Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Nền kinh tế thị trường và nền kinh tế Việt Nam

Nguyễn Vũ Bình
Dân Luận: Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từng làm ở Tạp Chí Cộng Sản, cơ quan lý luận và chính trị của Đảng CSVN. Năm 2000, ông viết bài cảnh báo tình hình kinh tế và hệ thống chính trị của Việt Nam, viết đơn xin thành lập Đảng Tự Do - Dân Chủ, và đồng thời xin nghỉ việc tại Tạp Chí Cộng Sản. Ông bị Tạp Chí Cộng Sản buộc thôi việc. Sau đó ông cùng 16 người khác viết thư ngỏ gửi tới chính quyền kêu gọi cải cách chính trị và trả tự do cho các tù nhân chính trị. Ông cũng ủng hộ việc thành lập "Hội nhân dân giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng" và trở thành thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Dân chủ cho Việt Nam.
Tháng 7 năm 2002 ông viết bản điều trần tới Ủy Ban Nhân Quyền của Quốc Hội Hoa Kỳ về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Ngay lập tức công an đã khám nhà ông ở Hà Nội, tịch thu mọi tài liệu và sách vở. Ông bị giam lỏng nhưng tiếp tục viết bài "Vấn đề biên giới Việt - Trung", chỉ trích chính phủ đã làm thiệt hại hàng trăm km2 đất trong hiệp định Biên Giới. Ông chính thức bị bắt ngày 25/9/2002 và bị tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc vì tội làm gián điệp. Tới 9/6/2007 ông mới được chính quyền Việt Nam trả tự do từ nhà tù Ba Sao, Nam Hà.
Dưới đây là bài viết mới nhất của ông về nền kinh tế Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó khăn, với nhiều biểu hiện của một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện, mà mức độ trầm trọng có lẽ chưa từng có trong lịch sử. Nhận định về nền kinh tế VN hiện nay rất khó và có nhiều quan điểm rất khác nhau. Một mặt, do không thể có các số liệu chính xác (theo chuẩn quốc tế và VN) nên không thể đưa ra các đánh giá khách quan, chính xác. Nhưng măt khác, quan trọng hơn, chưa có sự so sánh nào về cấu trúc, cơ cấu và cơ chế của nền kinh tế VN với một nền kinh tế thị trường bình thường, lành mạnh nên chúng ta chưa thể biết rõ mức độ cũng như bản chất cuộc khủng hoảng hiện nay. Bài viết này có mục đích phân tích sự khác nhau về bản chất giữa nền kinh tế VN và nền kinh tế thị trường bình thường để từ đó nhận diện xác đáng hơn sự vận hành của nền kinh tế VN cũng như mức độ mà cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang diễn ra hiện nay. Với mục đích so sánh hai thể chế kinh tế, nền kinh tế thị trường sẽ được trình bày theo hướng bám sát các khác biệt với nền kinh tế VN, chứ không trình bày hoàn toàn theo lý thuyết về kinh tế thị trường.

I/ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Một cách tổng quát, nền kinh tế thị trường là nền kinh tế lấy thị trường làm cơ sở, làm điểm quy chiếu cho tất cả các hoạt động kinh tế. Thị trường phân bổ có hiệu quả các nguồn vốn, lao động và công nghệ. Người sản xuất sẽ căn cứ vào nhu cầu thị trường để quyết định sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai? Thị trường sẽ quyết định lợi nhuận của nhà sản xuất, của người kinh doanh. Ngược lại với thị trường, chúng ta đã biết tới nền kinh tế kế hoạch hóa, tất cả việc sản xuất, phân phối, tiêu dùng được quyết định bởi trung tâm ra kế hoạch, thường là các bộ kế hoạch của các nước XHCN cũ.
Tuy nói thị trường quyết định tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, nhưng để cho thị trường, nền kinh tế vận hành trôi chảy, thuận lợi thì việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường rất quan trọng và phải bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt.
Chúng ta sẽ tìm hiểu nền kinh tế thị trường theo ba tiêu chí lớn, và dựa theo ba tiêu chí này, chúng ta sẽ có sự so sánh, phân biệt được rất rõ nền kinh tế VN với một nền kinh tế thị trường bình thường.

1/ Nguyên lý kinh tế thị trường

Trước hết và trên hết, một nền kinh tế thị trường muốn vận hành và hoạt động hiệu quả, cần phải tuân thủ các nguyên lý, mà những nguyên lý này không thể bị vi phạm và can thiệp nếu không muốn có một sự biến dạng hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh của nên kinh tế.
- Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Trong các sách về kinh tế thị trường, các tác giả thường ít đề cập tới yếu tố này. Lý do là, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là điều đương nhiên trong các nước tư bản, nơi các tác giả viết sách về kinh tế thị trường. Trong nguyên lý này, yếu tố sở hữu tư nhân về đất đai là yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường và còn là yếu tố xúc tác quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thị trường.
- Thị trường quyết định giá cả tất cả các loại hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Cung – Cầu sẽ quyết định giá cả các loại hàng hóa là tiền đề quan trọng cho việc thị trường phân bổ có hiệu quả các yếu tố của quá trình sản xuất như vốn, lao động, công nghệ…Bất kỳ một sự can thiệp, tác động nào dẫn tới việc giá cả hàng hóa không được định đoạt bởi tương quan cung – cầu sẽ làm biến dạng và méo mó toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
- Tương quan giữa lượng tiền tệ được phát hành và lưu thông với lượng hàng hóa được sản xuất ra ở mỗi quốc gia cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Tỷ lệ giữa lượng tiền phát hành cần tương ứng với lượng hàng hóa mà quốc gia (nền kinh tế) sản xuất được. Nếu mối tương quan này bị phá vỡ, ví dụ lượng tiền in ra lớn hơn tỷ lệ tương quan với lượng hàng hóa sản xuất được sẽ dẫn tới lạm phát, làm đảo lộn các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

2/ Môi trường thể chế của nền kinh tế thị trường

Ngoài việc bảo đảm các nguyên lý của nên kinh tế thị trường, các quốc gia cũng cần xây dựng môi trường thể chế cho hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Xây dựng môi trường thể chế bao gồm xây dựng các bộ luật, các quy tắc ứng xử, cũng như môi trường xã hội xung quanh các hoạt động kinh tế. Các yếu tố quan trọng nhất của môi trường thể chế cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thị trường bao gồm:
- Tính trung thực, công khai và minh bạch của thông tin trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta đều biết rằng, muốn quyết định sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần có đầy đủ các thông tin về mọi vấn đề liên quan tới các mặt hàng, ngành hàng mà họ dự định tham gia kinh doanh. Nếu không có đầy đủ các thông tin khách quan, trung thực, các doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư. Nếu cứ quyết định kinh doanh trong khi không có đầy đủ các thông tin trung thực, sự thất bại là không tránh khỏi.
- Tạo lập sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào nền kinh tế thị trường. Bất kể quốc gia nào, muốn nền kinh tế thị trường phát triển và hiệu quả, đều phải tạo dựng sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần tham gia, trong toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Đây cũng chính là một trong số các chức năng của chính phủ trong nền kinh tế thị trường.
- Xây dựng môi trường lành mạnh cho các hoạt động chung của xã hội cũng như các hoạt động trong nền kinh tế. Đây chính là việc xây dựng cơ chế luật pháp và giáo dục để hạn chế và ngăn chặn tham nhũng ở các quốc gia. Tham nhũng là yếu tố tác động rất tiêu cực vào sự phát triển và hiệu quả của bất kỳ nền kinh tế nào.
Ngoài các yếu tố trên, việc tạo lập đồng bộ các thị trường (thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường đất đai…), và một số yếu tố khác góp phần xây dựng nên môi trường thể chế cho một nền kinh tế thị trường lành mạnh.

3/ Tác động chính sách

Song song với việc bảo đảm các nguyên lý của kinh tế thị trường, xây dựng môi trường thể chế trong nền kinh tế thị trường, các Chính phủ còn có các chính sách tác động vào nền kinh tế nhằm làm phẳng bớt các chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế, cũng như thực hiện các mục tiêu cụ thể của Chính phủ trong các nhiệm kỳ cụ thể. Ví dụ, các chính sách tiền tệ, là việc tăng hay giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế; chính sách tài chính, là việc tăng giảm chi tiêu của Chính phủ, tác động tới đầu tư; ngoài ra là các chính sách trợ giá nông sản, chính sách xuất nhập khẩu…Tuy nhiên, các chính sách của các chính phủ dân chủ tác động tới nền kinh tế thị trường bao giờ cũng căn cứ vào: 1- nhu cầu thực tế của thị trường, đồng thời bảo đảm không vi phạm các nguyên tắc, nguyên lý và quy luật của thị trường; 2- các chính sách phải rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và ổn định.

II/ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Nền kinh tế VN, bắt đầu chuyển đổi cơ chế kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường (định hướng Xã hội CN) từ năm 1985-1986, đến nay đã được gần 30 năm. Bỏ qua những vấn đề thuộc về tuyên truyền và lý thuyết, căn cứ vào các yếu tố của nền kinh tế thị trường nêu trên, chúng ta có nhận xét chung, đó là: Nền kinh tế VN không phải là một nền kinh tế thị trường. Là một nước Cộng Sản, với danh xưng XHCN, đặc điểm nổi bật của các nhà nước toàn trị là sự can thiệp của chính trị vào tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Chúng ta phân tích sự can thiệp của chính trị vào các yếu tố của kinh tế thị trường để thấy được hiện trạng của nền kinh tế hiện nay là hệ quả tất yếu của việc vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý của kinh tế thị trường, cũng như sự yếu kém, thất bại trong xây dựng môi trường thể chế và sự lạm dụng, tùy tiện và trục lợi trong các chính sách kinh tế hiện hành.

1/ Sự vi phạm nghiêm trọng, thô bạo các nguyên lý kinh tế thị trường

- Vi phạm nguyên lý về sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Chúng ta đều biết rằng, đất đai là sở hữu toàn dân, không phải là tư hữu đất đai. Điều này làm biến dạng và đảo lộn hoàn toàn tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, nó chính là nền tảng cho tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Nó là gốc rễ cho hoạt động Nông nghiệp, là cơ sở (mặt bằng, một yếu tố quan trọng của sản xuất, kinh doanh) cho các hoạt động kinh doanh. Đất đai không phải là sở hữu tư nhân, không được đưa vào thành thị trường nhà đất bình thường, không được định giá theo quan hệ cung cầu trên thị trường mà bằng sự định giá của Nhà nước, đi ngược quy luật thị trường dẫn tới những hậu quả vô cùng nặng nề về kinh tế, và cả về xã hội. Vi phạm chế độ tư hữu về đất đai là vi phạm nguyên lý quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế VN đều bị bóp méo và biến dạng bởi yếu tố này.
- Giá cả các mặt hàng thiết yếu không phải do thị trường quyết định. Nói cách khác, có sự vi phạm nghiêm trọng về nguyên lý Cung – Cầu quyết định giá cả hàng hóa. Chúng ta đều biết rằng, các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam như điện, nước, xăng dầu….do nhà nước quản lý, không do cung cầu trên thị trường quyết định, thậm chí vàng và đô-la cũng có lúc bị vi phạm quy luật cung cầu.
- Nguyên lý về mối tương quan giữa lượng tiền phát hành và lượng hàng hóa được sản xuất ra cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Nhà nước VN, từ khi thành lập tới nay, đều giữ bí mật về lượng tiền in ra, phát hành. Ngoài mấy lần đổi tiền, làm người dân vô cùng điêu đứng, thì khi bước vào chuyển đổi cơ chế kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường cũng liên tục vi phạm nguyên lý về mối tương quan giữa lượng tiền phát hành và năng lực của sản xuất của nền kinh tế. Việc in tiền không căn cứ và không có giới hạn khiến cho giá cả hàng hóa năm nào cũng tăng ít nhất từ 20-50%/năm (trong khi các nền kinh tế thị trường chỉ từ 5-7%). Đồng tiền mất giá đã bóp méo toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh cũng như giảm mức sống mà người dân đáng ra phải được hưởng.

2/ Thất bại trong việc xây dựng môi trường thể chế lành mạnh, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.

- Không tạo dựng được sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh. Ưu tiên quá mức cho doanh nghiệp nhà nước đã làm biến dạng toàn bộ nền kinh tế. Doanh nghiệp Nhà nước được đầu tư 70% nguồn vốn toàn xã hội, nhưng chỉ tạo ra được 40% giá trị sản phảm cho nền kinh tế. Không những thế, DNNN chính là các núi nợ khổng lồ mà nền kinh tế đã và đang phải gánh vác. Ví dụ điển hình là tập đoàn Vinashine nợ 86.000 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Các tập đoàn kinh tế khác, cùng một cơ chế, cùng một con người, cũng ở trong tình trạng tương tự.
- Thông tin trong xã hội, trong nền kinh tế VN hiện nay loại trừ hoàn toàn các thuộc tính trung thực, công khai và minh bạch. Bản thân các bộ luật, luật đã thiếu sự minh bạch, rõ ràng nhưng kèm theo là các quy định, văn bản hướng dẫn thi hành luật còn làm cho mọi thông tin trở nên rắc rối và khó hiểu hơn. Tính trung thực của thông tin trong nền kinh tế VN là một điều xa xỉ. Sự không trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu vào hệ thống quản lý và lan tỏa ra toàn xã hội. Điều này thì không người dân VN nào không thấu hiểu bởi họ vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm.
- Thất bại hoàn toàn trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh tại VN. Ở VN, tham nhũng xuất hiện ở tất cả các ngành nghề, các cấp, len lỏi vào mọi ngõ ngách, khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Ở một đất nước mà người bệnh nhân cần hối lộ bác sỹ để tiêm không bị đau thì không còn một cái gì trên đời không thể bị hối lộ, tham nhũng. Năm 2000, tôi đã viết rằng: "Tham nhũng ở VN là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng do mức lương khốn khổ cộng với tình trạng mua quan bán tước nở rộ hiện nay” (Việt Nam và con đường phục hưng đất nước). Sau 13 năm, chúng ta càng xót xa hơn khi đọc lại những dòng chữ này.

3/ Tác động chính sách

Chính sách kinh tế ở VN đi ngược lại hoàn toàn các tiêu chí trong nền kinh tế thị trường như làm phẳng bớt các chu kỳ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các ngành nghề, khu vực khó khăn, đặc thù… Các chính sách kinh tế được ban hành và thực thi tùy tiện, lạm dụng và trục lợi gây ra muôn và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và thị trường….chúng ta tìm hiểu điều này qua các ví dụ sau đây.
+ Một công ty của nhà nước, có chức năng in ấn các ấn phẩm của Đảng, được trang bị hệ thống in ấn hiện đại nhất, chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhưng công ty lại thực hiện việc in thuê bên ngoài, với lợi thế không phải khấu hao đầu tư máy móc (hiện đại nhất), thậm chí nguyên vật liệu (giấy), công nhân của công ty. Họ nhận in ngoài với giá 1000đ/trang in. Trong khi đó, các công ty khác, nhất là tư nhân phải chịu mọi chi phí, giá in thấp nhất của họ đã là 2100đ/trang in, họ không thể cạnh tranh được với công ty in nói trên, sự tác động của chính trị đã làm méo mó quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành in ấn…
+ Chúng ta đã nhiều lần nghe việc Đường sản xuất trong nước còn rất nhiều, nhưng nhà nước vẫn cho nhập khẩu đường, không theo các lộ trình, kế hoạch hoặc chính sách nhập khẩu có sẵn (làm tùy tiện) khiến cho doanh nghiệp sản xuất Đường vô cùng điêu đứng. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phụ tùng ô-tô, xe máy ban đầu tin vào các nghị quyết, kế hoạch của chính phủ, tỷ lệ nội địa hóa trong vòng 10 năm là 60%. Nhưng chỉ sau 3-5 năm, việc nhập khẩu phụ tùng ô-tô, xe máy đã làm họ điêu đứng.
+ Việc trục lợi chính sách được biết đến qua ví dụ mô phỏng sau. Người làm chính sách Xuất nhập khẩu, có liên hệ làm ăn với doanh nghiệp kinh doanh thép, trước khi cấm nhập một loại thép (A), họ thông báo trước cho doanh nghiệp kinh doanh thép thu gom mặt hàng thép (A) trên thị trường, từ các doanh nghiệp khác, sau đó họ cấm nhập khẩu thép (A) trong thời gian 6 tháng đến 1 năm. Mối lợi được chia cho người làm chính sách chắc chắn là không nhỏ.
Qua các ví dụ trên, chúng ta có thể thấy sự lạm dụng, tùy tiện và trục lợi về chính sách kinh tế góp phần làm điêu đứng các doanh nghiệp, người dân. Cùng với các khiếm khuyết và hạn chế khác, đã tiêu diệt lòng tin của người dân vào việc nhà nước xây dựng nền kinh tế thị trường phát triển và hiệu quả.
* * *
Với tất cả những khiếm khuyết của nền kinh tế VN so với nền kinh tế thị trường bình thường, với việc vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý của kinh tế thị trường, thất bại trong việc xây dựng môi trường thể chế cho nền kinh tế, cũng như việc trục lợi chính sách, tại sao nền kinh tế VN vẫn phát triển từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay? Có hai vấn đề cần hiểu rõ.
Thứ nhất, xuất phát điểm của nền kinh tế VN là nền kinh tế kế hoạch hóa. Chúng ta hình dung nền kinh tế đó như một người bị trói vào cột, bằng các vòng dây kín từ chân lên đầu (chỉ hở mũi để thở). Chuyển sang nền kinh tế thị trường, mặc dù vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý (như đã nêu trên) thì đối với nền kinh tế kế hoạch hóa, đó cũng vẫn là một sự “cởi trói”. Các vòng dây được tháo ra, người bị trói đã cử động được cái đầu, cái tay, cái chân….Kết quả tăng trưởng của nên kinh tế VN mấy chục năm qua, chính là hệ quả của việc “cởi trói” này. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vòng dây trói hữu hình (về pháp lý) đối với cơ thể kinh tế, đó là sở hữu toàn dân về đất đai, đó là việc áp đặt giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu, đó là việc ưu tiên quá mức cho doanh nghiệp nhà nước…Và các vòng dây trói vô hình như: in tiền vượt quá năng lực sản xuất của nền kinh tế dẫn tới lạm phát, tham nhũng nặng nề trong tất cả các công việc và giao dịch làm ăn, sự trục lợi chính sách…khi nền kinh tế phát triển đến một mức độ nhất định, thì cơ thể kinh tế bắt gặp các vòng dây trói hữu hình và vô hình, cộng với sự biến dạng sẵn có, đã tạo ra những hậu quả vô cùng nặng nề và một sự bế tắc toàn diện.
Thứ hai, mặc dù nhìn nhận có sự tiến bộ trong nền kinh tế VN mấy chục năm qua, nhưng về cơ bản, sự phát triển của nền kinh tế VN vừa qua chỉ là sự gia tăng đầu ra, kết quả của sự gia tăng đầu vào. Chỉ số ICOR, chỉ số về tăng trưởng đầu tư, tức là muốn có một đơn vị đầu ra của nền kinh tế, thì đầu vào của nền kinh tế VN là từ 5-6 đơn vị, gấp rưỡi chỉ số của nền kinh tế Thái Lan, đã phản ánh hiệu quả của nền kinh tế VN là rất thấp. Không những vậy, khoản nợ của nền kinh tế VN là rất lớn, ước tính gấp đôi GDP. Điều này cũng thể hiện sự phát triển của nền kinh tế VN không bình thường và lành mạnh.
Ngay từ cách nay hơn chục năm, cá nhân tôi đã băn khoăn về sự khác biệt giữa nền kinh tế VN và nền kinh tế thị trường lành mạnh, bình thường. Khi đó, chưa có sự phân tích và phân biệt rõ sự khác nhau này, nhưng bằng trực giác, tôi đã thấy sự phát triển của nền kinh tế VN có nhiều yếu tố bấp bênh của một nền kinh tế thiếu khả năng phát triển bền vững, lành mạnh. Thậm chí, tôi chỉ đi tìm hiểu lý do tại sao nền kinh tế VN vẫn tồn tại mà không bị đột quỵ, bởi các quy luật thị trường (và của nền kinh tế) bị vi phạm nghiêm trọng, cách thức quản lý và điều hành nền kinh tế không tuân thủ bất kỳ một nguyên tắc, nguyên lý nào của kinh tế thị trường? những băn khoăn thắc mắc của tôi tập trung vào hai vấn đề chính: tại sao nền kinh tế VN đã không xảy ra siêu lạm phát khi mà việc phát hành (in) tiền của nhà nước gần như không có giới hạn? vấn đề thứ hai, VN sẽ giải quyết ra sao đối với các khoản vay, khoản nợ? Sau một thời gian, tôi đã khám phá ra câu trả lời cho băn khoăn thứ nhất. Và băn khoăn thứ hai của tôi, cũng được dự phóng giải đáp khi phân tích đầy đủ sự khác biệt giữa nền kinh tế VN và nền kinh tế thị trường lành mạnh, bình thường.
* Về lý do tại sao với lượng tiền in không giới hạn của nhà nước vào lưu thông, VN không bị siêu lạm phát, mặc dù lạm phát trung bình hàng năm lúc nào cũng ở mức cao 20-50%/năm, lớn hơn rất nhiều so với một nền kinh tế bình thường (5-7%). Chúng ta biết rằng, lượng tiền nội địa in ra cần căn cứ vào lượng hàng hóa được sản xuất ra hàng năm, và đối với việc giữ vững tỷ giá hối đoái cần căn cứ, tham khảo số lượng ngoại tệ lưu thông trên phạm vi quốc gia. Lượng tiền đồng VN in ra, thật kỳ lạ và may mắn, số lượng ngoại tệ đầu tư vào VN, cộng với số kiều hối hàng năm đã trung hòa và không làm gia tăng đáng kể tỷ giá hối đoái của Việt Nam đồng so với đô-la. Một may mắn kỳ lạ khác, nếu chỉ dựa vào sức sản xuất của nền kinh tế VN hiện tại, chắc chắn đã có siêu lạm phát xảy ra, nhưng VN ở sát cạnh Trung Quốc, hàng năm nhập khẩu số lượng hàng hóa chất lượng thấp, giá rẻ từ 10-20 tỷ đô-la. Điều này vô hình chung, lượng hàng hóa của Trung Quốc đã trung hòa số lượng tiền mà VN in ra, mặc dù mức lạm phát vẫn cao (20-50%/năm) nhưng chưa xảy ra siêu lạm phát.
* Băn khoăn thứ hai, khoản nợ của VN. Trước hết chúng ta cần tìm hiểu, khoản nợ thực của VN ước lượng là bao nhiêu? Theo số liệu chính thức, số nợ của VN vào khoảng 95% GDP (GDP của VN khoảng trên 100 tỷ đô-la), xếp vào dạng số nợ tương đối cao (trên ngưỡng an toàn 65%GDP). Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Chúng ta phân tích về nợ xấu của ngân hàng hiện nay để có thể tìm hiểu thêm về cách tính toán cũng như sự chính xác của các số liệu. Theo công bố của các ngân hàng thương mại hiện nay, số nợ xấu của họ chỉ vào khoảng 5-7% trên tổng dư nợ. Các số liệu của các chuyên gia nước ngoài, khoảng trên 10% nợ xấu trên tổng dư nợ. Thật ra, nếu đúng là ngân hàng chỉ có nợ xấu như số liệu quốc tế công bố, họ không cần mảy may lo lắng, vì trong nền kinh tế VN hiện nay, bất kể doanh nghiệp, ngân hàng hay cá nhân nào nợ xấu chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng dư nợ đã là niềm hạnh phúc mà ít người có được. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng VN, theo thiển ý của tôi, có lẽ khoảng 80-90% trên tổng dư nợ. Đó mới là con số thực. Chỉ cần nêu ra các khiếm khuyết trong cách tính nợ xấu của các ngân hàng là hiểu ngay vấn đề. Trước hết, cách tính nợ xấu của ngân hàng VN không giống cách tính nợ xấu của quốc tế. Ví dụ, một doanh nghiệp nợ ngân hàng 1 tỷ đồng sẽ trả nợ trong một năm, mỗi quý trả 250 triệu đồng. Nếu quý I, doanh nghiệp không trả được 250 triệu đồng, thì các ngân hàng quốc tế sẽ tính số nợ xấu là 1 tỷ đồng (với lập luận 250 triệu đồng không trả được thì trả sao được 1 tỷ đồng), còn ngân hàng VN chỉ tính nợ xấu là 250 triệu đồng. Như vậy đã có sự chênh lệch rất lớn trong cách tính nợ xấu. Một vấn đề khác, các ngân hàng VN hiện nay, ngân hàng nào cũng có một lượng trái phiếu chính phủ lớn trong quyết toán của mình, những trái phiếu này, nếu đem tính với nhà nước thì có giá trị, nhưng nếu trong tình hình nền kinh tế bất ổn thì số trái phiếu này hoàn toàn không có giá trị. Chúng ta đã biết rằng, lượng tiền in ra của nhà nước đã rất lớn, vượt quá khả năng sản xuất của nền kinh tế, giá trị đồng tiền rất bấp bênh, vậy thì trái phiếu của chính phủ còn giá trị gì khi nền kinh tế có đột biến. Chính vì vậy, nếu tính cả số trái phiếu này (hầu như không có giá trị) thì số nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng phải lên tới 80-90% tổng dư nợ.
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu cách tính nợ xấu của ngân hàng ở VN hiện nay. Việc tính tổng số nợ của nền kinh tế VN còn khó khăn và phức tạp hơn gấp bội. Cá nhân tôi nghiêng về ý kiến cho rằng nợ xấu của VN hiện nay gấp đôi GDP, và tôi cho rằng đó là con số vừa phải nhất, sát thực tế nhất.
Nhưng vấn đề đặt ra không phải nợ xấu là bao nhiêu, mà khả năng trả nợ của nền kinh tế mới là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay (các nước như Mỹ, Nhật số nợ gấp rưỡi hoặc gấp đôi GDP là bình thường, bởi họ có nền kinh tế lành mạnh, đủ khả năng trả nợ). Và đi sâu vào phân tích nền kinh tế VN hiện nay, có sự khác biệt về bản chất với nền kinh tế thị trường bình thường, lành mạnh, chúng ta đều biết rõ, khả năng trả nợ của nền kinh tế là con số không tròn trĩnh. Chúng ta đều biết rằng, việc vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý cơ bản của nền kinh tế thị trường sẽ dẫn tới méo mó, biến dạng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Không những vậy, việc không tạo lập đồng bộ các thị trường, ưu tiên quá mức cho doanh nghiệp nhà nước (thua lỗ triền miên) khiến cho hiệu quả của nền kinh tế rất thấp, các doanh nghiệp tư nhân không được đối xử bình đẳng, chật vật duy trì sự tồn tại của mình. Cơn hồng thủy tồn đọng bất động sản vừa quét qua đã làm gãy đổ những hy vọng cuối cùng của việc cố gắng khôi phục, duy trì nền kinh tế luôn đi ngược lại các quy luật thị trường.
* Qua những phân tích về sự khác biệt giữa nền kinh tế VN và nền kinh tế thị trường nêu trên, kết hợp với sự quan sát và nghiên cứu thực tiễn phát triển kinh tế ở VN, bất kể một người nào, có chút kiến thức về kinh tế đều đi tới kết luận: không thể có một giải pháp đơn lẻ nào về kinh tế có thể giải quyết được các khủng hoảng về cấu trúc, cơ chế và thực tiễn của nền kinh tế VN. Để giải quyết tất cả các hậu quả, hệ quả của nền kinh tế (nợ xấu ngân hàng, nợ công…), để khôi phục một nền sản xuất hiệu quả, hay ngắn gọn hơn, để đưa nền kinh tế VN vào đúng đường ray của một nền kinh tế thị trường, cần có một giải pháp tổng thể. Đó là loại bỏ tất cả các yếu tố chính trị trong một nền kinh tế, trả kinh tế về cho các quy luật của thị trường. Cơ thể kinh tế của VN hiện nay không còn mặc vừa chiếc áo độc quyền chính trị nữa, nó chỉ có hai lựa chọn: hoặc đột tử, hoặc thay bộ quần áo đa nguyên, tức loại bỏ hoàn toàn các yếu tố chính trị ra khỏi đời sống kinh tế thị trường./.
Hà Nội, ngày 09/02/2014 Nguyễn Vũ Bình

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"