Trần Trung Đạo
Có thể độc giả sẽ trách “Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng ở biển Đông mà lại nói chuyện về phim ảnh”.
Thưa không. Chẳng qua chỉ vì một người bạn vừa nhắc đến phim The
Shawshank Redemption trong facebook làm tôi chợt liên tưởng đến hoàn
cảnh của xã hội Việt Nam. Tôi xem phim không nhiều nhưng The Shawshank
Redemption là một trong vài phim tôi thích nhất. Đây là một cuốn phim
rất hay và theo IMDb (Internet Movie Database) The Shawshank Redemption
là phim số 1 trong số 250 phim hay nhất của từ trước tới nay.
Nhiều chi tiết trong sách của Stephen King khác với trong truyện phim
của đạo diễn Frank Darabont. Bài viết này chỉ thảo luận về cuốn phim.
Có bốn nhân vật trong phim The Shawshank Redemption đáng lưu ý.
Nhân vật chính là Andy Dufresne (Tim Robbins đóng). Andy bị kết án
hai bản án chung thân về tội giết vợ và người yêu của vợ mà anh không
gây ra. Trong tù, sau hai năm đầu bị hiếp đáp đủ điều, Andy kết bạn với
một tù nhân khác tên là Red. Nhân vật này cũng là vai chánh, và trong
phim, Red là người kể lại cuộc đời, nhân cách và hành trình của Andy từ
khi bước chân vào nhà tù cho đến lúc vượt thoát. Andy dành gần 19 năm để
khoét một đường hầm chỉ rộng đủ cho một người chui qua bức tường dày
của nhà tù Shawshank. Dụng cụ anh dùng là chiếc búa rất nhỏ thường dùng
để đục đẽo những con cờ bằng đá. Mơ ước của Andy là được đến
Zihuatanejo, Mexico, một vùng biển anh ta chưa bao giờ đặt chân đến, để
sống tự do cho đến hết đời mình vì như anh đọc đâu đó, miền đất ấm đó là
nơi không giữ một dấu vết nào của quá khứ. Mỗi ngày Andy đục một chút
vôi trên vách tường, bỏ vào túi quần và rải xuống đất khi đi bộ trong
sân nhà tù. Cai ngục Samuel Norton biết Andy từng là phó chủ tịch của
một ngân hàng nên chọn anh làm kế toán riêng để tính sổ số tiền mà y
nhận từ hối lộ. Cuối cùng, sau gần 19 năm, anh đục xuyên bức tường dày
và vượt ngục thành công. Trước khi vượt biên giới sang Mexico, Andy ghé
các ngân hàng ở Maine để rút hết mấy trăm ngàn mà cai ngục ký thác dưới
tên giả Randall Stephens. Andy cũng không quên gởi hồ sơ tội ác của
Samuel Norton cho báo chí và kết quả dẫn đến việc viên cai ngục tham
nhũng này phải tự đưa mũi súng vào mồm tự sát.
Nhân vật đưa súng vào mồm và bóp cò vừa nhắc ở trên là Samuel Norton
(Bob Gunton đóng), giám đốc nhà tù Shawshank thuộc tiểu bang Maine, nước
Mỹ. Samuel Norton tham nhũng bằng cách cấu kết với giới đầu tư, xây
dựng. Mỗi hợp đồng có liên hệ đến nhà tù y luôn được chia phần. Cai ngục
Samuel Norton tàn bạo không chừa thủ đoạn nào, biệt giam những ai chống
đối, thậm chí cho công an nhà tù ám sát luôn cả nhân chứng. Khi còn trẻ
Samuel Norton không tàn ác như vậy mà là một người có lý tưởng cứu đời
nhưng khi nắm lấy quyền lực y đã trở thành một lãnh đạo nhà tù thối nát.
Phía sau bàn làm việc y ngồi treo những câu đạo đức được trích ra từ
Kinh Thánh và cũng luôn phát biểu những lời bao dung độ lượng, mong giáo
dục tù nhân trở thành những công dân tốt nhưng chỉ để che dấu lòng tham
và hành vi ác độc của mình. Y dung dưỡng một tập đoàn công an nhà tù
dưới quyền Đại úy Hadley cũng tàn bạo không kém. Chúng đánh chết tù nhân
ngay trong đêm đầu tiên vừa mới đặt chân đến nhà tù. Nhưng cuối cùng
viên cai ngục Samuel Norton đã phải tự sát trước khi khi tội ác của y bị
đưa ra trước ánh sáng công lý. Đại úy Hadley cũng bị tống giam như tòng
phạm giết người.
Nhân vật thứ ba là Brooks Hatlen (James Whitmore 1921-2009 đóng), một
tù nhân già dành gần hết cuộc đời trong nhà tù, phụ trách thư viện. Khi
nghe tin mình sắp được đưa sang nhà chuẩn bị cho tù nhân hội nhập vào
xã hội (halfway house) trước khi được trả tự do, Brooks Hatlen tìm cách
gây tội chỉ để được tiếp tục ở tù. Xã hội và thế giới của Brooks là nhà
tù. Đồng bào và nhân loại của Brooks là tù nhân. Quê hương và đất nước
của Brooks được bao bọc không phải bằng núi đồi, sông biển mà là bốn bức
tường vôi dày của nhà tù. Sinh hoạt của Brooks Hatlen giống như cây kim
đồng hồ tuần tự bước, ngày qua ngày, tháng qua tháng, và như thế suốt
50 năm trong nhà tù. Cuộc sống nhà tù đã điều kiện hóa con người của
Brooks về mọi mặt. Trong đáy sâu của ý thức, Brooks biết mình là một con
người nhưng đồng thời cũng biết mình không giống như bao triệu người
khác bên kia hàng rào kẽm gai. Từ một con người, nửa thế kỷ trong tù đã
biến Brooks thành sản phẩm như một loại gà công nghiệp không thể bương
chải tìm mồi, như một loại chim kiễng trong lồng không thể sải cánh bay
xa. Brooks Hatlen vẫn được thả và vì không thể điều chỉnh chính mình vào
cuộc sống mới, ông ta đã treo cổ tự tử ở “halfway house”. Red, một nhân vật trong phim, giải thích với các bạn tù về cái chết của Brooks Hatlen “Bị
định chế hóa”. “Mấy bức tường nhà tù thật buồn cười. Đầu tiên bạn ghét
chúng, rồi dần dần làm quen với chúng. Thời gian trôi qua, bạn tùy thuộc
vào chúng”.
Nhân vật thứ tư là Ellis Boyd Redding, gọi tắt là Red (Morgan Freeman
đóng) bị tù chung thân vì tội giết người. Red lanh lợi, khôn ngoan, có
học, có uy tín với bạn tù, biết cách móc ngoặc với đám công an nhà tù để
chuyển vận các hàng hóa từ bên ngoài vào nhà tù và cũng biết san sẻ
quyền lợi cho đám tù nhân đàn em. Red là mẫu người được cả hai thành
phần cai trị lẫn bị trị cần trong xã hội Shawshank. Red vừa thông đồng,
hối lộ, móc ngoặt với giới lãnh đạo nhưng cũng vừa là “lãnh tụ”
của nhân dân Shawshank thấp cổ bé miệng. Vì là một người có học, cuộc
đấu tranh giữa đúng và sai, giữa vượt qua ao tù nước đọng ở Shawshank và
phó thác cho số mệnh nhiều khi đã diễn ra trong nhận thức của Red. Sau
khi Andy vượt ngục, Red tiếp tục sống với vai trò của mình như trước cho
đến khi nhận được một bưu thiếp gởi từ Fort Hancock, Texas. Tuy bưu
thiệp không có chữ nào, Red biết đó là tín hiệu Andy đã vượt ngục an
toàn. Năm 1967, Red, giống như Brooks Hatlen, được đưa sang nhà chuẩn bị
cho tù nhân trước khi được hoàn toàn tự do. Red cũng ngỡ ngàng trước xã
hội đang thay đổi quá nhanh nhưng thay vì tự tử như Brooks đã làm, theo
lời dặn dò của Andy khi còn ở trong tù, anh tìm đến bờ đá ở Buxton và
khám phá một hộp thiếc nhỏ. Trong hộp, ngoài một số tiền còn là bảng chỉ
dẫn đường đi Zihuatanejo. Cuối cùng hai cựu tù đoàn tụ nhau và sống
những ngày còn lại bên bờ biển Thái Bình Dương xanh thẳm như Andy từng
mơ ước.
The Shawshank Redemption là một phim hay, hấp dẫn, đối thoại sâu sắc,
ngoài ra với tôi còn vì phim rất gần với thực tế của xã hội Việt Nam.
Việt Nam hiện đang tồn tại bốn thành phần gồm lãnh đạo độc tài như
Samuel Norton, những người bị định chế hóa như Brooks Hatlen, một số ít
đang can đảm dấn thân Andy Dufresne và đại đa số thuộc thành phần thỏa
hiệp, do dự và sợ thay đổi như Red.
Ba thành phần kia tương đối rõ nhưng thành phần như Red gồm những ai?
Họ là những người ba mươi chín năm trước ngồi trước chén bo bo, tô
nước muối khuấy lỏng, đĩa rau muống luộc, niềm ao ước được một chén cơm
ngon, một tô canh ngọt, một dĩa thịt, được sống bình an dù bình an trong
cơ chế, được xem phim ảnh dù đã được kiểm tra từng chi tiết, được hát
một bài tình ca dù đã được chọn lọc kỹ càng. Nói chung, họ bằng lòng với
những gì đang có. Tuy biết đổi thay cũng tốt nhưng tốt hơn là đừng thay
đổi. Họ có nghe về một chân trời rất xanh, một nơi xa rất đẹp, nhưng
cũng giống như nhân vật Red, họ không dám đi xa khỏi căn nhà, không dám
bỏ vườn rau thửa ruộng.
Họ là những người đã từng là nạn nhân của cơ chế độc tài và cảm thấy
rất đau khi nhìn lại chính mình trong khoảng đời đã mất nhưng không thể
bỏ những gì mà đã trả bằng một giá quá đắc để có được. Họ không yêu
thích gì chế độ CS nhưng cũng giống như Red chỉ nói cho thỏa lòng căm
tức trước những đám tù nhân tin cẩn trong bữa ăn, trong sân chơi nhưng
không dám đấu tranh, vẫn tiếp tục hối lộ công an, tiếp tục làm ngơ trước
những sai trái mà đám lãnh đạo đã và đang làm.
Họ là những người có địa vị trong xã hội. Giống như Red không những
được các bạn tù trọng vọng nhưng đám công an coi tù cũng dung dưỡng.
Những quyền lực và quyền lợi họ được ban phát chỉ giới hạn trong vòng
kiểm soát chặt chẻ của giới cầm quyền nhưng họ lo lắng sẽ không tìm thấy
những quyền lợi đó một khi đất nước có tự do. Như Red nói, bên kia hàng
rào kẽm gai, bên ngoài cánh cửa sắt anh ta sẽ không là gì cả. Xã hội
Việt Nam cũng thế, như tôi đã viết trong bài “Bàn về tẩy não”, là một xã hội được khoanh vùng có biên giới rõ rệt giữa các thành phần cùng tồn tại bằng thỏa hiệp.
The Shawshank Redemption chỉ là một cuốn phim không phải là thực tế
xã hội nhưng dù hư cấu hay thực tế đều là những góc cạnh tri thức của
con người về xã hội mà con người đang sống. Ba bài học chính rút ra từ
phim:
Vượt qua nỗi cô đơn, sợ hãi
Andy rất cô đơn trong nhà tù. Trong xà lim thiếu sáng mỗi ngày anh
chỉ đục một vài nắm vôi đủ để chứa trong túi quần. Trước khi kết bạn với
Red, Andy chỉ đi dạo một mình trong sân trại tù. Không ai giúp anh và
anh cũng không thể san sẻ cùng ai. Anh không sợ hãi. Anh đục hầm ngay
giữa xà lim và che bằng tấm ảnh toàn thân của nữ minh tinh Raquel Welch.
Trong những năm đầu anh bị hiếp đáp đủ điều nhưng luôn chống lại bằng
tất cả những gì anh có.
Kiên nhẫn với mục đích
Khi Andy nhờ Red mua dùm cái búa đục đá. Red ngạc nhiên khi nghĩ Andy
dám làm chuyện tày trời nhưng sau đó bật cười khi biết ra cái búa Andy
muốn mua nhỏ đến mức bỏ lọt trong lòng cuốn sách và chỉ có thể dùng để
đẽo viên đá nhỏ thành con cờ hay bức tượng đá tí hon. Red không bao giờ
hình dung Andy có thể dùng để đục bức tường dày của nhà tù Shawshank.
Điều đó nói lên đặc tính kiên nhẫn trong khi theo đuổi mục đích. Bức
tường của nhà tù Shawshank không thể được đục bằng những dao to, búa lớn
nhưng đã bị xuyên thủng bằng một chiếc búa làm đồ chơi rất nhỏ.
Chọn lựa đúng khi phải chọn lựa
Chọn lựa đi Mexico là chọn lựa sinh tử và sáng suốt nhất của Red. Từ
ngày làm bạn với Andy, Red dần dần bị ảnh hưởng để làm quen với “hy vọng”,
một khái niệm mà trước đó Red từ chối. Bản chất Red là người tốt. Red
biết nhà tù sẽ dần dần định chế hóa mình nhưng không có một chọn lựa nào
dành cho anh. Thay vì tiếp tục sống trong “halfway house” chờ
hội nhập vào xã hội và có thể cũng tự sát như Brooks Hatlen, Red quyết
định vượt biên giới sang Mexico tìm Andy. Andy đã mở đường để cứu Red
nhưng chọn lựa cuối cùng vẫn là của Red.
Trong thời điểm thử thách của đất nước hôm nay, mỗi người Việt đang
đứng trước những chọn lựa khó khăn và cho dù khó khăn vẫn phải chọn một
con đường để đi. Đừng sợ thay đổi. Hãy đi đúng cho mình và cho tương lai
đất nước. Đời người rồi sẽ qua, không ai mang theo được gì nhưng có thể
để lại rất nhiều. Hãy để lại cho các thế hệ mai sau những hạm đội và
phi đoàn, những nông trường và nhà máy, những học viện và trung tâm,
những chiến công và thành tựu, đừng để lại những ngôi đền tưởng niệm dân
tộc Việt một ngày có thể sẽ mờ đi trong lịch sử loài người.
Rất nhiều danh ngôn của các danh nhân nói về hy vọng nhưng tôi thích
nhất là câu nói của nhân vật Andy Dufresne trong The Shawshank
Redemption và xin dùng để kết luận cho bài viết này: “Hy vọng là điều tốt, có thể là điều tốt nhất, và trước nay chưa có điều tốt lành nào chết đi”.
Trần Trung Đạo