Kính Hòa, phóng viên RFA -
Một đoàn Phật tử người Nhật cùng các nhà sư Việt Nam từ Huế ra cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong bên dòng Bến Hải sáng 23/10/2013 - Hình do anh Dũng, thông dịch viên của đoàn gửi RFA
Ngày 23/10/2013 một sự kiện khuấy động nhè nhẹ không khí vắng lặng thường nhật ở bờ bắc cầu Hiền Lương bên sông Bến Hải. Một đoàn Phật tử người Nhật dựng đàn cầu siêu cùng các nhà sư Việt Nam từ Huế ra. Tiếng kinh kệ trầm bổng bằng hai thứ tiếng xen kẽ nhau, trong khói hương trầm thoảng hương cúc mùa thu trên đàn thờ Phật làm hồi tưởng tiếng rít chát chúa của bom đạn của mùa hè 41 năm trước, mùa hè đỏ lửa 1972.
Có lẽ trong suốt cuộc chiến Việt Nam, các trận đánh trong mùa hè 1972 ấy là hình ảnh rõ ràng nhất của hai đội quân cùng màu da tàn sát nhau bằng những vũ khí hiện đại nhất trong thời đại của họ. Chiến trận kéo dài trong mấy tháng trời ròng rã, phủ lên toàn tỉnh Quảng Trị, vùng giới tuyến chia cắt hai miền Nam Bắc. Khi khói thuốc súng dịu bớt, cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng, để lại trong các dòng sông Thạch Hãn, Mỹ Chánh, Bến Hải…mấy chục ngàn sinh linh. Những sinh linh đã đi vào lời hát của một tác giả miền Nam, trong một bài hát mong đợi hòa bình sau mùa hè 1972…Dòng Mỹ Chánh nước sông mùi hôi tanh, hay hai câu thơ của một tác giả miền Bắc, Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ, dưới sông còn đó bạn tôi nằm…
Bốn mươi Phật tử Nhật Bản âm thầm đến từ ngàn dặm xa, với mục đích giản đơn là cầu siêu cho tất cả các vong linh của cuộc chiến năm xưa. Họ kín đáo thực hiện buổi cầu siêu, không tiếp xúc giới truyền thông. Anh Dũng phiên dịch viên của đoàn cho chúng tôi biết:
“Đoàn chỉ tham quan du lịch một ít, còn chủ yếu là đi làm lễ cầu siêu cho những người nạn nhân chiến tranh, cùng với chùa Việt Nam ra vĩ tuyến 17 cầu siêu cho những chiến sĩ trận vong.”
Nhật Bản cũng là một dân tộc chịu nhiều mất mát của chiến tranh, phải chăng đó cũng là một lý do mà đoàn Phật tử đã đến với địa danh Quảng Trị và vĩ tuyến 17! Nhưng những nỗi đau chiến tranh hai bên bờ Bến Hải còn hơn cả những mất mát chiến tranh, vì nó cũng đồng thời là vết cứa trong lòng dân tộc, dù bao năm tháng mà dường như vẫn chưa lành.
Cách bờ sông Bến Hải không xa về phía Nam là cổ thành Quảng Trị. Sau trận chiến 1972 cổ thành chỉ còn là một đống gạch vụn. Ngày nay, nơi đây là một bảo tàng chiến tranh lớn, mà trong đó chỉ thấy những thành tích chiến thắng của một bên, cùng những thương vong của bên kia được đưa ra như niềm tự hào của những người chiến thắng.
Những Phật tử đến từ Nhật. Hình do anh Dũng, thông dịch viên gửi RFA
Cũng đã có những cố gắng của những người Việt nhằm hóa giải vết cắt năm xưa. Có những cố gắng đang tiến triển khả quan như dự định trùng tu nghĩa trang chiến sĩ VNCH tại Biên Hòa. Song cũng có những cố gắng đi đến thất bại như đại lễ cầu siêu năm xưa cho người chết cả hai phía của người Phật tử Thích Nhất Hạnh.
Một nhà sư tại TP HCM nói với chúng tôi về lễ cầu siêu của những người Phật tử Nhật Bản,
“Tôi cũng có nghe tin này, tôi cũng nghĩ rằng chắc có những người Việt mình đã chứng kiến chết chóc của chiến trận rồi mới nói với những người Nhật này, và cũng có thể là họ biết điều đấy qua sử sách rồi họ phát tâm làm. Việc làm của họ rất là quý, người chết ở đâu cũng như nhau.”
Một nhà sư khác ở chùa Từ Đàm, thành phố Huế, có tham gia vào việc tổ chức buổi chay sau lễ cầu siêu, nói một cách rất đơn giản về công việc đó:
“Trên quan điểm của đạo Phật thì Từ bi là bình đẳng, Từ bi là để xoa dịu tất cả mọi nỗi đau, không phân biệt oán thù. Chuyện cầu siêu là chuyện bình thường, chứ không nên đem suy luận, biện chứng ra mà luận bàn.”
Xin kết thúc bài viết này bằng câu chuyện một chị bán hàng trong chợ Đông Ba. Khi đoàn cầu siêu cử người đến mua phẩm vật cho ngày lễ, chị đã biếu một nồi chè, cùng bỏ bữa chợ ngày hôm sau để cùng đoàn sang bờ bắc sông Bến Hải làm lễ. Chị nói rằng mùa xuân năm Mậu Thân 1968 gia đình chị có nhiều người ra đi mãi mãi.
Những việc làm bình thường như nhà sư chùa Từ Đàm nhìn thấy, hay việc làm không suy luận tính toán của chị bán hàng chợ Đông Ba phải chăng là cái mà người Việt đang cần để làm lành vết cứa ở đôi bờ Bến Hải!