Trần Đình Bá
Trong kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam có chuyện “3 ông thầy bói mù
xem voi”. Dị bản mới tôi nghe được như sau: 3 ông thầy bói mù trên
đường hành nghề bỗng gặp một quản tượng đang dẫn con voi nhà đi chơi. 3
ông thầy bói xin ông quản tượng cho họ được sờ voi. Ông thầy bói thứ
nhất sờ được vào cái vòi voi, ông dõng dạc tuyên bố: voi là một con đỉa
khổng lồ; ông thứ 2 sờ được vào 4 chân voi, ông bảo voi là 4 cái cột nhà
khổng lồ; còn ông thứ 3 may mắn sờ được vào cái ấy của con voi cái, ông
kiên quyết khẳng định con voi là một người đàn bà khổng lồ. Cuộc tranh
luận của 3 ông thầy bói mù về con voi kéo dài từ nhiều thế kỷ nay mà
chưa phân thắng bại. May mắn thay vào đầu thế kỷ này có nhà văn, nhà
báo, tổng biên tập đại tài, công minh sáng suốt như ông Nguyễn Như Phong
mới phán xử được phần thắng, cái đúng thuộc về ông thầy bói mù thứ 3,
khi ông thầy bói này nhất quyết khẳng định: voi là một người đàn bà
khổng lồ. Chúc mừng ông thầy bói mù thứ 3 – Hoan hô nhà báo Nguyễn Như
Phong.
Đọc những bài báo đăng trên PetroTimes với những lời lẽ và luận điểm
thô lỗ, trơ trẽn bênh che cho tướng Ngọ và xót thương cho ông Dương Chí
Dũng, Dương Tự Trọng của ông Nguyễn Như Phong tôi tự nhiên liên tưởng
đến chuyện cổ tích “3 ông thầy bói mù xem voi” nêu trên.
Trong bài “Vẫn còn là Dương Tự Trọng” tác giả Hoàng Chiến Thắng (ai
cũng biết tác giả thật là Nguyễn Như Phong) sau khi ca ngợi Dương Tự
Trọng là một trong ba cán bộ công an giỏi nhất ở miền Bắc trong lĩnh vực
đánh án hình sự vào thập niên 90. Tác giả viết “nếu Dương Tự Trọng
không liều mình cứu anh mà vi phạm pháp luật, hẳn con đường quan lộ của
ông còn rộng dài…”
Quá xót xa và tiếc nuối cho một tài năng của ngành công an phải rơi
vào vòng lao lý của pháp luật hiện hành, tác giả Hoàng Chiến Thắng
(chiến thắng hay là chiến bại đây) viết: “Xưa kia luật Hồng Đức có quy
định: cấm con cái tố cáo cha mẹ, vợ tố cáo chồng, anh em tố cáo nhau…
nếu tố cáo nhau thì chịu “lưu châu xa”(đày đi làm việc ở xứ xa). Điều cơ
bản của luật này là để giữ đạo nghĩa trong gia đình. Để khẳng định rằng
Luật Hồng Đức cách đây 6 thế kỷ là có đạo nghĩa, còn luật của chúng ta
hiện nay là không có đạo nghĩa, tác giả Hoàng Chiến Thắng viết: ”Tiếc là
luật pháp mới của chúng ta không còn giữ điều này – mặc dù xã hội chúng
ta luôn kêu gọi xây dựng xã hội tốt đẹp với hạt nhân là gia đình”
Chưa hết, tác giả Hoàng Chiến Thắng còn viết: “Giá như Dương Tự Trọng
đừng sống trong thời này, mà sống dưới thời có luật Hồng Đức”. Phải
chăng khi viết dòng này tác giả Hoàng Chiến Thắng muốn ám chỉ rằng xã
hội chúng ta đang sống hiện nay không tốt đẹp bằng xã hội dưới triều các
vua Lê (1428-1789). Luật pháp của chúng ta hiện nay không công minh như
luật Hồng Đức ra đời cách nay 6 thế kỷ?
Cứ cho Luật Hồng Đức nghiêm minh hơn luật pháp chúng ta như luận điểm
của nhà báo Hoàng Chiến Thắng. Xin thưa với nhà báo Hoàng Chiến Thắng
rằng: Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, điều mà anh viện dẫn cho rằng Dương
Tự Trọng không có tội là điều 39. Còn các điều 116, 138, 648, 650, 654
của Bộ luật này lại vô cùng bất lợi cho Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng,
Phạm Quý Ngọ:
+ Điều 116 ghi: “Tiết lộ bí mật” – Xử chém.
+ Điều 138 ghi: “Ăn hối lộ 20 quan” – Xử chém.
+ Điều 648 ghi: “Tiết lộ để tội nhân trốn thoát” – Xử nhẹ hơn tội nhân 1 bậc.
+ Điều 650 ghi: “Để tội nhân bỏ trốn” – Xử chém.
+ Điều 654 ghi: “Biết có tội, che giấu” – Xử nhẹ hơn tội nhân 1 bậc.
Nếu áp dụng Bộ luật Hồng Đức thì Dương Tự Trọng nhẹ hơn Dương Chí
Dũng 1 bậc tức là mang án chung thân. Tướng Phạm Quý Ngọ (nếu điều tra
rõ là có tội “tiết lộ bí mật công tác” thì bị xử chém hoặc chung thân.
Không hiểu nhà báo Hoàng Chiến Thắng có muốn vận dụng Bộ luật Hồng Đức
để bênh che cho Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, Phạm Quý Ngọ nữa không?
Rất mong nhà báo Nguyễn Như Phong và tác giả Hoàng Chiến Thắng sớm có
câu trả lời với bàn dân thiên hạ.