Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

NÊN CÁM ƠN TÀU ?

Xuân Sương

Tàu vĩ đại. Vĩ đại về số kí lô mét đất đai, về số kí lô gam thịt người và dẫu sao, họ cũng đã từng có nền văn minh huy hoàng. Cho nên cách đây chừng 10 năm, khi dân Âu châu còn rất quý Tàu, ai ai cũng ham tìm hiểu văn hoá văn minh của họ, hăm he đi thăm một chuyến. Ấy vậy rồi hình ảnh đẹp đẽ mà họ cố xây dựng trong hai ba chục năm bỗng từ từ sứt từng mảng gạch.
Có lần cô đồng nghiệp Tàu bảo : bên đó họ nói Việt Nam bằng cái lỗ mũi, sao không lấy phứt đi cho rồi. Đó là chủ trương của họ nên có chuyện thác Bản Giốc, Ải Nam Quan. Rồi làng, phố, công trường, bô xít... Đại Hán thênh thang mọc lên (nghe nói nhiều nơi không cho dân ta lai vãng ?). Dân Việt Nam chỉ biết lắc đầu. Rồi từ cái lắc đầu này tới lắc đầu khác, dân mình sống có vẻ bên lề mọi chuyện, uể oải, chẳng tin tưởng vào cái gì. Ngoài hiếm hoi người đứng đắn, còn thì làm đủ mọi xảo trá để có tiền, con người từ từ thành vô cảm, lý tài, trơ trẽn. Người giàu nếu có thể thì lo đi nước ngoài sinh sống, cho là có văn hoá, có tự do, an toàn y tế... Đùng một cái, cái giàn khoan qua truyền thông chỉ thấy lộ mờ mờ giữa biển đã đánh chín chục triệu người thức dậy, ai ai cũng tận mắt thấy nó lù lù trước cổng nhà mình. Lòng yêu nước không phân biệt giới tính, tuổi tác, giàu nghèo bỗng ùn ùn nổi lên kéo người ta lại với nhau sát cánh, cổ vũ, hừng hực khí thế điểm mặt giặc phương Bắc – mà ngay cả trong sách giáo khoa và báo chí một thời cũng chẳng dám nêu tên.


BỐM BIỂN


Những ngày tháng 5 khi các đợt sóng dầu sôi lửa bỏng từ Biển Đông dội về, giữa bao hình ảnh xúc động chứng tỏ hùng hồn lòng yêu nước, thì ngư dân với giọng nói chơn chất tuyên bố “ nhất quyết bám biển ” là một trong những hình ảnh đẹp nhất trong năm.
Tự cho là “ dân gốc rạ ” quê mình, qua phỏng vấn trên truyền hình tôi vẫn khó lòng nghe kịp trọn vẹn thổ âm Lý Sơn “ bốm biển ”, thì chắc là đồng bào nhiều vùng khác cũng không hiểu hết. Nhưng như xem một bức tranh, không cần hiểu, chỉ cần cảm – cảm ý chí và tấm lòng thể hiện lên nét mặt. Hai chữ “ bám biển ” của dân chài nói lên tất cả. Đã hẳn vì kế sinh nhai, nhưng còn hơn thế nữa khi họ nhất quyết ra khơi. Họ là những người không có bằng tiến sĩ hay chức danh phó giáo sư, dám có người không biết đọc biết viết, tuyệt đối lại chẳng trách nhiệm gì với dân chúng mà hùng hồn tuyên bố phải giữ đất, biển cha ông để lại. Hư tàu thì sửa tàu, bị thương thì chữa thương, bị cướp đoạt tài sản thì đi kiếm tài sản khác, và hùng dũng bám biển nâng đỡ, đùm bọc, khích lệ nhau giữ vững tinh thần. Một ngư dân hiên ngang : “ Dù có thiệt hại về kinh tế và cả tính mạng, chúng tôi cũng rất sẵn sàng. Bao thế hệ cha ông đã đổ xương máu để bảo vệ Hoàng Sa và biển trời lãnh hải của đất nước. Lẽ nào thế hệ con cháu chúng ta lại khoanh tay đứng nhìn trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc ”. “ Môi hở răng lạnh ” ư ?, nếu mình là môi thì cũng đã bị răng ngấu ngứu rồi, nếu mình là răng thì cũng bị nhổ rụng lom mom rồi.
Lòng người sôi sục uất khí và thương cảm. Những đồng tiền chắt chiu từ chị bán ve chai, chị bán dép, cụ già trong viện dưỡng lão hay em bé đập con heo đất... ngày ngày gửi đến các báo để chuyển ra biển là một bằng chứng hùng hồn của sự quan tâm, thực sự cảm động. Bỗng dưng mọi người biết là xa hơn bên kia lề đường có lính tuần tra ngày đêm lặng lẽ chịu nắng gió bão táp, có thể bị thương hay bị chết bất cứ lúc nào vì cố giữ biển của ta trọn vẹn. Trong số đó, chưa kể trường hợp từng người phải dẹp niềm riêng làm con, làm chồng, làm cha, để làm trọn vai trò người lính, can trường chấp nhận mọi hiểm nguy. Bỗng dưng người ta chợt giật mình tự hỏi, tự trách : mỗi ngày bao nhiêu tấn tôm cá nằm trên bàn ăn gia đình hay trên bàn nhậu, có bao giờ ta nghĩ đến những truân chuyên ngư dân gặp phải ?
Và với tất cả các áp lực trơ tráo của tên to xác vô liêm sỉ, làm sao những con người chơn chất quê mùa cả đời chỉ ngửi mùi tanh tôm cá, những con người được huấn luyện phải dũng cảm xông pha, lại có thể kiên trì dìm lòng nhẫn nhịn với sự trầm tĩnh đáng nể phục dường ấy ? Và mọi trái tim thương yêu, mọi con mắt biết ơn dõi về phía họ.

GIÁO ÁN


Đến tháng 5 hãy còn vô danh, tên tuổi cô giáo Nguyễn Kim Anh bỗng bay khắp thế giới với Tiết học “ Yêu Nước ”, một sáng kiến độc đáo đúng lúc, đúng nơi. Bỗng nhiên học sinh không còn thờ ơ với môn sử nữa. (Hy vọng kỳ thi Trung học phổ thông năm tới, trong các môn thi tự chọn, môn lịch sử sẽ không nằm cuối bảng như năm nay). Chỉ tóm tắt, cô Kim Anh đã cho các em hiểu qua hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, riêng Tàu thì “từ thời Tần Thủy Hoàng, không một triều đại nào không âm mưu và thực hiện việc xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải VN. Mỗi cuộc xâm lược và đe dọa xâm lấn chủ quyền dân tộc là một lần “lòng người dậy sóng”...” Và các em sung sướng được biết đến những sự kiện, những nơi mà thỉnh thoảng nghe nói đến như chuyện của ai, như chốn xa xôi lạ lẫm xứ người, dù đã là lớp 11, là sắp thi Tú Tài ! “ Lần đầu tiên em biết về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa, lý do Trung Quốc hết lần này đến lần khác xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Nó thật dễ hiểu, dễ nhớ và hữu ích ”. Có lần cô em nhà giáo dạy văn kể là đi dự lớp, một cô giáo cầm hình vẽ Hai Bà cưỡi voi, dõng dạc nói với học sinh : “ Đây là bà Trưng chở bà Triệu ” ! Chẳng khác có một chuyện cười, cô giáo hỏi học sinh : “ Lê Lợi chém Thoát Hoan ở đâu * ? Một trò lễ phép trả lời : Thưa cô, chém ở cổ ạ ” ! Tôi hiểu hơn về một số thanh niên không biết tên Hát Giang, thường hỏi lại với một từ rất lạ lùng không hề nghe trong sách vở. Thế mà hội sách hai năm một lần ở Saigon vẫn được hân hoan tổ chức trong công viên mang tên Lê Văn Tám, người anh hùng không phải của lịch sử, mà của tuyên truyền tưởng tượng ! Chả trách “ Dân ta phải biết sử ta, Rủi mà không biết thì tra Gu Gồ ” !
Cũng may, cái giàn khoan trồng vào lúc trường chưa nghỉ hè, quý thầy cô mới có dịp làm những buổi chào cờ ngày bế trường với hình bản đồ VN, những cuộc chuyện trò, giảng giải phân tích... mới thấy trong mỗi học sinh vẫn tiềm tàng lòng yêu nước chưa được khơi lên.

XƯA VÀ NAY


Đặc biệt trong dịp này, tên Việt Nam Cộng Hoà được nhắc đến nhiều lần là kẻ đã có công trong việc cố giữ Hoàng Sa. Tại các ngọn đảo xa xôi này, bao nhiêu thanh niên đã nằm xuống vĩnh viễn với sứ mạng nguy hiểm là giữ gìn biển đảo ? Mặt khác, báo chí và các cơ quan nhà nước tổ chức nhắn tin qua “ Cổng thông tin nhân đạo quốc gia ” trên hệ thống điện thoại di động, ngoài việc giúp ngư dân và cảnh sát biển bám giữ lãnh hải, cũng không quên hỗ trợ gia đình các chiến sĩ đã hy sinh trong hai trận chiến Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.
Chỉ tiếc vẫn còn những hành động lạc điệu. Trong cuộc biểu tình ngày 18-5, một thanh niên cầm cờ vàng 3 sọc đỏ đã bị “ các thanh niên khác ” đánh đập. Vậy “ Yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà cùng nhìn về một hướng ” là sai rồi. Việt Nam ta chẳng đang khẩn khoản bọn cựu thù “ thực dân Pháp ” và “ đế quốc Mỹ ” cùng nhìn một hướng với ta đấy ư ? Ngược lại đồng chí Nga đã chình ình ở Cam Ranh chẳng phải đang nhìn cùng một hướng với đồng chí Tàu xâm lược ta đó ư ?
Một vị cựu đại sứ đã nói : “ Giờ là thời khắc lịch sử cần phải thổi bùng lên sức mạnh dân tộc này ”. Xin thổi lè lẹ, World Cup tới nơi rồi, chẳng biết giờ giấc ra sao, nhưng đêm thức xem, ngày lên sở ngủ, còn hồn vía hơi sức đâu nữa mà đấu tranh cho biển đảo. Chắc chắn đó cũng là một trong những yếu tố để Tàu lợi dụng lúc này chiếm biển của ta. Dân chúng phần đông thuộc loại “ huyết dũng ”, nên biển ta bị xem như chỗ không người cả tháng nay mà vẫn còn nghe thiên hạ chỉ “ quan ngại sâu sắc ” về những “ vi phạm trầm trọng ” của Tàu, nào khuyên “ kiềm chế tối đa ”, thì sốt ruột lắm. Trong khi các quan mải cân nhắc từng từ ngữ, thì tàu kiểm ngư và tàu đánh cá của ta cứ tiếp tục bị khủng bố, số phận lính biển và ngư dân bị thử thách từng giây.
Tuần lễ cuối tháng 5, các rạp xi nê cả nước chiếu phim Godzilla, chuyện đôi quái vật Muto ngủ đông nhiều thiên niên kỷ chợt vùng mình thức dậy, gieo tai hoạ trên mỗi bước chân. Con Godzilla hùng dũng từ đáy đại dương trồi lên tiêu diệt chúng, cứu nhân loại, rồi lặng lẽ trườn mình xuống đáy nước. Mặt biển trở lại yên tĩnh bao la... Nhưng ta thì chẳng có một Godzilla nào ở đâu đó đến cứu cả, phải gấp rút lớn lên như Phù Đổng mà thôi, nhưng muốn được là Thánh Dóng thì phải vươn mình rũ bỏ linh tinh đủ thứ ảo giác, ảo tưởng, ảo vọng... bấy lâu nay vẫn làm mờ mắt đến nỗi chẳng nhìn ra được ai thân, ai lạ, ai bạn, ai thù...

Xuân Sương

Paris, đầu tháng sáu 2014


(*) Lê Lợi thế kỷ 15, Thoát Hoan cuối thế kỷ 13.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"