Diên Vỹ chuyển ngữ
Chính quyền Trung Quốc đang bước gần đến cái tuổi mà thường được
xem là nguy kịch đối với những chính thể độc đảng. Liệu Tập Cận Bình sẽ
thực hiện những cải cách cần thiết để tránh được cơn khủng hoảng hay
không.
Chủ tịchTập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc (ảnh Jason Lee/Reuters)
Vết ngứa Bảy năm là một phim tình cảm hài hước kinh điển của
Mỹ, đề cập đến quan niệm rằng sau bảy năm hôn nhân, lòng chung thủy của
người phối ngẫu bắt đầu phai nhạt. Cái tiền đề ấy trong bộ phim của
Marilyn Monroe đã tạo ra nhiều cảnh hài hước tuyệt vời cũng như những
khoảng khắc nổi tiếng, nhưng nó không hoàn toàn là tưởng tượng. Rất
nhiều nghiên cứu từ trước đến nay cho thấy thời gian trung bình của cuộc
hôn nhân đầu tiên là khoảng từ bảy đến tám năm.
Cũng có hiện tượng lý thú tương tự trong chính trị; nói đúng hơn là
tuổi thọ của các chính thể độc đảng, nhưng trong trường hợp này ta có
thể gọi nó là “Vết ngứa 70 năm”. Trường hợp điển hình là Liên bang Cộng
hoà Xã hội Chủ nghĩa Sô Viết. Cho đến khi Mikhail Gorbachev nắm quyền
lãnh đạo Liên Sô vào năm 1985, tình trạng thối rữa bên trong chính quyền
Sô viết đã trở nên quá trầm trọng, uy tín của nó cũng đồng thời suy
giảm. “Mối quan tâm đến hôn nhân” đã bắt đầu phai nhạt từ lâu. Những nỗ
lực của Gorbachev nhằm cứu vãn tình hình với việc mở cửa chính trị và
cải cách kinh tế (glasnost và perestroika) chỉ có thể giúp
cuộc hôn nhân đổ vỡ một cách yên bình mà thôi. Khi Liên Sô sụp đổ vào
năm 1991, Đảng Cộng sản đã nắm quyền gần hơn 70 năm. Tương tự, Đảng Cách
mạng Thể chế (Institutional Revolutionary Party - PRI) đã trị vì Mexico
từ khi thành lập vào năm 1929 cho đến khi bị đánh bại trong cuộc bầu cử
năm 2000 - hết 71 năm.
Một vài chính quyền độc tài độc đảng còn tồn tại hiện nay đã nắm
quyền từ 50 đến 65 năm, và hoàn toàn có lý do để tin rằng chúng cũng
đang hiện phải đối diện với “vết ngứa 70 năm”. Một phần của vấn đề là
các chính thể cách mạng độc đảng như Trung Quốc, Việt Nam và Cuba không
thể mãi tồn tại bằng tính hấp dẫn cá nhân của những nhân vật lãnh đạo
từng tạo ra chúng. Mao và Hồ đã mất từ lâu, cùng với những lãnh đạo khác
thuộc thế hệ khai sinh ra các cuộc cách mạng, và tại Cuba, anh em nhà
Castro cũng đang sống những năm cuối đời.
Một vấn đề cơ bản hơn là những chính quyền này đang gặp khó khăn
trong việc đạt được cái mà Max Weber gọi là “tuần hoàn hoá tính hấp dẫn”
vì một tình trạng khó xử mà tất cả các chế độ độc tài hiện tại đang
phải đối diện. Chúng nằm trong tình huống tiến thoái lưỡng nan. Một khi
cơn sốt cách mạng của thời kỳ đầu đã nguội đi, những biện pháp duy nhất
dùng để thiết lập uy tín của họ là lãnh đạo tốt - nói rõ hơn là trong
khía cạnh phát triển kinh tế. Nếu họ không làm việc hiệu quả, họ có thể
lê lết thêm một thời gian với chính sách cưỡng ép cứng rắn và với viện
trợ từ bên ngoài (như Bắc Hàn được viện trợ từ Trung Quốc và Cuba từ
Liên Sô và hiện nay từ Venezuela). Nhưng tình trạng dựa dẫm nước ngoài
này sẽ làm họ trở nên mong manh hơn, và thất bại trong lãnh đạo dẫn đến
tình trạng cách biệt xã hội và đào tị ngày càng tăng, như chúng ta hiện
đang chứng kiến tại Bắc Hàn và Cuba.
Tuy thế, nếu như ở Việt Nam và đặc biệt là Trung Quốc hiện nay, các
chính quyền độc tài lại “làm việc có hiệu quả” trong phát triển, họ lại
phải đối diện - như đảng PRI gặp phải ở Mexico - một tình huống khó xử
khác. Đấy là việc không thể nào tạo ra một xã hội trung lưu nhưng lại
không tạo ra những giá trị trung lưu và các tổ chức dân sự trung lưu.
Qua phân tích các thống kê về quan điểm, Ronald Inglehart và Christian
Welzel cho thấy trong cuốn sách của họ xuất bản năm 2005 Hiện đại hoá, Biến đổi Văn hoá, và Dân chủ
rằng “quá trình phát triển xã hội kinh tế thường đưa các xã hội theo
cùng một hướng chung… bất kể truyền thống văn hoá của họ là gì.” Với
trình độ và thu nhập ngày càng tăng cũng như việc truy cập thông tin dễ
dàng hơn , người dân trở nên thông cảm hơn với sự khác biệt, có tính đòi
hỏi và mạnh dạn hơn, và sẵn sàng để biểu tình hơn. Những ưu tiên về giá
trị của họ chuyển từ việc tìm kiếm thu nhập vật chất và cầu an sang
việc tìm kiếm những lựa chọn, việc tự biểu lộ, và “đoạn tuyệt với chính
quyền.” Đan quyện chặt chẽ với sự thay đổi tâm lý này là sự phát triển
của xã hội dân sự - từ những tổ chức độc lập và từ luồng chảy của
thông tin, quan điểm và tư tưởng. Những thay đổi tâm lý và xã hội này
làm suy yếu tính chính danh của chế độ độc tài và tạo ra những điều kiện
dễ dàng cho một cuộc chuyển hoá chính trị hướng đến dân chủ.
Đây là một chuyển biến xã hội mang tính lịch sử hiện đang diễn ra tại
Trung Quốc. May mắn cho Trung Quốc và thế giới là quốc gia này đang
tiến đến gần “vết ngứa 70 năm” sau một giai đoạn độc tài với thành công
hơn là thất bại. Hơn ba thập niên tăng trưởng kinh tế với tốc độ chóng
mặt đã đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc ra khỏi đói nghèo và tạo ra
một xã hội và một nền kinh tế tốt hơn nhiều để có thể thực thi dân chủ
thì tốt hơn trường hợp nếu Trung Quốc vẫn vướng chân vào tình trạng đói
nghèo, lạc hậu và độc tài như kiểu Bắc Hàn. Hơn nữa, khi các tổ chức từ
thiện, bảo vệ môi trường và những tổ chức khác có thêm quyền tự quản
khỏi đảng và nhà nước, khi người dân đăng tải ý kiến chỉ trích trên thế
giới blog, và khi phong trào phản kháng tập hợp chống lại nạn ô nhiễm
môi trường, tham nhũng và những tiêu cực khác, thì người dân Trung Quốc
đang dần dần học hỏi nghệ thuật và kỹ năng của quyền công dân.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho quá trình thay đổi hướng đến dân chủ chỉ
xảy ra ở mức độ tổ chức yếu kém của xã hội. Nhiều người hi vọng rằng
giới lãnh đạo mới vừa lên nắm quyền tại Trung Quốc - thay thế một Hồ Cẩm
Đào bảo thủ cứng nhắc với một Tập Cận Bình có vẻ linh hoạt và thức thời
- sẽ mở đầu cho một quá trình cải cách chính trị vốn đã quá trễ và vô
cùng cần thiết. Nhưng chỉ vài tháng sau khi Tập nhậm chức chủ tịch vào
tháng Ba, những hi vọng này đã bị xóa tan. Tập và sáu đồng nghiệp của
mình trong Uỷ ban Thường trực Bộ Chính trị siêu quyền lực đã nhanh
chóng báo hiệu rằng họ đang nhắm vào việc giữ nguyên quyền kiểm soát
chính trị và củng cố tư tưởng. Trong một chiến dịch quái gở nhằm ghép
đặt công nghệ mới vào chủ thuyết lỗi thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang
sắp trang bị cho hàng triệu đảng viên của mình những điện thoại di động
đặc biệt chuyên nhanh chóng chuyển tải những huấn thị tư tưởng và những
đề tài tuyên truyền mới nhất đồng thời củng cố tốt hơn “tính kỷ luật”
trong đội ngũ ngày càng nhiều những quan chức đảng suy đồi và tham
nhũng.
Để bảo đảm hơn, Đảng đang cực lực thúc đẩy việc kiềm chế và trừng
phạt những quan chức tham nhũng trong các cấp. Nó đang tiếp nhận những
biện pháp hành chính như thăm dò ý kiến để có thể đáp ứng với những quan
tâm và mong muốn của công chúng hơn. Và nó đang nới lỏng trong mức độ
nào đấy quyền tự do phát biểu những bất mãn của công chúng trên mạng,
đặc biệt là tại Sina Weibo, một trang micro-blog đăng đến 100 triệu ý
kiến mỗi ngày. Tất cả những việc này là nhằm hiện đại hoá chính quyền
độc tài, làm cho nó trở nên nhạy bén và có trách nhiệm hơn mà không mạo
hiểm đánh mất bất kỳ sự độc quyền chính trị nào của Đảng.
Giới lãnh đạo và các nhà phân tích chính trị thường lập luận dựa trên
phép tương đồng lịch sử. Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, hình ảnh
tương đồng luôn làm họ ám ảnh và sợ hãi là Gorbachev. Kỷ niệm thật quá
sâu đậm: cuộc biểu tình tại Thiên An Môn của sinh viên vào năm 1989 (một
kinh nghiệm thập tử nhất sinh của Đảng) đã tăng cao khi Gorbachev đến
thăm Bắc Kinh và tháng Năm. Giới lãnh đạo hiện thời của Trung Quốc mới
bắt đầu con đường thăng tiến đến quyền lực khi các chính sách mở cửa
chính trị và kinh tế của Gorbachev đã “là nguyên nhân” - theo quan điểm
của họ - dẫn đến sự sụp đổ của Liên Sô và cái chết của Đảng Cộng sản Sô
viết. Trên hết, Tập hoàn toàn không muốn trở thành Gorbachev của Trung
Quốc. Nhưng trong mối ám ảnh không muốn trở thành một Gorbachev mới, ông
đang lãnh đạo với một phương cách có thể dẫn đến số phận của Gorbachev -
sự sụp đổ của đảng và nhà nước dưới quyền của ông.
Có một cứu cánh khác cho Tập và các đồng sự của ông. Họ có thể kéo
dài thời gian quan yếu bằng cách khởi động một quá trình dân chủ hoá
từng phần - giống như cựu thù của họ là Quốc Dân Đảng đã tiến hành tại
Đài Loan sau khi bại trận trong cuộc nội chiến. Họ có thể đưa ra những
cuộc bầu cử cạnh tranh để quyết định ai sẽ lãnh đạo ở những chính quyền
cấp thấp. Trong những năm cuối thập niên 80, các cuộc bầu cử trong làng
xã Trung Quốc có vẻ như đã đi theo chiều hướng này. Cho đến khi tôi bắt
đầu theo dõi chúng vào năm 1998, một quan chức Trung Quốc chuyên quản lý
các cuộc bầu cử này đã dự đoán rằng quá trình bầu cử cạnh tranh sẽ
nhanh chóng tiến nhanh lên các nấc thang chính quyền. Ông tiên đoán
trong năm năm chúng sẽ đạt đến cấp thị trấn; thêm năm năm nữa sẽ đến cấp
huyện, năm năm nữa sẽ đến cấp tỉnh; và thêm năm năm nữa sẽ là bầu cử
dân chủ ở mức chính quyền quốc gia. 15 năm sau tiên đoán đầy lạc quan
ấy, việc bầu cử cấp thị trấn vẫn đang nằm trong giai đoạn “thử nghiệm”,
bầu cử làng xã không có được bất kỳ quyền lực chính quyền quan trọng
nào, và Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như đang sợ cứng người trước viễn
cảnh mở cửa chính quyền cho việc bầu cử và truy cứu trách nhiệm thực
sự (ngay cả với những chức vụ không liên quan đến đảng).
Tình trạng trì trệ chính trị này không thể kéo dài mãi được. Năm hoặc
mười năm trước, đa số các chuyên gia về Trung Quốc đều cho rằng những
tiên đoán về sự sớm lụi tàn của cộng sản Trung Quốc là ảo tưởng và vô
lý. Họ nhấn mạnh rằng đảng đã trở thành vô cùng hợp hiến và lãnh đạo rất
hiệu quả. Nhưng hiện tại - ngay cả với những thành tựu kinh tế đầy ấn
tượng của Trung Quốc - ngày càng có nhiều người Mỹ và những chuyên gia
về Trung Quốc tin rằng có một khủng hoảng chính trị đang âm ỷ. Với việc
bám víu vào hệ thống độc quyền chính trị chuyên chế, với việc bác bỏ bất
kỳ cố gắng nào nhằm tách đảng ra khỏi nhà nước và hệ thống pháp lý, với
việc vu cáo và bắt giữ - hoặc trong trường hợp gần đây ở trường Đại học
Bắc Kinh đối với giáo sư Hạ Nghiệp Lương là đuổi việc - những tiếng nói
đối lập đòi cải cách dân chủ, đảng Cộng sản Trung Quốc đang chơi trò
trượt trên băng mỏng.
Khi trượt băng, ta không nhất thiết biết được rằng ở đâu thì băng dày
hoặc mỏng. Đôi khi bề ngoài trông hoàn toàn ổn định - có thể kéo dài
tính hiệu quả của mình - cho đến khi không còn có thể. Ngày nay, Đảng
Cộng sản Trung Quốc có thể chỉ cần một khủng hoảng lớn - một thảm hoạ
môi trường, sự sụp đổ của thị trường nhà ở, một vụ tham nhũng lớn ở cấp
tối cao - để xảy ra những phản đối dây chuyền dẫn đến chính quyền bị
sụp đổ bất ngờ. Đấu đá và tham nhũng hiện đang hoàng hoành trong giới
lãnh đạo Đảng Cộng sản, và họ đã tăng cường bảo vệ của cải của mình (gửi
hầu hết tài sản và cả con cái ra nước ngoài), vì khi một thể chế chính
trị bị lung lay thì quá trình này có thể xảy ra rất nhanh, như điều mà
Minxin Pei gọi là “phiên bản chính trị của hiện tượng ngân hàng bị rút
tiền ồ ạt.”
Cái chết đột ngột của Đảng Cộng sản cầm quyền chắc chắn không là một
điều tốt cho Trung Quốc - hoặc cho các nước làng giềng như Nhật Bản và
Đài Loan, hoặc cả Hoa Kỳ. Một lổ trống chính trị hỗn loạn ở Trung Quốc
có thể được trám chỗ bởi giới quân đội, hoặc những thành phần khác tìm
hậu thuẫn của quần chúng bằng cách đưa ra lá bài dân tộc. Họ có thể phát
động một cuộc tấn công quân sự đến các quần đảo đang tranh chấp tại các
vùng biển Đông và Nam Hải, hoặc thậm chí cả với Đài Loan. Hơn nữa,
Trung Quốc sẽ rất khó để xây dựng một nền dân chủ hiệu quả theo sau sự
sụp đổ đột ngột của chính quyền Cộng sản hơn là nếu Trung Quốc sử dụng
phương pháp bước một như Đài Loan đã từng.
Nếu Trung Quốc muốn tránh khỏi cơn khủng hoảng chính trị mang tính hệ
thống, giới lãnh đạo cần phải bắt đầu thực thi những cải cách chính trị
thật sự. Không chỉ có 1,3 tỉ người Trung Quốc mà cả thế giới đều bị ảnh
hưởng rất lớn từ quá trình này.