Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Tư duy về Lòng biết ơn XHCN

Trần Thành Nam
Các bạn trẻ quí mến, trang web Tư Duy Thịnh Vượng (TDTV) này đột ngột bì dừng từ cuối tháng 8, sau khi tôi đi học khóa NLP ở Đà Nẵng cùng bạn Chí Linh về. Đầu tiên, với những ai quan tâm, tôi xin lỗi vì sự dừng viết đột ngột đó.
Cũng với những bạn còn quan tâm, tôi xin có mấy lời về lý do sự cố trên. Tôi gọi đó là sự cố, vì nó ngoài ý muốn, và khá bất ngờ. Nhưng mọi việc đều có lý do tích cực của nó. Ai làm việc gì, kể cả khi việc đó sau này được coi là sai lầm hay tội ác, thì ngay lúc đó người ta cũng luôn tin mình đúng, luôn có và bám vào một/những lý do tích cực để làm động lực cho hành động của mình. Tôi cũng có lý do “mình đúng” khi tạm ngừng viết. Thực ra tôi đã rất buồn và không thể viết được gì cho các bạn, cho đến hôm nay…
Sau khóa NLP về, Chí Linh đã không liên lạc với tôi mấy tuần, làm cho các buổi đào tạo cuối tuần của tôi dành cho các bạn không tiếp tục được, tôi nghĩ Linh đã rất bận rộn. Nhưng rồi tôi nhận được tin Linh nhắn: “Thầy dậy chúng em sống và làm việc gì cũng phải có Lòng biết ơn. Và em biết ơn XHCN, mà thầy lại không dậy chúng em biết ơn XHCN!”

Tôi hơi bất ngờ, và đã trả lời Linh: “Thầy không biết XHCN là gì trên thực tế, và hình như chưa ai biết, người ta chỉ vẽ nó ra rất đẹp trên lý thuyết và muốn xây dựng nó. Nhưng những nước tưởng như gần có nó rồi, thì sụp đổ hàng loạt – vì thực tế cái người ta nhân danh nó – XHCN mà hành động lại rất tồi tệ, xấu xa, sai lạc… Có lẽ vì nó - XHCN sai, nó phản lại bản chất con người? Tóm lại, đơn giản là thầy không thể dạy các em đặt lòng biết ơn vào cái gì không tồn tại, và thầy không biết là gì đó…”
Linh lại nói: “Em được thế này là nhờ CNXH…nên em biết ơn CNXH!”. Tôi phản đối: “Em được thế này là nhờ cha mẹ, nhà trường, quê hương…và bản thân em, thì đúng. Nhưng nhờ XHCN? Thầy nghi ngờ điều đó. Phải nói, vì XHCN em chỉ được như thế này thôi, mới đúng. Với tài năng và đức độ của em, nếu ở một xã hội tốt đẹp hơn (phi XHCN chả hạn) có lẽ em thực sự sẽ là niềm tự hào lớn của gia đình, nhà trường, quê hương… Em có chí rất lớn, các bạn khác cũng thế...”
“Nhưng em cảm thấy không biết ơn XHCN là có gì đó không ổn…”
Với từ “không ổn” của Linh, tôi biết vấn đề này làm em đang phải day dứt. Tôi nói: “Em cảm thấy không ổn là vì em tưởng không biết ơn XHCN là không biết ơn cha mẹ (cha mẹ em là cán bộ to), nhà trường và quê hương (trong mắt em là nhà trường và quê hương XHCN…), nhưng đó là cảm giác sai do tư duy sai.”
“Biết ơn ai, cái gì và như thế nào đó là quyền và lựa chọn của em, và thầy tôn trọng điều đó. Nhưng đó không có nghĩa thầy cho việc biết ơn XHCN đó là đúng và ủng hộ em.”
Và tôi giải thích: ”Thầy cũng sinh ra và lớn lên trong chế độ này, cũng được dậy dỗ phải biết ơn XHCN. Và thầy đã từng biết ơn không hoài nghi, như biết ơn ông bà cha mẹ làng quê mình, như em bây giờ. Rồi thầy được chứng kiến từ bên trong sự sụp đổ của cả hệ thống XHCN mà không chỉ thầy mà cả nước ta tôn thờ và ngưỡng vọng, thầy đã phải tự đặt ra những câu hỏi “Tại sao?” để tìm câu trả lời (thầy đã thực sự bắt đầu tư duy). Việc đó giúp thầy nhìn ra sự thật, độc lập và khách quan, có phân tích và tự do chọn lựa (có tư duy), không phải do ai đó nhồi nhét vào đầu mình như trước (không có tư duy), về CNXH…”
Như vậy, tôi và Linh đã có tranh luận nhỏ về cách áp dụng Lòng biết ơn trong cuộc sống. Cùng môi trường sống “XHCN” gần như nhau (ông cha tôi cũng là cán bộ đảng viên như cha mẹ Linh), có thể nói tôi còn được ưu ái hơn vì được chế độ cho đi học nước ngoài bằng học bổng nhà nước hơn 10 năm ở nước ngoài, vậy mà tại sao Linh thì biết ơn XHCN, còn tôi thì lại không?
Phải nói rõ lại, hồi còn trẻ như các bạn, tuổi 15-25, tôi cũng đã rất tin tưởng và biết ơn XHCN, theo bản năng được dậy dỗ thôi, không suy nghĩ hay hoài nghi gì về điều đó. Tôi chỉ bắt đầu thực sự tư duy về XHCN là những năm cuối và khi tốt nghiệp ĐH như đã nói trên (những năm 1980-82, khi Linh và đa số các bạn chưa ra đời), chính là khi hệ thống XHCN bắt đầu sụp đổ ở Châu Âu.
Đầu tiên, tôi nhận thức được rằng XHCN “có vấn đề” lớn, và sai cơ bản. Từ đó tôi mới không tin tương lai XHCN mà đảng hứa hẹn cho đất nước nữa là tốt đẹp nữa. Từ tin tưởng, đến hoài nghi, không tin và đến không biết ơn XHCN là quãng đường dài tôi đã qua.
Đầu tiên, tôi đã phải học cách biết tách biệt lòng biết ơn đối với cha mẹ, gia đình dòng tộc, nhà trường, quê hương… ra khỏi lòng biết ơn (nếu có) đối với xã hội chính trị, nhà nước hay thể chế XHCN, đảng phái chính trị… riêng rẽ ra. Người ta (nhà trường XHCN, gia đình, xã hội này…) thường cố tình và vô tình dậy các bạn gộp tất cả những phạm trù đó vào làm một (chỉ vì chúng liên quan đến nhau và cũng tác động lên quan điểm và hành vi của bạn?). Thật ra, đó là để bạn phải biết ơn tất cả những đối tượng đó cùng lúc… (Họ muốn khai thác lòng biết ơn trong sáng và bản năng của con người nói chung với gia đình, quê hương… cho đảng và XHCN). Với tuyệt đại đa số người Việt hôm nay, họ đã thành công trong việc làm nhập nhèm đó, mà người ta gọi nôm na là “nhồi sọ”.
Bởi vì, là con người có học hành, chúng ta ai cũng nên và sẽ yêu quí và biết ơn cha mẹ, ông bà, gia đình dòng tộc, và cả quê hương nơi ta đã lớn lên, nhà trường thầy cô đã dậy dỗ ta, và cả đất nước dân tộc nữa… Đó là những nơi chúng ta phải và sẽ luôn biết cách đặt Lòng biết ơn của mình hầu như vô điều kiện, hầu như không phải lựa chọn. Nhưng chỉ thế thôi.
Còn xã hội này, nhà nước, thể chế XHCN này, đảng lãnh đạo này… là những cái chúng ta cần phải biết cân nhắc (có tư duy của mình), có đánh giá, có quan điểm và lựa chọn cá nhân, tùy thuộc vào thực tế những gì ta thấy, và ta phải biết so sách với các xã hội, nhà nước, thể chế, đảng phái khác, rồi mới yêu quí, tin cậy và quyết định có nên biết ơn hay không và như thế nào.
Chí Linh đã không phân biệt được hai nhóm đối tượng biết ơn này hoàn toàn khác nhau này. Nhóm đối tượng thứ nhất chúng ta không được chọn (cha mẹ, nhà trường, quê hương, đất nước…), và nhóm thứ hai chúng ta được quyền lựa chọn. Chỉ là chúng ta đã không được giáo dục và trang bị để dùng quyền tư duy và lựa chọn đó của mình.
Chúng ta đã nói nhiều, nói kỹ về lòng biết ơn trên trang web này rồi. Tôi đã dịch cho các bạn cuốn “Khoa học Làm giàu” trong đó có cả một chương (Chương 7) dành cho Lòng biết ơn. Không hiểu sao vừa rồi Chí Linh lại cho xóa hết bản dịch cuốn sách đó đã được tôi đăng tải (18 bài) trên trang web www.tuduythinhvuong.org này?
Chính vì chúng ta yêu quí, tin cậy và mong muốn có nhiều điều tốt đẹp cho gia đình, dòng tộc, quê hương, mái trường xưa… mà chúng ta đặt lòng biết ơn của mình vào đó, để mình đóng góp vào và mong nhận được mọi thứ tốt đẹp hơn.
Nhưng để yêu quí, tin cậy để rồi biết ơn xã hội, nhà nước XHCN, thể chế XHCN, đảng CS… thì phải nhìn vào hành động và kết quả (hồi bé chúng ta tin khi chỉ dựa vào lời nói của nhà trường, cha mẹ, xã hội… về XHCN là đủ) của những thú đó. Chúng ta cần mang hành vi và kết quả của xã hội, nhà nước XHCN, thể chế XHCN, đảng đó so với hành động và kết quả của các xã hội, nhà nước XHCN, thể chế XHCN, đảng khác… xem chúng có thật sự là tốt đẹp không? Nay, chúng ta không còn bé nữa rồi, chỉ nói thôi là không đủ đối với chúng ta, dù người nói là cha mẹ hay thầy cô, hay chính quyền, phải không các bạn?
Vấn đề của Chí Linh, của các em, là không có đủ các thông tin về các xã hội, nhà nước XHCN, thể chế XHCN, đảng phái khác để so sánh. Và một điều như đã nói trên là, các bạn chưa biết tách biệt gia đình-cha mẹ, nhà trường, quê hương, đất nước, dân tộc ra khỏi các phạm trù phải được chọn lựa như hình thái xã hội, nhà nước, thể chế, đảng phái… khi cân nhắc và đặt biết ơn của mình vào để sống và cống hiến. Chính vì thế, thầy đã luôn khuyên các em nên tìm hiểu thêm thật nhiều về thế giới qua sách báo và internet, hãy đi du lịch, đi công tác nước ngoài thật nhiều khi có thể để học hỏi. Đó là những Con tàu Thời gian vô giá giúp các em mở rộng tầm mắt và phát triển tốt và đúng hướng nhất
Một lần nữa, như thầy đã nói với Chí Linh, thầy không thể khuyên em/các em nên biết ơn XHCN - cái mà thầy không biết mặt mũi nó là gì, và cả em nữa hay tấc cả chúng ta cũng thế - cái gọi là CNXH đó. Nhưng thầy sẽ không cản ngăn hay phản đối các em.
Thầy cũng không thể đòi hỏi các em như mình, nhìn XHCN với con mắt độc lập hơn như hiện nay. Thầy không thể đòi hỏi các em làm được ngay cái việc mà bản thân mình thầy phải mất nhiều năm tuổi trẻ, và phải trả giá bằng cả hướng đi của cuộc đời mình (tức là sự nghiệp), mới làm được.
Nhưng thầy tin, một ngày không xa, với trí óc và trái tim trong sáng của mình, em Chí Linh và các em sẽ nhìn ra bản chất XHCN và sẽ quyết định lại lần nữa, có nên biết ơn nó hay không? Chỉ cần các em tiếp tục đặt những câu hỏi như thế và tự đi tìm câu trả lời cho chính mình, bằng tư duy của mình, để có Niềm tin cao nhất.
Trở lại với vấn đề đặt ra của đầu bài – Tư duy về Lòng biết ơn XHCN, thầy muốn tóm tắt lại, như sau:
Các bạn hãy luôn biết sống với lòng biết ơn, kể cả biết ơn XHCN. Nhưng hãy nhớ Lòng biết ơn xuất phát từ Tình yêu và Niềm tin. Mà Niềm tin – chúng ta đã nói kỹ rồi - thì phải ở cấp độ 4, cấp độ cao nhất, là phải được xây dựng, kiểm chứng và lựa chọn của bạn trên hành động và kết quả của những người được các bạn đặt Niềm tin và Lòng biết ơn (ở đây là XHCN). Vậy nên Chí Linh và các bạn hãy kiểm chứng hành động và kết quả mạng lại của những cái, những thứ, những người mang mác XHCN, rồi hãy tin, rồi hãy lựa chọn biết ơn XHCN hay không.
Chỉ thế thôi. Thầy tin Chí Linh và các bạn sẽ tìm thấy sự thật, đến được với chân lý, chọn được địa chỉ xứng đáng để gửi gắm Tình yêu, Niềm tin và Lòng biết ơn vô giá của cuộc đời mình.
Ths.Trần Thành Nam

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"