Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Rồi sẽ chẳng còn chim!

Bản tin dưới đây cho thấy người dân VN đang dùng máy nhử chim của TQ để "tiêu diệt" hết các loại chim ở VN, mai đây sẽ không còn bóng chim nào trên mảnh đất xanh một màu như thế nữa. Nhưng máy của TQ chỉ là lý do phụ, không thể đổ tội cho TQ, vì đất nước họ lớn, họ làm máy để tiêu diệt phần nào chim muông xứ họ cũng chẳng ăn thua gì, nhưng người dân VN nhập vào thì tự họ đã giết chính họ, và nguyên nhân chính là những người VN đã có thói quen ăn mọi thứ bất kể đến môi trường sinh thái chung quanh họ, không có cầu làm sao có cung?


 
Tàn sát chim trời bằng máy nhử chim của Trung Quốc 


Liêu Thái/Người Việt

QUẢNG NAM (NV) - Chưa bao giờ phong trào chơi chim, hốt ổ chim, bẫy chim, ăn thịt chim... lại phát triển đến độ đi đâu ở Việt Nam cũng thấy như vậy!
Chỉ cần một cây chói tre có bôi keo dính chuột, rồi mở máy có tiếng kêu, có thể cả hàng ngàn con chim sa bẫy! (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Ðặc biệt, trò bẫy chim bằng máy nhử chim do Trung Quốc sản xuất đang rất thịnh hành, kiếm tiền mau chóng và vô tâm nhất mà con người có thể làm được.
Với một cây chói rào có nhiều nhánh tua tủa, một ít keo dính chuột bôi lên cây chói rào và một cái máy phát âm có cài âm cố định tiếng của từng loài chim trong đó, người ta có thể mặc sức hái ra tiền từ sinh mệnh nhỏ bé của những con chim tội nghiệp.

Ðạt, người gốc Bình Ðịnh, hiện sống tại Quảng Nam, thuộc hàng nhà nghề trong việc kiếm tiền bằng bẫy chim công nghệ Trung Quốc, cho biết: “Ngày xưa, muốn bẫy chim thì ông bà mình phải nấp trong lùm cây, phải bủa chim mồi, phải ngồi cả buổi mà chờ để khi bẫy được cũng chỉ là một con chim, nhưng bây giờ, tiến bộ rồi, tranh thủ đi chừng nửa buổi, có vài trăm con chim là chuyện bình thường!”
Một chiếc máy được ngụy trang dưới màu lá xanh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Vừa nói chuyện, vừa bôi keo dính chuột lên cây chói tre, Ðạt kể: “Bây giờ ngoài thị trường bán máy phát âm tiếng chim kêu này nhiều lắm, chừng ba trăm ngàn đồng (tương đương $15) đến năm trăm ngàn đồng ( $25) là có thể khởi nghiệp.”
“Mấy ông cán bộ, đại gia bây giờ thích uống rượu máu chim, ăn thịt chim sẻ và các loại chim lạ lắm, có con vài chục ngàn đồng, có con lên vài triệu đồng, nói chung là đủ hạng, tui bẫy chim sẻ, bán giá sỉ mỗi con năm ngàn đồng (tương đương $0.24), mỗi ngày bán chừng một trăm con, có khi trúng vài trăm con, kiếm cũng khá.”
“Thời buổi bây giờ, nếu cứ sợ sát sanh thì lấy gì nuôi vợ nuôi con, Trung Quốc nó vừa sản xuất máy tụng kinh, vừa sản xuất máy bẫy chim bán cho mình đó thôi. Vả lại, hiền quá, sống trong xã hội này, tụi nó cũng nhai xương mình như xương chim vậy thôi, nên chi miễn bàn chuyện nhân đạo, cứ có tiền trước đã...”
Chúng tôi ngồi quan sát thêm một chút nữa, với chưa đầy 20 phút mà lượng chim sẻ sa bẫy lên đến gần 30 con. Hễ cứ nghe tiếng kêu, đậu lên cây chói là dính vào đấy. Ðạt chỉ tốn công đến vặt lông lấy ra nhúng nước và bỏ vào lồng.
Hùng, người Ðại Lộc, Quảng Nam, vừa làm nghề bẫy chim công nghệ Trung Quốc vừa bẫy chim cảnh theo kiểu người Việt lâu nay, cho biết: “Nhu cầu sử dụng thịt thú rừng, thịt chim rừng, nói chung là sử dụng hàng độc của mấy ông nhà giàu, mấy ông cán bộ đang ngày càng cao, nên mình cũng tranh thủ kiếm chút tiền.”
Những con chim phơi mình chờ chết. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
“Tụi tui làm nghề này cũng khổ tâm lắm, mình dạy con mình sống đạo đức, yêu thương muôn loài mà mình lại đi giết hại sinh cầm như thế thì quá nghịch lý, nhưng vào nghề rồi thì kẹt đủ thứ, vì đi bẫy ít cũng không được, lỡ gặp tay công an nào nó chặn bắt, lấy hết, xem như xong!”
“Mình phải bẫy cho nhiều, chấp nhận đi lâu, đi xa, để có chi còn chung chi cho mấy ổng, nói là lãi nhiều, chứ số tiền còn lại trong túi chẳng bao nhiêu cả. Mà mình bẫy cho nhiều thì chim mau hết, mai mốt không có để bẫy, như vậy, tự mình làm khổ mình thôi! Suy cho cùng, kẻ có tiền, có quyền bao giờ cũng sướng!”
“Bẫy chim, như tụi tui, lâu lâu kiếm mối cho bán cho họ phóng sanh, thì có mua phóng sanh phải có bán, muốn có bán thì bẫy, bây giờ mấy ông bà giàu có mới phóng sanh chứ dân nghèo tiền ăn còn không có lấy đâu mà phóng với sanh! Mấy ông bà cán bộ hay hay hối lộ, tham nhũng là ưa phóng sanh nhất.”
Chao ôi là chim!
Ông Tuấn, một cán bộ ngành quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường ở Quảng Nam cho biết: “Làm sao mà quản lý được hả ông, chim trời cá nước mà, thôi kệ, rừng nằm một chỗ đó mà càng siết chặt quản lý thì càng mau hết, huống chi chim!”
“Ông thử coi có bao nhiêu ông cán bộ, công chức không đi nhậu mỗi chiều? Chắc chắn là không có ông nào không đi nhậu, đã làm cán bộ thì phải biết nhậu mới giữ được ghế, mà đi nhậu thì ít ra cũng vài lần uống máu chim, ăn cháo chim, chim ram, chim nướng, chim chiên mắm, chim chiên xù, chim rô ti, chim nướng lá chanh, lá nghệ... Chao ui là chim!”
Nói đến đây, ông Tuấn chép miệng, lắc đầu.
Huy, dân chuyên bẫy quốc (chim đỗ quyên) bằng công nghệ Tàu, cho biết: “Nói về máy phát ra âm thanh chim đang thách bạn đến đá nhau thì không có ai qua mặt Trung Quốc, tụi này giỏi chuyện này đáo để, bình thường, chim quốc mồi kêu cả buổi nó không tới, nhưng chỉ cần mở máy lên là nó tuông ào ra, sa vào bẫy của mình.”
“Thì ông thấy đó, tụi Trung Quốc nó qua bên mình thuê đất nuôi yến sào, mà thực ra có nuôi cái thá gì đâu, nó xây một căn phòng, có những cái lỗ thông gió cho chim bay vào, sau đó mở máy phát âm tiếng chim yến kêu suốt ngày đêm, riết rồi chim cũng tới đậu, làm tổ trong nhà nó cả bầy này bầy khác!”
“Thật ra thì tụi nó ăn cắp tài nguyên của mình thôi, ông thử xem, đất nước này có 63 tỉnh thành, nó chỉ thuê có mấy chỗ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, để nuôi. Vì sao? Vì những nơi này đều có các đảo có hang chim yến, ví dụ như Quảng Nam, tụi nó thuê gần Hội An, thì có chim từ Cù Lao Chàm bay vào.”
“Với cái đà nhà nước tiếp tay cho tụi Tàu nó qua ăn cắp, khai thác tài nguyên của mình rồi đi đêm với nó... Vậy thì mình chẳng dại gì mà không xào một miếng để có chết cũng thỏa cái chí ông à!”
Mỗi con quốc (đỗ quyên) bị mất tự do và mất mạng, sẽ đổi được 30 ngàn đồng (tương đương $1.5) cho người đàn ông này. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Chuyện bẫy chim và phong trào chơi chim, ăn chim ở Việt Nam hiện nay có thể nói là phì đại và thiên hình vạn trạng, nhưng, nổi cộm nhất vẫn là những thủ đoạn, công nghệ do bàn tay Trung Quốc nhúng vào. Dường như, không có một con chim nào có thể thoát được thứ công nghệ này.
Có thể nói, với đà bắt chim nuôi, bẫy chim ăn thịt, nhử/lừa chim lấy tổ (yến sào) như hiện nay, sẽ không bao lâu nữa, trong câu chuyện cổ của con cháu mai hậu, sẽ có câu mào đầu: “Ngày xửa ngày xưa, nước ta có một loài rất hiền, nó hát rất hay, nó biết bay, ông bà ta gọi nó là chim!”
Và, trong câu chuyện cổ đó cũng có câu: “Có một thời, một giai đoạn lịch sử mà nhà nước chìa tay đón mừng người đến từ nước lạ. Những người từ nước lạ mang đến những phép lạ khiến cho những con chim không lạ có thể bay từ trời cao bay thẳng vào nồi một cách rất lạ!”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"