Hoàng Mai
Theo cách hiểu thông thường, khi một quốc gia A xâm lược một quốc gia B là nhằm:
(1) Về lãnh thổ, lãnh hải: Nước A xâm chiếm lãnh thổ, nếu là láng
giềng chung biên giới thì sát nhập nước B vào nước A. Với người Tàu thì
họ gọi đó là “mở mang bờ cõi”, hoặc “thu hồi lãnh thổ”…
(2) Về thể chế chính trị: Nước A thiết lập nên một chế độ bù nhìn,
tay sai, phụ thuộc… tại nước B, để sai khiến buộc B phải làm theo yêu
cầu của A (như được quyền khai thác nhân tài, vật lực, tài nguyên… của
nước B đem về làm giàu cho nước A…).
- Hiện tại, Việt Nam đã ký hiệp ước phân định biên giới với China
trên đất liền, sau khi đã nhượng bộ cho China khoảng 1.500 km2, tương
đương với diện tích của tỉnh Thái Bình. Mặc dù vậy, với sự vụn vặt, như
nắn chỉnh dòng sông để xói lở về phía Việt Nam, thì hàng ngày, hàng giờ,
người Tàu vẫn lấn biên giới vào lãnh thổ Việt Nam. Chưa kể là khoảng 50
năm sau, một số diện tích giáp biên đã cho China thuê, có thể sẽ hoàn
toàn thuộc về China.
Riêng về lãnh hải, mưu đồ của Băc Kinh là “đường lưỡi bò”, vì vậy,
tùy theo từng giai đoạn thấy có lợi trong quan hệ Trung – Việt, Bắc Kinh
sẽ lấn dần từng bước để khẳng định chủ quyền với mục đích cuối cùng là
“đường lưỡi bò”, và hơn thế nữa.
Bản đồ sau đây mới thực sự là tham vọng cuối cùng của Bắc Kinh về lãnh thổ. Nguồn ảnh: sách Sự thật quan hệ Việt Nam & Trung Quốc trong 30 năm qua, NXB Sự thật 1979 (1).
Tham vọng về lãnh thổ của China: “Đường vẽ chấm là “biên giới”
của Trung Quốc theo quan điểm bành trướng, những vùng đánh số là những
lãnh thổ mà nhà cầm quyền Bắc Kinh cho là đã bị nước ngoài “chiếm mất”
bao gồm: một phần lớn đất vùng Viễn Đông và Trung Á của Liên Xô (số 1,
17, 18), Át Xam (số 6), Xích Kim (số 4), Butan (số 5), Miến Điện (số 7),
Nêpan (số 3), Thái Lan (số 10), Việt Nam (số 11), Lào, Campuchia…”.
- Với việc bắt giam những người yêu nước, cũng như đàn áp và cấm
biểu tình chống China xâm lược trong các năm qua – một hành động mà lịch
sử thế giới từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây… chưa từng xảy ra. Điều này
đủ để nói lên, thể chế chính trị hiện nay của Việt Nam là gì. Hẳn không
cần phải phân tích thêm nữa.
Việt Nam hôm nay gần như đã là thuộc địa của China qua việc là nơi
tiêu thụ hàng hóa của China, cung cấp cho China khoáng sản, tài nguyên
với giá rẻ, 60% các mỏ khai thác khoáng sản ở miền Bắc là do người Tàu
làm chủ đứng tên phía sau các công ty là doanh nghiệp Nhà nước của Việt
Nam, những vị trí trọng yếu về an ninh của đất nước bị người Tàu nắm giữ
qua các công trình dự án…
Người Việt đã mất nước về tay Bắc Kinh hay chưa là theo cách nghĩ
của mỗi người. Nhưng nhìn một cách tổng quát, có thể là chưa mất hết về
lãnh thổ, nhưng đã trở thành một nước chư hầu, thuộc địa. Con người Việt
tuy chưa bị đồng hóa, nhưng đã trở nên “mất gốc hoàn toàn” (2), theo
như suy nghĩ của ông đại biểu Quốc hội và là nhà sử học Dương Trung
Quốc.
*
Lịch sử Việt Nam thường nhắc đến hai nhân vật nổi cộm, tiêu biểu cho
hành động bán nước của hai ông này, đó là Trần Ích Tắc (1254-1329) và
Lê Chiêu Thống (1765-1793). Nhưng có thể nói: Hậu quả mà cả hai ông này
để lại cho đất nước và hậu thế, còn thua xa so với những gì mà các thời
kỳ lãnh đạo vừa qua để lại. Thực tiễn Việt Nam trong thế kỷ 20 đến nay
chứng minh điều đó.
Trong bài viết “Thỏa thuận Thành Đô – bước lùi lịch sử thảm họa”
(3), đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 08.6.2014, tác giả Vương Trí Dũng
viết:
“Lịch sử nhắc đến Nỏ thần và sơ đồ Loa thành mà Trọng
Thủy có được. Lịch sử nhắc đến Hiệp ước cắt ba tỉnh miền
Đông Nam kỳ cho Pháp. Lịch sử sẽ nhắc đến Thỏa thuận Thành Đô.
Đó là điều chắc chắn”.
Hôm nay lịch sử đã nhắc đến “Công thư Phạm Văn Đồng”. Rồi đây, với
những bằng chứng (bí mật) trong gần một thế kỷ qua về quan hệ giữa hai
Đảng, hai nhà nước… chắc chắn Bắc Kinh sẽ còn đưa ra nhiều điều nữa.
Đảng cộng sản Việt Nam, cho dù có muốn dấu đi cũng không thể được, vì
phần chủ động thuộc về Bắc Kinh, nó phục vụ cho mưu đồ thôn tính Biển
Đông của Bắc Kinh.
Không ai trốn chạy được sự phán xét của lịch sử, khi đã đem tai họa về cho Đất Nước và hậu thế, đó là điều chắc chắn.
Việc những ai im lặng trước việc người Tàu đánh chiếm Hoàng Sa năm
1974, việc để họ lần đầu tiên có mặt ở Trường Sa, và hôm nay chính họ
đang là “chủ nhân ông” của Biển Đông, lịch sử đã, đang và sẽ yêu cầu trả
lời, như đối với “Công thư Phạm Văn Đồng” và “Thỏa thuận Thành Đô” vậy.
Hàng đầu: Tổng bí thư Giang Trạch Dân cùng Thủ tướng Lý Bằng đứng
giữa. Phía bên phải Tổng bí thư Giang Trạch Dân là Tổng bí thư Nguyễn
Văn Linh và Cố vấn Phạm Văn Đồng (chắp tay). Phía bên trái Thủ tướng Lý
Bằng là Thủ tướng Đỗ Mười, Chánh văn phòng trung ương Hồng Hà, Thứ
trưởng Ngoại giao Đinh Nho Liêm. Ảnh do Tân Hoa xã đơn phương công bố,
dù hai bên đã cam kết đây là cuộc họp tuyệt mật.
Không biết, đã có ai đại diện cho Đảng cộng sản Việt Nam, đến hỏi
ông Đỗ Mười (hiện đang còn sống), xem ông có ân hận gì không, khi ông là
người chủ chốt trong việc ký kết “Thỏa thuận Thành Đô”, để đưa Đất Nước
đến thảm họa hôm nay?
Những người Việt Nam, khi đã biết về “Thỏa thuận Thành Đô”, thì họ nghĩ gì về ông Đỗ Mười?
Hẳn nhiên rằng, các ông thuộc “tứ trụ triều đình” và các vị còn lại
trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, tự biết phải làm gì và đi
theo con đường nào, để không chuốc lấy sự nhục nhã mà lịch sử sẽ dành
cho các vị.
09.6.2014
H.M.