Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Từ chuyện định nghĩa đến bằng chứng - điều quan trọng khi ra phán quyết

Phương Bích
Có lần tôi đọc một cuốn truyện nước ngoài tựa đề “Người hay Thú”, kể về một nhóm các nhà khoa học phát hiện ra trong rừng sâu một loài khỉ, có nguồn gốc rất gần với con người. Báo chí rùm beng về phát hiện này. Nhưng chuyện chưa đâu đến đâu thì các nhà khoa học phát hiện một số kẻ bất lương đã bắt lũ khỉ về, nuôi nhốt và huấn luyện thành những lao động không công. Các nhà khoa học rất phẫn nộ, nhưng không có cơ sở pháp lý để kết tội những kẻ bất lương kia.
Để cứu lũ khỉ, một nhà khoa học trẻ trong nhóm đánh liều, chấp nhận cấy tinh trùng của mình cho một con khỉ cái. Khi con khỉ cái sinh nở. nhà khoa học bèn tiêm một liều thuốc độc cho con khỉ sơ sinh, đặt nó vào nôi rồi gọi điện cho bác sĩ, nói rằng anh ta vừa giết chết con mình. Anh ta nói trước khi thú tội với cảnh sát, đề nghị bác sĩ đến chứng tử cho đứa bé.

Khi vị bác sĩ đến khám, ông ta hơi giật mình khi nhìn đứa trẻ trong nôi, nghĩ nếu đứa trẻ còn sống chắc cũng khó trở thành một người bình thường. Ông ta vội vã nghe tim rồi ký giấy chứng thực rằng đứa trẻ đã chết. Sau khi vị bác sĩ ra về, nhà khoa học trẻ gọi điện cho cảnh sát rồi ngồi chờ họ đến còng tay mình.
Tại phiên tòa, nhà khoa học bị kết tội giết người. Tuy nhiên đến lúc này nhà khoa học kia mới lật ngược lại bằng những chứng cớ rằng đứa bé kia không phải là con người. Sau khi vụ việc được xác minh đúng như những lời nhà khoa học khai báo, hội đồng xét xử vô cùng lúng túng. Nếu loài khỉ kia vẫn chỉ là động vật thì nhà khoa học không mắc tội giết người. Khi vị chánh án sốt ruột hỏi bồi thẩm đoàn, rốt cuộc nhà khoa học kia có phạm tội giết người hay không, thì các vị bồi thẩm khổ sở hỏi lại, xin ngài chánh án cho biết định nghĩa thế nào là con người mới có thể quy tội được....
Tôi ko nhớ chi tiết các vị ấy cãi thế nào, rằng con người khác động vật ở chỗ có tín ngưỡng thì phải. Chỉ biết rằng lũ khỉ vẫn là lũ khỉ và nhà khoa học kia vô tội. Theo luật thì không được phép ngược đãi động vật. Rốt cuộc, lũ khỉ được giải thoát và được đưa trở về rừng già.
Câu chuyện thật hay giả không quan trọng, nhưng cái logic nó rất hay. Có những chuyện bình thường không ai để ý, nhưng khi để kết tội thì lại rất cần đến một định nghĩa rõ ràng, ngay từ cái định nghĩa tưởng như đơn giản - con người là gì?
Đến cái khái niệm đơn giản con người là gì còn khó, huống hồ một mớ chữ nghĩa hết sức mù mờ, mơ hồ trong cái quyết định xử phạt hành chính của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (Sở 4T), được đưa ra để làm căn cứ xử phạt blogger Nguyễn Xuân Diện, bảo là lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân, để cung cấp thông tin gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội. Nghe mà thấy tối mù mù.
Kỳ lạ thật! Trong xã hội đầy những việc người thật việc thật sờ sờ ra đó, trong những vụ khiếu kiện kéo dài hết năm này qua năm khác mà các ngành các cấp vẫn cứ bảo không có cơ sở để giải quyết?
Ngược lại mới đây đài truyền hình Hà Nội đã đưa tin về những người biểu tình chống Trung Quốc, bảo là họ gây mất trật tự công cộng. Theo định nghĩa thì người ta hiểu là đài phát thanh thì đưa tin bằng tiếng nói, còn đài truyền hình là đưa tin bằng hình ảnh trực tiếp, thế nên mới cần máy quay chứ. Đài tiếng nói với đài truyền hình nó khác nhau ở chỗ đó.
Ai cũng biết họ có cả rừng máy quay. Nhất cử nhất động từ lời nói đến hành vi của những người này họ ghi được hết. Vậy mà đến khi đưa tin lại tịch chả thấy bóng một ai trong số họ, cho thấy họ nói những gì, làm những gì để cho bàn dân thiên hạ nhòm thấy đúng bọn họ gây rối thật. Tiền ngân sách bỏ ra mua máy quay xịn cho họ để họ quay chơi chắc?
Không những thế, các cơ quan truyền thông phải đưa tin một cách trung thực, khách quan. Khi có sự việc thì họ phải đi xác minh cả hai bên. Đằng này họ không khác gì một cái máy phát, được người ta nhấn nút và họ chỉ có việc ngồi đọc.
Việc đài truyền hình Hà Nội truyền tin mà không xác minh, không đưa ra được bằng chứng cụ thể là việc có thực, lẽ ra phải xử phạt một cách nghiêm minh, vậy sao Sở 4T lại không hề có một động thái gì?
Ai cũng hiểu những cuộc biểu tình trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa qua là nhằm mục đích gì. Vậy kẻ nào to gan, dám kết tội những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược là gây rối? Tôi khẳng định không một kẻ nào dám! Nếu họ dám, chính họ sẽ là kẻ có tội trước pháp luật. Nếu họ dám đưa ra những hình ảnh hàng trăm người già trẻ lớn bé, đủ mọi thành phần với những khẩu hiệu và những tiếng hô như thế nào thì sẽ lộ rõ sự vu khống của họ trước tất cả dư luận trong và ngoài nước.
Dù cho họ không dám đưa ra bằng chứng, nhưng làm sao tránh được tai mắt của nhân dân. Dù cho họ có cố tình bưng bít, giấu diếm bằng nhiều cách, nhưng những video clip do người dân quay được về những cuộc biểu tình vẫn tràn ngập trên mạng internet.
Không chỉ có các video clip, các bài viết trên nhiều blog cũng đã góp phần vào việc cung cấp thông tin đa chiều cho người dân trong và ngoài nước biết rõ tình hình đất nước. Trừ những người bàng quan thì số lượng người dân mù thông tin còn chiếm rất nhiều trong dân chúng. Đó là điều mà lẽ ra không một chính phủ thông minh nào mong muốn.
Blogger Nguyễn Xuân Diện chỉ là một trong rất nhiều blogger khác, đang hàng ngày phản ánh những sự kiện đã và đang xảy ra, cho mọi người dân được biết một phần thông tin vốn rất thiếu hụt từ các cơ quan truyền thông của nhà nước. Cái lý do rất mơ hồ mà Sở 4T hôm nay đưa ra để đòi xử phạt hành chính đối với blogger Nguyễn Xuận Diện sẽ có thể còn áp dụng cho nhiều blogger khác nữa. Đó chính là ý đồ bóp nghẹt tự do ngôn luận, bóp nghẹt thông tin của cơ quan quản lý truyền thông. Họ không thể dùng chính sách ngu dân để trị như thời dân ta còn là nô lệ nữa, và tôi tin chắc rằng việc làm của họ sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt không chỉ của các blogger, mà còn cả của người dân trong và ngoài nước. Chính điều đó mới làm xấu mặt chính quyền, thể hiện sự bất lực tồi tệ như bàn tay bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý trước tất cả thế giới ngày nào.
Nếu thực sự tin tưởng vào sự trong sạch và vững mạnh của nhà nước, họ sợ gì người dân không tin tưởng những người có đủ quyền lực trong tay như họ?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"