Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Từ con số 220 đoàn công cán sang Nga mỗi năm

Đào Tuấn


question markNhiệm vụ của một Quốc hội, khi nói đến chuyện ra nghị quyết về ngân sách là phải giám sát đúng từng lít xăng xe công, giá từng viên gạch xây trụ sở…Bởi tất cả những thứ đó đều chỉ từ một nguồn duy nhất: Tiền thuế của dân
Tháng 11 năm ngoái, một công điện của Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương hạn chế tối đa đi công tác nước ngoài.
Khi tin này được đưa ra các phương tiện thông tin đại chúng, có giải thích rất rõ, là chỉ đạo của Thủ tướng nhằm mục đích chấn chỉnh công tác quản lý đi nước ngoài trong bối cảnh kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, gắn với yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Còn bối cảnh, là phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội tại Quốc hội một ngày trước đó. Theo đó, chi ngân sách Trung ương dự kiến sẽ phải cắt giảm khoảng 10%, để tạo nguồn dành để tăng lương cho người lao động.
Gần một năm sau, thu chi ngân sách đang cơ cực đến nỗi Bộ Tài chính, có lẽ cũng chỉ bất đắc dĩ- đã phải nói đến chuyện cắt giảm 100 ngàn tiền lương tối thiểu, cũng mới chỉ vừa có hiệu lực vừa tròn 3 tháng. Cũng chỉ vì “có thể dành được 21.000 tỷ đồng để tăng thêm đầu tư cho năm 2014”.

Còn chuyện đi công cán nước ngoài ư?
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh tâm sự trên Vnexpress: “Tôi vừa từ Nga về, Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga Phạm Xuân Sơn cho biết bình quân một năm đón tiếp từ 200 – 220 đoàn công tác từ Việt Nam sang, có đoàn tới 60 người”.
Và Nga chỉ là một trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
200-220 chuyến công tác chính là những “chi phí nhỏ”, để hợp thành một con số lớn là 140.000 tỷ bội chi ngân sách.
Cũng là chuyện công cán nước ngoài, hồi đầu tháng 9, thượng nghị sĩ Somchai Sawaengkarn trong một cuộc họp thượng viện Thái Lan về dự án ngân sách 2014 đã nêu ra con số 9,4 triệu USD chi phí từ ngân sách cho 52 chuyến công du nước ngoài, trong thời gian từ 9.2011 đến 8.2013, của Thủ tướng Yingluck.
Sẽ khó có chuyện những đoàn cán bộ công tác nước ngoài được đưa ra QH Việt Nam, nhất là những kiến giải có tính chất thống kê và chẻ hoe về sự tốn kém và hợp lý trong những khoản chi công, bằng tiền thuế, như nghị sĩ nước bạn đã làm.
Nhưng nói một cách công bằng, nhiệm vụ của một Quốc hội, khi nói đến chuyện ra nghị quyết về ngân sách là phải giám sát đúng từng lít xăng xe công, giá từng viên gạch xây trụ sở…Bởi tất cả những thứ đó đều chỉ từ một nguồn duy nhất: Tiền thuế của dân.
Đài tiếng nói Việt Nam, trong một bài bình luận, dùng 2 chữ “không hợp lòng dân” để nói về đề nghị giảm lương của Bộ Tài chính.
Nhưng không hợp lòng dân còn ở chỗ còn có quá nhiều thứ chi tiêu công thừa thãi và lãng phí đã không được cắt đúng chỗ.
Chẳng hạn, “từ cấp phó đến giám đốc Sở đều có xe đưa rước. Liên minh hợp tác xã của một tỉnh cũng được cấp một chiếc xe biển xanh để chủ tịch dùng xe công đưa đón hàng ngày, ăn cưới, ăn giỗ”. Chẳng hạn hơn 200 đoàn sang Nga công tác mỗi năm. Hoặc tệ hơn, ngân sách đều như vắt chanh phải chi lương cho “30% công chức cắp ô”.
Chuyện thời sự ở Mỹ là cho đến hôm qua, với phát ngôn nổi tiếng “Không có một doanh nghiệp nào trả lương nhân viên khi anh ta từ chối làm công việc của mình, vậy thì tại sao các thành viên Hạ viện và Thượng viện lại vẫn được trả lương”, ít nhất 65 nghị sĩ Mỹ, trong đó có cả 32 người thuộc Đảng Cộng hòa đã từ chối nhận lương, hoặc cho biết sẽ dùng lương của mình để làm từ thiện khi chính phủ ngừng hoạt động.
Còn ở Việt Nam, trong nỗ lực tiết kiệm ngân sách, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định dừng tất cả kế hoạch cử cán bộ đi công tác, học tập ở nước ngoài. “Cán bộ nào muốn đi nước ngoài thì phải tự bỏ tiền túi mà đi”.
Câu chuyện “sự tự trọng ở Mỹ”, hay “biện pháp Quảng Nam”, dường như là một giải pháp tốt cho không chỉ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"