Phạm Toàn
Hai giờ chiều ngày 11 tháng Hai năm
2014, hội trường trung tâm L’Espace tại Hà Nội đã chật cứng. Những sự
kiện thú vị, hấp dẫn bao giờ cũng khiến hội trường này ken chặt bạn bè
và vô số những người chưa quen nhau song cũng dễ dàng cười mỉm với nhau
và bắt tay nhau. Hội trường này hôm diễn ra sự kiện giới thiệu sách
HOÀNG HOA THÁM của học giả tiến sĩ Khổng Đức Thiêm còn thêm đặc điểm
này: suốt gần hai tiếng đồng hồ, hội trường im phăng phắc, mãi đền gần
cuối mới bùng lên vì một câu hỏi của một bạn trẻ (lát nữa sẽ nói).
Như thường lệ, giám đốc Patrick Girard
qua lời dịch của cô trợ lý Minh Nguyệt đã nói những lời hết sức nhã nhặn
với các bạn Việt Nam hội ngộ nơi đây để hội thảo cùng nhau quanh câu
chuyện một người Việt Nam đứng đầu một phong trào chống Pháp kéo dài ba
chục năm.
Thật là một hành vi cao cả đặc trưng
cho văn hóa Pháp, đặt khoa học lên trên hết, sự thật trên hết, cái Đẹp
lịch sử trên hết, không bao giờ biết đến hằn thù. Một dân tộc có hẳn một
Quảng Trường Hòa Giải Hòa Hợp ở giữa thủ đô Paris, sao cho người dân
đất nước họ bỏ qua đi cái màu đỏ tắm máu người nhân danh hạnh phúc con
người.
Chợt nghĩ về một định nghĩa cho khái
niệm Cách mạng, và chợt nghĩ vì sao loài người quen gọi Đại Cách Mạng
Pháp 1789. Có lẽ Cách mạng không phải là sự kiện của lưỡi lê và họng
súng, Cách mạng không phải là nhân danh cái Mới để kéo lê “người sản
xuất ra các bà vợ góa” như dân Pháp thường đùa ngay từ “hồi ấy” về cái
máy chem đặt giữa quảng trường “cách mạng”. Có lẽ có thể định nghĩa Cách
mạng là như sau chăng: một sự kiện bật nắp cho một Dòng Chảy Văn Hóa
Mới? Nếu Cách mạng mà lại tàn sát một nền Văn hóa và không hề ươm mầm
cho một nền Văn Hóa Mới, thì đó có đáng gọi là Cách mạng nữa không?
Chuyện chữ “nếu” này liên quan đến câu hỏi của một bạn trẻ trong cuộc
hội thảo (trên kia đã nói rằng lát nữa rồi sẽ nói mà!)…
Sau lời giới thiệu có cả thơ của anh
Chu Hảo, giám đốc nhà xuất bản Tri thức, bà đỡ mát tay cho nhiều tác
phẩm tinh hoa, với lời đánh giá “cuốn sách làm sang trọng cho nhà xuất
bản”, và phá lệ lần đầu tiên nhà xuất bản cử mấy em biên tập xinh tươi
mang hoa tặng tác giả ngay từ khi bắt đầu hội thào, cả hội trường lặng
phắc nghe Dương Trung Quốc rồi sau đó là Khổng Đức Thiêm.
Những lời nói khúc chiết không bao giờ
chịu dựa theo bản viết sẵn của nhà sử học Dương Trung Quốc hôm nay dẫn
dắt cuộc trò chuyện khoa học lịch sử xung quanh đề tài Hoàng Hoa Thám.
Anh Dương Trung Quốc nêu bật một dấu hiệu lạ của việc nghiên cứu sự kiện
Hoàng Hoa Thám: đó là việc ngay từ khi sự kiện đang xảy ra thì đã có
những học giả Pháp viết về chính sự kiện lịch sử ấy. Không chỉ vì cuộc
nổi dậy bắt đầu từ Yên Thế kéo dài những ba mươi năm và loang ra rất
nhiều địa phương xung quanh Yên Thế, mà công việc nghiên cứu, có khi
dừng lại ở những ghi chép (cà cả những ảnh chụp, trong đó nhiều hình ảnh
đã được in thành bưu ảnh tới tay nhiều chục nghìn người) chứng tỏ một
tinh thần thực chứng của những con người đã có thói quen thực nghiệm để
có tư duy thực chứng, chứ không chịu “làm khoa học” theo những kết luận
có sẵn. Vì thế mà anh Dương Trung Quốc cổ vũ và đánh giá cao công trình
Hoàng Hoa Thám của Khổng Đức Thiêm, và coi đó không phải là công trình
đóng lại mà là công trình mở ra cho nhiều tìm tòi nghiên cứu tiếp theo.
Chính cái sự kế tục liên tục như thế ấy mới làm nên Khoa Học Lịch Sử.
Sau đó, diễn đàn được nhường cho nhà sử
học Khổng Đức Thiêm giới thiệu cuốn sách đồ sộ của mình. Anh Thiêm
không “đọc sách hộ” công chúng, anh chỉ giới thiệu những cái nút trong
từng chương sách. Anh cũng chú ý nêu ra những vấn đề xoay quanh sự kiện
lịch sử Hoàng Hoa Thám – trong đó đáng chú ý là vấn đề nhà yêu nước Kỳ
Đồng có quan hệ ra sao với Hoàng Hoa Thám, và một vấn đề sau đó được
thảo luận và suýt nữa thì át mất chủ đề chính: chuyện cụ Lê Hoan “đàn
áp” cụ Hoàng Hoa Thám.
Anh Dương Trung Quốc đã can thiệp đúng
lúc khi dùng trí nhớ của mình để nói tới hai người con cụ Lê Hoan, một
đại danh họa Lê Phổ (người được UNESCO vinh danh từ đầu những năm 1970)
và một người là bác Lê Tuân, từng nằm xà lim ở Côn Đảo cạnh bác Lê Duẩn…
Dương Trung Quốc nhấn mạnh vào cung cách yêu nước của dân Việt Nam
chúng ta, và cho rằng có thể sẽ có cuộc hội thảo về Lê Hoan.
Đúng lúc ấy thì ở cuối hội trường có
tiếng một bạn trẻ nêu vấn đề “Nếu Hoàng Hoa Thám thắng lợi, thì sự thể
nước ta bây giờ ra sao”. Mới đầu, hội trường cười ồ lên một tiếng, có lẽ
vì thấy câu hỏi lạ, chưa nhìn thấy tâm tư giới trẻ thời nay. Nhưng chỉ
sau đó mới thấy tầm quan trọng của vấn đề nêu ra. Một phát biểu không
đầu không đuôi của một bác đã dùng câu nói đùa làm chân lý khoa học “với
những chữ “nếu”, ta có thể nhét cả thành Paris vào một cái chai”. Người
viết mấy dòng ghi chép này còn thấy câu hỏi với yếu tố “nếu” của bạn
trẻ càng đặc biệt quan trọng nhất là sau khi được thấm thía lời phát
biểu một vừa hai phải của ông Phó chủ tịch đương thời UBND tỉnh Bắc
Giang.
Hoàng Hoa Thám không là một cá nhân, đó
là một hệ ý thức và là hệ ý thức nông dân, cái hệ ý thức dạng tiểu nông
vơ vội hệ ý thức khác như anh trọc phú chơi sang … hè hè, tưởng tượng
như cụ Hoàng Hoa Thám mặc quần đùi thắt ca vát đi Paris bảo vệ luận án
Bổ Túc Công Nông…
Trong lời phát biểu của vị chăn dân
tỉnh Bắc Giang đương thời, không thấy một chút hối tiếc nào về việc suýt
chặt đầu anh Nguyễn Thanh Chấn. Chút nữa thì lịch sử tỉnh Bắc Giang có
hai cái đầu nông dân bị bêu, một cái ở mãi tận trên Yên Thế, một cái ở
gần sát thành phố thủ phủ, nơi cách xa thủ đô sáu mươi ki lô mét.
Không có chữ “nếu”, nhưng học Lịch sử mà làm gì nếu Nó không có ích cho hiện tại và không dắt dẫn vững vàng đi tới tương lai?
Sáng sớm 12-2-2014