lượng gỗ rừng Việt Nam rồi lên kế hoach khai thác. Năm đó chúng ta thực hiện khai thác chưa đầy 700 ngàn mét khối gỗ mà rừng đã cạn kiệt… Ông Đợt thở dài nhắc lại lời đồng chí Tổng bí thư kính mến huấn thị: “Chúng ta cứ việc khai thác rừng nay mai đến thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa việc trồng rừng dễ như trở bàn tay. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, họ trồng rừng chỉ trong mấy năm mà cây to như thế này này…”.
Câu chuyện của hai ông làm tôi nhớ đến câu thơ tiên tri của Nguyễn Trãi: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật. Anh hùng di hận kỉ thiên niên”. (Họa phúc không đến trong một ngày, anh hùng để hận đến nghìn năm)
Cây vốn có cội, nước vốn có nguồn đấy chính là qui luật nhân quả mà ai cũng thuộc lòng.
Tác giả gửi cho Quê choa