Người Buôn Gió
Nuôi án thường có trong các vụ án hình sự. Người ta muốn có
chiến công, thành tích nên khi phát hiện những đối tượng có manh nha
phạm tội thì họ lặng lẽ theo dõi. Không bắt bớ, ngăn chặn ngay. Thậm chí
họ còn cài đặc tình vào thúc đẩy việc phạm tội lớn hơn. Nuôi án hay có
trong các vụ như mại dâm, buôn ma tuý, cờ bạc, buôn lậu,...đặc điểm của
những "án nuôi" là có tổ chức, có sự phát triển theo thời gian.
Nhiều đối tượng bán lẻ ma tuý, chứa cờ bạc, cầm lô đề, cho vay lãi,
bảo kê hoành hành được thời gian. Nghĩ mình lo lót hết, nhưng một ngày
đẹp trời bỗng nhiên bị thộp cổ. Bọn nhỏ thì nhiều vô kể, còn bọn lớn thì
như Khánh Trắng, Năm Cam.
Thật ra về số má giang hồ về đao búa, cái thang tính điểm của anh chị
giang hồ thì cả Năm Cam, Khánh Trắng đều không có. Nhưng do được che
chở của thế lực nào đó, từ một người đạp xích lô trở thành tay anh chị
trùm bến bãi, lúc có vị trí rồi thì lúc đó không muốn thì cũng không thể
làm ngơ nếu bị kẻ khác xúc phạm. Có lẽ Khánh Trắng chết một phần là do
hắn, còn phần nữa là những kẻ đã dựng hắn lên. Nói thế mới chính xác.
Cuộc đời Khánh Trắng nếu không một ngày gặp một vị đỡ đầu, thì giờ đây
theo đà cuộc sống từ đạp xích lô, vợ bán hoa quả cứ chăm chỉ làm ăn.
Khánh Trắng đã ngồi an nhàn uống bia hơi đầu Ô Quan Chưởng, vất xe tải
cho một gã lái thuê nào đó. Chỉ việc điều hành chở hàng. Còn bà vợ thì
ngồi một sạp hàng hoa quả chỉ đạo vài cô gái trẻ giúp việc cân đo, bó
buộc hàng cho khách. Cuộc sống tương đối khá giả, bình bình. Sự thật thì
nhiều anh chị ngang hàng Khánh Trắng thậm chí còn số má hơn lúc mà
Khánh Trắng đạp xích lô giờ đây đã có cuộc sống như thế.
Thôi thì cứ gọi cho là số phận. Nhưng hẳn Năm Cam, Khánh Trắng ở suối
vàng còn ôm khối hờn cả cục với những kẻ đã một thời bao che cho họ.
Nói gì thì nói, nuôi án không phải là việc chính đáng, thậm chí đó
còn là đồng loã, tiếp tay cho tội ác. Người có trách nhiệm khi thấy mầm
mống của tội phạm thì phải răn đe, giáo dục, ngăn chặn từ đầu. Nhưng
công việc đó tương đối là thầm lặng, hiệu quả thì không rõ ràng. Chẳng
ai có thể có chứng cứ để báo cáo thành tích rằng tôi đã ngăn chặn một ổ
cờ bạc, ổ chứa mại dâm bằng cách khuyên bảo, giáo dục, ngăn ngừa ngay từ
khi tên chủ quán mới định bán bia lắp đèn mờ, có xây phòng kín...Bởi
chỉ có một xã hội mà người ta theo tiêu chí khác, con người ở đó khác
thì họ mới cầm đồng lương và cố gắng làm những việc ngăn chặn cái xấu
khi nó chưa xảy ra.
Còn ở đây, thành tích phải bằng số ma tuý cân được, số tiền cờ bạc
thu được, số người bị giết...thành tích được miêu tả đầy hào hứng về con
số, con số càng lớn thì thành tích của những người chỉ huy chiến dịch,
bắt bớ, điều tra lại càng lớn.
Một đất nước thành tích thể thao năm sau cao hơn năm trước, chỉ số
kinh tế năm sau cao hơn năm trước là điều rất đáng mừng. Nói nôm na là
nếu anh năm nay mua sắm 10 đồng, năm sau 20 đồng thì là điều rất đáng
mừng.
Nhưng thành tích bắt tội phạm thì không tương tự như thế nếu chúng ta
biết suy nghĩ. Chả lẽ chúng ta hào hứng vì cảnh sát tháng trước bắt 20
bánh ma tuý, tháng sau chiến công rực rỡ hơn là bắt được 40 bánh. Rồi
vài năm sau lại thấy khen thưởng rầm rộ vì phá vụ án có 100 bánh heroin.
Bạn thấy sắp có cuộc đánh nhau, hai người hàng xóm chửi nhau theo
tiến độ căng hơn, theo kinh nghiệm bạn thấy họ sắp vác dao đến nơi. Bạn
gọi điện lên công an phường báo tin. Một lúc sau họ xuống thì sự đã rồi,
họ lập biên bản, lấy nhân chứng, bắt bớ, lấy cung. Có người đã trách
công an là lúc đó xuống luôn thì không nên chuyện. Anh công an chân tình
nhăn nhó trình bày, khổ lắm nhưng mà việc nó chưa xảy ra thì làm sao mà
xuống được!!!
Nói về băng nhóm tội phạm như thời Khánh Trắng, Năm Cam, Dung Hà thì
chuyện giết người so với bây giờ còn kém xa. Các băng nhóm thời đó vào
cảnh mà họ cho là không thể chấp nhận, cân nhắc kỹ mới quyết định thanh
toán đối thủ. Chứ còn bây giờ năm ba cậu thanh niên làm bóng, cho vay
lãi, cầm đồ hứng lên là vác súng, dao truy sát. Thậm chí chả phải chuyện
làm ăn, mà chỉ ở trong quán bar, quán phở dẫm chân lên nhau, nhìn đểu
nhau là có thể vác súng bắn vỡ đầu nhau luôn.
Mấy lần nghe thấy cán bộ lãnh đạo công an nói rằng thiếu nhân lực.
Mặc dù năm sau nhiều hơn năm trước. Lập thêm đội dân phòng, đội trật tự
tự quản, xung kích, dân quân tự vệ để hỗ trợ công an. Dường như vẫn chưa
đủ để lực lượng này đảm bảo số lượng duy trì an ninh, trật tự.
Tội phạm gia tăng dẫn đến tăng cường quân số, trang bị, vũ khí...một
cái vòng tương tác cứ như thế kéo dài. Nếu người ta không chú ý đến giáo
dục, thậm chí còn có ý đồ nuôi án để lấy thành tích. Thì đương nhiên
cái vòng luẩn quẩn đó còn phải nói đến nhiều.
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên
Những chuyện về tội phạm hình sự như thế này không kể thì ai cũng
biết. Sở dĩ hôm nay kể vì gặp chuyện bất ngờ. Thường chỉ gặp nuôi án
trong các vụ kinh tế, cờ bạc, cưỡng đoạt (bảo kê bến bãi, nhà hàng), mại
dâm...chứ ở những vụ như an ninh chính trị thì không bao giờ có.
Thế nhưng mới đây nghe chuyện một cô bé sinh viên bị bắt, đồn rằng
người ta phát hiện từ nhiều tháng trước, cài đặc tình vào theo dõi, rồi
để đến khi truyền đơn tung ra họ mới bắt.
Không tranh luận chuyện cô bé có tội hay không có tội, vì đó sẽ là
cuộc tranh luận còn diễn ra dài dài đến khi nào cô ấy được thả. Về quan
điểm của tôi tất nhiên là cô bé không có tội, nói vậy để các bạn khỏi
tranh luận về cô bé có tội hay không. Chuyện ấy sẽ tranh luận ở phần
khác. Phần ở đây là chuyện nuôi án cơ.
Về phần những người bắt cô gái thì họ sẽ khẳng định cô bé có tội, bởi
thế họ theo dõi từ lâu, cài người để nắm bắt, thậm chí có thể là tác
động để cô và các bạn tiến hành hoạt động mà họ nghĩ là đủ chứng cứ để
bắt. Vậy là nuôi án đấy.
Đến án chính trị, an ninh quốc gia mà còn nuôi án nữa. Thì thực sự
một kẻ xuất thân từ dân lưu manh vốn tưởng đã không có gì bất ngờ với
chế độ này, một lần nữa phải kinh ngạc vì hiểu biết của mình vẫn còn non
kém quá.
Một đất nước ổn định về chính trị, cứ tưởng là không có những người
phạm tội chống chế độ, tuyên truyền nói xấu chế độ, âm mưu lật đổ chế độ
cơ. Chứ đã đầy rẫy những người ra toà vì tội như thế rồi mà lại còn
nuôi án cả những tội đó để lấy thành tích nữa thì quá là đáng ngại.
Mong sao chuyện đó không phải là sự thật.