Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

KHI NGƯỜI MẸ TỰ THIÊU

KHI NGƯỜI MẸ TỰ THIÊU
Khánh Trâm
 
Tình mẫu tử là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất của đời người. Ai đã từng làm mẹ mới hiểu câu nói “mang nặng đẻ đau” và ai đã trưởng thành, lập gia đình riêng, sinh con đẻ cái mới hiểu câu nói “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”.
Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, người con đã được mẹ nuôi nấng, được mẹ yêu thương, được mẹ dậy dỗ, được mẹ đôi khi… đánh đòn nữa hòng mong con nên người. Tình yêu của mẹ dành cho con thể hiện ngay ở bài hát ru:
“Con ơi con ngủ cho ngoan
Mẹ còn đi cấy đồng xa chưa về
Bắt được con cá rô trê
Đem về nấu nướng cho cái ngủ ăn ”.

Lời hát ru con này đã đưa bao nhiêu trẻ thơ chìm vào giấc ngủ ngọt ngào.
Con yêu mẹ và mẹ yêu con đã trở thành chân lý từ bao đời nay. Nhiều khi vì quá yêu nhau mà “con hát mẹ khen hay” là vậy. Cuộc sống đã cho ta các cặp phạm trù: Mẹ – Con/ Cha – Con/ Cha mẹ – Con cái, và cuộc sống cũng cho ta hiểu quy luật: Sinh- Lão- Bệnh- Tử để kết thúc một kiếp người.
Cách đây vài hôm, ngày 30/7/2012 bà Đặng Thị Kim Liêng quê ở Bạc Liêu đã đi trọn kiếp người và cuộc ra đi của bà đã gây chấn động xã hội vì bà đã tìm đến cái chết là tự thiêu- Một lựa chọn hiếm ai dám làm. Tôi, người viết bài này cũng mang thân phận phụ nữ, thân phận làm mẹ cũng thấu hiểu đầy đủ giá trị của tình mẫu tử, của cuộc sống nên khi biết tin này tôi bàng hoàng ngồi lặng người hàng giờ liền. Đây là một cú shock mà tôi chưa từng trải nghiệm…Với thân phận của một công dân, thân phận làm mẹ, trước cái chết quá bất ngờ và đau đớn này tôi cứ tự đặt ra cho mình những câu hỏi:
  1. Xã hội mà chúng ta đang sống đã làm gì để một người phụ nữ chân quê tìm đến cái chết bằng phương cách đau đớn nhất?
  2. Vì lý do gì mà một người mẹ đã quyết định quyên sinh để lại những người con thân yêu của mình rơi vào hoàn cảnh bị mất mẹ một cách bất đắc dĩ?
  3. Chính quyền này có tự thấy mình liên đới trách nhiệm trước cái chết bất tự nhiên của một người đàn bà? Tại sao bà tự thiêu trước cơ quan công quyền?
Có lẽ những câu hỏi trên đây không chỉ có ở mình tôi mà sẽ còn rất nhiều người cũng có những băn khoăn tương tự nhất là những người cùng chung phận đàn bà, phận làm mẹ. Những ngày này tôi không nguôi nghĩ đến những người con, người cháu, người thân của bà (trong đó có chị Tạ Phong Tần đang bị tù đầy vì bất đồng chính kiến). Với đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” và “thương người như thể thương thân”, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả các anh chị và toàn thể gia quyến của bà.
Ngọn lửa tự thiêu của người phụ nữ ĐBSCL hôm nay đã đưa tôi về quá khứ.
Cách đây gần nửa thế kỷ, ngày 2/11/1965 khi tôi còn nhỏ, sống cùng cha mẹ trên đất Bắc tôi được biết đến khái niệm “tự thiêu” này qua cha mẹ mình. Đó là hình ảnh một công dân Mỹ, tên là Norman Morrison. Anh tự thiêu tại Lầu Năm Góc, tổng hành dinh của nước Mỹ để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Hình ảnh này đã đi vào thơ ca để chúng tôi được học trên ghế nhà trường:
« Emily, con đi cùng cha
Sau khôn lớn con thuộc đường kẻo lạc
Đi đâu cha?
Ra bờ sông Potomac
Xem gì cha?
Không con ơi chỉ có Lầu Năm Góc
….
Cha bế con đi, tối con về với mẹ”.
Người cha Morrison đã ra đi cùng ngọn lửa công lý để lại vợ hiền và ba người con thơ thân yêu, ngày ấy bé Emily mới có 1 tuổi. Anh đã lựa chọn cái chết cá nhân để đem lại sự sống cho nhân loại này bởi anh đòi “chấm dứt chiến tranh” ở Việt Nam. Câu kết của bài thơ đã tôn vinh hành động quả cảm của người anh hùng: “ Ta đốt thân ta, cho ngọn lửa chói lòa sự thật.”
Ngày hôm nay ở Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa 37 năm, thế mà trên mảnh đất Bạc Liêu, nơi tận cùng của đất phương Nam, quê hương của đờn ca tài tử với bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng một thời, mảnh đất của những sân chim thiên nhiên bên dòng Hậu Giang lại có một người phụ nữ “noi gương” công dân Morrison của nước Mỹ?
Suốt mấy ngày nay cái chết của bà đã được nhiều trang mạng đưa tin, nhiều đài báo nước ngoài đề cập đến nhưng tuyệt nhiên không có một tờ báo chính thống nào được phép thông tin cho nhân dân. Tôi vẫn tự hỏi cái chết của bà có là bài học cảnh tỉnh xã hội, cảnh tỉnh chính quyền địa phương, cảnh tỉnh những người công dân Việt Nam, những con dân của nước Việt để mỗi người tự thấy chúng ta phải làm gì để bảo vệ công dân và tổ quốc mình?

Theo: Blog NTT

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"