Đinh Từ Thức
Tham nhũng và lạm quyền tại Việt Nam trầm trọng đến nỗi ngay cả
những người đứng đầu guồng máy cai trị đất nước cũng không thể phủ
nhận. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thừa nhận vấn nạn tham nhũng là “sự thật không thể né tránh” đã từng ví bọn tham nhũng như “một bầy sâu, ăn hết của dân”, và bầy sâu này nằm cả trong thành phần lãnh đạo ở cấp cao.
Mục đích của Hội nghị Trung ương 6, được triệu tập khẩn cấp, là để
chấn chỉnh những sai trái về nhân sự và đường lối của Đảng lãnh đạo.
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị 6, TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết:
“Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật
nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong
công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ,
đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Để giữ nghiêm kỷ luật
trong Đảng, góp phần giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Đảng và
làm gương trong toàn Đảng, Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban
Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ
luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị.”
Nhưng ông TBT còn cho biết tiếp:
“Về việc đề nghị xem xét kỷ luật, Ban Chấp hành Trung ương đã
thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi
đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và
một đồng chí trong Bộ Chính trị.”
Trong cuộc gặp gỡ cử tri tại TP/HCM ngày 17 tháng 10, Chủ tịch Trương Tấn Sang nói:
“Cả Trung ương không ai phản đối [về] cái khuyết điểm của Bộ
Chính trị và cá nhân đồng chí đó. Không ai phản đối. Chúng tôi theo dõi
trong suốt thời gian Hội nghị không ai phản đối cả”. Có nghĩa là khuyết
điểm của Bộ Chính trị và cá nhân “đồng chí đó” là rõ ràng. Nghĩa là
không có ai nêu lý do để bênh vực tập thể Bộ Chính trị và cá nhân một
đồng chí nào đó đã bị quy lỗi. Nói cách khác, lỗi lầm của Bộ Chính trị
và một cá nhân trong tập thể này đã rành rành, không bênh vực được, và
chẳng có ai lên tiếng bênh vực. Ông Trương Tấn Sang còn giải thích thêm
rằng, dù Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị không thi hành kỷ luật,
“Như vậy không có nghĩa là Bộ Chính trị không có lỗi, không phải là cá
nhân đồng chí ‘X’ không có lỗi.”
Đối với dân, có người đã bị phạt tù hàng năm trời, chỉ vì ăn trộm vài
con vịt; có học sinh tiểu học chỉ vì bị nghi lấy tiền của bạn đã bị
cảnh sát bắt tra khảo thập tử nhất sinh; có nhiều người chỉ phạm lỗi
không đội mũ bảo hiểm đã bị bắn què chân, thậm chí bị đánh chết. Nhưng
với các quan trong Đảng, dù tập thể hay cá nhân, phạm lỗi rành rành, đã
tự quyết định tha cho nhau.
Lên tiếng trên đài RFI, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:
“Việc Bộ Chính trị không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung
ương là điều khiến mọi người ngạc nhiên. Đây là điều mà tôi thấy hiện
nay chưa giải thích được, và chưa biết được rằng hệ quả sẽ như thế nào?”
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Đa số trong 175 người thuộc Ban Chấp
hành Trung ương đã bỏ phiếu không thi hành kỷ luật đối với Bộ Chính trị
và một cá nhân trong tập thể này, vì có bao giờ bầy sâu trong vườn tán
thành việc diệt sâu?
Dư luận đã chú ý, khi đọc diễn văn bế mạc hội nghị 6,
TBT Nguyễn Phú Trọng có lúc đã nghẹn ngào, vì thấy điều phải (diệt tham
nhũng) mà không làm được, thấy điều trái (kẻ xấu) mà không loại được,
và muốn làm gương (tự xin chịu kỷ luật) mà không thực hiện được. Thật
ra, ông Trọng vẫn có thể làm được điều có ý nghĩa còn lại mà không ai có
thể ngăn được, là tự xử, là từ chức. Ngoài cá nhân ông Trọng, cả Bộ
Chính trị, đã xin tự chịu kỷ luật mà đàn em không giám quyết định, tại
sao tất cả không từ chức để bầu lại?
Trong cuộc gặp cử tri đã dẫn, ông Sang nói:
“Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo [tham nhũng] là rất
ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước
này sẽ thế nào?“
Các ông đã biết rõ lỗi lầm của “một đồng chí trong Bộ Chính trị”
mà vẫn không dám tố cáo rõ tên và chức vụ; các ông đã thấy rõ một con
sâu lớn và chẳng những không loại được mà còn chịu sống chung với nó.
Vậy hô hào dân tố cáo, các ông có xui dại không? Còn “đất nước này sẽ thế nào?” các ông đã biết quá rõ.
Ông Sang nói thêm: “Người ta có thể trù úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”. Chính Chủ tịch nước còn sợ bị trù úm nên không dám tố cáo đích danh “đồng chí X”, liệu ông có dám từ chức để đứng về phía “cả dân tộc này” không?
Nắm vận mệnh của cả quốc gia dân tộc trong cơn nguy biến mà thấy điều
phải không làm được, thấy điều trái không ngăn được, và thay vì tự xử
cho phải đạo lại chỉ biết nghẹn ngào. Đất nước này sẽ thế nào?
Tuy vậy, vẫn có người cho rằng Hội nghị Trung ương 6 đã thành công
tốt đẹp. Nếu có tốt đẹp là ở chỗ nó làm sự tức giận của người dân tăng
hơn mức mong đợi của “các thế lực thù địch”, và ngày cáo chung của chế
độ cộng sản Việt Nam đến gần hơn.
© 2012 pro&contra