Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Những biện pháp chống tham nhũng của Việt Nam không có kết quả

Nguyễn Hồng Hải
L.V. chuyển ngữ
18.08.2012
Không gì ngạc nhiên khi tham nhũng đôi khi có thể xảy ra cùng với sự tăng trưởng kinh tế trong các chế độ độc tài.
Nhưng Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, với mức độ tham nhũng thậm chí còn tệ hại hơn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng gần đây đã thừa nhận rằng tham nhũng đang hoàng hoành nghiêm trọng tại Việt Nam, và ĐCSVN giờ đây cũng xem tham nhũng là mối đe doạ cho sự sống còn và tính chính danh của mình. Tuy nhiên, lần đầu tiên, nguồn gốc của mối đe dọa này xảy ra từ “những nhóm lợi ích”, ám chỉ những doanh nghiệp nhà nước hoặc những tập đoàn kinh tế do nhà nước bảo trợ. Những nhóm lợi ích này đặc biệt thống trị các lĩnh vực như ngân hàng và phát triển địa ốc.

Theo truyền thống, chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam vốn được nuôi dưỡng bởi tầng lớp công nhân và nông dân, những người không sở hữu phương tiện sản xuất. Nhưng hệ thống tư bản nhà nước, hay “tư bản đỏ”, hiện đang khống chế tài sản công của Việt Nam, và có thể sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ cho lợi ích riêng của mình mà không có những biện pháp chế tài hiệu quả. Tình trạng này đã dẫn đến hàng loạt những vụ án tham nhũng lớn trong những năm gần đây, đều liên quan đến các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế hoạt động dưới sự bảo kê của chính phủ. Ví dụ như trong đầu năm nay, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Việt Nam chuyên vận hành ngành hàng hải và bến cảng - bị phát hiện là đã lợi dụng những lỗ hổng khác nhau để rút ruột ngân sách chính phủ hàng tỉ Mỹ kim. Tình trạng này cũng tương tự như ở nước Nga thời Boris Yelsin cầm quyền, khi tài sản nhà nước bị những “tư bản đỏ” bòn rút. ĐCSVN vì thế đã quyết tâm đấu tranh với tham nhũng và thiết lập một cơ cấu chống tham nhũng do thủ tướng đứng đầu. Nhưng kết quả cho đến nay cho thấy nỗ lực này đã thất bại.
Tổng Bí thư ĐCSVN nhấn mạnh rằng để đấu tranh chống lại nạn tham nhũng, Việt Nam phải dựa vào người dân vì theo ông, những biện pháp trong nội bộ ĐCSVN đã thất bại trong việc hạn chế nạn tham nhũng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cũng đã lặp lại thông điệp tương tự tại một trong những buổi phỏng vấn hiếm hoi với báo chí địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí ông Sang còng khuyến khích người dân nên tích cực hơn, không nên thụ động và thờ ơ trước nạn tham nhũng đang tăng cao. Nhưng trong một đất nước độc tài như Việt Nam - nơi toàn bộ quyền lực chính trị nằm trong tay của một đảng duy nhất, và nơi không có chế độ hiểu quả trong việc kiểm tra và cân bằng - tham nhũng là một đặc điểm cố định của xã hội.
Nạn tham nhũng được biểu hiện rõ nhất trong lĩnh vực sang nhượng đất đai và tài sản tại Việt Nam. Trong những năm giữa thập niên 1990, Việt Nam đã đặt mục tiêu năm 2020 là cột mốc để đất nước căn bản hoàn thành việc công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Giờ đây có vẻ như đối với chính quyền, việc “công nghiệp hoá và hiện đại hoá” cũng đồng nghĩa với việc xây dựng thêm những khu công nghiệp và thay thế những làng quê bằng những khu căn hộ cao cấp - được xây trên đất canh tác mà hơn phân nửa dân số Việt Nam sống dựa trên. Kết quả là hầu như toàn bộ đất nước đã trở thành một công trình xây dựng. Mặc dù hiến pháp Việt Nam qui định rằng toàn bộ nhân dân sở hữu đất đai của đất nước, nhưng chính quyền đã tìm cách và hành xử như người đại diện duy nhất của những người làm chủ đất đai. Chính sách đất đai kiểu Stalinist này vô tình đã giúp những nhà “tư bản đỏ”, hợp tác với chính quyền địa phương, biến đất nông nghiệp trở thành những nguồn thu nhập béo bở - bằng cái giá của những nông dân nghèo.
Những cuộc biểu tình của nông dân đa phần liên quan đến hình thức tham nhũng này, và những cuộc chống đối gần đây tại Hải Phòng và Hưng Yên là hai ví dụ điển hình trong việc chính quyền địa phương đã không bảo vệ quyền lợi của nông dân. Tại một hội thảo quốc gia nhằm đối phó với những khiếu kiện và tố cáo vào tháng Năm 2012, có báo cáo rằng hơn 70 phần trăm khiếu kiện và tố cáo tại Việt Nam là về những vấn đề liên quan đến đất đai và tham nhũng. Và trong khi một số nhà bình luận lưu ý rằng việc tranh chấp đất đai đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong quá trình ra quyết định của chính quyền địa phương, nhưng tính minh bạch toàn diện hơn chỉ có hiệu quả nếu những đặc điểm khác của một nền dân chủ như tự do ngôn luận và trách nhiệm giải trình cũng được hiện hữu.
Tính trách nhiệm thì cần thiết đối với một chính quyền hiệu quả. Nhưng để một chính quyền có trách nhiệm đối với người dân, nó phải được tạo ra bởi người dân. Nói cách khác, tính trách nhiệm chỉ có hiệu lực nếu đại diện chính quyền biết rằng họ có thể bị cách chức bởi người dân nếu đòi hỏi của người dân không được thoả mãn. Cạnh tranh qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng là phương cách duy nhất để đạt được điều này, nhưng môi trường ấy vẫn chưa hiện hữu tại Việt Nam. Những vị thế có chức quyền đều được bổ nhiệm từ trên xuống. Vì thế các quan chức chỉ chịu trách nhiệm với cấp trên của mình chứ không phải với nhân dân. Sự thiếu vắng trách nhiệm với người dân khiến cho các nỗ lực chống tham nhũng của ĐCSVN đa phần không hiệu quả.
ĐCSVN nhận thức rất rõ rằng nạn tham nhũng đang xói mòn lòng tin của người dân đối với chính quyền và đe doạ tính chính danh của nó. Nhưng khẩu hiệu suông của Đảng cho thấy vẫn chưa đủ. Những vụ án tham nhũng lớn gần đây cho thấy cần phải thay đổi. Một khi ngành công bộc không có trách nhiệm với nhân dân, những nỗ lực chống tham nhũng của ĐCSVN sẽ không thành công.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"