Giáp Văn Dương
Tặng Mỵ Châu và Cụ Hinh
Mỵ Châu đi rồi, chỉ còn lại một mình Cụ Hinh bên đầm sen. Ly café đã cạn, nhưng cụ cũng không gọi ly mới. Người đã đi rồi, uống một mình phỏng có vui gì. “Mà mình đến đầm sen để uống café, hay uống café để đến đầm sen nhỉ?”, Cụ Hinh trầm ngâm tự hỏi.
Trong lúc còn băn khoăn như thế, Cụ Hinh bỗng giật mình vì tiếng gọi của Mỵ Châu:
“Cụ Hinh này, em đã đi rồi mà bứt rứt không yên, nên quay lại hỏi thêm chút nữa”.
“Ban nãy cụ nói, sở dĩ dân ta ra khỏi nghìn năm bắc thuộc, phần nhiều là nhờ nông dân ta không biết chữ vuông. Như thế, dân ta không bị đồng hóa vì dốt phải không ?”.
“Cũng có thể coi là như thế”. Cụ Hinh thủng thẳng đáp.
“Cái này làm em nhớ đến một nhận xét của cụ Hữu Ngọc, khi thăm Đường Lâm – ngôi làng cổ mà cụ cho là duy nhất còn giữ được truyền thống Việt Nam - đã thốt lên: “May quá, cái nghèo đã cứu vớt được di sản văn hóa”.
“Như vậy là ta giữ được mình vì ta dốt và nghèo phải không Cụ Hinh?”.
“Cũng có thể là như thế”. Cụ Hinh lại thủng thẳng đáp, nhưng đã ra chiều ưu tư lắm.
“ Vậy giờ ta khấm khá hơn, bớt dốt bớt nghèo hơn, thì ta sẽ đánh mất mình chăng?”.
“Cũng… cũng có thể là như thế”. Cụ Hinh lúng túng nhìn ra hồ sen.
Mỵ Châu cũng nhìn ra hồ sen theo. Cả hai trầm ngâm không nói.
Được một lúc lâu, nhân lúc Cụ Hinh thở dài rất nhẹ, Mỵ Châu hỏi:
“Thế còn cái vụ hầm dừ nữa. Những người có học thì đã bị hầm dừ hết cả rồi sao?”.
Cụ Hinh lại nén tiếng thở dài. Lúc lâu sau mới đáp:
“Ngày xưa thì đúng là như thế. Những người có học đều bị hầm dừ trong kinh sử bắc phương cả”.
“Thế ngày nay thì sao?”
“Thì họ bị hầm nhừ trong một loại kinh sử khác”.
Lần này thì Cụ Hinh không thở dài mà thở sâu, rồi hoang mang nhìn ra mặt hồ sen như cầu cứu.
Mỵ Châu cũng hoang mang nhìn ra mặt hồ. Nhưng vốn trẻ người nên chỉ được một lát, Mỵ Châu lại chất vấn:
“Nếu vậy thì sao hả Cụ Hinh?”
Cụ Hinh quay lại nhìn vào mắt Mỵ Châu, chậm rãi:
“Nếu vậy thì lại như xưa. Họ sẽ không có nhu cầu tự thân về tự do học thuật, tự do tư tưởng, không có sự khao khát về khoa học và triết học. Thói ngông ngu lại được che đậy bởi mặt chữ, à không, bởi tấm bằng, và vẫn được đẩy lên”.
Nhưng Mỵ Châu vẫn chưa hài lòng, nên chất vấn tiếp:
“Em thấy vẫn có nhiều người khao khát tự do học thuật, tự do tư tưởng đấy chứ”.
“Thì đó là những người bị hầm dở dang, nên chưa dừ, hoặc đã tự thoát ra khỏi cái nồi kinh sử đó qua sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nơi có tự do học thuật và tự do tư tưởng. Nhưng số này ít lắm”. Cụ Hinh kiên nhẫn giải thích.
Mỵ Châu hoang mang, đan ngón tay vào nhau. Một lúc sau mới cất tiếng:
“Thế còn nông dân của ta thì sao?”
“Thì vẫn bảo tồn truyền thống bằng cái dốt và nghèo. Vẫn cam chịu cho đến khi không thể cam chịu được nữa. Khi đó họ sẽ “vượt rào” như ngày trước”.
“Thế khi họ khấm khá lên thì sao? Không lẽ cứ để họ dốt và nghèo mãi?”. Mỵ Châu tiếp tục chất vấn Cụ Hinh.
“Cái này thì ta, ta… cũng không rõ. Nhưng có lẽ họ sẽ… chơi bạt mạng bất cần đời. Cứ nhìn những người nông dân bán đất, nhận tiền đền bù rồi bài bạc, đua xe, hút xách thì rõ”.
“Sao họ lại có thể làm thế được nhỉ?”. Mỵ Châu chớp chớp mắt, băn khoăn.
“Thì có ai dạy họ phải làm gì đâu?”. Cụ Hinh thở dài.
“Thế những người có học đâu? Họ làm gì cả vậy?”. Mỵ Châu rấm rứt.
“Thì họ đang mải mê với đống kinh sử mới chứ còn làm gì nữa”. Cụ Hinh gấm gẳn đáp. Không rõ là vì bị Mỵ Châu hỏi dồn, hay vì “những người có học đang mải mê với đống kinh sách mới”.
Rồi cả hai cùng hoang hoải nhìn ra mặt hồ sen. Giờ là cuối tháng tư, đầu tháng năm, sen bắt đầu hé nụ.
Lát sau, khi đã lấy lại được vẻ ung dung tự tại của mình, Cụ Hinh buột miệng:
“Những câu hỏi của cô hay lắm. Biết hỏi thì sẽ biết câu trả lời. Vậy cô có thể viết lại cho đến đầu đến đũa thành một bài báo được không?”.
Giờ thì đến lượt Mỵ Châu thở dài:
“Viết ra rồi thì em biết gửi đâu?”.
Cụ Hinh nén tiếng thở dài, mỉm cười ra chiều minh triết, không đáp.
“Thôi em về. Cảm ơn Cụ Hinh. Lần này thì em trả tiền. À, mà có uống gì đâu mà phải trả tiền”. “Em đi nha, bye à”.