Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Vì sao những chính quyền bị tê liệt?

Michael Spence & David Brady
L.V. chuyển ngữ

Nền kinh tế toàn cầu đang bị khốn đốn không còn là điều bí mật. Châu Âu đang ở giữa một cơn khủng hoảng với nguyên nhân bắt nguồn từ sai lầm trong cơ cấu của quá trình thống nhất kinh tế và tài chính. Hoa Kỳ, chậm rãi đi lên từ một cơn khủng hoảng tài chính và hiện tượng hạ đòn bẩy lan tràn, hiện đang trải qua một quá trình tăng trưởng chậm, một vấn nạn thất nghiệp dai dẳng và một chuyển đổi nghiêm trọng trong phân bố thu nhập cũng như những thử thách về cơ chế với quyết định về chính sách thiếu hiệu quả và dứt khoát.
Trong khi đó, trong những nền kinh tế lớn đang lên, quá trình cách tân của Trung Quốc đang chững lại, đợi chờ việc thay đổi hàng ngũ lãnh đạo trong mùa thu này, vốn sẽ làm sáng tỏ hơn những mục tiêu lợi ích nội bộ cũng như quan hệ quyền lực. Ấn Độ, vốn đã đánh mất đà tiến cải cách, hiện đang trải qua một thời kỳ trì hoãn kinh tế và có tiềm năng suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư.
Những ảnh hưởng tiêu cực của các khó khăn này hiện đang tương tác, bổ sung cho nhau và lan tràn lên toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Tuy thế, bất chấp mối quan ngại rõ ràng là sự tình đang diễn ra vô cùng sai lạc, việc chẩn đoán cho một thay đổi quan trọng vẫn quá ảm đạm và ngày càng xấu đi.

Nguyên nhân nào dẫn đến việc thiếu vắng rõ rệt những quyết định hữu hiệu về chính sách trên một bình diện rộng lớn bao gồm các quốc gia và khu vực như thế?
Có quan điểm qui lỗi cho một “lỗ hổng lãnh đạo” - một chẩn đoán thường thấy tại châu Âu. Tại những nơi khác - đặc biệt là Hoa Kỳ - nền chính trị đầy chia rẽ mang tính được ăn cả ngã về không được cho là nguyên nhân cản trở những tiềm năng lãnh đạo chính trị có hiệu quả.
Nhưng, vì thiếu vắng sự phân tích sâu rộng hơn, nguyên nhân lỗ hổng lãnh đạo trở thành một lời giải thích mang tính đổ đồng. Điều chúng ta cần biết là tại sao những thành phần lãnh đạo mới tại các quốc gia dân chủ như Pháp, Anh, Nhật và Hoa Kỳ đã không đưa ra được thay đổi nhỏ nào.
Một giải thích thứ hai nhằm trả lời cho câu hỏi ấy là: Trong khi cần có những hành động cứng rắn, tính phức tạp của những điều kiện kinh tế, và sự thiếu nhất trí về biện pháp chính trị đúng đắn nào cần có, cho thấy một rủi ro từ một sai lầm nghiêm trọng. Đối với những nhà chính trị và cầm quyền chuyên nghiệp trong những hoàn cảnh này, làm ít có thể là nhiều. Trên quan điểm này, tâm lý ngại mạo hiểm vừa phản ảnh lại vừa củng cố sự khác biệt giữa những động cơ cá nhân (lòng mong muốn được tái đắc cử, tái bổ nhiệm, hoặc được thăng tiến), và những nhu cầu chung (khắc phục các khó khăn).
Câu trả lời thứ ba là các công cụ chính trị thì đơn giản là không hữu hiệu trong điều kiện hiện tại. Giải thích này cũng có một số giá trị. Việc hạ đòn bẩy kinh tế cần có thời gian. Việc tái lập những mô hình tăng trưởng lâu bền cần kéo dài nhiều năm chứ không phải vài tháng. Kết quả trông đợi có thể nằm ngoài nền tảng của thực tế. Nhưng sự thiếu vắng của một giải pháp nhanh chóng không có nghĩa rằng không thể làm được điều gì để tăng cường vận tốc và chất lượng của quá trình phục hồi kinh tế.
Những quyền lợi cố hữu cũng có thể đóng một vai trò trong vấn đề này. Những sức mạnh của phát kiến công nghệ và thị trường toàn cầu đã tạo ra một chuyển đổi quan trọng về thu nhập đến lợi nhuận và thành phần 20% trong nấc thang phân chia thu nhập, thường là với cái giá của thành phần thu nhập hạng trung, thành phần thất nghiệp và giới trẻ. Lợi nhuận của những xu hướng này có thể đã huy động đủ nhiều ảnh hưởng chính trị để giữ nguyên tình trạng hiện tại, làm nổi bật những vấn đề về phân chia thu nhập vốn thường không được lưu ý đến trong việc hiểu rõ những phản ứng về chính sách hoặc sự thiếu vắng của những phản ứng này.
Cũng có những giải thích mang tính cơ cấu đối với việc thiếu vắng chính sách. Hệ thống chính quyền và cơ cấu hiến pháp khác nhau đến mức chúng cần có một mối đồng thuận rộng rãi để có quyết định chính thức, hoặc để thay đổi chiều hướng chính sách khi phản ứng lại những cú sốc hoặc sự chuyển hướng của điều kiện.
Một số cho rằng những hệ thống chính trị bị ràng buộc hơn thì vận hành tốt trong thời điểm ổn định, nhưng lại hoạt động kém dưới điều kiện biến động, tương tự như tình hình đang phổ biến hiện tại. Những người khác ủng hộ chính quyền bị ràng buộc trên cơ sở rằng nó bảo vệ mọi người khỏi những tệ nạn phí phạm, tìm kiếm đặc lợi và can thiệp vào quyền tự do lựa chọn, và điều ấy, khi cần, giới lãnh đạo được hứng khởi có thể gây dựng được sự đồng thuận cần có nhằm giải quyết những hoàn cảnh thay đổi. Những trở ngại lớn trong thay đổi quan trọng về hướng đi của chính sách bắt buộc các quan chức đưa ra phương cách có tính thuyết phục cao.
Điều này vốn đã là một việc làm khó trong thời điểm mà sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu đã làm nhiều người vẫn đang tìm cách hiểu được điều gì đang xảy ra và nó mang ý nghĩa gì đối với sự tăng trưởng, ổn định, sự phân chia thu nhập và công ăn việc làm. Trước một vấn đề phức tạp như thế, không gì ngạc nhiên khi những bất đồng thật sự về chính sách sẽ dẫn đến việc tranh cãi triền miên và tương đối ít hành động.
Hơn nữa, những thành phần kỹ trị trong chính quyền phải thường xuyên được cân bằng với tính trách nhiệm dân chủ. Trong mọi xã hội, các cá nhân được đào tạo đặc biệt và có kinh nghiệm đặc biệt được bổ nhiệm để vận hành những chức năng kỹ thuật phức tạp. Quyền tự do hành động của họ bị ràng buộc bởi thời hạn và những quá trình tái bổ nhiệm vốn sẽ quyết định bản chất và mức độ trách nhiệm của họ đối với các quan chức do dân cử và công chúng. Có thể có quá ít quyền tự do hành động (dân tuý) hoặc quá ít trách nhiệm (chuyên quyền).
Sự quân bình cần thiết này có thể khác nhau tuỳ theo những điều kiện địa phương. Ví du như nhiều nhà quan sát về Trung Quốc tin rằng tính trách nhiệm ở quốc gia này cần được tăng thêm trong giai đoạn hiện tại của cuộc cách mạng kinh tế, xã hội và chính trị. Những người khác cho rằng các nền dân chủ phương Tây lại có khó khăn ngược lại: sự bội thực của những quyền lợi chuyên chính trị đã dẫn đến việc thiếu đầu tư và kém cân bằng giữa những cơ hội và khả năng hiện tại so với tương lai.
Điều này đưa đến cho chúng ta một chướng ngại vật quan trọng: Giới lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp, tài chính và học thuật thì không được tin tưởng. Sự thiếu vắng niềm tin vào giới tinh tuyển có thể tốt trong vài mức độ, nhưng hàng loạt những thăm dò cho thấy rằng nó đang suy giảm nhanh chóng, chắc chắn tăng cường việc người dân miễn cưỡng trao quyền cho chính phủ để lèo lái trong một môi trường kinh tế toàn cầu đầy bấp bênh.
Nạn thiếu vắng lòng tin có thể có nhiều nguyên nhân, bao gồm sự thất bại trong phân tích: những ngân hàng trung ương, giới đầu tư thị trường, các cơ quan đánh giá tín dụng, và những nhà kinh tế đều hầu như đều sai lầm khi dự đoán sự đi lên của mối rủi ro mang tính hệ thống trong những năm trước khi cơn khủng hoảng này xảy ra, nói gì đến việc đưa ra những hành động sửa đổi đúng đắn. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn nữa là sự nghi ngờ rằng giới lãnh đạo đang đặt quyền lợi của mình lên trên những giá trị chung của xã hội.
Những giả thuyết rằng giới lãnh đạo, các cơ quan, các nhà phân tích, hoặc các công cụ chính sách thì đã lạc hậu cho nhiệm vụ hiện thời rõ ràng là có chứa đựng một phần sự thật. Nhưng vấn đề sâu đậm hơn chính là sự tan vỡ của chính những giá trị và mục tiêu - đó là sự suy giảm của chất keo xã hội. Hàn gắn lại nó sẽ cần đến các nhà phân tích, giới lãnh đạo, những người đứng đầu doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự cùng làm sáng tỏ những nguyên nhân, chia xẻ lỗi lầm, theo đuổi những giải pháp uyển chuyển trong đó phí tổn được chia đều và đặc biệt là, giải thích rằng những khó khăn nghiêm trọng thì không thể được giải quyết qua đêm được.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"