Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Hữu nghị hay mưu đồ thôn tính?

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
“TQ giúp Việt Nam chưa bao giờ vô tư, họ đều có tính toán. Tư tưởng bành chướng của Mao Trạch Đông, các chính quyền kế tiếp đều thừa kế nhất quán, đều lợi dụng Việt Nam để mưu lợi ích cho TQ…”
Những ý kiến trên đây của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nói rất đúng.
Sau đây, tôi chứng minh bằng những việc làm cụ thể của những nhà cầm quyền TQ:
Tại sao TQ giúp Việt Nam khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam hòng đặt ách đô hộ một lần nữa?
Cuối đời nhà Thanh, TQ suy yếu, tám nước liên quân đánh TQ trong đó có Pháp, bắt triều đình nhà Thanh phải bồi thường chiến phí và nhượng cho họ các tô giới ở Thượng Hải. Pháp còn luôn “chơi nước thượng” đối với nhà Thanh.
Mối hận đó, những người cầm quyền TQ sau này sao quên được.

Cách mạng Tháng 8 của Việt Nam mới thành công, lực lượng vũ trang chưa có gì mấy. Quân viễn chinh Pháp thì có đủ hải, lục, không quân. Nếu Pháp thắng sẽ áp sát biên giới TQ. Những người cầm quyền TQ không những không rửa được mối hận mà an ninh biên giới cũng bị đe dọa. TQ giúp Việt Nam còn được Việt Nam hàm ơn.
Khách quan mà nói, có pháo cao xạ 37 li, có lựu pháo 105 li và xe vận tải do TQ viện trợ tạo thêm điều kiện vật chất để Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân, dân Việt Nam đánh thắng trận Điện Biên Phủ. Cùng với trận thất bại kinh hồn Điện Biên Phủ và thua tại các chiến trường khác, quân viễn chinh Pháp đã mất tinh thần và suy yếu về thực lực, không còn khả năng nào trụ lại ở Việt Nam, TQ cũng đạt được yêu cầu rồi, thì TQ trở mặt phản bội Việt Nam. Với thế thắng áp đảo của chúng ta, chúng ta có thể buộc Pháp chấp nhận giới tuyến quân sự tạm thời ở ít nhất là vị tuyến 15, nhưng tại Hội nghị Ge-ne-vơ, Chu Ân Lai thủ tướng TQ lại bàn với Pháp, Anh, Mỹ sau lưng chúng ta ép ta chấp nhận vị tuyến 17, nhằm hạn chế thắng lợi của chúng ta, khiến chúng ta không mạnh lên được phải dựa vào họ, dễ bị họ khống chế. Sau đó lãnh đạo TQ khuyên ta ngừng hoạt động quân sự, “trường kỳ mai phục” với ý đồ chia cắt lâu dài nước ta thành hai quốc gia Bắc, Nam riêng biệt.
Chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam lê máy chém đi khắp nơi tìm giết những người cộng sản và những người dân tình nghi thân “Việt cộng”, tiếp đó Mỹ nhảy vào. Không còn con đường nào khác, chúng ta phải kháng chiến vũ trang chống Mỹ và chính quyền tay sai. Bấy giờ cả Liên Xô và Trung Quốc đều giúp chúng ta với ý nghĩa chúng ta là “Tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa”.
Vì sao TQ giúp Việt Nam chống Mỹ?
Mọi người còn nhớ năm 1950, Bắc Triều Tiên khởi binh đánh Nam Triều Tiên nhằm thực hiện thống nhất. Để bảo vệ Nam Triều Tiên, quân Mỹ tấn công đẩy lùi quân Bắc Triều Tiên đến tận bờ sông Áp Lục, bom Mỹ đã rơi vào đất TQ. Trước nguy cơ đó, TQ phải đưa 50 vạn quân “kháng Mỹ, viện Triều”, đổ bao nhiêu xương máu mới đẩy lùi được quân Mỹ và Nam Triều Tiên trở về vị tuyến 38 và ký Hiệp định đình chiến.
TQ giúp để người Việt Nam đánh Mỹ trên đất Việt Nam, tránh phải lập lại tình hình những năm 50 bằng xương máu của người TQ.
Cuối những năm 50 đầu những năm 60, xảy ra mâu thuẫn gay gắt Xô – Trung. Lúc bấy giờ TQ muốn giương ngọn cờ lãnh đạo phong trào công sản thế giới, không thể không giúp Việt Nam đánh Mỹ. TQ giúp Việt Nam còn vì tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô. Có lúc lãnh đạo TQ đã nói với lãnh đạo Việt Nam: “Nếu các đồng chí cắt không nhận viện trợ từ Liên Xô, chúng tôi sẽ bao toàn bộ”. Lãnh đạo TQ còn tính toán rằng viện trợ cho Việt Nam để Việt Nam mang ơn là tạo thuận lợi cho hoạt động của họ sau này. TQ giúp chúng ta đồng thời lại muốn công nhận chính quyền Ngô Đình Diệm như một quốc gia song song với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong một bữa tiệc Chu Ân Lai nói với Ngô Đình Luyện, em Ngô Đình Diệm: “Sao các ông không đặt cơ quan đại diện ở Bắc Kinh”.
Khi Mỹ có dấu hiệu muốn đàm phán và phía ta cũng thấy thời cơ đàm phán để kéo Mỹ xuống thang, thì lãnh đạo TQ muốn ta tiếp tục đánh không đàm nhằm làm cho cả Mỹ và Việt Nam đều hao người tốn của thêm, TQ ở giữa hưởng lợi. Khi thấy cuộc chiến tranh vô vọng, Mỹ ở vào thế bí chạy đến TQ nhờ tìm cách gỡ. Giới cầm TQ thấy Mỹ không còn nguy hiểm đối với mình nữa, muốn làm ăn với Mỹ nên đã ngừng viện trợ cho ta và mặc cho Mỹ thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng. Trước ngày 30/4/1975, lãnh đạo TQ thương lượng với Pháp chỉ thị cho Đại sứ Pháp tại Việt Nam Cộng hòa nhắn với Dương Văn Minh cố cầm cự thêm 24 tiếng đồng hồ, TQ sẽ có biện pháp. Trớ trêu là tướng Dương Văn Minh không nghe theo.
Qua bao nhiêu sự việc nêu trên cho thấy TQ viện trợ cho ta không vô tư, đều có tính toán vụ lợi, vừa giúp ta vừa hạn chế thắng lợi của ta, không muốn có một Việt Nam thống nhất, kìm hãm ta trong tình hình yếu kém, phải phụ thuộc họ.
Dù sao, sự nhường cơn xẻ áo của nhân dân TQ giúp chúng ta khá lớn trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân ta, Nhà nước ta rất biết ơn, coi như mắc một món nợ. Nhưng tháng giêng năm 1974, nhà cầm quyền TQ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đương thuộc sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa; năm 1975, trang bị cho lực lượng vũ trang Pôn-pốt đánh phá phía Tây nam nước ta; tháng 2/1979, Đặng Tiểu Bình huy động 60 vạn quân xâm lăng, tàn phá triệt để các tỉnh biên giới nước ta, giết hại đồng bào ta thì tự họ đã xóa hết nợ nần, ơn nghĩa trước đây. Ngược lại họ lại mắc nợ máu với nhân dân biên giới nước ta.
Tại Hội nghị Thành Đô, do phía ta nhu nhược bị phía TQ áp đặt. Từ đó, họ tùy tiện can thiệp vào nội bộ ta, ép ta về nhiều mặt, lấn ta, phá kinh tế của ta... Họ ngăn ta không được nhắc đến cuộc xâm lược của họ tháng 2/1979, ép ta loại Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người từng cảnh giác vạch trần những ý đồ đen tối của họ; Họ luôn tìm cách tác động vào nhân sự nội bộ ta. Mỗi lần nước ta chuẩn bị Đại hội Đảng, liên tiếp vài ba ủy viên Bộ Chính trị TQ sang thăm nhằm thăm dò danh sách nhân sự chuẩn bị cho khóa tới, tỏ ý hoan nghênh người này nắm vị trí này, không thích vị kia…
Khí có cán bộ cấp này cấp kia sang TQ, họ thường tìm cách mua chuộc, tặng quà để lấy lòng hoặc bày “mỹ nhân kế” để khống chế.
Trong đàm phán biên giới trên bộ, TQ gian xảo lấn của ta một nửa thác Bản Giốc, 100m từ ải Nam Quan xuống đến Tân Thanh vốn là điểm nối đường ray trước đây để tàu TQ đưa hàng hóa vào đất ta, cộng với lấn chiếm những nơi khác, họ lấn của ta một diện tích bằng tỉnh Thái Bình.
Trên vịnh Bắc bộ, nhà cầm quyền TQ không chịu chấp nhận đường phân chia theo Hiệp ước Pháp – Thanh do lịch sử để lại, đòi phân chia lại để ăn lấn của ta thêm một diện tích biển.
Trên biển Đông, dựa vào đường “lưỡi bò” do chính quyền Quốc dân Đảng tự vẽ, không có giá trị về pháp lý, không được công đồng quốc tế thừa nhận mà tuyên bố chủ quyền gần hết biển Đông. Họ cậy mạnh mặc sức hoành hành bá đạo, phá cáp thăm dò của Việt Nam trong lãnh hải của mình, bắn ngư dân, bắt tàu cá, tịch thu tài sản, đâm chìm tàu các của ngư dân Quảng Ngãi, đưa hàng ngàn tàu cá TQ có tàu hải giám (thực chất là tàu chiến) hộ vệ đánh bắt cá khu vực Trường Sa của chúng ta, lập huyện “Tam Sa”, lập căn cứ quân sự, làm lắm trò trên đảo hòng xác nhận chủ quyền. Gần đây chính quyền tỉnh Hải Nam lại ngạo ngược ra quyết định phi pháp cấm đánh cá và cấm tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà họ xưng là chủ quyền của họ. Mới đây từ 2 - 8/1/2014, tàu TQ 2 lần tông vào tàu cá của Việt Nam, lính TQ dùng súng và dùi cui đánh đập ngư dân, tịch thu cá, ngư cụ, đập phá tài sản của ngư dân ta.
Về kinh tế, TQ xuất sang ta mọi thứ hàng hóa rẻ tiền, kém phẩm chất, chèn ép hàng hóa của ta, xuất phủ tạng động vật thối, mỡ thối, hoa quả, đồ chơi… hàm chứa chất độc hại đầu độc dân ta. Họ còn cho thương lái vào miền Nam đặt mua khoai lang tím, dừa non rồi bỏ, gây thiệt hại cho nông dân, mua rễ tiêu làm mất mua tiêu, mua đỉa, mua ốc bươu vàng với giá cao nhằm phá hoại kinh tế của ta. Họ tài trợ cho các công ty bỏ giá thầu thấp để trúng thầu các công trình trong nước ta, đưa thiết bị kỹ thuật lạc hậu vào, đưa ồ ạt lao động phổ thông của họ vào tranh công việc của lao động nước ta, đồng thời thực hiện chính sách di dân của họ.
Việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa nước ta và TQ đã có 4 cửa khẩu, họ còn thúc đẩy xây dựng hai khu Liên hợp Kinh tế biên giới nhằm mục đích gì? phải chăng để rồi đây biến những khu ấy thanh đất của TQ như kiểu “đường nối ray” ở Lạng Sơn trước đây?
Họ thúc ta lập Viện Khổng Tử (không cần thiết gì cho ta) nhằm thực hiện âm mưu xâm lược văn hóa.
Họ đã cài thế trận bao vây cô lập ta: họ đã đứng chân được trên cao nguyên chiến lược của ta, đã mua được hàng ngàn ha rừng biên giới, đã thuê dài hạn đoạn bãi biển Đà Nẵng, cảng Vũng Áng, yết hầu giữa miền Trung và miền Bắc. Những nơi họ mua hoặc thuê dài hạn, người Việt Nam kể cả nhà chức trách không ai được vào, không biết họ làm gì trong đó; thực tế đã hình thành thế bao vây ta, đồng thời đã có hàng vạn “lao động” TQ dải khắp nước ta thành đội quân thứ 5. Họ tung tiền vào hai nước anh em Lào, Campuchia hòng chia rẽ với Việt Nam nhằm cô lập ta.
Trong tình hình thế giới hiện nay, rất nhiều tiếng nói phản đối dùng vũ lực ở biển Đông, đồng thời Mỹ đương bao vây TQ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, xuồng đến Australia, TQ chưa thể gây chiến tranh với ta, nhưng đến một thời cơ nào đó họ trở mặt đánh ta như kiểu 1979 thì cơ giới của họ có thể nhanh chóng tiến đến thủ đô Hà Nội bằng những con đường cao tốc mà họ đương thúc dục ta xây dựng.
Những sự việc kể trên chứng minh rằng TQ giúp chúng ta không vô tư mà có tính toán theo lợi ích của họ, vừa ăn lấn ta, vừa phá kinh tế ta, kìm hãm ta luôn trong tình hình yếu kém. Họ rất thâm hiểm. Họ nói một đường làm một nẻo. Họ nêu chiêu bài “láng giềng hữu nghị… bốn tốt…” để phỉnh phờ ru ngủ lãnh đạo ta, buộc chặt ta vào cỗ xe của họ chứ có bao giờ họ hữu nghị với ta. Cuối năm vừa qua họ còn nói chính sách của họ đối với các nước láng giềng là “mục lân” (hòa hiếu với láng giềng), “an lân” (giúp cho láng giềng yên ổn), “phú lân” (giúp cho láng giềng giàu có). Thật là bịp bơm hết chỗ nói!
Tư tưởng bành trướng bá quyền nước lớn của Mao Trạch Đông được các thế hệ cầm quyền rất nhất quán.
TQ không bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính Việt Nam. Nếu chúng ta không cảnh giác thì mất nước lúc nào chưa biết.
Nguyễn Trọng Vĩnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"