Nguyễn Hùng BBC Việt ngữ, từ Geneva, Thụy Sỹ
Ông Leon Saltiel từ UN Watch đòi 'đuổi' VN khỏi Hội đồng Nhân quyền
Ngay trước khi Việt Nam đăng đàn tại phiên họp kiểm định định kỳ thứ 18 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sức ép từ các tổ chức vận động nhân quyền đối với Hà Nội và cộng đồng quốc tế đang được đẩy lên.
Tại hội thảo mang tên ‘Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc’ hôm 4/2, Phó Giám đốc tổ chức UN Watch thậm chí kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc hãy “khai trừ Việt Nam ra khỏi Hội đồng Nhân quyền”.
Hội thảo này do một số tổ chức vận động nhân quyền, trong đó có PEN International, UN Watch và Đảng chính trị Việt Tân, đồng chủ trì.
Ông Leon Saltiel nói chỉ có những nước tôn trọng nhân quyền ở mức cao nhất mới xứng đáng có chân trong Hội đồng Nhân quyền và Việt Nam lại đang tiếp tục vi phạm các quyền tự do bao gồm cả tự do ngôn luận và tự do hội họp.
“Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền không phải để thúc đẩy nhân quyền mà để bảo vệ họ và bạn bè khỏi bị chỉ trích,” ông Saltiel nói.
Đại diện của UN Watch, tổ chức phi chính phủ theo dõi các hoạt động ở Liên Hiệp Quốc, cũng nói thêm Libya cũng đã từng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đã bị khai trừ khỏi hội đồng này.
Đại diện của UN Watch, tổ chức phi chính phủ theo dõi các hoạt động ở Liên Hiệp Quốc, cũng nói thêm Libya cũng đã từng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đã bị khai trừ khỏi hội đồng này.
Khi phóng viên BBC chất vấn về chuyện Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao, ông Saltiel nói chuyện các nước thành viên Liên Hiệp Quốc dàn xếp và mặc cả với nhau để đổi chác sự ủng hộ là chuyện thường.
Ông Saltiel nhắc đến chuyện diễn giả Phạm Chí Dũng bị công an Việt Nam ngăn không cho ra khỏi Việt Nam để tới dự hội thảo và nói đây là ví dụ rõ nhất về chuyện Việt Nam không tôn trọng quyền của các cá nhân được tham gia vào các cuộc bàn thảo về nhân quyền.
Những người tổ chức hội thảo cũng cố gắng để nối Skype với ông Dũng nhưng đường truyền chập chờn nên không thể kết nối.
Cuối cùng họ phải bật đoạn thu hình từ trước của ông Dũng, người nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức phi chính phủ trong việc mang lại những thay đổi tích cực trong xã hội.
Số vụ '88 và 79' giảm
Người duy nhất từ Việt Nam không bị ngăn cản tham gia các hoạt động trước phiên Kiểm định Định kỳ Phổ quát UPR là luật sư Hà Huy Sơn.
Ông Sơn nói ông chưa bao giờ thắng bất kỳ vụ kiện nào liên quan tới các Điều 88 và 79 của Luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước và tội lật đổ.
Nhưng ông cũng nói với BBC số vụ xử theo hai điều này có giảm xuống và các nhà hoạt động giờ thường bị khép vào những tội khác, chẳng hạn tội trốn thuế của luật sư Lê Quốc Quân.
Ông Sơn nói ông bị đe dọa vì bảo vệ các nhà hoạt động tại tòa
Khán phòng cũng có lúc trùng hẳn xuống khi nhà báo Trần Quang Thành, người từng làm báo trong nước và hiện sống ở Slovakia, kể về chuyện ông bị công an “chỉ điểm” cho những kẻ muốn trả thù ông vì viết bài chống tham nhũng để họ tạt a-xít vào mặt ông khiến ông bị thương tật tới 85%, một mắt mù và một mắt chỉ còn 1/10 thị lực. Vợ ông bị suy tim và mất ít lâu sau ông bị tấn công trong khi con trai và con gái ông lần lượt bị mất việc vì những bài báo của ông, nhà báo Thành nói.
Đại diện của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, ông Benjamin Ismail, cũng phát biểu tại hội thảo rằng tình hình nhân quyền Việt Nam đã tồi tệ thêm từ năm 2009, năm Việt Nam lần đầu tiên bị kiểm điểm về nhân quyền.
Ông Ismail nói lần cuối cùng tổ chức của ông tiếp xúc được với Việt Nam là hồi năm 2009 và cuộc gặp khi đó cũng không có gì tốt đẹp.
'Bị chặn hoàn toàn'
Tổng Giám đốc Đài Á châu Tự do Libby Liu cũng nói bà mong muốn được gặp gỡ các quan chức Việt Nam để có thể trao đổi với họ về dịch vụ của đài, vốn hiện bị chặn hoàn toàn ở Việt Nam theo lời bà nói.
Trước khi cuộc gặp diễn ra, BBC Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn dài với bà Judy Taing, Giám đốc phụ trách Á châu của tổ chức Article 19 chuyên bảo vệ tự do ngôn luận.
Bà Taing, người điều phối một trong ba bàn tròn thảo luận của hội thảo, nói Việt Nam thậm chí không tôn trọng luật lệ của chính họ.
Bà nói Việt Nam cần tuân thủ luật của mình đề ra cùng các luật lệ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện nhất là khi giờ Việt Nam đã là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Bà Taing cả quyết rằng các tổ chức phi chính phủ chỉ muốn Việt Nam thực hiện đúng những gì họ đã hứa theo chuẩn quốc tế chứ không có ý nói xấu Việt Nam như Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có ý nói.
Chiếc áo và thầy tu
Trao đổi với BBC cũng trong ngày 4/2, một loạt các nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam đi thoát sang Geneva nói họ mong có những thay đổi ở Việt Nam để con em họ không bị tù đày, ngày Xuân họ được ở nhà ăn Tết với gia đình thay vì phải xa nhà đi vận động, báo chí không còn bị chỉ huy bởi những cuộc họp của quan chức Đảng và người Việt Nam được tự do đi lại và tham gia các hoạt động về nhân quyền thay vì bị cấm đoán.
Trong khi đó các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đăng ký tham gia phát biểu trong phiên UPR của Việt Nam lên tới 107, mở đầu là Na Uy và kết thúc là Nigeria với mỗi nước chỉ được phát biểu chừng một phút do quá nhiều nước muốn tham gia.
Một quan chức của Liên Hiệp Quốc nói 107 là con số kỷ lục của kỳ họp kiểm điểm UPR lần thứ 18 của Hội đồng Nhân quyền trong đó 14 nước có kỳ UPR bao gồm cả Afghanistan, Campuchia, Chile, New Zealand, Vanuatu và Yemen.
Việt Nam còn là một trong ba nước chủ chốt điều phối phiên UPR của Yemen.
Với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam giờ có thể coi là ngồi chiếu trên. Trong các cuộc họp của Hội đồng, Việt Nam ngồi ở ba hàng ghế đầu tiên thay vì có thể phải ngồi cuối phòng.
Nhưng các nhà hoạt động sẽ nói ‘chiếc áo không làm nên thầy tu’.
Và nếu tự do mà các nhà hoạt động muốn to như cái chiếu trong khi họ cho rằng Hà Nội chỉ muốn cho người dân tự do bằng cái chén thì những lời qua tiếng lại sẽ không bao giờ chấm dứt.