Nguyễn Hưng Quốc
Nếu mâu thuẫn chính xuyên suốt gần như toàn bộ thế kỷ 20 vừa qua là
mâu thuẫn ý thức hệ mà hình ảnh tiêu biểu nhất là cuộc Chiến tranh lạnh
giữa hai khối tư bản chủ nghĩa – đứng đầu là Mỹ - và khối xã hội chủ
nghĩa – đứng đầu là Liên Xô – với hai điểm nóng bùng nổ ở Triều Tiên
trong ba năm 1950-53 và ở Việt Nam trong hai mươi năm 1954-1975 thì mâu
thuẫn chính trong thế kỷ 21 này là gì?
Có nhiều câu trả lời. Sớm, gây tiếng vang lớn và có nhiều ảnh hưởng
nhất có lẽ là quan điểm của Samuel P. Huntington, được trình bày trong
một bài giảng tại American Enterprise Institute năm 1992, sau đó, được
viết lại dưới hình thức tiểu luận mang nhan đề “The clash of
civilization” đăng trên tạp chí Foreign Affairs vào năm 1993;
và, cuối cùng, phát triển thành hẳn một cuốn sách dày cả gần 400 trang,
được xuất bản lần đầu tiên năm 1996 (bản tôi đang dùng được in năm
2011).
Luận điểm chính của Huntington là: sau sự sụp đổ của khối xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, tức là sau thời Chiến tranh lạnh, thế giới
bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới với ba đặc điểm chính: Một, lần đầu
tiên trong lịch sử, nền chính trị toàn cầu trở thành đa cực
(multipolar) và đa văn minh (multicivilizational); hai, trong kỷ nguyên
ấy, yếu tố quan trọng nhất phân biệt các dân tộc không phải là vấn đề ý
thức hệ, chính trị hay kinh tế mà là văn hóa; và ba, cũng trong kỷ
nguyên ấy, chính trị địa phương là chính trị của sắc tộc, chính trị mang
tầm vóc toàn cầu lại là chính trị của văn minh (“In this new world, local politics is the politics of ethnicity; global politics is the politics of civilization”, tr. 28).
Tại sao? Theo Huntington, trước xu hướng hiện đại hóa và toàn cầu
hóa hiện nay, khi ranh giới giữa các quốc gia càng ngày càng trở nên mờ
nhạt, ý niệm bản sắc càng ngày càng trở nên bức bối. Câu hỏi chính mỗi
dân tộc tự đặt ra cho mình là: Mình là ai? Trả lời câu hỏi ấy, người ta
không phải chỉ cần biết mình không phải là ai mà, quan trọng hơn, cần
biết mình đang chống lại ai. Việc định nghĩa dựa trên cái không và cái
chống ấy hình thành nên một thứ chính trị mới, thứ chính trị không phải
chỉ nhắm đến lợi ích mà còn để khẳng định bản sắc. Bản sắc ấy được cắm
rễ sâu xa ở tổ tiên, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử, giá trị và các thiết
chế, Huntington gọi chung là “văn minh”.
Hệ quả là, theo Huntington, thế giới bây giờ không phải chỉ được
chia thành ba khối (thế giới thứ nhất gồm các nước phát triển; thế giới
thứ hai gồm các nước xã hội chủ nghĩa và thế giới thứ ba gồm các nước
đang hoặc kém phát triển) mà là bảy hoặc tám nền văn minh khác nhau, bao
gồm:
Thứ nhất, văn minh Trung Quốc (Sinic) với nét chủ đạo là ảnh hưởng
thống trị của Nho giáo, gồm, ngoài Trung Quốc, còn có các nước: Việt Nam
và Hàn Quốc (có thể kể thêm Đài Loan, nếu xem Đài Loan là một nước).
Thứ hai, văn minh Nhật Bản tuy chịu ảnh hưởng khá nhiều của Trung
Hoa thời cổ đại nhưng sau, phát triển thành một nền văn minh riêng.
Thứ ba, Ấn Độ giáo chủ yếu ở Ấn Độ, Bhutan và Nepal.
Thứ tư, Hồi giáo, chủ yếu ở Trung Đông (trừ Armenia, Cyprus,
Ethopia, Georgia, Israel, Malta và Nam Sudan), Bắc Phi, phía nam của Tây
Phi, Albania, Bangladesh, Brunei, Comoros, Indonesia, Malaysia,
Pakistan và Maldives.
Thứ năm, Chính thống giáo, bao gồm các nước thuộc khối Liên Xô cũ, Yugoslavia, Bulgaria, Cyprus, Hy Lạp và Romania.
Thứ sáu, văn minh Tây phương, bao gồm Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Âu, Úc và Tân Tây Lan.
Thứ bảy, văn minh châu Mỹ La Tinh, bao gồm vùng Trung Mỹ, Nam Mỹ
(trừ Guyana, Suriname và French Guiana), Cuba, Cộng hòa Dominican và
Mexico.
Thứ tám, có thể kể thêm văn minh châu Phi. Nói “có thể” vì nhiều học
giả không công nhận châu Phi có một nền văn minh riêng. Lý do là vì
châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều nền văn minh khác, ví dụ, phía
Bắc của châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề của Hồi giáo, phía Nam châu Phi
chịu ảnh hưởng của Tây phương (hoặc từ Pháp hoặc từ Anh) với đặc trưng
chính là Thiên chúa giáo.
Yếu tố đóng vai trò trung tâm của các nền văn minh kể trên là tôn giáo.
Thật ra, nhận định này cũng đã được nhiều người nêu lên. Theo
Christopher Dawson, “các tôn giáo lớn là nền tảng trên đó các nền văn
minh được xây dựng”. Theo Max Weber, trong năm tôn giáo có tầm vóc thế
giới, trừ Phật giáo, bốn tôn giáo còn lại – Thiên Chúa giáo, Hồi giáo,
Ấn Độ giáo và Nho giáo đều gắn liền với các nền văn minh lớn. Tại sao
Phật giáo lại không gắn liền với nền văn minh nào? Có nhiều lý do: Một,
ngay từ đầu Phật giáo đã bị phân hóa thành hai, Đại Thừa và Tiểu Thừa;
hai, nó không phát triển mạnh ở mảnh đất nó được khai sinh mà lại được
phát triển ở những nơi khác, ví dụ, một nhánh phát triển ở Trung Hoa,
Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản; một nhánh khác, phát triển ở Sri Lanka,
Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia; và ba, ở mỗi nơi, Phật giáo ít
nhiều đều được nội địa hóa, hòa lẫn với các tín ngưỡng khác, do đó, tuy
vẫn là một tôn giáo lớn, nó lại không đóng vai trò nền tảng của một nền
văn minh nào cả (tr. 47-8).
Trước đây, trong nhiều thế kỷ, kể từ khi Tây phương nổi lên như
những đế quốc mang quân đi chinh phạt khắp nơi, thế giới được chia thành
hai: Tây phương (West) và phi-Tây phương (non-West), trong đó, cái gọi
là phi-Tây phương bao gồm sáu hoặc bảy nền văn minh còn lại. Bây giờ,
các nền văn minh ấy càng lúc càng phát triển, trước, về phương diện kinh
tế, sau, về phương diện chính trị, trở thành những nền văn minh độc
lập, họ muốn thách thức lại Tây phương. Ngay chính cái gọi là Tây phương
ấy cũng bị phân hóa với một bên là Hoa Kỳ và một bên là châu Âu. Bởi
vậy, Henry Kissinger mới cho hệ thống quyền lực thế giới trong thế kỷ 21
tập trung vào sáu trung tâm: Hoa Kỳ, Âu châu, Trung Quốc, Nhật, Nga và
có lẽ, Ấn Độ (tr. 28).
Quan điểm của Samuel Huntington mặc dù gặp nhiều sự phê phán, nhưng
càng lúc rõ ràng là càng có ảnh hưởng. Gần đây nhất, nó được tái khẳng
định bởi Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, người được xem là một nhà chiến
lược sắc sảo của Tây phương.
Trong một bài báo đăng trên tờ The Observer ngày 26 tháng 1 năm
2014, Tony Blair khẳng định: không phải ý thức hệ mà chính là những sự
dị biệt về tôn giáo mới là những trận chiến quyết định trong thế kỷ 21
này.
Để chứng minh, ông nêu lên một số ví dụ từ các cuộc tấn công khủng
bố ở Syria, Libya, Iraq, Lebanon, Ai Cập, Yemen, Tunisia và Pakistan
cũng như ở một số vùng thuộc Nigeria, Trung Phi, Nga, Trung Á, Miến
Điện, Thái Lan và Philippines. Tất cả, với những phạm vi và mức độ khác
nhau, gắn liền với những lý do lịch sử và chính trị khác nhau, đều có
một bản chất: xuất phát từ những niềm tin mang tính tôn giáo. Nhân danh
tôn giáo, người ta ném bom vào nhau. Nhân danh tôn giáo, người ta mang
bom vào người để vừa tự sát vừa giết chết người khác, ngay cả những
thường dân vô tội trong các khu thương mại hay các nhà thờ, kể cả trong
bệnh viện và trường học. Nhân danh tôn giáo, người ta chống lại dân chủ,
phần lớn là các nền dân chủ còn non trẻ, để dựng lên các chế độ toàn
trị mới châu tuần chung quanh tôn giáo của chính mình. Theo Tony Blair, đó là điều các chính phủ nên nhìn nhận và tìm cách giải quyết.
Trong bài “The New Age of Nationalism”, Zachary Keck, phụ tá chủ bút của tờ The Diplomat,
phản bác lại ý kiến của Tony Blair. Theo Keck, Tony Blair vấp phải một
số sai lầm. Thứ nhất, ông xây dựng quan điểm của mình chung quanh các sự
kiện đang diễn ra tại Trung Đông, nhưng như Hillary Clinton, nguyên
Ngoại trưởng Mỹ, nhận định: “Tương lai của chính trị sẽ được quyết định ở
châu Á, chứ không phải ở Afghanistan hay Iraq”. Thứ hai, Tony Blair
không chú ý đúng mức đến vai trò của các cường quốc: Tất cả các ví dụ
ông nêu lên đều giới hạn trong các nước nhỏ, ít có khả năng làm thay đổi
cục diện chính trị của thế giới.
Zachary Keck quan niệm, để hình dung tình hình chính trị và chiến
tranh trên thế giới ở thế kỷ này, chúng ta phải nhìn vào các cường quốc,
những kẻ có thể tác động lên xu hướng vận động hay phát triển của lịch
sử. Trong thế kỷ 19, vai trò đó thuộc về Anh và châu Âu. Trong thế kỷ
20, vai trò đó thuộc về Mỹ, người lãnh đạo khối Tự do trong suốt cuộc
chiến tranh thế giới lần thứ hai, thời chiến tranh lạnh cũng như thời
hậu-chiến tranh lạnh. Còn bây giờ, ở thế kỷ 21, vai trò ấy thuộc về vùng
Thái Bình Dương, ngoài các cường quốc ở châu Á, còn có những cường quốc
mới nổi như Brazil, Turkey và có thể cả Iran. Tất cả đều có một đặc
điểm giống nhau: tinh thần quốc gia cực kỳ mạnh mẽ.
Zachary Keck kết luận: Thế kỷ 21 là thế kỷ của chủ nghĩa quốc gia.
Chứ không phải của tôn giáo. Ngay ở những nước tôn giáo phát triển mạnh,
hơn nữa lại là thứ tôn giáo khá cực đoan, như ở Trung Đông, chủ nghĩa
quốc gia cũng thường là một yếu tố nổi bật nhất. Ở tận cùng của các cuộc
chiến ở Trung Đông hay châu Phi là tinh thần quốc gia, nhằm tranh đấu
cho quyền lợi quốc gia. Tôn giáo chỉ là một chiêu bài.
Ở trên là ba quan điểm khác nhau về các mâu thuẫn chính sẽ quy định
diện mạo chính trị và chiến tranh trong thế kỷ 21: Với Samuel
Huntington, đó là văn minh; với Tony Blair, đó là tôn giáo, hơn nữa, thứ
tôn giáo cực đoan nhất (hàm ý chỉ Hồi giáo); và với Zachary Beck, đó là
chủ nghĩa quốc gia.
Khác nhau, nhưng cả ba, cũng như hầu hết các học giả có uy tín khác
trên thế giới, đều đồng ý với nhau ở một điểm: thời đại của ý thức hệ đã
qua rồi.
Viết vậy, tôi biết ít nhất có một người, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng
bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ nhảy nhổm lên cãi: Không phải. Trận
chiến trong thế kỷ này, và có khi, cả thế kỷ sau nữa, vẫn là trận chiến ý
thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Ối giời!