Việt Hà, phóng viên RFA
Các mũi tấn công của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh biên giới 1979
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đưa quân ồ ạt tiến đánh biên
giới Việt Nam. Cuộc chiến biên giới kéo dài chỉ trong một tháng trời đã
để lại những tổn thất nặng nề cho người dân Việt Nam. Từ nhiều năm nay,
cuộc chiến này đã không được nói đến nhiều một cách chính thức ở Việt
Nam. Tuy nhiên, một chuyên gia nước ngoài cho biết ông đã được mời đến
Việt nam để trả lời phỏng vấn một kênh truyền hinh của nhà nước Việt nam
về cuộc chiến này? Liệu đây có phải là dấu hiệu của việc chính phủ Việt
Nam sẽ kỷ niệm cuộc chiến này trong tương lai? Việt Hà phỏng vấn giáo
sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc, người được mời vào Việt
nam nói chuyện nhân dịp này. Trước hết Giáo sư Carl Thayer nói về cuộc
chiến biên giới làm thay đổi quan hệ hai nước Việt nam Trung Quốc như
sau:
GS.Carl Thayer: quan hệ Việt Nam Trung Quốc đã đi từ
cái gọi là môi liền răng sang kẻ thù và Việt Nam gọi Trung Quốc lúc đó
như là kẻ thù trực tiếp nguy hiểm nhất với người dân. Quan hệ ngoại giao
hai nước đã bị phá vỡ từ 1979 cho đến tận năm 1991, tức là hơn một thập
kỷ quan hệ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việt Hà: Quan hệ hai nước bây giờ đã được cải thiện
rất nhiều, nhưng theo ông những ảnh hưởng nào của cuộc chiến vẫn còn tồn
tại đến bây giờ trong quan hệ Việt Trung?
GS. Carl Thayer: thực tế về cuộc chiến tranh này đã
được cắt bỏ khỏi sách lịch sử và khỏi những lễ kỷ niệm phổ biến ở Việt
Nam cho đến tận năm nay. Tôi không nghĩ là bởi vì các lãnh đạo Việt Nam
muốn giảm nhẹ một thời kỳ quan hệ của Việt Nam. Bạn có thể tìm đến viện
bảo tàng chiến tranh và không thấy có một trưng bày nào về cuộc chiến
này với Trung Quốc. Nó là một lỗ đen. Nhưng tất nhiên với hàng ngàn
người dân Việt Nam đã mất người thân trong cuộc chiến thì cuộc chiến này
đã tồn tại. Cả hai phía sau cuộc chiến đã học được cách phải tôn trọng
nhau.
Giáo sư Carl Thayer thuộc học viện quốc phòng Úc trong một lần đến thăm đài RFA. RFA
Việt Nam hiểu là Trung Quốc có thể thực hiện lời nói của mình khi họ
nói là họ sẽ dạy cho Việt Nam một bài học nhưng họ cũng đã không thành
công lắm. Còn Trung Quốc hiểu được là Việt Nam đã giữ vững thế của mình
và chỉ cho Trung Quốc vào lúc đó thấy là một quân đội dựa vào chiến
tranh nhân dân không thể đánh trong một cuộc chiến trong điều kiện hiện
đại. Đó đã là một bế tắc lớn nhưng chủ yếu là do Trung Quốc đã đưa ra
một quyết định chiến lược là sau khi tấn công Việt Nam thì sẽ rút lui
thay vì ở lại.
Việt Hà: theo ông thì yếu tố nào bây giờ có thể làm cho quan hệ hai nước trở nên xấu đi?
GS. Carl Thayer: vào năm ngoái ông Trương Tấn Sang
thăm Trung Quốc, gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và sau đó là chuyến thăm của
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Việt Nam vào cuối năm. Hai bên
đồng ý cam kết tăng cường các hoạt động hợp tác mặc dù chúng ta phải cẩn
thận vì đó là những biểu tượng và có những hạn chế nhiều hơn là mục
đích chính trị. Việc mở rộng việc hợp tác phát triển tại khu vực vịnh
Bắc bộ là một ví dụ và đặt nhấn mạnh trong việc giải quyết hòa bình các
vấn đề ít nhậy cảm trên biển.
Cả Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý, từ năm 2010 khi một đặc phái
viên của Việt Nam được gửi sang Trung Quốc, là định hướng dư luận, nói
theo cách nói của họ. Lãnh đạo của cả hai nước lúc này có khó khăn với
chủ nghĩa dân tộc trong nước. Và chủ nghĩa dân tộc trong nước là một lực
lượng khó, vì nó đòi hỏi lãnh đạo của quốc gia phải nhìn nhận chiến
tranh với phía mà họ cho là kẻ thù, trong khi một quốc gia cẩn trọng thì
rút lui.
Ở Việt Nam thì một mặt là những nhu cầu lớn dần trong nước đòi có
tưởng nhớ những người hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa, nhưng đó là một
vấn đề tế nhị vì lúc đó là thuộc Việt Nam cộng hòa. Tương tự là với cuộc
chiến biên giới vì nó làm căng thêm nhìn nhận của người dân Việt Nam
với Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ cũng có điểm tích cực ở đây, như với việc
Việt nam và Mỹ có thể vượt qua những hậu quả của chiến tranh, dù vẫn
còn những điều tồn tại, và đó cũng có thể là giữa Việt nam và Trung
Quốc.
Tù binh Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979. Files photos
Theo tôi yếu tố có thể khiến quan hệ hai nước xấu đi là khi Trung
Quốc tìm cách lấn chiếm Việt nam với quy định về đánh bắt cá ở đảo Hải
Nam hoặc áp dụng vùng nhận dạng phòng không vì hai năm trước Việt Nam đã
tuyên bố là sẽ thực hiện các chuyến bay tuần tra thường xuyên và cho
máy bay Sukhoi bay trên Trường Sa. Cho nên hành động này từ Trung Quốc
có thể làm xấu đi quan hệ hai nước. Lập trường của Việt nam là không bao
giờ làm Trung Quốc tức giận hoặc cho họ cơ hội lấy cớ làm gì. Trong
trường hợp này là việc kỷ niệm cuộc chiến biên giới, tôi tự hỏi là trong
tương lai điểm sáng có thể là các cựu chiến binh hai phía có thể gặp
nhau và tưởng nhớ về những người đã ngã xuống.
Việt Hà: ông được mời đến Việt Nam để trả lời truyền
hình Việt Nam dịp này về cuộc chiến biên giới, theo ông tại sao họ lại
làm vậy, ông trông đợi gì cho cuộc phỏng vấn này?
GS. Carl Thayer: tôi không có nhiều thông tin ngoài
việc biết là mình được mời nhưng tôi nghĩ nó cũng theo cách cũ là lãnh
đạo cho phép người nước ngoài vào để nói về vấn đề nhạy cảm thay vì
chính họ tự nói để thăm dò ý kiến. Họ để người nước ngoài nói chuyện để
xem họ nghĩ gì về cuộc chiến, hay nói cách khác là chuẩn bị cơ sở cho
nó. Nhưng mà tôi cũng nhận được giấy mời đến Việt nam vào tháng năm để
kỷ niệm trận chiến Điện Biên Phủ, trong khi quan hệ Việt Pháp rất tốt và
cuộc chiến thì đã lùi xa vào quá khứ. Nhưng người ta cũng có thể coi
đây là một nỗ lực xây dựng tinh thần yêu nước làm hỗ trợ cho đảng cộng
sản.
Tôi không nghĩ là họ sẽ khuấy động chủ nghĩa dân tộc nhưng đó là các
bài báo phê phán Trung Quốc ở biển Đông, trong cuộc chiến Hoàng Sa hay
cuộc chiến biên giới. Vấn đề về tính chính thống của Đảng Cộng sản là họ
nói họ với tinh thần yêu nước dẫn dắt đất nước chống lại xâm lăng nước
ngoài. Vậy nếu họ nói họ đã làm như vậy thì tại sao họ lại không nhìn
nhận những người đã hy sinh. Họ đã bị tụt hậu bởi chủ nghĩa dân tộc,
lòng yêu nước. Tôi nghĩ họ muốn kiểm soát điều này bằng cách sắp xếp lễ
kỷ niệm của nhà nước. Theo tôi họ đang cố gắng tìm được một chỗ trung
gian được chấp nhận bởi tất cả các bên.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này