Nguyễn Ngọc Già
Giới cầm quyền Việt Nam vẫn loay hoay quanh "vụ giàn khoan HD-981".
Giàn khoan HD-982 được biết hoàn thành vào tháng 8/2016 cùng hai giàn
khoan HD-943 và HD-944 (theo kế hoạch hoàn tất và tháng 9 và tháng 10
năm 2015) [1] , hoàn toàn có thể được Trung cộng đẩy nhanh tiến độ và
khánh thành, đưa vào hoạt động để "mừng đảng mừng xuân" vào ngay đầu năm
2015 hoặc sớm sủa hơn nữa? Nếu quả vậy, đó là một đòn bất ngờ và càng
gây choáng váng kinh hoàng cho giới cầm quyền Việt Nam, bởi họ mãi chần
chừ và ngủ vùi trong "giấc mộng kê vàng" hiện nay.
Trung Quốc đang lăm le [2] "lập vùng phòng không ở đảo nhân tạo thuộc Trường Sa'".
Xuôi xị?
Tờ Washington Post cho biết Nguyễn Phú Trọng đã bị Tập Cận Bình từ chối vào... "chầu" (!).
Hội nghị thượng đỉnh Asean kết thúc - nơi ông Nguyễn Tấn Dũng phát
biểu kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ từ các quốc gia trong khu vực, được
hồi đáp bằng những ngôn ngữ ngoại giao chừng mực cho vụ việc "giàn khoan HD-981".
Ông Thủ tướng đương nhiệm thất bại hoàn toàn, thất bại hiển nhiên trong
lĩnh vực đối ngoại. Thất bại không có gì đáng ngạc nhiên, dù ai cũng
biết khẩu hiệu "Việt Nam muốn làm bạn với thế giới" vẫn còn váng vất đâu đó (!)
Hội nghị Shangri-La không khá hơn chút nào với phát ngôn của ông
Phùng Quang Thanh bị chê cười và chỉ trích mãnh liệt, không chỉ trong
người dân mà còn ngay cả cấp dưới của ông ta - Thiếu tướng Lê Mã Lương
[3]: "...Chúng ta cũng không thể nhìn nhận Trung Quốc như anh em
trong một gia đình để giải quyết mâu thuẫn kiểu gia đình bởi trong quan
hệ quốc tế không ai đề cập mâu thuẫn quốc gia như mâu thuẫn gia đình.
Hơn nữa, đến thời điểm này, chúng ta không nên tin vào tình cảm hữu
nghị, tốt đẹp của Trung Quốc".
Việt Nam trơ trọi. Cô đơn. Ai phải đứng ra trong tình hình hiện nay khi mà ý chí "ĐCSVN lãnh đạo toàn diện"
còn đó, nhưng không một kẻ nào ngay trong Bộ Chính trị của họ đủ liêm
sỉ, dõng dạc tuyên bố: Vì lãnh đạo toàn diện, nên ngày nay, ĐCSVN - cụ
thể 16 người trong Chính trị bộ - sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước
dân tộc Việt Nam và Tổ quốc Việt Nam (!). Bi đát! Hình như bọn họ đang
lẩn trốn đâu đó?
Giới cầm quyền Việt Nam cần bình tĩnh hành động?
Ngoài kia, lòng dân như trên một chảo dầu khổng lồ, sôi sùng sục.
Khôn ngoan nhất, giới cầm quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương cố
gắng giữ tình hình ở mức ổn thỏa nhất bằng những biện pháp ôn hòa và
suy nghĩ thử những điều sau đây:
Phải dám nhìn thẳng vào sự thật đầu tiên không chối bỏ: Hình ảnh "lãnh đạo toàn diện"
của các ông các bà hoàn toàn sụp đổ. Sụp đổ mà không còn cách gì cứu
vãn được nữa. Chỉ còn lại bạo lực và nếu sử dụng nó ngay vào lúc này
đồng nghĩa, chính các ông các bà sẽ trở thành tội đồ, không bao giờ
người dân có thể tha thứ nữa, dù cho các ông các bà bỏ chạy tới đâu và
dù cho đất nước này có phải rơi vào cảnh "nồi da xáo thịt" hay một "kiếp nô lệ đời mới" xuất phát từ định mệnh trầm luân cả một dân tộc.
Cũng đừng mơ tưởng khi bó tay đầu hàng ngoại bang là chúng sẽ để yên
cho các ông, các bà cút cun tận tụy, tiếp tục được phục vụ đến đời con,
đời cháu. Lịch sử đau thương của Việt Nam khi mang phận chư hầu vẫn còn
nguyên đó. "Được thỏ bỏ chó săn" - tục ngữ xưa có lẽ không ai không biết.
Một khi các ông các bà dám chấp nhận sự thật nói trên thì hãy nghĩ
đến chuỗi biện pháp xử lý sau đây: Lịch sử - Ngoại giao - Pháp luật quốc
tế. Trong đó, biện pháp sau là hệ quả của biện pháp trước.
1. Lịch sử: Đã đến lúc phải trả lại sự thật cho lịch
sử. Ít nhất từ thập niên 50' đến thập niên 90' thế kỷ 20. Trong chuỗi
40 năm này phải làm rõ 2 sự thật có thể gọi là quan trọng nhất mà nó quá
nhiều ám muội:
1.1 Sự thật về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng.
1.2 Sự thật về hội nghị Thành Đô.
1.3 Trong khi làm rõ sự thật lịch sử này, song song
tiến hành một kế hoạch trọng đại, tạm gọi: XIN LỖI LỊCH SỬ. Xin lỗi cả
dân tộc Việt Nam và dân tộc Trung Hoa.
1.4 Cần phải nói ngay để không lầm lẫn mà gây thêm
phẫn nộ khi nhắc về hai sự việc nghiêm trọng nói trên: Cuộc xin lỗi vĩ
đại và nghiêm cẩn này không dành cho giới cầm quyền Việt Nam đương
nhiệm, dù bất cứ ai. Lý do? Như đã nói trên, các ông các bà không còn:
tư cách, tư thế, uy tín, danh dự, tiếng nói v.v... nói chung không còn
một chút gì trong mắt dân tộc Việt Nam, dân tộc Trung Hoa cũng như toàn
thế giới, để có thể làm việc này. Đây có thể gọi là: Một cuộc xin lỗi
lịch sử có một không hai trong lịch sử Việt Nam và thế giới.
1.5 Tất nhiên, chỉ những người có tiếng nói, có uy
tín, có tài năng và đức độ, được quốc tế biết đến, được người dân tôn
trọng mới có thể cáng đáng công việc vô cùng quan trọng này.
Đó là những người như B.S Nguyễn Đan Quế (người vừa được đề cử Nobel
Hòa Bình 2014). Đó là những người như Blogger Điếu Cày (người đoạt nhiều
giải thưởng quốc tế và được đích thân tổng thống Mỹ trân trọng nhắc
tên). Đó cũng có thể là những tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức
(người chấp nhận bản án khốc liệt 16 năm tù và ông vẫn kiên trì, ôn hòa
đấu tranh chống cường quyền cho tới khi nào ông còn thấy nó), đó cũng có
thể là TS. Cù Huy Hà Vũ (người đã tuyên bố trước sau gì cũng trở về
Việt Nam để đấu tranh cùng dân tộc). Đó cũng có thể là những người tài
năng khác như: LS. Lê Công Định, LS. Lê Quốc Quân v.v...
Đặc biệt, không thể thiếu được những bậc chân tu trong các tôn giáo như: HT. Thích Quảng Độ, LM. Nguyễn Văn Lý v.v...
Nhất định chỉ có những con người như thế mới có đủ tư cách và tiếng
nói trước toàn dân và thế giới để tiến hành cuộc xin lỗi lịch sử nêu
trên.
1.6 Trở lại với cuộc xin lỗi lịch sử: Như vậy, phải
bạch hóa sự thật mối quan hệ Việt - Trung, trong đó chắc chắn cả hai
phía đều có sai lầm nghiêm trọng. Những gì Việt Nam nợ Trung Quốc phải
chỉ ra và ngược lại. Từ đó phải cho ra một kế hoạch kỹ lưỡng, có lộ
trình, thời gian cụ thể. Phải minh bạch công khai, trước toàn dân Việt
Nam - Trung Hoa và trước toàn thế giới.
1.7 Ý nghĩa của việc xin lỗi mang tính lịch sử này:
Dù cả hai bên đều có lỗi, nhưng Việt Nam chủ động xin lỗi trước, có
nghĩa cứu vớt được danh dự. Điều tối quan trọng mang tính Quốc Thể mà
bất kỳ quốc gia nào cũng hiểu cần phải giữ gìn cẩn thận, chỉ có giới cầm
quyền Việt Nam là xem nó quá nhẹ trong 70 năm qua. Tai hại đó, giờ này
trả giá cho hình ảnh mà ai cũng nói: Lẻ loi - Trơ trọi - Cô đơn. Điều
tất yếu không tránh khỏi!
2. Từ biện pháp lịch sử như phân tích trên, lúc đó
hãy nghĩ tiếp về những điều mà nhiều ngày nay người ta đề cập: tranh thủ
tình cảm quốc tế, tìm kiếm sự ủng hộ từ thế giới v.v... Nói chung thuộc
lĩnh vực ngoại giao. Thế giới và khu vực không thể ủng hộ những quốc
gia với những lãnh đạo luôn ngụy biện, quanh co, luôn leo lẻo dối trá,
lật lọng, ích kỷ, tham lam v.v... Phải nhìn thẳng vào sự thật này, dù nó
thật bẽ bàng và phũ phàng đối với giới cầm quyền đương nhiệm.
2.1 Từ việc xin lỗi lịch sử như thế, Việt Nam mới có
cơ may củng cố lại uy tín, danh dự. Chúng ta tạm phán đoán: Trung Quốc,
trước hết họ có thể bối rối và tạm "án binh bất động" để suy nghĩ và
thăm dò tình hình?
2.2 Như vậy, hai khả năng xảy ra: Một, phía cầm
quyền Trung Quốc sẽ suy nghĩ lại với sự thật hiển hiện từ lịch sử, họ
dần dần đánh đi những tín hiệu ngồi vào bàn đàm phán, trao đổi và thương
lượng. Hai, họ đẩy mạnh hơn nữa việc xâm lược Việt Nam.
3. Lúc đó, Việt Nam đã dự phòng trước phương án:
Kiện Trung Quốc ra quốc tế. Việc này khả thi hơn rất nhiều so với hiện
nay, khi mà sự thật lịch sử vẫn còn bị che giấu sống sượng trong cả
tháng qua. Lúc đó, Việt Nam chắc chắn nhận được ủng hộ và thiện cảm
không chỉ trong khu vực Asean mà còn nhiều quốc gia hùng cường khác.
Chính nghĩa lúc đó đứng về phía Việt Nam mà Trung Quốc khó có khả năng
làm càn.
4. Như vậy, mấu chốt vấn đề cần giải quyết ngay:
Phải trả tự do cho tù nhân lương tâm, đồng thời hủy bỏ ngay các loại:
quản chế, giam lỏng, xách nhiễu mà tù nhân lương tâm đang chịu đựng và
mời những nhân vật có tài năng, có chuyên môn, đức độ tập hợp lại bắt
tay vào làm việc. Tiền nhân xưa kia còn biết: "Đoái công chuộc tội", trong khi các tù nhân lương tâm chưa bao giờ là những người có tội với dân tộc và quê hương.
4.1 Trả lại sự thật lịch sử trong thời gian ngắn
nhất có thể. Thành lập một Ủy Ban chuyên trách, có thể kết hợp với các
sử gia trong ngoài nước với tài liệu có sẵn để tiết kiệm thời gian. Sau
đó, tiến hành tổ chức sự kiện (tạm gọi) "Bạch hóa lịch sử mối bang giao Việt Nam - Trung Hoa".
Phải đảm bảo sự kiện này thật chỉn chu và gây tiếng vang rộng lớn trên
toàn thế giới với tính chất trang trọng, chu đáo mang tầm lịch sử nước
nhà mới tạo được dấu ấn quan trọng, từ đó mới mong nhận được thiện cảm
từ khu vực Asean và trên thế giới.
4.2 Những vị này phải thay mặt giới cầm quyền đương
nhiệm trên các lĩnh vực đối nội quan trọng hiện nay, có kế hoạch kịp
thời để ổn định tình hình nội địa. Một trong các cách đó là tổ chức tức
thời, song song và liên tục trong 12 tuần lễ các cuộc nói chuyện trên
các địa phương: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Bình Dương v.v... để an dân.
4.3 Đồng thời, những vị này phải thay mặt giới cầm
quyền đương nhiệm trên lĩnh vực đối ngoại: trao đổi, đàm phán, hội họp,
tuyên bố v.v... với các nước trong khu vực và thế giới về tình hình Việt
Nam - Trung Quốc.
4.4 Lực lượng quân đội - công an và kể cả Tài chính -
Ngân hàng v.v... hợp tác chặt chẽ và tin tưởng tuyệt đối tập hợp những
tù nhân lương tâm này.
5. Làm sao để giới cầm quyền đương nhiệm chấp nhận ý kiến trên?
5.1 Chủ động: Nghĩa là kêu gọi giới cầm quyền đương
nhiệm với: lương tri thức tỉnh, tình tự quê hương, đạo lý dân tộc trước
tình hình quá nguy nan của Việt Nam. Kêu gọi những nhân vật đầu não:
Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang,
Nguyễn Văn Bình, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải, Phạm Bình Minh, Nguyễn
Chí Vịnh v.v... phải tuyệt đối tin tưởng, hợp tác và yêu cầu các ban
ngành dưới trướng và các địa phương phải thành tâm hợp tác.
5.2 Bị động: Nếu hình thức chủ động nêu trên xảy ra,
có thể nói quá lý tưởng cho một cuộc chuyển giao quyền lực ôn hòa nhất.
Bằng không, chỉ còn cách (cũng ôn hòa), đó là cần phải nghĩ đến vận
động mạnh mẽ "Luật chế tài nhân quyền" của Hoa Kỳ, thực thi
càng nhanh càng tốt. Đây là tình huống ôn hòa nhưng khả thi hơn tình
huống 5.1 nêu trên, bởi nó đánh thẳng vào lợi ích cá nhân của giới cầm
quyền các cấp. Trong hoàn cảnh "tứ cố vô thân" và lợi ích nhóm cùng cá nhân bị đánh trực diện, nhất định sẽ buộc giới cầm quyền Việt Nam phải lui bước.
Vận nước đang nguy cấp. Hình ảnh lãnh đạo của người CS hoàn toàn vỡ
vụn. Trung Quốc không có ý định lui bước - điều quá hiển nhiên. Xã hội
đang xảy ra nhiều dấu hiệu loạn lạc và hoang mang cao độ trong những
ngày này.
Giới cầm quyền đương nhiệm tại Việt Nam không còn nhiều lựa chọn và
không còn nhiều thời gian. Hãy quay về với dân tộc trước khi quá muộn!
Nguyễn Ngọc Già
_______________
_______________