Trọng Thành
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc tại Genève (Ảnh: LHQ)
Hôm qua, 20/06/2014, trong phiên họp thông qua báo cáo Kiểm điểm
Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ 2, dưới sự chủ tọa của Hội đồng Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc, tại Genève, chính phủ Việt Nam thông báo giữ lại 182
khuyến nghị trong số 227 khuyến nghị do các nước đề xuất, và bác bỏ 45
khuyến nghị còn lại.
Từ Genève, trả lời RFI, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong bốn đại
diện của nhóm 10 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, cho biết diễn biến của
phiên họp, các hoạt động của đoàn và quan điểm của ông về quyết định nói
trên của chính quyền.
RFI: Thưa ông, xin ông cho biết một số nhận xét của ông về phiên họp ngày hôm qua?
TS Nguyễn Quang A: Trong phiên họp này, đầu tiên
đoàn Việt Nam trình bày bản báo cáo của mình, trong đó nêu rất nhiều
thành tích, nhiều tiến bộ, cũng như là thông báo chấp nhận đến trên 80%
kiến nghị. Sau đó, đến các nước phát biểu, như Lào, Myanmar, Malaysia,
Philippines, Singapore, một loạt các nước khác như Maroc, Srilanka đều
rất hoan nghênh việc cam kết của Việt Nam, đã chấp nhận khuyến nghị của
họ…
Trong các ý kiến này, EU – Liên Hiệp Châu Âu - thì tôi không thấy
phát biểu gì, duy nhất chỉ có của Mỹ nói nhiều về vấn đề nhân quyền, vấn
đề nghị định 72, đích danh nêu tên anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh), kêu
gọi thả tù nhân chính trị. Đó là về phía các nước.
Sau đó đến các tổ chức xã hội dân sự, một số lên tiếng rất mạnh mẽ,
như Human Rights Watch, nêu rất chi tiết. Nhiều tổ chức xã hội dân sự
cũng nêu ý kiến là Việt Nam còn rất nhiều khiếm khuyết trong vấn đề nhân
quyền. Trong đấy có một số tổ chức xã hội dân sự, như Hội đồng Hòa bình
Thế giới, và Hội chất độc màu da cam rất hoan nghênh Việt Nam, đã có
thành tích nhân quyền rất tốt, đòi Mỹ phải bồi thường cho nạn nhân chất
độc màu da cam. Trong các tổ chức xã hội dân sự từ Việt Nam đến, có Hội
dân số, kế hoạch hóa gia đình ca ngợi việc « kế hoạch hóa dân số »
đang rất tốt, bảo đảm được rất nhiều quyền. Cũng có đại diện một hội
nữa của xã hội dân sự Việt Nam (ISEE/Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và
Môi trường), bảo vệ cho tiếng nói của những người đồng tính phát biểu
khá là tốt, cũng khen một số tiến bộ, nhưng cũng cho biết luật Hôn nhân
gia đình vừa rồi vẫn không được ghi nhận (không công nhận hôn nhân giữa
những người đồng tính - ndr)… Đoàn của chúng tôi, đại diện cho hơn 10 tổ
chức xã hội dân sự, rất đáng tiếc là vì xếp ở quá sau, nên hết giờ,
không còn thời gian, nên không được phát biểu.
RFI: Xin ông cho biết mục tiêu của phái đoàn đại diện các tổ chức xã hội dân sự độc lập của Việt Nam lần này tại Genève?
TS Nguyễn Quang A: Mục tiêu đầu tiên là vận động
quốc tế, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự của các nước
khác, cũng như là các đoàn ngoại giao ở đây để họ biết rõ hơn, kỹ hơn về
tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Bởi vì, chúng tôi thấy có một số tổ
chức đến dự bảo là Việt Nam rất tiến bộ, người dân được tham khảo ý kiến
về luật pháp, về Hiến pháp, đủ mọi thứ. Thế thì người ta chỉ dựa trên
các thông tin do Nhà nước, hoặc do báo chí (của Nhà nước – ndr) nêu ra.
Nhưng cái thực chất như thế nào thì người ta không biết. Cho nên nhiều
khi các thông tin một chiều như thế khiến họ có những đánh giá không
thật chính xác lắm. Mục tiêu của chúng tôi là làm cho họ rõ thêm về
chuyện đó.
Ở tại Genève, chúng tôi còn làm việc đến ngày 25/06. Chúng tôi sẽ
tiếp tục công việc như đã làm. Chúng tôi nghĩ rằng hoạt động ở bên ngoài
cuộc họp chính mới là chuyện quan trọng. Còn chuyện trong một cuộc họp
chính, mà nếu còn thời gian để được đọc, ví dụ như anh Trịnh Hữu Long,
người được phân công đại diện cho đoàn đọc bài phát biểu, thì cũng rất
tốt, nhưng điều đó chỉ là một phần.
Chúng tôi đi với lời mời của tổ chức CIVICUS, một tổ chức xã hội của
Nam Phi rất nổi tiếng. Bài mà lẽ ra anh Long được phát biểu, tôi được
người phụ trách CIVICUS nói là đã phân phát cho các đoàn tham dự hội
nghị.
RFI: Thưa ông, xin ông cho biết nhận định của đoàn về các
khuyến nghị nhân quyền mà chính phủ Việt Nam vừa thông báo chấp thuận và
bác bỏ tại phiên họp toàn thể hôm qua?
TS Nguyễn Quang A: Một chuyện ghi nhận là (chính
phủ Việt Nam – ndr) chấp nhận nhiều như thế là rất tiến bộ. Vấn đề là
các tổ chức xã hội dân sự và người dân Việt Nam, cũng như là các tổ chức
quốc tế, sẽ yêu cầu trong thời gian tới là 182 cái khuyến nghị được
chấp nhận, thì hãy cố gắng thực hiện được tốt một nửa số đấy cũng là tốt
rồi. Còn nếu mà không làm, thì có thể họ chấp nhận 182 điều, nhưng họ
chỉ thực hiện 15, 16 cái dễ dàng thôi, còn những điều khác mà lờ đi, thì
cũng không phải là hay.
Cái việc tới là phải thúc đẩy để thực hiện cả 182 điều thì càng tốt, nếu không, chí ít cũng phải được một nửa chẳng hạn.
RFI: Thưa ông, thế còn về 45 điều bị bác bỏ?
TS Nguyễn Quang A : 45 kiến nghị mà Việt Nam bác
bỏ, theo nhận định của tôi, đấy là những kiến nghị cốt lõi nhất về vấn
đề nhân quyền. Hay nói một cách tóm tắt là, trong một cái « cây nhân quyền
» có rất nhiều lá, người ta chấp nhận 182 lá và các cành con (trong
trường hợp này – ndr), nhưng các cành chính và thân của nó là 45 kiến
nghị của các nước Châu Âu, của Séc, của Ba Lan, của Mỹ… thì đều bị từ
chối cả. Đó là những vấn đề đa nguyên, đa đảng, về thả tù nhân chính
trị, về quyền tự do ngôn luận, vấn đề bỏ điều 79, bỏ điều 88, điều 258.
Tất cả những điều cốt lõi nhất của sự vi phạm nhân quyền đều nằm trong
45 kiến nghị ấy.
Cũng như, một điều rất quan trọng là Việt Nam ký những thỏa ước quốc
tế, nhưng bên dưới những thỏa ước ấy, thì có những nghị định thư, những
protocole, buộc phải công nhận các tài phán quốc tế, thì tất cả những
khuyến nghị có cái đó đều bị từ chối cả. Hay nói cách khác, những thỏa
ước quốc tế dù có được ký, nhưng chỉ tồn tại trên danh nghĩa thôi, chứ
Việt Nam không chấp nhận thực hiện theo đúng như tinh thần các thỏa ước
quốc tế về quyền con người, quyền dân sự và chính trị. Vì chính quyền
Việt Nam không chấp nhận phán quyết của các tổ chức độc lập, nếu Việt
Nam có sự vi phạm ấy. Như thế cũng giống hệt như Trung Quốc, ký vào Công
ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, nhưng không công nhận quyền tài phán
của bất kể tổ chức tài phán nào. Và việc ký đấy chỉ để cho vui, để trang
trí cho « bức tranh nhân quyền » của Việt Nam.
RFI: Dường như đây cũng là trường hợp của khuyến nghị liên quan đến Công ước chống tra tấn?
TS Nguyễn Quang A: Thí dụ như là Công ước ấy chẳng
hạn. Trong phiên họp hôm qua, ông trưởng đoàn Việt Nam tuyên bố rất hùng
hồn, cuối năm nay Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn hiệp ước đó. Nhưng
điều đáng chú ý là, người ta từ chối ký nghị định thư đi kèm với Công
ước ấy (Đây là trường hợp Việt Nam bác bỏ khuyến nghị 31 của Tunisia « Tăng cường khuôn khổ pháp lý và thể chế bằng cách phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn và Nghị định thư tùy chọn kèm theo … », trong khi đó lại chấp nhận khuyến nghị 21 của Burkina Faso về « Phê chuẩn Công ước về Quyền của Người Khuyết tật, Công ước Chống Tra tấn... » - ndr).
Vì nếu theo nghị định thư này, Việt Nam phải sẵn sàng chấp nhận
những phán xét của các tổ chức (quốc tế) về việc vi phạm Công ước đó.
Tôi giả sử một người nào ở trong tù, bị tra tấn, người ấy khiếu nại lên
các cơ quan quốc tế theo thỏa ước đó, thì đều vô hiệu cả. Vì người ta
không chấp nhận. Hay nói cách khác, việc ký như thế có vẻ như để thể
hiện là: chúng tôi có vẻ cũng tôn trọng nhân quyền thôi, nhưng thực bụng thì chúng tôi không ký những cam kết đằng sau. Và như thế, thì thực sự là vô hiệu.
Nói tóm lại, tôi quay lại với 227 kiến nghị của các nước, được coi
như là một cây nhân quyền sum suê đấy, có 182 lá và cành con, còn các
cành lớn và thân cây – tức 45 khuyến nghị đấy, đều bị bác bỏ cả. Cái cây
nhân quyền mà cành và thân cây chính mà không có, thì nó cũng héo thôi.
RFI xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quang A.