Mạnh Kim
Sẽ là rất lịch sự nếu dùng những từ đại loại “đối tác” hay “đối thủ”
mà không phải là kẻ thù để chỉ mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung
Quốc. Và nếu xem Trung Quốc là kẻ thù, Mỹ đang đối mặt với một kẻ thù
hắc ám và kỳ lạ chưa từng có trong lịch sử cổ kim, một kẻ thù không hoàn
toàn nằm ở chiến tuyến đối lập thật sự như với Liên Xô trước đây mà lại
“bị” gắn kết bởi những lợi ích song phương gần như không thể tách rời.
Điều đó cũng đúng với phía Trung Quốc. Làm thế nào để “diệt” nhau trong
bối cảnh quan hệ phức tạp như vậy?
Từ kẻ thù không đội trời chung
Lịch sử đã cho thấy một khi lợi ích chính trị bị đe dọa thật sự,
người ta vẫn có thể hy sinh quyền lợi kinh tế và sẵn sàng dùng nắm đấm
phân biệt hơn thua. Trước Thế chiến thứ nhất, Anh và Đức là hai đối tác
thương mại chính của nhau. Tuy nhiên, điều đó vẫn khiến giới chính trị
chóp bu London xem sức mạnh đang lên của Đức là mối đe dọa cho vị trí đế
quốc thực dân của họ cũng như sự ổn định chính trị châu Âu nói riêng về
lâu dài. Và dù quan hệ mậu dịch gắn kết với Anh vẫn tăng đều, Đức vẫn
đi đến kết luận rằng Anh đang tìm cách khống chế, cố tình ngăn cản và
“trù dập” sự lớn mạnh của họ. Thế là bất chấp quyền lợi kinh tế song
phương, quan hệ chính trị hai nước xấu dần rồi cuối cùng dẫn đến chiến
tranh. Trường hợp Anh-Đức đã cho thấy sự lệ thuộc kinh tế song phương
chưa chắc là yếu tố giúp củng cố tình bạn thêm bền vững mà thậm chí
chính nó lại là nguyên nhân chủ yếu cho những bất ổn, mâu thuẫn và xung
đột.
Điều này đang xảy ra trong mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc, khi mà Trung
Quốc không chỉ ngoi lên như một cường quốc kinh tế mà còn là một sức
mạnh quân sự đe dọa quyền lợi Mỹ - đúng như dự báo của Tổng thống
Theodore Roosevelt (nhiệm kỳ 1901-1909) cách đây hơn 100 năm, khi cho
rằng: “Lịch sử tương lai của chúng ta sẽ được quyết định bởi vị trí của
chúng ta ở Thái Bình Dương đối mặt với Trung Quốc hơn là vị trí của
chúng ta ở Đại Tây Dương trực diện với châu Âu”. Cho nên, điều mà cựu
Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, vốn là người thân Trung Quốc, một “tình
nhân vĩ đại” trong lịch sử quan hệ Washington-Bắc Kinh, kết luận trong
quyển On China (phát hành 2011) của mình - về việc nên tạo một “cộng
đồng Thái Bình Dương” trong đó Mỹ, Trung Quốc và tất cả các nước trong
khu vực đều cùng sống chung và phát triển trong hòa bình - chỉ là một ảo
tưởng phi thực tế chính trị, ngây ngô đến mức ngớ ngẩn! Trong chính trị
thế giới, làm gì có chuyện “ăn cùng mâm, ngủ cùng giường” với những đối
thủ đang lăm le đe dọa sức mạnh lẫn quyền lợi mình!
Trung Quốc và Mỹ vốn chẳng bao giờ thật tâm với nhau. Chính kiến là
một chuyện (tư bản và cộng sản). Tranh giành ảnh hưởng mới là vấn đề
chính. Thời Chiến tranh lạnh, hai nước xem nhau như mặt trăng với mặt
trời. Năm 1954, tại Hội nghị hòa đàm Geneva, Ngoại trưởng Mỹ John Foster
Dulles đã thẳng thừng từ chối bắt tay người đồng cấp Chu Ân Lai và thậm
chí ra lệnh tất cả thành viên Mỹ phó hội Geneva phải “phớt lờ mọi lúc
về sự có mặt và tồn tại của phái đoàn Trung Quốc”. Cùng với chính sách
cô lập Trung Quốc về mặt ngoại giao, Mỹ cũng thiết lập một mạng lưới
đồng minh và căn cứ quân sự ở Đông Nam Á. Đến giữa thập niên 1950,
Washington đã ký thỏa ước hợp tác quốc phòng với Úc và New Zealand
(1951), Philippines (1951), Nam Hàn (1953); thắt chặt quan hệ với Đài
Loan (1954) và cả cựu thù Nhật (1951). Mỹ còn thành lập nhiều tổ chức
quân sự trong đó có Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Tây
Âu, Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO; Philippines, Thái Lan,
Pakistan…), Tổ chức hiệp ước trung tâm (CENTO; Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq,
Pakistan…). Đến trước Thế chiến thứ hai, Philippines đã trở thành căn cứ
vững mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương, nối với chuỗi đảo thuộc quản lý Mỹ
(Guam, Wake, Midway)… Từ năm 1950, Washington cũng áp đặt lệnh cấm vận
toàn diện đối với Trung Quốc…
Đến một chuyện tình “cưỡng hôn”!
Có lẽ Trung Quốc chẳng bao giờ có cơ hội “ngóc đầu” lên được nếu
không xảy ra hai yếu tố thời cuộc, khiến chính sách Washington đối với
Bắc Kinh thay đổi 180o. Thứ nhất, đó là sự đe dọa của Liên
Xô, và thứ hai là cuộc chiến Việt Nam. Trong bối cảnh bế tắc của cuộc
chiến Việt Nam và đồng thời cần một đối trọng để cân bằng quyền lực với
Liên Xô, Mỹ bắt đầu chơi trò “mèo mả, gà đồng” với Trung Quốc. Đến đầu
thập niên 1970, “bè lũ” Kissinger đã áp dụng một chính sách tiếp cận
Trung Quốc hoàn toàn khác. Mục tiêu của Mỹ không còn làm suy yếu mà
ngược lại phải làm cho Trung Quốc mạnh! Cụ thể nhất là việc hỗ trợ cho
lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng nhiều loại
vũ khí hiện đại, đủ sức để Trung Quốc đương đầu nếu nước này xảy ra
chiến tranh với Liên Xô.
Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc
gia Kissinger muốn tăng tốc kế hoạch viện trợ quân sự cho Trung Quốc,
Quốc hội Mỹ vẫn tỏ ý lo ngại và tìm cách ngăn chặn, với niềm tin rằng
Bắc Kinh là một đối tác bất khả tín. Tuy nhiên, Nixon, rồi người kế
nhiệm Gerald Ford, vẫn thuyết phục được Quốc hội, dù mức độ viện trợ
không được như phác thảo ban đầu. Trong số thiết bị-phương tiện viện trợ
cho Trung Quốc lúc đó, có hệ thống bắt tín hiệu truyền hình vệ tinh, 10
chiếc Boeing 707 và hai máy tính tốc độ cao. Đến năm 1975, Kissinger
(lúc này là ngoại trưởng) còn kêu gọi xóa một số hạn chế xuất khẩu được
áp dụng thời Chiến tranh lạnh, trong đó có việc bán động cơ phản lực
Rolls-Royce (Anh sản xuất) cho Trung Quốc. Song song, Mỹ và Trung Quốc
cũng thiết lập các chương trình tập trận, huấn luyện quân sự và thậm chí
soạn thảo kịch bản tác chiến (đánh Liên Xô)… Dù vậy, Mỹ rất cân nhắc
chính sách viện trợ quân sự cho Trung Quốc, phần vì bản chất của “cuộc
tình” Washington-Bắc Kinh thực chất chỉ là mối tình tạm bợ, một cuộc
tình vì “cưỡng hôn” mà có, vì thời cuộc xoay vần mà ra. Phần nữa, Mỹ
không dám ào ạt viện trợ quân sự cho Trung Quốc bởi lo ngại Liên Xô có
khả năng phản ứng mạnh và chơi đòn phủ đầu bằng cách bất ngờ tấn công
Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ một cuộc đại chiến thế giới lần ba.
Trong thực tế, đã có vài tín hiệu cho thấy Liên Xô sẵn sàng dập Trung
Quốc, không phải đánh bằng một chiến dịch quân sự thông thường mà là
đập cho nát ngướu! Hè 1969, khi xung đột biên giới Trung Quốc và Liên Xô
căng thẳng, tại một bữa ăn trưa ở nhà hàng “Beef and Bird” ở trung tâm
Washington, một viên chức ngoại giao cấp trung Liên Xô đã nói với người
đồng cấp Mỹ rằng Moscow đã lên kế hoạch “cực kỳ nghiêm túc” việc tấn
công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân Trung Quốc. Vài tuần sau tại
Teheran, một tùy viên không quân Liên Xô cũng nói với một sĩ quan Mỹ
rằng Liên Xô “sẽ không ngần ngại dùng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt Trung
Quốc” nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối biên giới Liên Xô. Năm 1973, một
lần nữa, Liên Xô lại đề cập khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân Trung
Quốc. Phản ứng, Kissinger – trong chuyến kinh lý Bắc Kinh cuối năm 1973 –
nói với Chu Ân Lai rằng trong trường hợp Moscow tuyên chiến với “người
anh em” Trung Quốc, Mỹ “có thể giúp đỡ bằng cách hỗ trợ thiết bị và các
dịch vụ khác” (nhưng không nêu cụ thể là những gì), đồng thời giúp Trung
Quốc giảm thiểu khả năng thiệt hại bằng cách cung cấp thông tin tình
báo cảnh báo sớm. Điều này chỉ có thể thực hiện một khi thiết lập đường
dây nóng “giữa các vệ tinh của chúng ta để chúng tôi có thể thông báo
cho các bạn chỉ trong vài phút”… Giữa thập niên 1970, Mỹ bắt đầu giảm
bớt liều lượng nhiệt tình trong quan hệ với Trung Quốc. Cuộc chiến Việt
Nam đã ngã ngũ và mối đe dọa hạt nhân Liên Xô cũng không còn. Hơn nữa,
quan điểm nổi trội trong chính trường Mỹ vẫn là sự áp đảo của phe chính
trị truyền thống với chính sách không thân thiện với một nước cộng sản
như Trung Quốc. Phần mình, Bắc Kinh cũng chẳng thấy vui gì khi
Washington thắt chặt bang giao với mình, một mặt, vẫn đi lại và bênh vực
Đài Loan.
Trong thực tế, cả hai đều nhìn thấy rõ bản chất của mối quan hệ:
Trung Quốc cần dựa hơi Mỹ để chống Liên Xô, trong khi Washington cần
vuốt ve Trung Quốc để lấy nó làm đối trọng trong những cuộc mặc cả chính
trị với Moscow. Tuy nhiên, tháng 12-1979, khi quân đội Liên Xô tấn công
Afghanistan, quan hệ chiến lược Washington-Bắc Kinh lại được đẩy lên
một “tầm cao” mới. Trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 1-1980, Bộ trưởng
quốc phòng Mỹ Harold Brown đề xuất loạt trao đổi giữa các viên chức
quốc phòng cấp cao hai nước, ở một mức độ “chưa từng có trước nay”. Tổng
thống Jimmy Carter tuyên bố ông sẽ chuẩn y các giấy phép xuất khẩu cho
những mặt hàng liên quan kỹ thuật kép (dùng cho dân sự lẫn quân sự), và
lần đầu tiên cũng chuẩn y phi vụ bán các hệ thống quân sự không giết
người, như radar, vận tải cơ, trực thăng và phần cứng viễn thông. Tuy
nhiên, Carter vẫn còn đủ tỉnh táo và thận trọng không đồng ý bán vũ khí
tấn công, bất chấp sự bày tỏ quan tâm từ Bắc Kinh...
Chính sách thân thiện của Washington đối với Bắc Kinh, dù ẩn sâu bên
trong vẫn tồn tại nhiều nghi kỵ và dè chừng, đã khiến dư luận Mỹ thời
điểm đó bớt nhìn Trung Quốc bằng cặp mắt tiêu cực. Trong suốt thập niên
1970, chỉ khoảng 1/3 người được hỏi trong các cuộc thăm dò tại Mỹ là bày
tỏ cái nhìn tích cực dành cho Trung Quốc trong khi 2/3 hoặc hơn nói
chung tỏ ra nghi ngại Trung Quốc. Đến thập niên 1980, những kết quả thăm
dò bắt đầu cho thấy ngược lại. Trong cuộc thăm dò tháng 2-1989, tỉ lệ
người Mỹ “khoái” Trung Quốc đã lên đến 73%!
(Nguồn tham khảo: “A Contest for Supremacy: China, America, and the Struggle for Mastery in Asia”; giáo sư Aaron L. Friedberg; NXB W. W. Nortin & Company; phát hành ngày 1-10-2012)