Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Chuyện nông nghiệp đô thị

Xích Tử
Cuối năm 2013, bắt đầu từ cuộc họp Hội Đồng Nhân Dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa, rộ lên thông tin hàng chục ngàn hộ nông dân bỏ ruộng, vì làm ruộng, thu nhập lãi mỗi mùa trên một sào ruộng chỉ ngang một bát phở thường. Qua tết âm lịch, khắp nơi lại thấy kêu ca về việc nông dân nhổ rau cho bò ăn vì không bán được.
Làm nông nói chung, trong đó có trồng lúa, lỗ là chuyện thâm căn trầm kha. Đó cũng chỉ là một trong những nguyên nhân khiến người nông dân bỏ ruộng. Hiện tượng hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc bỏ quê lên tìm việc ở thành phố hoặc trong những ngày này hàng trăm ngàn thanh niên miền Trung nước ta kìn kìn đổ ra quốc lộ 1 để vào phía nam kiếm kế làm ăn, khiến quê làng vắng ngắt bóng trai đến đám tang không có người khiêng quan tài là kết quả tổng hòa của chế độ sở hữu đất đai, chính sách đất đai, chính sách nông nghiệp, chính sách công nghiệp hóa và đô thị hóa, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và ưu tiên xuất khẩu nguyên liệu thô, hàng gia công, ưu tiên nhập khẩu xa xỉ phẩm và thiết bị công nghệ cao bằng mọi giá, không chú ý gì đến hàng hóa và thị trường nội địa.
Từ từng ấy nguyên nhân, từ rất lâu, người nông dân không còn yêu nghề, không còn mặn mà gì với mảnh đất sản xuất mà nhà nước bố thí cho quyền sử dụng. Ngay đến mảnh đất dưới nền nhà mình đang ở, yêu đương, vui chơi với con cháu cũng vậy, không biết lúc nào đầy tớ của mình ra quyết định thu hồi.

Vậy là người ta bỏ ruộng, ly nông, ly hương. Chuyện nông dân bán lúa non, bỏ ruộng hoang, nhượng ruộng, nhượng đất rừng cho đại gia địa chủ đỏ đã xuất hiện từ hàng chục năm trước. Nghe nói ông Đỗ Mười, thời còn Tổng Bí Thư, đã chỉ đạo các tỉnh Nam bộ điều tra khảo sát hiện tượng này và đi đến tổng kết rằng nông dân gá ruộng cho địa chủ mới vì diện tích nhỏ, phân tán, làm ăn không lãi; thu nhập kém hẳn so với công lao động đơn giản ở thành phố. Từ đó, đã có chủ trương ngầm về “tích tụ ruộng đất” với nghĩa cho phép sự ra đời của tầng lớp địa chủ mới. Vài năm sau, thấy cụm từ đó nhạy cảm vì trùng với đối tượng đấu tranh thời phản phong nên được điều chỉnh thành một cách diễn đạt có vẻ kỹ thuật hơn là “dồn điền đổi thửa”. Cùng với những quá trình có tính phong trào, mù mờ và có thể sai lầm, không có hiệu quả ấy, nhà nước đưa vào Luật đất đai chế tài thu hồi đối với những trường hợp sử dụng đất không đúng mục tiêu, không hiệu quả, bỏ đất nông nghiệp hoang trong thời gian dài, hủy hoại chất lượng đất v.v...Tuy nhiên, như đã thấy chuyện Thanh Hóa, việc bỏ ruộng hoang ngày càng “phát triển”.
le_kha_phieu.jpg
Người nông dân đô thị tiêu biểu xứ Thanh - cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu
bên mảnh vườn sinh thái trên tầng thượng ngôi nhà của mình.
Trong khi đó, cũng vào cuối năm 2013, lại thấy thông tin tại một tỉnh miền Trung nọ, rất kém về qui mô và chất lượng đô thị, một tổ chức khoa học lại tổ chức hội thảo về nông nghiệp đô thị. Hội thảo cũng cố mời một vài nhà khoa học nông nghiệp từ các Viện nghiên cứu, trình bày vài tham luận về sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp đô thị tại tỉnh nhà, bắt đầu từ qui hoạch, đề án, chỉ đạo, đầu tư, ưu tiên ưu đãi, xác lập các mô hình, dự án sản xuất, đề tài nghiên cứu khoa học vì nó góp phần giải quyết việc làm, bổ sung nông sản sạch, chất lượng cao, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sinh thái và văn hóa đô thị, phục vụ du lịch. Đây cũng là một ngành sản xuất quan trọng, các nước tiên tiến đã làm được, làm rất tốt. Tỉnh nhà vì có chỉ số IQ cao nên cũng có thể làm được.
Một tỉnh nghèo vào loại nhất nước, nông nghiệp nông thôn kém nhất nước, bỏ ra mấy chục triệu đồng để tổ chức cái hội thảo như vậy nghe chừng cái tầm cái tâm cái trí của các nhà khoa học tỉnh lẻ cũng cao thật. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm nông nghiệp đô thị định nghĩa cho lọt lỗ tai cũng thật khó, bởi nó là nông nghiệp nội đô hay gộp cả ngoại ô, ngoại vi, ven đô? Nếu nói nông nghiệp của những huyện của Hà Tây cũ, hoặc Sóc Sơn, Mê Linh của Hà Nội, Củ Chi, Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh là nông nghiệp đô thị thì tội cho nông dân quá. Còn tránh cái đó ra, cái gọi là nông nghiệp đô thị chỉ còn là mấy cây cảnh, mấy cái thùng xốp trồng rau thơm để trước sân hoặc trên sân thượng, vài khung thủy canh cho vui tuổi già của mấy vị công chức đã về hưu, thừa tiền và rỗi thời gian, thèm rau và nhớ cái nghề cũ thuở chưa đi làm cách mạng. Rau trồng đại trà để bán còn phải nhổ cho bò thì ai đem bán được loại rau quí tộc đó mà gọi là bổ sung nông sản vào thị trường?
Chỉ tiếc cái hội thảo đó không mời cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về dự vì nghe đâu ông được người ta tặng cho một bộ trồng rau trên sân thương tầng năm có giá 20.000 USD và chi phí vận hành nó bằng người ta canh tác vài ba hecta.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"