Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Thần thánh hóa: Tôn giáo của Đảng Cộng Sản

Việt Nguyên
LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston. Ðộc giả có thể xem các bài viết của Việt Nguyên trên www.ngay-nay.com.
***
Đầu năm Giáp Ngọ ông Đặng xương Hùng, vụ phó bộ ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại Genève từ 2008 đến 2012, đã biếu tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn phú Trọng một món quà Tết đáng nhớ: “Tấm thẻ đảng.”
Ông Hùng đã viết thơ tuyên bố ra khỏi đảng và nộp đơn xin tị nạn ở Thụy Sĩ. Tấm thẻ đảng đã được ông Hùng giữ trong 27 năm sau thời gian tranh thủ từ đoàn lên đến đảng với bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của dân Việt Nam giờ đây như món nợ. Tấm thẻ đảng nhuốm màu máu của dân Việt từ năm 1954 với hai câu thơ của Trần Dần:
“Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà,
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.
Tấm thẻ đảng đậm thêm màu máu đỏ sau ngày 30 tháng tư năm 1975 đã đổi từ từ thành màu xanh Dollar, sau khi đảng cộng sản Sô Viết và Đông Âu sụp đổ và Hà Nội bang giao với Hoa Kỳ. Tấm thẻ đảng đang là vinh quang cho những cán bộ trung kiên bây giờ trở thành mối nhục cho hơn 3 triệu đảng viên. Tấm thẻ đảng tượng trưng cho hy sinh trong những năm chống Pháp giờ trở thành tấm thẻ tiến thân của giai cấp bóc lột. Hơn hàng chục ngàn đảng viên đã bỏ đảng, mỗi người có một lý do riêng.

Hành động của đảng viên Đặng xương Hùng một người còn trẻ 53 tuổi sống hoàn toàn dưới chế độ cộng sản khác hẳn với ông Lê hiếu Đằng người bỏ đảng vì những hối hận muộn màng. Ông Hùng, theo lời của ông khi trả lời phỏng vấn, đã bỏ đảng vì niềm tin đã bị đánh cắp. Ông vỡ mộng với thần tượng Hồ Chí Minh nhưng ông vẫn nhắc đến ông Võ nguyên Giáp như một người đòi cải tiến nhưng thất bại, ngày đám tang ông Giáp gần ngày đảng cộng sản Việt Nam cương quyết giữ điều bốn hiến pháp. Sống trong xã hội cộng sản và là đảng viên trung kiên ông Hùng vẫn chưa thoát đuợc huyền thoại thiên tài quân sự Võ nguyên Giáp.
Từ sau trận Điện Biên Phủ, Tướng Giáp được đảng CSVN đề cao xem như một Napoléon của Việt Nam. Giống như Napoléon, thiên tài Võ nguyên Giáp do kết quả của sự tuyên truyền của đảng CSVN. Đại Đế Napoléon, nhà quân sự và chính trị lỗi lạc cai trị nước Pháp trong 10 năm, lên cầm quyền sau cuộc đảo chính năm 1799.
Những cuộc chiến tranh của Napoléon đã giúp Pháp giữ ảnh hưởng ở Âu Châu. Được gọi là thiên tài cho đến khi thua trận ở Nga năm 1812 và cuối cùng trận Waterloo đã chôn vùi tên tuổi ông năm 1815. Sáu năm lưu đày ở đảo St Helena đã khiến những người tôn thờ ông không còn gọi ông là thiên tài. Napoléon là con đẻ của cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Những người ái mộ Napoléon đã đề cao những cá tính của ông: một người có viễn kiến, có ý chí, biết tập trung mạnh mẽ vào mục đích đi tới, con người có nhiều năng lực, có khả năng làm việc ngày đêm, khéo léo biết thương thuyết.
Trong lúc vinh quang tột đỉnh người ca tụng Napoléon còn cho thấy ông ngoài tài chính trị và quân sự còn có tài vế toán và khoa học, khả năng toán đã chứng tỏ khi ông bàn luận với các nhà toán học Pháp ở Ai Cập, ông là người chuộng khoa học và mê nền văn minh Ai Cập, nhờ Napoléon mà Pháp giàu có về nền văn minh Trung Đông và Ai Cập.
Thiên tài nào cũng có hai mặt, ngay khi Napoléon còn sống, tướng Jean Baptist Kipler đã gọi thiên tài Napoléon chỉ là huyền thoại do cuộc cách mạng Pháp tạo ra. Thiên tài Napoléon cũng như các thiên tài khác phải có thời, ngay cả người được gọi là thiên tài như nhà toán học Newton ngồi dưới gốc cây nhìn trái táo rụng nghĩ ra định luật trọng lượng của trái đất cũng là người biết tự quảng cáo, các thiên tài văn học và khoa học gia khác vào thế kỷ 18 như văn hào Jean Jacques Rousseau, khoa học gia Benjamin Franklin hay văn hào Voltaire là những người biết cách tự đề cao tài năng của mình. Napoléon biết dùng hình ảnh vinh quang, biết dùng quyền lực để phục vụ nhu cầu chính trị. Con người được xem là siêu nhân đến khi bị đày ở St Helena thì cả thế giới chỉ nhớ đến bộ mặt thứ hai quỷ quái, phá hoại nước Pháp, con người có bản chất thông minh sáng tạo không biết dùng khả năng ấy vào việc tốt.
Trường hợp tướng Giáp có nhiều điểm tương đồng với Napoléon. Ông được xem là thiên tài quân sự, thiên tài là tài trời cho không cần học, không vào học một trường quân sự nào nhưng ông điều quân đánh trận Điện Biên Phủ, có khả năng học vấn không giỏi toán như Napoléon nhưng giỏi Sử là thầy dạy Sử trường Thăng Long Hà Nội. Con người hùng ấy năm Mậu Thân 1968 bất đồng với bí thư Lê Duẩn, không đồng ý với cuộc Tổng công kích, đã không còn được xem là thiên tài. Sau 30 tháng 4 năm 1975, Tướng Văn tiến Dũng đi lên, Tướng Võ nguyên Giáp đi xuống cấp kế hoạch hóa gia đình, đến khi ngã bệnh mười năm đảng bỏ quên thiên tài Võ nguyên Giáp trên gường bệnh. Những tài liệu mới đây đã cho thấy trong trận Điện Biên Phủ từ tướng cho tới quân và khí cụ vận chuyển đến Điện Biên Phủ do Trung Cộng điều khiển. Từ thiên tài đến quỷ quái, mọi sự đi từ chính sách tuyên truyền của đảng cộng sản.
Sau Napoléon đến nhà độc tài Đức Quốc Xã Aldolf Hitler, ông ta tự cho mình là thiên tài, vào hàng ngũ những người được xem là thiên tài trong lịch sử như thiên tài âm nhạc Mozart, thiên tài kiến trúc mỹ thuật Michael Angelo hay thiên tài quân sự Đại đế Frederick. Hình ảnh Hitler đầy trên những bảng trên đường trên phố và trong phim ảnh. Đến khi Đức Quốc Xã đại bại Hitler hiện nguyên hình là con quỷ phá hoại nhân loại.
Danh từ thiên tài có từ thời văn minh Hy Lạp. Thiên tài là tài của trời cho, tài bẩm sinh, thiên bẩm, sinh ra đã có không cần học hỏi. Tiếng Hy Lạp “Daimon” qua đến thời La Mã thành “Genius”. Con người ai cũng có tính bẩm sinh, không có tính “genius” nào giống nhau. Nguyễn công Trứ gọi “Thông minh vốn sẳn tính trời”. Người Hán 500 năm trước công nguyên gọi những người khác hơn người thường là Thánh nhân như Khổng Tử, Lão Tử. Triết gia cùng thời ở Hy Lạp như Socrate được gọi là thiên tài, Daimon. Về sau trong văn minh Âu Châu, Daimon cũng đồng âm với Demon (quỷ). Con người có cùng hai tính Thiện Ác như hình ảnh Thiên Thần và quỷ đứng trên hai vai của con người trong hình ảnh của Thiên Chúa giáo. Tài trời cho phát triển thì thành thiên tài, thành thiện nhân, Thiện thắng Ác thì con người xuất chúng thành ông Thánh ông thần còn Ác thắng Thiện thì thành quỷ. Chữ Genius gần với chữ Genii như trong chuyện “Nghìn lẽ một đêm”, xoa chiếc đèn thần thì thần (genii) hiện ra cho những điều ước thành sự thật cho nên con người thời đại lãng mạn (Romantic age) ở Âu Châu đều muốn thành thần. Thiên tài toán Newton, thiên tài âm nhạc Mozart, triết gia Emanuel Kant được thiên hạ thời ấy xem như những ông thần Genii. Thần tính, thần nhập đem đến cho thiên tài nhưng cũng đem đến tai hoạ, đa số thiên tài đều có mặt xấu, có tài có tật như những thiên tài về văn học, thiên tài như các thi sĩ nổi tiếng thi sĩ nào cũng đầy tật xấu. Có tính thiện như triết gia Socrate, được người Hy Lạp xem là thiên tài bị kết án tử hình vì tiếng nói thần nhân (Daimonion) hay nói bên tai. Những người ghét Socrate kết tội Socrate vì ông thường nghe tiếng quỷ dạy bảo bên tai.
Làm thế nào để nhận ra quỷ hay người, từ cổ đến kim đã khó biết huống chi làm thế nào để nhận được người nào là thiên tài? Thầy tướng số chỉ nhìn gương mặt đoán tính tình, dung mạo thông minh hay ngu đần. Khoa học Tây Phương có môn đo sọ não Phrenology (Phreno = tinh thần, logy= kiến thức, môn học) do BS Franz Joseph Gall sáng lập, ông đo chẩm, trán, hình dáng sọ. Ông cho rằng sọ là bản đồ của não vì sọ bao bên ngoài bộ não. Phái này đưa ra những kết luận cũng giống như người bình thường, nhìn những người trán cao, mắt lớn sáng như sao là những người có dấu hiệu thiên tài.
Năm 1912, nhà tâm lý học William Stern xem thiên tài là tặng phẩm của trờI, tìm cách đo bằng chỉ số thông minh IQ, lấy tuổi trí tuệ chia với tuổi thật nhân với 100. Người có chỉ số IQ>140 là người xuất sắc thiên tài. Giáo sư Galton cổ võ chỉ số IQ cùng với nhà tâm lý học Lewis Terman nhưng ông Terman đã không đoán được hai sinh viên Luis Alvarez và William Shockley, hai ông chỉ số IQ dưới 140 nhưng về sau cả hai đoạt giải Nobel về vật lý!
Các khoa học gia vẫn còn tò mò về “thiên tài”, tò mò là căn bản của khoa học, cách tốt nhất là nhìn thẳng vào óc chứ không chẩn đoán tướng sọ. Bộ óc được khảo cứu là bộ óc của nhà bác học Einstein, một thiên tài lớn trong những thiên tài của thế kỷ 20, có nhiều tật xấu nhưng nhiều tài hơn tật, bác học Einstein đã cổ võ Hoa Kỳ dùng bom nguyên tử. Trước khi chết nhà bác học, hối hận về lời khuyên của ông với T.T. Truman. Sau khi ông chết, ngày 18 tháng 4 năm 1955, BS Thomas Harvey viện cơ thể học của bệnh viện Princeton đã lấy bộ óc của ông, cắt ra thành 240 mẫu, cất trong thuốc Formol, còn BS Henry Adams giữ hai con mắt. BS Harvey đã có kinh nghiệm giải phẫu khảo nghiệm óc nhà độc tài Mussolini năm 1945.
Bị các nhà khoa học cáo buộc ăn cắp thi thể ông Einstein, BS Harvey chia cho các nhà cơ thể thần kinh ở California vài mẫu để làm thử nghiệm. Năm 1985 các BS thần kinh này cho biết bộ óc của nhà bác học Einstein có nhiều tế bào “glial” hơn người bình thường, các tế bào này có nhiệm vụ giúp tiến trình chuyên chở các chất hóa học. Năm 1999, báo y học Lancet của Anh công bố kết quả khác cho thấy não bộ của Einstein vùng màng tai lớn hơn người bình thường 15% và những nếp nhăn Sylvian không đều. (Vùng màng tai liên hệ đến ngôn ngữ, hiểu biết và toán).Sau khi BS Harvey chết năm 2007, bộ óc Einstein được đưa lên mạng lưới thông tin, các người tò mò có thể lên mạng trả 9.99 Mỹ Kim mang xuống xem. Bộ óc của nhà bác học Einstein được xem là không có gì đặc biệt cho thấy sự thông minh sáng tạo.
Bác sĩ Harvey đã đánh cắp bộ óc Einstein để khảo cứu vì ông đã cảm hứng theo BS Oskar Voght người khảo sát bộ não của Lenin.
Tháng 2 năm 1925, BS thần kinh học người Đức Oskar Voght được chính quyền Sô Viết mời đến Moscow. BS Voght thuộc viện nghiên cứu bộ não Berlin, thiên tả, thuộc đảng xã hội dân chủ nhưng quen biết với cán bộ cộng sản cao cấp của đảng cộng sản Sô Viết đặc biệt là ông bộ trưởng y tế nhân dân Alexandrovich Semashko một trong những người đứng đầu về ngành ưu chủng.
Semashko mời BS Voght đến nghiên cứu bộ óc Lenin và làm giám đốc viện não bộ. Ngoài việc chính quyền Sô Viết muốn BS Voght xác nhận “thiên tài” Vladimir Ilyich Lenin chết vào tháng 1 năm 1925 qua việc khảo sát não, họ còn muốn tìm hiểu các não bộ siêu việt ưu chủng và thiên tài để tạo ra những con người ưu việt cho xã hội chủ nghĩa Sô Viết: “37 triệu thi sĩ tương đương với thi sĩ Homer, (thi sĩ Hy Lạp được xem là thi sĩ đầu tiên của thế giới) 37 triệu nhà toán học tương đương với nhà toán học Newton (người Anh) 37 triệu nhà viết kịch như Molière (kịch gia Pháp)”
Chính quyền Sô Viết lúc ấy háo hức, cực đoan về những thiên tài văn học Nga như Alexander Pushkin và Leo Tolstoy mặc dù các thiên tài đều bị bệnh thần kinh, nhà văn Gogol bị bệnh điên, Dostoyevsky bị chứng động kinh và Tolstoy tâm tính bất thường. Chỉ có Leon Trotsky (sau bị Stalin ám sát ở Mexico) phản động: “phải đợi ngày Lenin chết nước Nga mới có những thiên tài như Aristotle, Goethe hay Marx”. Trong cách mạng khí thế bừng bừng xây dựng xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản sẽ là những siêu nhân, những con người ưu việt trong xã hội cộng sản ưu việt, BS G.V. Segali trong đảng đề nghị lập viện thiên tài để nghiên cứu thân thể, bộ óc của những người tài giỏi của Sô Viết đã chết, những người ấy lúc chết phải hiến thân thể cho viện để giải phẫu khảo cứu. BS Segali còn tự cho là đã tìm thấy di thể của sự sáng tạo, di thể này cần phải bị bệnh để phát triển (giải thích cho các tật của các thiên tài!) giấc mơ của BS Segali không bao giờ thành sự thật.
Tháng 2 năm 1925, BS Voght và phái đoàn đến Moscow, ông giải phẫu bộ óc Lenin cắt thành 30,000 mẫu đồng thời lập “Viện nghiên cứu não bộ Lenin” hay viện Mozga năm 1926 nơi tập trung cơ quan của các nghệ sĩ, khoa học gia và chính trị gia Sô Viết. Viện cũng là bảo tàng viện cho dân Nga đến xem, trưng bày hình ảnh, tượng, thạch cao các bộ óc của anh hùng cách mạng Sô Viết bắt chước đền Pantheon ở Paris nơi chôn Napoléon. Đền Pantheon về não bộ của Sô Viết sẽ là nơi an nghỉ của những người vĩ đại. Bộ óc của Lenin sẽ là hình ảnh trưng bày chính còn thân thể của Lenin nằm cách đó không xa ở Quảng Trường Đỏ.
Kết quả giải phẫu bộ óc của Lenin cho thấy não bộ bên trái của Lenin bị tổn thất nặng sau cơn tai biến mạch máu não trước khi chết chứng tỏ hình ảnh cách mạng Bolshevik không được hoàn hảo! Năm 1929, BS Voght ra bản tường trình láo đúng với tinh thần xã hội chủ nghĩa: “Kết qủa giải phẫu cơ thể cho thấy Lenin có một tinh thần mạnh” mặc dù ông không đưa ra bằng chứng cụ thể. Trước khi khám nghiệm, BS Voght đã có kết luận đúng theo đường lối của đảng và nhà nước như phó chủ tịch Sô Viết Grigory Evdokimov trong bài diễn văn khi Lenin mất: “Thiên tài vĩ đại của thế giới đã bỏ chúng ta ra đi, con người vĩ đại với bộ óc vĩ đại, ý chí vĩ đại, sự nghiệp vĩ đại, đã chết!” Lenin được ca ngợi, tượng Lenin được dựng lên ở Công Trường Đỏ, cuộc cách mạng siêu việt năm 1917 đã tạo siêu nhân qua lời đồng chí Grigory Zinoviev ngày khánh thành tượng: “Thiên tài Lenin đã cất cánh bay khỏi mộ!”
Nhà thơ Vladimir Mayakovsky (nhà thơ Tố Hữu của Nga!) làm thơ bay vút: “Lenin sống, Lenin sống, Lenin sống mãi!” bắt chước người Thiên Chúa Giáo: “Chúa đã chết, Chúa đã bay lên, Chúa sẽ sống lại”.
Các triết gia Nga năm 1916 đã cảnh cáo về vương quốc của các Thánh với “Thiên Tài” là tôn giáo mới. Marx trước đó đã chế nhạo tục lệ cúi lạy trước các nhà quí tộc. Chính Lenin sau cuộc ám sát năm 1918 cũng đã chỉ trích dân Nga khi họ gọi ông là “cha yêu mến”, “kẻ cứu rỗi” “thiên tài lỗi lạc”. Trên gường bệnh, sau vết đạn, Lenin đã nói:”thật là xấu hổ khi đọc những giòng chữ ca tụng ấy, bọn chúng càng ngày càng cuồng điên gọi ta là thiên tài, người đặc biệt, cả đời chúng ta phải tranh đấu chống lại lối vinh quang cá nhân này!”.
Năm 1930, viện não bộ đóng cửa vì Hitler lên cầm quyền, BS Voght về lại Đức. Năm 1936, viện mở cửa lại với hai phụ tá của BS Voght là BS Semion Alexandrovich và Sarkisov. Hai ông này công bố bản tường trình chót. Bộ óc của Lenin được so sánh với các bộ óc của những công dân xuất chúng Sô Viết do viện não bộ Moscow sưu tập trong đó có óc của Maxim Gorky (đại văn hào), nhà sinh lý học đoạt giải Nobel Petrovich Pavlov (phản xạ có điều kiện ở con chó) và nhà thơ Mayakovsky (tự sát tháng 4 năm 1930 vì không tin vào con đường cách mạng Sô Viết trước khi Lenin đội mồ sống dậy!)
Bản tường trình cho thấy óc Lenin có tổ chức cao độ trên tất cả các chỉ số liên hệ đến diễn văn, lời nói, nhận thức và hành động cũng như “các tiến trình cần thiết đòi hỏi sự nhận thức cao độ và đa dạng” kể cả “hoạt động đặc biệt cao độ của hệ thống thần kinh”.
Các ủy viên trung ương đảng sau đó đồng xác nhận Lenin là “thiên tài”.
Sự thật đằng sau hậu trường là nhà độc tài Stalin quyết định không cho công bố chi tiết về khảo nghiệm và bộ não của Lenin, đồng thời giữ bí mật hoàn toàn về viện não bộ Moscow. Đền Pantheon não đi ngược với nguyên tắc của cộng sản: “mọi người bình đẳng”, công nhận thiên tài là công nhận có sự khác biệt giữa công dân này và công dân khác, cách mạng Bolshevik gọi những kẻ khác người là bọn tư sản. Những điều cấm kỵ của Stalin trái ngược hẳn những điều những người Cộng Sản nói trước đó. Năm 1923, Trotsky tuyên bố “Lenin là thiên tài, thế giới chỉ có hai thiên tài Marx và Lenin, không ai có thể tạo ra thiên tài ngay cả đảng!”. Năm 1883, Friederich Engels nói: “Marx là thiên tài còn chúng ta chỉ là người có tài!” còn Stalin gọi “Marx là thiên tài của học thuyết. Lenin là thiên tài của cách mạng còn chính Stalin là thiên tài của thời đại”.
Stalin thành công, viện não bộ Moscow hoạt động bí mật. Năm 1980, viện khảo sát não bộ nhà bác học A.D.Sakharov, nhà vật lý hạt nhân đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1975, sau chống đảng cộng sản Sô Viết!
Cho đến nay viện vẫn hoạt động không cho các nhà nghiên cứu các nước trên thế giới đến thăm.
Sử gia Edgar Zisel gọi viện não bộ là nhà thờ của các thiên tài không phải là viện khoa học, các cuộc nghiên cứu chỉ nhắm thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của dân Nga. Stalin dùng chính sách tuyên truyền về thiên tài để cai trị, đàn áp tinh thần hàng triệu người Nga, dùng chữ thiên tài để đứng trên pháp luật. Tổng thống Mikhail Gorbachev về sau nói “Stalin lập ra giáo phái riêng của Stalin. Stalin tự nhận là thiên tài qua chính sách tuyên truyền để làm nền tảng cho chính sách đàn áp của chính quyền cộng sản”.
“Giáo phái thiên tài” và con đẻ là “thần tượng hóa” đã chết ở các nước tiến bộ Tây Phương. Nhà bác học Thomas Edison người đoạt nhiều bằng phát minh nhất thế giới (1093 bằng phát minh như bóng đèn, điện tín và máy hát đĩa) khi được hỏi về “thiên tài” của ông, đã trả lời: “ thiên tài 1% là do cãm hứng, 99% còn lại là mồ hôi từ sự làm việc”. Những người xuất sắc được gọi là những người có đầu óc thông minh và sáng tạo, không còn thiên tài đứng trên mọi người mà là hoạt động hợp đoàn như công ty Bell với phòng thí nghiệm gồm 1200 tiến sĩ PhD, trong đó có ít nhất là 13 giải Nobel, nhiều đầu óc sáng tạo tốt hơn là chỉ một nhân tài. Những cá nhân xuất sắc ở xã hội Hoa Kỳ được gọi là “siêu sao” thay vì “siêu nhân” hay là những người nổi tiếng (celebrity). Năm 15 tuổi nhà bác học Einstein bỏ học sau khi thầy giáo phán: “sự có mặt của mày không có ích lợi gì cả cho bạn bè và lớp học”, ông trở thành “thiên tài” còn Dell, Bill Gates, Steve Jobs, Zuckerburg bỏ học đại học chỉ được gọi là những nhân vật xuất chúng.
Tôn giáo thần thánh hóa trong đó đầy những thiên tài và thần tượng tiếp tục ở Trung Cộng, Bắc Hàn và Việt Nam để giữ quyền lực cho nhóm thiểu số trong đảng cộng sản. Giáo phái Stalin ở Sô Viết đã tạo ra những trại tù khổng lồ ở Sô Viết, Trung Hoa và Việt Nam. Tôn giáo ấy phát triển qua Trung Cộng với cuộc cách mạng văn hoá đổ máu. Tôn giáo ấy đẻ ra những lãnh tụ kính yêu Kim Chánh Ân, Kim Chánh Nhật, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh để dân chúng nhắm mắt cúi đầu tuân phục.
Tôn giáo thần thánh hoá ấy vẫn giữ những lăng, những tượng của Lenin và Hồ Chí Minh ở Việt Nam. May mắn cho đảng CSVN là não của thần tượng đổ vỡ Hồ Chí Minh và thiên tài Võ nguyên Giáp không bị khảo sát như Lenin để cho nhân dân thấy họ chỉ là những người bình thường với những yếu đuối và lỗi lầm của con người.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"