Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Góp ý không chỉ riêng bản tham luận của ông Phạm Chí Dũng

Nguyễn Ngọc Già

Sự việc ông Phạm Chí Dũng bị cấm xuất cảnh theo lời mời của UN Watch - tham dự buổi hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” vào ngày 4/2/2014, diễn ra trước một ngày cho kỳ "Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam (UPR)" tại Genève - trở thành bằng chứng mới nhất về các vi phạm nghiêm trọng Nhân Quyền của chính quyền Việt Nam, không những thế, nó cho thấy chính thể do cộng sản thao túng, ngày càng dẫm đạp trắng trợn Quyền Con Người, gắn trong vị trí vừa đắc cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.

Thông qua nhà báo Đoan Trang tóm tắt về UPR với hai phần [1], có thể nói, dư luận nói chung và các blogger, nhà báo nói riêng tạm phác họa ra quy trình, thủ tục, nội dung cần tiến hành cho cuộc "Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền", trong đó có Việt Nam với vị trí mới.

Lần đầu tiên, người Việt trong nước - với sự hỗ trợ nhiệt tình của người Việt hải ngoại cùng nhiều tổ chức & đài báo nước ngoài - được trình bày trực tiếp sự thật về Nhân Quyền đang diễn ra tại Việt Nam trước toàn thế giới. Đây là một cơ hội lớn và hiếm hoi. Một số người đã nhạy bén nắm lấy để thay mặt hàng triệu thường dân Việt Nam lên tiếng, sau khi vượt qua nhiều khó khăn để đến được hoạt động "tiền UPR" cũng như phiên điều trần UPR chính thức.

Cần nhấn mạnh, tất cả các cá nhân - có mặt trong hơn một tháng qua tại nhiều quốc gia, tại nhiều tổ chức NGO - họ đều đến bằng tư cách Cá Nhân, bởi dù dưới tên gọi như: No - U, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Con Đường Việt Nam v.v... nhưng các nơi này chưa bao giờ được chính quyền cộng sản Việt Nam xem như hoạt động hợp pháp, bởi vì tại Việt Nam chưa có "Luật Về Hội". Nhấn mạnh điều này để nêu rõ:

- Việt Nam chưa hề có bất kỳ "tổ chức xã hội dân sự" chính thức nào cả. Điều này trở thành bằng chứng tố cáo mạnh mẽ sự bóp nghẹt Quyền Con Người dưới mọi góc độ, xuất phát từ chính quyền cộng sản Việt Nam. Song song đó, chỉ rõ để tri ân những người Việt Nam chấp nhận rủi ro, chấp nhận hy sinh để đưa tiếng nói trung thực mang tính đại chúng đến với thế giới bằng nhãn quan đa chiều, tranh luận một cách văn minh và khoa học theo tinh thần "đấu tranh bất bạo động" để bác bỏ những lời ngụy biện, lừa dối của cộng sản Việt Nam.

- Các cá nhân đang tham dự những hoạt động "tiền UPR" cho đến khi UPR diễn ra chính thức, họ đều dự liệu trước việc trở về Việt Nam có thể bị gây khó khăn và nhiều nguy hiểm chực chờ. Tuy nhiên, phải xác quyết như thế (chưa có bất kỳ "tổ chức XHDS" tại VN) để tránh việc bị chụp mũ theo điều 78, 79, 86, 87, 88, 89, 91, 258 thuộc Luật hình sự. Ở đây không nói về sợ hãi mà cần chỉ rõ luôn, Luật Hình sự Việt Nam đã và đang bị lợi dụng, bị bóp méo cũng như vi hiến nghiêm trọng và hoàn toàn đi ngược lại các cam kết về ICCPR, CAT và các công ước khác.

Về bài tham luận của ông Phạm Chí Dũng

Ông Phạm Chí Dũng đã rất nỗ lực bằng khả năng và tấm lòng của mình để viết ra bài tham luận, tuy nhiên có thể do thời gian hạn hẹp và hoạt động độc lập, không có ai trợ giúp, nên bài viết có vẻ còn chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn, trước hết là cho Việt Nam.

Đối với những bản tham luận cho một hội thảo lớn và rất quan trọng như thế này, lý tưởng nhất, cần có một nhóm khoảng 3 - 4 người (am hiểu nhiều lãnh vực) để hợp tác với ông Dũng. Nhóm sẽ bàn bạc để tạo ra một dàn bài với bố cục và phân bổ cho từng mục, tiểu mục với thời lượng trình bày hợp lý, đặc biệt cần xoay quanh chủ đề được mời tham dự: “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc”. 

Mỗi người sẽ phụ trách một hay một vài mục, tiểu mục. Sau khi mỗi người viết xong, sẽ trao đổi chéo cho nhau xem và có ý kiến, cuối cùng kết nối tất cả với nhau để cho ra bài tham luận hoàn chỉnh nhất, theo khả năng nhất định của mình. Có thể điều này sẽ giúp tạo ra bản tham luận đầy đủ, sắc nét, trọn vẹn, tiết kiệm thời gian và khái quát hóa được toàn cảnh "Nhân Quyền Việt Nam" trong (ít nhất) 20 năm qua, từ đó rút ra những kết luận, những yêu cầu và giải pháp thực tiễn. Bài viết cần hệ thống và nêu bật hiện trạng theo chủ đề được mời, nội dung cần tránh đi ra ngoài. 

Do đó, với tiêu đề "Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam", có vẻ dễ thấy trong tham luận có phần đi chệch chủ đề mà ông Dũng được mời làm diễn giả.  Thay vì UN Watch muốn nghe "trách nhiệm của Việt Nam...", ông Dũng dường như lại nói "trách nhiệm của các NGO...".

Từ đó, tôi mạn phép đặt ra vài yếu tố cốt lõi, có thể theo mong muốn của UN Watch:

1. Khái quát toàn cảnh "Nhân Quyền Việt Nam" trong 20 năm qua. Lý do, lấy mốc thời gian 20 năm xin xem sơ thảo [2].

2. Nêu bật hiện trạng cơ bản:

2.1  Trong tất cả các Quyền Con Người cần bật lên quyền quan trọng nhất: Quyền Sống. Từ quyền này, dựa trên đó để chỉ ra tất cả các quyền khác kéo theo đều bị vi phạm nghiêm trọng tại Việt Nam.

2.2 Bài tham luận chưa cho thấy hiện trạng toàn cảnh "bức tranh" "Nhân Quyền Việt Nam" ở tất cả các lãnh vực. Thay vào đó, chỉ nêu được "mảng dân oan mất đất", "mảng nạn nhân môi trường" (vụ chôn thuốc trừ sâu, xả lũ thủy điện) và một mảng rất nhỏ vể tự do tôn giáo (trong khi mảng này rất lớn và chi phối mạnh đến đời sống xã hội. ví dụ sự ra đời của "Văn Phòng Công Lý & Hòa Bình" thuộc Dòng Chúa Cứu Thế khai trương ngày 24/3/2013 để giúp dân oan) cùng các hệ lụy đi kèm. Còn thiếu quá nhiều các lĩnh vực bị vi phạm khác liên quan mật thiết với Quyền Sống.

2.3 Nhà nước CHXHCNVN chưa hoàn thành bổn phận của một nhà nước "của dân, do dân, vì dân" và vi phạm thô bạo, vi phạm hầu hết tất cả các Quyền Con Người, do đó dẫn tới di lụy kéo theo;

2.4 Trách nhiệm đối với quốc dân, Nhà nước CHXHCNVN chưa chu toàn nổi, làm sao có thể bảo đảm bổn phận đối với các nước trong khu vực và càng quá xa vời đối với thế giới.

2.5 Mặt khác, trong khi nêu lên trách nhiệm của Nhà nước CHXHCNVN khó thể đáp ứng tốt đẹp một vai quan trọng trong HĐNQLHQ, cũng cần phải vạch ra LHQ và thế giới cũng chưa hoàn toàn chu toàn bổn phận đối với nhân dân Việt Nam, vì 90 triệu người Việt Nam cũng là một bộ phận không tách rời với thế giới. Do đó, chính thế giới và các quốc gia khác cũng nhận lấy hậu quả "nhãn tiền", vì việc chưa quan tâm đúng mức nhân quyền tại Việt Nam (xin xem phần phân tích dưới "những góp ý" - mục 2).

3. Đưa ra yêu cầu và giải pháp. Tại đây, cần nói rõ để tránh nhầm lẫn, "yêu cầu và giải pháp" được đề cập, với vị trí chủ thể - Nhà nước CHXHCNVNkhách thể - Nhân dân Việt Nam và thế giới. Nhà nước CHXHCNVN trước tiên, với vai trò chủ thể, họ buộc phải cải cách toàn diện vấn đề nhân quyền trong quốc nội [3], điều đó làm nền tảng, mới mong đủ khả năng, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của khu vực và thế giới.

4. Phần II, phần III, phần IV trong bài tham luận nên đưa vào "phần phụ chú" và nếu thời gian mà UN Watch dành cho diễn giả Phạm Chí Dũng còn dư, hãy trình bày thêm. Vì nội dung này là chuyện "nội bộ" của Việt Nam (đề nghị NGO thế giới hỗ trợ và giúp đỡ cho NGO địa phương) , nếu thời gian không còn. lúc đó có thể tận dụng những giờ phút bên lề hội thảo để gợi ý với các NGOs. Thêm vào đó, nền kinh tế yếu ớt, quá nhỏ bé về quy mô của Việt Nam, thật ra nó không tác động gì quá lớn  đến thế giới và nội dung này có vẻ hơi "lạc nhịp" trong chủ đề chính mà UN Watch mong muốn.

Tóm lại, bài tham luận cần nắm chắc chủ đề theo đề nghị của UN Watch, tính toán thời lượng sao cho ăn khớp mà diễn giả được trình bày (bao nhiêu phút) để bảo đảm hiệu quả như nhiều người mong muốn, đặc biệt khi có số liệu minh họa để thuyết phục thì quá tốt. Tất nhiên, để có những số liệu (số người chết vì công an, số người bị xách nhiễu vô lối với hàng trăm kiểu khác nhau, số tù nhân lương tâm, số lượng hecta đất bị cướp đoạt, lương thực tế của công nhân, cơ cấu dân số Việt Nam theo chuẩn thế giới (dưới nghèo khổ, nghèo khổ, trung lưu, thượng lưu) v.v...), phải nói rất công phu và làm việc cật lực. Các số liệu này thật khó khăn để thu thập trong thời gian ngắn bằng việc chỉ có một người (tức là ông Phạm Chí Dũng), do đó chúng ta càng cảm thông, ủng hộ và khích lệ không chỉ riêng ông Phạm Chí Dũng mà tất cả những ai đang tranh đấu cho dân chủ nhân quyền Việt Nam.

Những góp ý.

Phần còn lại, tác giả viết bài xin góp vài ý kiến nhỏ với tư cách là công dân Việt Nam, tự nhận thấy bổn phận và trách nhiệm của mình, mong góp chút tâm ý cho phiên điều trần UPR chuẩn bị diễn ra.

Tương ứng mục lục theo phần trên, những góp ý dưới đây như sau:

1. Tại mục 2.2 nói trên, cần đề cập thêm: 

1.1 Lực lượng công nhân (hàng triệu công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, DNNN, doanh nghiệp FDI v.v...) . Hãy nói về những yếu tố căn bản nhất [4] (tiền lương, chế độ lao động, những hà khắc, lạm dụng của giới chủ, chính sách an sinh xã hội và pháp luật tác động ở góc độ làm chênh lệch và phân hóa xã hội ngày càng giãn rộng kinh hoàng v.v...) 

1.2 Tiểu thương (cháy chợ, chợ bị cướp dưới nhiều hình thức, bãi thị v.v...) và người làm công ăn lương thất nghiệp, bị bạo hành, bị chèn ép (ngân hàng, siêu thị, nhà hàng - khách sạn, các khu vui chơi giải trí, resort, sân golf v.v...)

1.3 Lĩnh vực giáo dục - y tế: đây là hai lĩnh vực làm thước đo cho một xã hội văn minh và hội nhập quốc tế tới đâu. Hãy trình bày cô đọng mà nổi bật những hạn chế, lạc hậu, lỗi thời trong hai lĩnh vực này, tệ bạo hành trẻ em, "đổi tình lấy điểm", chế độ học hành nhồi nhét, thi cử hình thức, khám chữa bệnh không quan tâm y đức, tham nhũng, hối lộ tràn lan, mua bán bằng cấp, chức vụ v.v... gây bại hoại nhân cách, suy đồi tư cách,hạ thấp  môi trường y đức và học đường đối với hàng trăm ngàn giáo viên, giảng viên, chuyên gia, bác sĩ, y tá v.v... hàng triệu học sinh, sinh viên, bệnh nhân.

1.4 Lãnh vực tư pháp và pháp luật: trình bày ngắn gọn và tóm tắt toàn bộ hệ thống pháp luật hiện nay, nó hoàn toàn không phục vụ lợi ích nhân dân và đầy dãy tất cả khuyết tật, tệ nạn không hề thua kém bất kỳ lĩnh vực nào. Lĩnh vực này hiện nguyên hình là công cụ đắc lực song hành cùng lực lượng công an để chính quyền cộng sản tỏ ra Việt Nam vẫn còn... luật (!). Dẫn chứng các luật sư bị ngược đãi, xách nhiễu, bỏ tù vô pháp: Lê Trần Luật, Huỳnh Văn Đông, Hà Huy Sơn, Nguyễn Thanh Lương, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Nguyễn Bắc Truyển v.v...

1.5 Môi trường kinh doanh đầy bất công, chỉ tạo cơ hội cho những "đại gia", lợi ích nhóm thao túng chi phối để thủ lợi. Hơn 400.000 doanh nghiệp tạm ngưng, giải thể, phá sản v.v... trong đó tuyệt đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa vì không chịu nổi sự chèn ép của các loại "cá mập", nên chết tức tưởi. 

Và còn một số lãnh vực lớn khác: ngư dân đánh cá không được bảo vệ, thị trường thủy hải sản, nông sản v.v...không được giúp đỡ hỗ trợ mà hầu như để Trung Quốc thao túng quá nhiều và phá hoại quá lớn với rất nhiều khu vực biến thành lãnh địa riêng của người Trung Quốc (Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương v.v...) [5].

Tất cả những hiện trạng nói trên, đều có chung một Quyền Con Người bị vi phạm tại Việt Nam: Quyền Sống. Chính vì Quyền Sống không đảm bảo nên kéo theo các quyền: tự do đi lại, tự do báo chí, tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tìm kiếm thông tin, quyền được khám chữa bệnh, quyền trẻ em, quyền học hành, quyền được xét xử công bằng cùng hàng chục quyền khác đều không tránh khỏi số phận xuất phát từ Quyền Sống đã bị tước đoạt ngay từ đầu (!).

2. Theo mục 2.5 phần trên, chúng ta cần đề cập đến hiện trạng nhức nhối hàng chục năm qua: những người Việt trong nước ra nước ngoài dưới mọi hình thức: xuất khẩu lao động, cô dâu (Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc v.v...), nạn mua bán trẻ em và nô lệ tình dục, cùng các cô gái có những người tự nguyện, có những người bị dụ dỗ qua : Campuchia, Malaysia, Singapore v.v... hành nghề mãi dâm bất hợp pháp, kể cả một hiện trạng xảy ra vài năm gần đây: trốn lại nước ngoài [6] qua những tour du lịch (Israel), hay vượt biên bằng đường biển đến Australia, phần bị trục xuất về Việt Nam [7], phần bị chuyển sang Papua New Guinea [7]. Lưu ý mại dâm còn được chính nhà cầm quyền bảo kê thông qua vụ chủ chứa Nguyễn Thúy An [8] lộng hành và thách thức tại Liên bang Nga.

Tổng số các trường hợp nói trên, có thể lên đến hàng trăm ngàn người. Hiện trạng này đã mang đến quá nhiều phiền toái và hậu qủa cho các quốc gia sở tại, đồng thời làm xấu xí nhân cách, văn hóa, đạo đức của người Việt Nam và để lại những sự dằn vặt lương tâm cho quốc gia và người dân tại đó (như nhiều vụ cô dâu Hàn Quốc bị bạo hành hay giết chết). 

Hiện trạng đau lòng nói trên, do chính quyền cộng sản Việt Nam đã không làm tròn vai trò quản lý quốc gia, nên đẩy tất cả những khó khăn, phiền lụy cho các quốc gia, vùng lãnh thổ khác: Úc, Papua New Guinea, Thái Lan, Đài Loan, Campuchia, Malaysia, Israel, Singpapore, Hoa Kỳ (nhiều trường hợp sống bất hợp pháp[9]) v.v... Đó là hậu quả mà các quốc gia, vùng lãnh thổ  phải gánh lấy, vì quan tâm chưa đúng mực  đến Nhân Quyền Việt Nam và cũng vì các quốc gia, vùng lãnh thổ chưa gắn kết  quá trình toàn cầu hóa với Nhân Quyền, nó trở thành  quy luật không gì cưỡng nổi, do đó hệ lụy hiển hiện ngày nay là tất yếu . Không thể trách số lượng các hình thức nạn nhân có yếu tố nước ngoài (nói trên), bởi họ cũng chỉ mong muốn tìm Quyền Sống - thứ quyền mà người Việt Nam có Quyền hưởng như bất kỳ dân tộc nào. Đó là điều mà thế giới và Nhà cầm quyền Việt Nam đã đối xử bất công với hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước (còn quốc tịch VN).

Kết

Với phiên điều trần chính thức UPR sắp diễn ra, với các hoạt động bên lề như UN Watch mời ông Phạm Chí Dũng làm diễn giả, tất cả chúng ta, những người Việt Nam trong và ngoài nước cần chuyển thông điệp giản dị mà dứt khoát: Nhà nước CHXHCNVN không đủ ý thức làm tròn bổn phận đối với quốc gia và quốc dân về Nhân Quyền, liệu Liên Hiệp Quốc và toàn thế giới có quá kỳ vọng vào một "Nhà nước văn minh" với mong muốn  "Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc"?!

Liên Hiệp Quốc và các quốc gia trên thế giới cần yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trước hết phải làm tròn bổn phận đối với người dân Việt Nam về Nhân Quyền, sau đó hãy đòi hỏi những trách nhiệm to tát hơn từ Nhà nước mệnh danh "của dân, do dân, vì dân" (!).

Nguyễn Ngọc Già
________________



[2] Cần vẽ ra toàn cảnh "Nhân Quyền Việt Nam", với những "điểm nhấn đặc biệt" và những "mảng tối, mảng sáng" của "bức tranh" "chính trị - xã hội" song song với trách nhiệm của Nhà nước CHXHCNVN trong 20 năm qua, kể từ ngày bắt đầu hội nhập với thế giới. Lấy mốc 1994 để nói về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam 1994 - 2013, bởi vì sau nhiều vận động của người Việt hải ngoại, trong đó có tổ chức quốc tế "Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản", ngày 11/5/1994 chính thức trở thành ngày "Nhân Quyền Cho Việt Nam".  

Từ ý trên, cần nêu bật tính vô trách nhiệm của nhà nước tự nhận "của dân, do dân, vì dân" trên lĩnh vực nhân quyền. Nhà nước CHXHCNVN không gắn vấn đề Nhân Quyền với việc phát triển xã hội theo hướng văn minh và bảo vệ an ninh quốc gia.

Nhà nước CHXHCNVN trong 20 năm qua, dù được thế giới hỗ trợ rất nhiều nhưng khả năng tiếp thu, tận dụng các hỗ trợ đó không tương xứng. Nhân Quyền chỉ là "trò đổi chác" với thế giới thông qua lời hứa hão mang tính đối phó, ngụy biện để tranh thủ những lợi ích mang về cho "nội bộ nhà nước" (cần nhấn mạnh chi tiết này, bởi một nhà nước chỉ để phục vụ dân, chứ không phải phục vụ cho "nội bộ nhà nước" dưới hiện trạng "nhóm lợi ích" đang hoành hành và lộng hành trên tất cả các lĩnh vực: ví dụ quân đội cũng tham gia kinh doanh (ngân hàng Military Bank, Viettel, Công ty xăng dầu v.v...), công an cũng kinh doanhh: sòng bạc tại Food Centre of Saigon có sự góp vốn của một công ty trực thuộc Công an TPHCM. (ttp://vietbao.vn/Xa-hoi/Cong-ty-thuoc-Cong-an-TPHCM-gop-von-o-mot-song-bac/30181694/157/) và nhiều đơn vị kinh doanh núp dưới bóng của thành ủy tại nhiều tỉnh thành...


[3] Trong đó phải kể trước tiên là lập ra hiến pháp tiến bộ gắn chặt với tính chất hội nhập thế giới, không thể nào chấp nhận hiến pháp vừa thông qua và có hiệu lực từ 01/2014, bởi nó rất lạc hậu, lỗi thời, chỉ phù hợp với thời kế hoạch tập trung bao cấp như trên 20 năm trước. Nhanh chóng hiện thực hóa Hiến pháp tiến bộ đó, bằng cách thông qua các luật: Luật về hội, luật báo chí, luật biểu tình, luật đảng phái, luật bầu cử, Luật cư trú v.v... cùng nhiều bộ luật liên quan đến Quyền Sống. Cần có lộ trình bầu cử dưới sự giám sát của lực lượng canh giữ hòa bình thuộc LHQ để bảo đảm bầu cử công bằng và công khai, trung thực.








Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"