Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Những “bản án về hưu”

Có thể hiểu là vì tử hình ở Việt Nam là bắn thật, cho nên mới chưa từng có một bị án tử hình về hành vi tham nhũng?!
Ngày 8.7.2013, khi nhận án tử hình treo cho hành vi tham nhũng 10,5 triệu dollar, trước vành móng ngựa, cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân đã nhếch mép nở một nụ cười khinh bạc.
Chẳng phải ông là một người quân tử “xem cái chết nhẹ tợ lông hồng”, mà vì cựu Bộ trưởng, người đã gây ra vụ tham nhũng nghiêm trọng nhất Trung Quốc với số tiền liên quan đến 800 triệu nhân dân tệ (tương đương 130 triệu USD, biết rằng tử hình treo, có nghĩa là ông sẽ không bị xử bắn.
Tử hình, nhưng được hoãn thi hành án 2 năm, còn gọi là “tử hình treo” là loại án có từ năm 1951 ở Trung Quốc, chuyên được dùng để tuyên cho những hành vi phạm tội nghiêm trọng nhưng “không gây đổ máu”.
Và giờ đây, khi tử hình treo được dùng để tuyên trong những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, không ngẫu nhiên, báo chí Trung Quốc gọi đó là những bản án “về hưu”, theo triết lý “tử, nhưng lại là sinh”.

Ông Lưu cười là phải, có thể 12 năm sau, ông sẽ ra tù và một lần nữa mỉm cười với khoản tiền khủng đang giấu ở một nhà băng nào đó.
Trung Quốc coi tham nhũng là một trong những vấn đề cấp bách và nghiêm trọng nhất mà họ phải giải quyết với những tuyên bố rằng sẽ xử lý cả “hổ” lẫn “ruồi”. Kèm đó là một con số sinh động: Hơn 150 quan chức cấp tỉnh, bộ, thậm chí cả 3 ủy viên Bộ Chính trị, đã bị xét xử với tội danh tham nhũng, trong đó không ít những vụ án bị tuyên phạt ở mức cao nhất là tử hình treo.
Ngày hôm qua cái tên Bạc Hy Lai và những bản án tử hình treo đã được Phó Chánh án Trần Văn Độ nhắc tới, để trả lời cho câu hỏi “Vì sao Việt Nam chưa từng tuyên án tử hình đối với bất kỳ một tội phạm tham nhũng nào, như Trung Quốc, trong khi tham nhũng ở Việt Nam được cho là có những vụ cực kỳ nghiêm trọng?”.
Tướng Độ đã trả lời một ý, rằng “Họ có tuyên án tử hình, nhưng họ không thi hành nên gọi đó là tử hình treo” trong khi đó ở Việt Nam, không phải là xử nhẹ khi “ (Tỷ lệ) Những người bị kết án vào tù cũng rất cao khoảng 70-80%, trong khi ở các nước khác chỉ có 50%”. Ông cũng nói tuyệt hay, là “con hư thì phải đánh, nhưng cái chính là không để con hư”.
Có thể hiểu là vì tử hình ở Việt Nam là bắn thật, cho nên mới chưa từng có một bị án tử hình về hành vi tham nhũng?!
Hôm qua, khi 3 báo cáo về tình hình phòng chống tội phạm tại hội trường Quốc hội, thì các cuộc phỏng vấn hành lang lại đặt câu hỏi trước con số 31,2% bị cáo tham nhũng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.
Dù là có tiến bộ hơn, ở con số giảm 2% số án treo, nhưng thực ra, tỷ lệ 1/3 án treo dành cho tham nhũng, cùng với tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ tham nhũng chỉ 10%, đang khiến bao nỗ lực, bao quyết tâm phòng chống tham nhũng đổ cả xuống sông xuống biển. Còn dân chúng, trước nỗi bức xúc, khi một cái bộ lặn 100 triệu được tham nhũng biến báo lên thành 130 tỷ, họ có thể làm gì khác ngoài việc tìm một cái hố để hét vào đó tất cả nỗi phẫn uất.
Có vị đại biểu QH đã nói tuyệt hay là cuộc chiến chống tham nhũng giống như bắn ra viên đạn không có đầu. Nổ ùng oàng, kêu rất to, nhưng chẳng may may có người bị thương. Có thể, các quan tham Việt Nam sẽ không cười trước vành móng ngựa, dù những bản án tham nhũng, trái với quyết tâm phòng chống tham nhũng, khó có thể gọi khác đi khi chúng chính là những “bản án về hưu”.
Cứ bảo sao tham nhũng không giảm.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"