Thanh Tùng
Trong phần (7) của báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình
của Bộ Chính trị, Ban Bí thư – trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung
ương 6 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – trên VTV1 (Đài Truyền hình
Việt Nam) vào tối ngày 15/10/2012, có đoạn nói: “Thành công của Hội
nghị, ngoài sự đóng góp tích cực của các đồng chí Trung ương, các cơ
quan và cán bộ tham mưu, giúp việc, còn có phần đóng góp rất quan trọng
của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước…”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình. Ảnh: TRỌNG PHÚC (Nguồn: phapluattp.vn)
Đọc đến câu: “và nhân dân trong cả nước” bỗng dưng “liêm sỉ” của tôi trỗi dậy thét lên: “Tôi dù có là người ngu dốt nhưng nhất định không cướp công của ai”…
Tôi vẫn rất nhớ, từ thuở còn thơ bé, tôi đã được Ba Mẹ tôi răn dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Thấm nhuần lời dạy – nói cao siêu một chút là “tư tưởng” – của cổ nhân chứ không phải của bậc thánh nhân nào, tôi đã giữ được mình “trong sạch”,
chí ít là cho đến thời điểm hiện tại, trừ một vài lần hái trộm táo, ổi
của người hàng xóm theo kiểu a dua con nít. Chính vì thế, khi nghe Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 6
trên VTV1 vào tối ngày 15/10/2012, có đoạn nói: “…Thành công của Hội
nghị, ngoài sự đóng góp tích cực của các đồng chí Trung ương, các cơ
quan và cán bộ tham mưu, giúp việc, còn có phần đóng góp rất quan trọng
của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước…”, tôi chỉ thừa nhận Tổng bí thư nói đúng là: “…có
sự đóng góp tích cực của các đồng chí Trung ương, các cơ quan và cán bộ
tham mưu, giúp việc, còn có phần đóng góp rất quan trọng của cán bộ,
đảng viên…”. Còn phần “…và nhân dân trong cả nước” – với “Nhân Dân” khác thì tôi không biết, nhưng riêng tôi thì tôi thú nhận là tôi chưa hề đóng góp gì vào “sự thành công” của Đại hội Trung ương 6 nói riêng và chính sách của Đảng và Nhà nước, nói chung.
Nói chưa hề đóng góp không có nghĩa là tôi không muốn đóng góp và thiếu trách nhiệm công dân, mà chỉ là do tôi “tài hèn, sức mọn”, mà nói thẳng tuột ra là tôi ngu dốt nên không biết góp ý thế nào, mặc dù cũng nhận biết được rằng “nhân vô thập toàn”, các tổ chức cũng thế thôi.
Sự ngu dốt của tôi thể hiện ở chỗ: tôi không thể hiểu được Điều 88 Bộ
luật Hình sự 1999 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định
về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ví dụ: khi tôi đọc điểm A, khoản 1, Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999: “Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” – tôi không thể hiểu được “Tuyên truyền xuyên tạc…” là sao! Có phải là chỉ được coi là có tội khi tuyên truyền những thông tin xuyên tạc nhằm phỉ báng chính quyền nhân dân? Nếu “tuyên truyền” những thông tin đúng, chính xác nhằm “xây dựng” chứ không “phỉ báng”… thì có bị quy tội theo điểm A, Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 hay không?
Điểm B nói: “Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”. Cụm từ: “phao tin bịa đặt” thì dễ hiểu rồi: không có nói thành có, nói nôm na là “vu khống, gắp lửa bỏ tay người hay ngậm máu phun người…”. Nhưng còn “luận điệu chiến tranh tâm lý” thì lại trở nên quá trừu tượng đối với cái đầu ngu của tôi.
Thế nào là “luận điệu chiến tranh tâm lý”? Trong khi mày mò,
tìm kiếm khái niệm chiến tranh tâm lý tôi đọc được một bài đăng trên
Tạp chí quốc phòng toàn dân ở trang qđnd.vn ngày 12/06/2009 với tựa đề: “Phương thức và thủ đoạn tiến hành chiến tranh tâm lý trong thời bình của các thế lực thù địch” của tác giả ĐỨC LÊ. Trong bài này có đoạn: “…Bản
chất chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch, dù là trong thời bình
hay thời chiến, không có gì khác, đó là hành động phản cách mạng, phản
nhân loại, đi ngược lại với ước nguyện hòa bình của dân tộc ta và nhân
dân tiến bộ trên thế giới”.
Khi đọc xong cái “bản chất chiên tranh tâm lý” mà tác giả ĐỨC LÊ đưa ra tôi liền reo lên: “A! Đây rồi!”.
Thế là tôi hăm hở đọc lại một số bài viết và trả lời phỏng vấn báo giới
ngoại quốc của TS. Luật học Cù Huy Hà Vũ, xem có chỗ nào mang tính "hành động phản cách mạng, phản nhân loại, đi ngược lại với ước nguyện hòa bình của dân tộc ta và nhân dân tiến bộ trên thế giới”
không. Nhưng không, chí ít là theo nhận thức của tôi, thì tôi không
thấy có chỗ nào có hành động phản cách mạng, phản nhân loại, đi ngược
lại với ước nguyện hòa bình của dân tộc ta và nhân dân tiến bộ trên thế
giới” cả. Ngay cả việc TAND TP. Hà Nội đã kết án TS. Luật học Cù Huy Hà
Vũ với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và các cơ quan tiến hành tố tụng của Hà Nội cũng đã không làm rõ cho tôi hiểu được một cách tường tận khái niệm “tuyên truyền chống Nhà nước…” là như thế nào?
Gần đây nhất, theo Thanhnien Online, ngày 24/9/2012, TAND TP.HCM đã
mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 blogger và tuyên án: Nguyễn Văn Hải (60
tuổi, ngụ quận 3) 12 năm tù, Phan Thanh Hải (43 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) 4
năm tù và Tạ Phong Tần (44 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) 10 năm tù cùng tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Theo cáo trạng, trên blog “Câu lạc bộ nhà báo tự do”
và blog cá nhân, những người này có nhiều bài viết xuyên tạc sự thật,
chống nhà nước Việt Nam. Từ tháng 9.2007 - 10.2010 đã có 421 bài (94 bài
tự viết, 327 bài đăng lại từ những trang web chống phá Nhà nước Việt
Nam) đăng trên blog “Câu lạc bộ nhà báo tự do”, trong đó có 26 bài viết được giám định là có nội dung chống phá nhà nước.
Và điểm C, khoản 1, Điều 88 Bộ luật Hình sự nói: “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đọc khúc đầu: “Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu…” để “áp” cho các Blogger bị xử tù về tội danh này thì thấy quá đúng rồi, nhưng khi đọc khúc sau lại là có nội dung "chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì quả thực tôi đã không thể hiểu?
Các “căn cứ” mà cáo trạng buộc tội các Blogger làm tôi càng cảm thấy
hoang mang. Thực sự là tôi không hề hoang mang vì các bài viết của TS.
Cù Huy Hà Vũ và các Blogger bị buộc tội chống phá nhà nước, mà tôi vô
cùng hoang mang về Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và những bản cáo trạng
buộc tội một cách chung chung, mơ hồ kiểu như: “Có 26 bài viết được giám định là có nội dung chống phá nhà nước”.
26 bài đó là những bài nào, sao không công bố cụ thể kết quả giám
định, đó là chưa kể đến trình độ nghiệp vụ của người giám định về vấn đề
nhạy cảm này. Theo thiển nghĩ của tôi, bất kể là ai vi phạm pháp luật
đều phải nghiêm trị một cách bình đẳng theo pháp luật. Nhưng, khi ra một
phán quyết tước bỏ tạm thời quyền công dân, thậm chí là phải cách ly
vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội của bất kỳ một ai đó thì phải nêu căn cứ
cụ thể và thuyết phục, chứ không thể mù mù, mờ mờ được.
Nói túm lại, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu một cách tường
tận thế nào là một bài viết có nội dung “chống phá nhà nước” để tôi còn
biết đường mà “né” khi viết lách. Vì tôi chẳng bao giờ có ý định chống
ai cả, mà chỉ muốn góp ý thôi. Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình
của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội vào chiều 16/10/2012, phần kết
luận hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mong mỏi cử tri, người dân
cả nước giám sát, góp ý kiến để Đảng, Quốc hội tiếp tục thực hiện tốt
hơn nữa trách nhiệm của mình, nhưng khi cái đầu ngu của tôi vẫn chưa
hiểu được khái niệm: “Tuyên truyền chống Nhà nước…” của Điều 88
Bộ luật Hình sự thì làm sao tôi dám viết bài đóng góp ý kiến để đáp lại
lòng mong mỏi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: người dân cả nước giám
sát, góp ý kiến để Đảng, Quốc hội tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trách
nhiệm của mình?
Vậy thế nào là “tuyên truyền chống phá nhà nước”? Đâu là lằn ranh giữa “tuyên truyền chống phá nhà nước” và “phản biện, góp ý kiến”?
Có lẽ câu hỏi này tôi xin được gửi đến cơ quan có chức năng và nhiệm vụ
giải thích pháp luật là Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời giùm.
Vì chưa bao giờ viết bài góp ý cho Đảng và Nhà nước trong việc điều hành đất nước nên khi Tổng bí thư nói: “…Thành
công của Hội nghị, ngoài sự đóng góp tích cực của các đồng chí Trung
ương, các cơ quan và cán bộ tham mưu, giúp việc, còn có phần đóng góp
rất quan trọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước” bản thân tôi thấy vô cùng xấu hổ. Chính vì biết xấu hổ nên “liêm sỉ” của tôi đã trỗi dậy và thét lên: “Tôi dù có là người ngu dốt nhưng nhất định không cướp công của ai”.
T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN