Việt Nam có hai ông Võ Nguyên Giáp. Một ông Võ Nguyên Giáp đã chết từ
năm 1984 và một ông Võ Nguyên Giáp khác vừa mới qua đời. Hai ông Võ
Nguyên Giáp về thịt xương chỉ là một ông nhưng trong quan điểm của lãnh
đạo CS lại là hai. Khi Võ Nguyên Giáp còn sống đảng xem như đã chết
nhưng khi Võ Nguyên Giáp tắt thở đảng lại quyết định ông ta phải sống
như một “anh hùng dân tộc”.
Ngày ông Giáp qua đời, các trang mạng “lề dân”, các hãng tin quốc tế
trong đó có BBC loan tin sớm nhất. Hai mươi bốn giờ đầu tiên, tờ Nhân
Dân và cả Thông Tấn Xã Việt Nam, hai cơ quan ngôn luận chính thức của
đảng CSVN không đưa tin ông Giáp từ trần. Lý do, Bộ Chính trị cần phải
họp để quyết định có nên cho phép ông Giáp chết chưa, chết như thế nào,
chết ngày nào và an táng ra sao.
Hơn một ngày sau, đảng quyết định Võ Nguyên Giáp “nguyên Ủy viên Bộ
Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường
trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội
nhân dân Việt Nam; Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII…đã từ trần
hồi 18 giờ 9 phút, ngày 4-10-2013 (tức ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), tại
Bệnh viện T.Ư Quân đội 108; hưởng thọ 103 tuổi.”
Thông cáo chỉ dài một trang nhưng cố tình viết sót. Thông thường
trong cáo phó hay tiểu sử, chức vụ cuối cùng là chức vụ chính thức và
các chức vụ khác trước đó được viết sau hay bỏ sót cũng không sao. Chức
vụ về mặt nhà nước cuối cùng trước khi nghỉ hưu của ông Giáp không phải
là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam mà
là Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ Có Kế
hoạch chiếu theo quyết định bổ nhiệm số 58/HĐBT do Phạm Văn Đồng ký ngày
18 tháng 4 năm 1984. Khi đó ông đã rời chức Bộ Trưởng Quốc Phòng đến
bốn năm. Một chức vụ cả thế giới đều biết mà đảng còn giấu được nói chi
những chuyện khác. Việc xóa đi chức vụ lo phần sinh đẻ của ông Giáp là
một cách thừa nhận chức vụ đó chẳng qua là vết chàm nhục nhã do Lê Duẩn
và Lê Đức Thọ đóng lên trán của ông Giáp.
Dù sao ông Võ Nguyên Giáp là một người may mắn. Khi còn sống ông có
nằm mơ cũng không nghĩ mình được ca ngợi, vinh danh và thương tiếc nhiều
đến thế. Ngoại trừ Hồ Chí Minh, những lãnh tụ CS cùng thế hệ không ai
được ca ngợi như ông. Việc chọn được an táng ở một nơi vắng vẻ thay vì
nghĩa trang Mai Dịch cho thấy tâm trạng của Võ Nguyên Giáp là tâm trạng
của kẻ thua cuộc và từ lâu đã bị bỏ rơi. Ngoài ra, chắc ông cũng cảm
thấy khó chịu khi nghĩ đến việc phải nằm cạnh Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng,
Trường Chinh. Nếu Võ Nguyên Giáp chết vào đầu thập niên 1980 khi Lê Duẩn
còn sống hay khi Đỗ Mười làm tổng bí thư có lẽ cũng không hơn gì những
sĩ quan cấp tướng khác như Lê Trọng Tấn (1914-1986), Hoàng Văn Thái
(1915-1986). Trường Chinh so với Võ Nguyên Giáp còn cao hơn cả đảng tịch
lẫn chức vụ nhưng khi chết cũng không được tổ chức đình đám hơn.
Dưới chế độ CS, khóc thương, nguyền rủa, ca ngợi hay phê bình kiểm
thảo cũng đều có chủ trương, có chính sách chứ không phải là một tình
cảm tự nhiên. Tận diệt kẻ thù còn sống nhưng lợi dụng mọi ảnh hưởng có
lợi của kẻ thù đã chết cũng là một trong những đặc điểm trong bộ máy cai
trị CS khắp thế giới. Stalin khóc Sergey Kirov, Fidel Castro khóc
Ernesto “Che” Guevara, Đặng Tiểu Bình khóc Mao Trạch Đông. Tình đồng chí
trong giới lãnh đạo đảng CS chỉ có trong các điếu văn.
Cùng phát xuất một nguồn nên CSVN cũng chẳng tốt hơn Liên Xô, Trung
Cộng. Ca tụng kẻ chết không gây tác hại gì. Xác chết không nghe được lời
ca tụng, không nếm được mỹ vị cao lương, không sống trong các biệt thự
có kẻ hầu người hạ, chỉ có đám độc tài đang thống trị đất nước mới thật
sự là những kẻ hưởng thụ quyền lực, sống trong chiếc bóng những người đã
chết. Họ đối xử nhau còn tệ hơn giới giang hồ đâm thuê chém mướn. Danh
vọng và quyền lực đã làm mờ nhân tính trong con người họ. Lê Duẩn liên
minh với Lê Đức Thọ để loại Võ Nguyên Giáp, rồi Lê Đức Thọ tính hại Lê
Duẩn ngay cả khi y đang nằm trên giường bịnh vì không chịu viết di chúc
truyền chức tổng bí thư. Đoàn Duy Thành kể trong hồi ký Làm người là
khó, khi Lê Duẩn sắp chết con cái y còn lo cánh Lê Đức Thọ sẽ giết chết
hết cả gia đình.
Nhưng tại sao lãnh đạo CSVN lại muốn Võ Nguyên Giáp tiếp tục sống như một “anh hùng dân tộc” trong giai đoạn này?
Lãnh đạo CS cố dựng lại tấm bình phong chính danh lịch sử.
Như người viết đã trình bày trong bài Cách mạng dân tộc dân chủ trong
tình hình mới trên talawas trước đây, một câu hỏi thường được đặt ra,
tại sao các nước Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ mà Cộng Sản tại các
nước Á châu như Trung Quốc, Việt Nam không sụp đổ. Mặc dầu mỗi nhà phân
tích chính trị có thể giải thích nguyên nhân một cách khác nhau tùy theo
góc độ họ đứng và mục đích nghiên cứu, đa số đã đồng ý rằng các nước
Cộng Sản tại Á Châu có một điểm mà các nước Cộng Sản Đông Âu không có,
đó là sự liên hệ lịch sử giữa dòng sống của đảng Cộng Sản và dòng sống
của đất nước nơi đảng ra đời. Đảng Cộng Sản Trung Quốc được thành lập
1921 trong cuộc kháng chiến chống Nhật, đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời
1930 trong cuộc kháng chiến Pháp. Lãnh đạo Trung Cộng và CSVN đã vận
dụng tối đa mối liên hệ này.
Tại Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo CS tại Trung Quốc biết
rõ hơn ai hết, cây cột duy nhất có thể giữ chế độ CS khỏi sụp đổ là
tính chính danh lãnh đạo của đảng CS. Giáo sư Peter Hays Gries, một
chuyên gia về Trung Cộng, viết “Thiếu vắng tính hợp luật dựa theo thủ
tục để bầu ra các chính phủ theo các nguyên tắc dân chủ, và đối phó với
sự sụp đổ của hệ tư tưởng Cộng Sản, đảng Cộng Sản Trung Hoa gia tăng phụ
thuộc vào các tiêu chuẩn dân tộc để cai trị đất nước.”
Lãnh đạo CSVN sao chép toàn bộ lý luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc
kể cả việc lợi dụng mối liên hệ lịch sử ngắn ngủi giữa đảng CS và dân
tộc để giải thích tính chính danh của đảng trong tương lai lâu dài của
dân tộc. Đừng quên, trong thời điểm chống thực dân Pháp, không phải chỉ
có đảng CS mà rất nhiều đảng, nhiều phong trào cách mạng khác ra đời từ
nam đến bắc để cùng đánh đuổi thực dân. Tuy nhiên, không có một phong
trào nào, một đảng phái nào trong cương lĩnh tự cho rằng vì họ đánh Pháp
nên đảng của họ có đặc quyền lãnh đạo cách mạng, đặc quyền lãnh đạo đất
nước, không chỉ hôm nay và mãi mãi về sau như đảng CSVN. Đó là lý luận
của kẻ cướp nước.
Sau 38 năm cai trị, chưa bao giờ đảng CSVN bị phải đương đầu với
nhiều khó khăn như hôm nay. Ngoài sự phân hóa nội bộ và một nền kinh tế
suy sụp, những thành phần từng nhiệt tình ủng hộ đảng, chấp nhận chiến
đấu dưới sự lãnh đạo của đảng đang lần lượt ra đi. Nhiều trong số đó
đang công khai thách thức quyền cai trị của đảng. Hơn bao giờ hết, đảng
cần sự ủng hộ của quần chúng, và muốn vậy, phải hâm nóng lại chiêu bài
yêu nước. Võ Nguyên Giáp là những que củi cần thiết để đốt lên lò lửa
“chống thực dân và đế quốc” đã nhiều năm nguội lạnh. Giới lãnh đạo CS
dùng chiếc khăn chính danh lịch sử để bịt mắt nhân dân và đã nhiều lần
chứng tỏ thành công. Giáo sư Archie Brown thuộc đại học Oxford, Anh, cho
rằng sở dĩ các chế độ CS tại Việt Nam, Trung Quốc còn tồn tại vì khái
niệm tình cảm dân tộc nhiều giai đoạn đã có lợi cho CS.
Lãnh đạo CSVN đánh giá đúng trình độ của các thành phần bị tẩy não.
Nếu so sánh Việt Nam, Trung Cộng và Bắc Hàn, Việt Nam còn quá nhiều
người bị tẩy não, mê muội và lạc hậu hơn cả Trung Cộng và Bắc Hàn. Người
dân Trung Hoa ít ra đã chứng tỏ cho thế giới thấy khát vọng dân chủ của
họ qua biến cố Thiên An Môn với một triệu người vùng dậy chiếm cứ khuôn
mặt của thủ đô Bắc Kinh suốt gần một tháng. Chế độ Cộng Sản tại Trung
Hoa đang đi trên lưỡi dao cạo, chỉ cần mất thăng bằng, mất kiểm soát sẽ
bị đứt chân và rơi xuống vực sâu. Khi dựng bức tượng Nữ Thần Tự Do làm
biểu tượng cho cuộc đấu tranh, các lãnh đạo của phong trào Thiên An Môn
đã chọn dứt khoát một con đường, đó là con đường tự do dân chủ và không
có một con đường nào khác.
Bắc Hàn chìm đắm trong tăm tối, hoàn toàn bị cô lập nhưng từ 1952 đến
nay, mỗi năm vẫn có hàng ngàn người dân vượt thoát được khỏi địa ngục
Bắc Hàn bằng những cách vô cùng nguy hiểm. Một người Bắc Hàn vượt biên
bị bắt, nếu bị bắn ngay tại chỗ, là một may mắn. Không, phần lớn phải
trải qua những trận tra tấn vô cùng dã man, bị bỏ đói dần dần cho đến
khi thân thể chỉ còn máu và mủ. Hầu hết người bị bắt lại hay bị Trung
Cộng trao trả về Bắc Hàn đều bị giết. Tuy nhiên, những người dân Bắc Hàn
đó đã chứng tỏ khát vọng tự do là một quyền bẩm sinh trong mỗi con
người từ khi mới chào đời, không ai ban cho và cũng không cần ai chỉ
dạy. Harvard International Review phỏng vấn anh Ji Seong-ho, người đã
vượt sáu ngàn dặm qua các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Đài Loan để
tìm tự do năm 2006 và được anh cho biết chế độ CS Bắc Hàn đã đánh mất
niềm tin trong lòng dân, và khi tôi còn ở đó người dân đã nghĩ đến sự
thay đổi. Họ sợ thảo luận nơi công cộng nhưng trong riêng tư họ đã bàn
đến. Áp bức vẫn tiếp tục, nhưng sự yêu chuộng cũng như uy tín của chế độ
đã giảm nhiều.
Việt Nam thì khác. Để tồn tại, từ 1981 đến nay, giới lãnh đạo CS buộc
phải hé cửa và tự diễn biến hòa bình qua các chính sách đổi mới kinh
tế. Ánh sáng văn minh nhân loại đã theo những kẽ hở đó lọt vào. So với
Bắc Hàn, người Việt Nam có nhiều điều kiện hơn để nhìn ra thế giới. Lẽ
ra, người dân, nhất là thành phần trí thức, có cơ hội học hỏi, so sánh
các chế độ chính trị, sở hữu một nhận thức chính trị và chọn lựa một lập
trường chính trị phù hợp với xu hướng phát triển thời đại, nếu không
công khai chống lại chế độ độc tài ít ra cũng biết tự trọng làm im.
Khi còn sống, những lá thư của ông Võ Nguyên Giáp lên tiếng về chủ
trương xây dựng Nhà Quốc Hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu hay ít nhất ba
lần về Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên cũng bị ném vào sọt rác.
Ngoại trừ một số rất nhỏ, không ai binh vực ông. Thế nhưng, khi đảng cho
phép tiếc thương, nhiều bồi bút tận dụng cơ hội để lập công, khẳng định
sự trung thành và chứng tỏ mình luôn đi sát với lập trường, quan điểm
của đảng. Trên mấy trăm tờ báo đảng, bấm vào là đọc một mẫu chuyện về
“cuộc đời”, “sự nghiệp” và “chiến công” của Võ Nguyên Giáp. Đọc những
bài thơ, bài văn tâng bốc Võ Nguyên Giáp mà cảm thấy tội nghiệp cho
tiếng Việt. Những cây đinh tuyên truyền tẩy não lại tiếp tục đóng vào
nhận thức của các thế hệ Việt Nam chẳng khác gì thời chiến tranh. Tang
lễ của Võ Nguyên Giáp cho thấy nhiều người vẫn còn bị lừa gạt một cách
quá dễ dàng và thành phần xu nịnh trong xã hội Việt Nam còn quá đông.
Thì ra, dù nhân loại đã bắt đầu thám hiểm những vì sao xa nhiều triệu
dặm, chiếc đồng hồ báo thức tại Việt Nam 60 năm vẫn chưa gõ lên một
tiếng nào.
Như đã viết trong bài Bàn về tẩy não, sau 38 năm, tầng lớp có học
thức, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo không ít người vẫn còn
nghĩ rằng nói gì thì nói đảng CS trong suốt dòng lịch sử của đảng đã
đồng hành với dân tộc, nói gì thì nói chỉ có đảng CS mới có khả năng đưa
đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu, nói gì thì nói đảng CS là đảng nắm
trong tay ngọn cờ chính nghĩa, nói gì thì nói Việt Nam vẫn cần ổn định
để phát triển và mọi thay đổi đột biến sẽ dẫn đến hỗn loạn; nói gì thì
nói các lãnh tụ CS vẫn là những người yêu nước, những anh hùng dân tộc
và xứng đáng được kính trọng khi họ sống và tôn thờ, tiếc thương, than
khóc khi họ chết. Đảng không từ chối đã phạm nhiều sai lầm trong quá khứ
nhưng đó là những sai lầm khách quan. Đảng không từ chối đang có nhiều
tình trạng tiêu cực xã hội nhưng đó chỉ là hiện tượng không phải bản
chất của chế độ. Từ những năm đầu ăn bo bo sau 1975 cho đến gần bốn chục
năm, một học sinh cho đến các “tiến sĩ” cũng đều bị tẩy não bằng những
lập luận như vậy qua các lớp chính trị.
Đảng biết rất rõ thành phần “nói gì thì nói” là ai và quá khứ xuất
thân của từng người trong số họ. Họ yêu nước không? Có. Họ muốn đất nước
Việt Nam giàu mạnh không? Có. Họ muốn xã hội Việt Nam trong sạch không?
Có. Họ muốn điều kiện chính trị tại Việt Nam được nới rộng nhưng đảng
CS vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước không? Cũng có luôn. Nhà tâm lý học
Michael Langone mô tả đó tình trạng tâm thần của những người đang trôi
giữa hai bờ, bờ đúng và bờ sai, bờ thực và bờ ảo, bờ chánh và bờ tà. Họ
thoạt trông như có tinh thần cách mạng nhưng trong thực tế là vật cản
cho một cuộc cách mạng xã hội toàn diện và đắp đập để giữ cho cơ chế độc
tài tồn tại lâu dài hơn.
Những nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ đó có bao giờ nửa khuya thức dậy
pha một bình trà thật đậm, vừa uống và vừa tự hỏi những những nhận thức
chính trị của mình từ đâu mà có? Những kiến thức về lịch sử của mình do
ai cấy vào? Ông Võ Nguyên Giáp thực sự là nạn nhân hay cũng chỉ là kẻ
sát nhân thất thế như nhiều lãnh đạo CS khác? Ông Võ Nguyên Giáp là anh
hùng dân tộc hay là một trong những người đưa đất nước vào vòng nghèo
nàn, độc tài, lạc hậu hôm nay? Nếu ông Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân
tộc rồi ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng triệu đồng
bào miền Nam từ 1954 đến 1975, chẳng lẽ những nạn nhân vô tội kia không
phải là một bộ phận của dân tộc Việt Nam sao? Và cứ thế, hãy đặt ra
những câu hỏi ngược với những khẳng định và kết luận mà đảng đã trang
bị, không chỉ riêng về ông Võ Nguyên Giáp mà cả một giai đoạn lịch sử
dài từ khi đảng CSVN có mặt. Phải biết hoài nghi, so sánh và đặt vấn đề
một cách khách quan và độc lập để thấy những gì được gọi là “chân lý” và
“sự thật” dưới chế độ CS chỉ là những bùa ngải tuyên truyền.
Giải tẩy não
Bác sĩ Robert J. Lifton là nhà nghiên cứu tiên phong về tẩy não dưới
chế độ CS. Trong tác phẩm Cải tạo tư tưởng và tâm lý học về chế độ toàn
trị: Một nghiên cứu về “Tẩy não” tại Trung Quốc (Thought Reform and the
Psychology of Totalism: A Study of “Brainwashing” in China) ông đã đưa
ra 8 đặc điểm về cải tạo tư tưởng của CS: (1) Kiểm soát môi trường (Giới
hạn tối đa sự liên lạc giữa nạn nhân và thế giới bên ngoài, giữa nạn
nhân và xã hội chung quanh và cả giữa nạn nhân và chính nhận thức cũ của
nạn nhân); (2) Vận dụng huyền bí (Vận dụng cá nhân bằng mọi cách và
không giới hạn ở một phương tiện nào); (3) Đòi hỏi sự thuần khiết tuyệt
đối (Một quá trình phấn đấu liên tục để đạt đến trình độ tự giác); (4)
Tự thú công khai (Con người trong xã hội CS phải phô bày mọi suy nghĩ,
quan tâm và lo âu một cách công khai, không có riêng tư về thể chất cũng
như tinh thần); (5) Chủ thuyết là tuyệt đối đúng (Chủ thuyết CS được
đảng lý luận như đồng nghĩa với khoa học và phê bình chủ thuyết CS chẳng
những sai lầm về đạo đức mà còn vi phạm các nguyên tắc “khoa học”); (6)
Khẩu hiệu chuyên chở ngôn ngữ (Những vấn đề phức tạp, khó hiểu và sâu
xa nhất của con người được cô đọng thành những khẩu hiệu có sức cám dỗ
cao, dễ giải thích, dễ hiểu và dễ nhớ); (7) Giá trị của chủ thuyết đặt
cao hơn giá trị con người (Kinh nghiệm quá khứ của một người sẽ không
giá trị gì nếu kinh nghiệm đó mâu thuẫn với chủ thuyết, lịch sử của dân
tộc được viết lại, sửa đổi hay cắt xén để phù hợp với chủ thuyết); (8)
Thành phần cần thiết và không cần thiết tồn tại trong xã hội (Có hai
hạng người trong xã hội CS, một hạng thuộc giai cấp ưu việt gồm công
nhân, nông dân, buôn bán lẻ có quyền tồn tại và thành phần khác gồm tư
sản, địa chủ, phản động không cần phải tồn tại).
Các điểm mà Bác sĩ Robert J. Lifton trình bày về chính sách tẩy não
tại Trung Cộng, đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, cho thấy chính
sách tẩy não CS vô cùng thâm độc, tận gốc rễ và có hệ thống tinh vi.
Chính Mikhail Gorbachev cũng gián tiếp thừa nhận mình từng bị tẩy
não. Lần đầu tiên được đi ra nước ngoài vào những năm 1970, xã hội Tây
phương đã giúp ông ta sáng mắt. Những chuyến đi trong thập niên 1980,
trong tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, đã củng cố quyết tâm thực hiện các
chính sách đổi mới sau này. Gorbachev kể lại, một lần, khi tháp tùng
phái đoàn đảng CS Liên Xô tham dự tang lễ của lãnh đạo CS Ý Enrico
Berlinguer, ông ta ngạc nhiên khi thấy hầu hết các chính trị gia thuộc
các đảng dân chủ kể cả Tổng thống Ý Alessandro Pertini cũng đến cúi chào
tiễn biệt trước quan tài của Enrico Berlinguer. Đảng CS Ý trong thập
niên 1980 đóng vai trò tích cực trong đời sống chính trị Ý và có hậu
thuẫn rộng lớn trong quần chúng. Gorbachev thán phục tính đa nguyên và
cách cư xử văn hóa trong chính trị Tây phương. Ông nghĩ điều đó không
thể nào xảy ra với chủ thuyết CS mà ông được đào tạo.
Nhiều người Việt Nam tự hào học cao, hiểu rộng, đọc nhiều sách Anh,
sách Mỹ, du học tại các trường đại học nước ngoài, nghĩ rằng mình không
bị tẩy não. Không phải. Quan điểm lịch sử và nhận thức chính trị của họ
bị tẩy từ trong bào thai cho đến tuổi trưởng thành để chấp nhận những
kết luận phản khoa học như là chân lý. Áp dụng ví dụ của Yuri
Alexandrovich Bezmenov trong bài trước vào điều kiện Việt Nam, dù có
mang những người này ra tận các “trại cải tạo” Suối Máu, Cổng Trời và
chỉ họ những nơi CS đã bỏ tù hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức VNCH chưa
hẳn họ tin cho đến khi chính họ bị nhốt vào trong các thùng sắt, bỏ đói
và chịu rét, lúc đó họ mới tin.
Tiến trình giải tẩy não vì thế là một tiến trình hết sức khó khăn và chỉ có thể thành công nếu nạn nhân can đảm đối diện với sự thật, thừa nhận tình trạng bị tẩy não và giải tẩy não liên tục.
Can đảm đối diện với sự thật. Mọi hành trình bắt đầu
từ chính con người. Nếu những người bị tẩy não còn đủ khôn ngoan để
hiểu rằng những kiến thức mình đang có là kiến thức một chiều, là thuốc
độc được nhỏ từng giọt vào nhận thức và thấm dần qua thời gian, từ thuở
còn thơ cất tiếng đầu đời cho đến trường mẫu giáo, tiểu học, trung học,
đại học, trường đoàn, trường đảng, hãy đem những kiến thức đó trả lại
cho chủ nhân của chúng. Không nên tự kết án vì người bị tẩy não chỉ là
nạn nhân chứ không phải là kẻ gây ra tội ác. Hàng ngàn người khóc vật vã
trên đường phố trong tang lễ của ông Võ Nguyên Giáp không quan trọng vì
ngày mai đảng bảo cười họ cũng sẽ cười, nhưng các nhà văn, nhà thơ, nhà
báo thì khác. Họ là những tiếng nói gây ảnh hưởng và được ví như là
những phát ngôn nhân của thế hệ và thời đại. Không nên tiếp tục bị nô lệ
tri thức. Nô lệ vật chất chỉ thiệt hại bản thân nhưng nô lệ tri thức
thiệt hại cho những người chung quanh, người đọc và nhiều thế hệ con
cháu sau này. Hãy nhổ mũi tên độc ra khỏi vết thương và tiếp tục cuộc
hành trình xây dựng một nhận thức mới, độc lập, khách quan và tự do.
Thừa nhận tình trạng bị tẩy não. Con người thường
bất đồng với những điều nghịch lý nhưng khó chống lại những điều rất
hiển nhiên và hợp lý. Người bị tẩy não thường không thừa bị tẩy não và
luôn sống trong tình trạng từ chối. Tuyên truyền tẩy não CS không kê
súng vô đầu một người để buộc người đó phải tin nhưng thuyết phục bằng
một lý luận rất hợp với nhân tính. Những tù binh Mỹ bị bắt trong chiến
tranh Triều Tiên không bị tra tấn về thể xác và không bị kết án giết
người. Các cán bộ tuyên truyền Trung Cộng xác định họ là những người
tốt, chỉ vì phải có mặt tại Triều Tiên trong một thời điểm sai để làm
một công việc trái với đạo lý con người do chính phủ Mỹ chủ trương.
Người tù binh cũng là “nạn nhân” như những người dân Triều Tiên vô tội
bị bom đạn Mỹ giết chết. Người tù binh được tiếp đãi tử tế, được cấp các
tiêu chuẩn ăn uống cao hơn những tù binh khác. Sau đó, anh ta được có
trao cơ hội để giải phóng khỏi niềm tin cũ và xây dựng một niềm tin mới.
Tiến trình giải tẩy não là một tiến trình liên tục.
Tẩy não dưới chế độ CS nhằm thay đổi tận gốc rễ, diễn ra có hệ thống và
tập trung vào mục đích thuần hóa con người. “Trăm năm trồng người” là
mục tiêu đầu tiên và tối hậu của đảng CS. Tuyên truyền CS diễn ra như
sóng vỗ vào bờ, hết đợt này đến đợt khác. Khác với các tù bình Mỹ trong
chiến tranh Triều Tiên bị tẩy não trong một giai đoạn ngắn, phần lớn sau
khi khi về lại nhà, thay đổi môi trường giáo dục, thông tin và tình
cảm, họ nhanh chóng trở lại bình thường. Những người sống ngay giữa lòng
chế độ, việc giải tẩy não khó hơn nhiều. Họ phải chiến đấu liên tục về
mặt tư tưởng để chống lại các thông tin tẩy não bằng mọi hình thức và
trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Chống lại chính sách tẩy não là
một nỗ lực vô cùng khó khăn, đòi hỏi ý chí quyết tâm cao và tinh thần
bền bỉ.
Sự thật sẽ thắng
Để trả lời câu hỏi tại sao Liên Xô sụp đổ, người viết tin rằng phần
lớn người có kiến thức chính trị căn bản sẽ nghĩ ngay đến vai trò của
cựu Tổng bí thư đảng CS Liên Xô Mikhail Gorbachev, người đã đã đưa ra
hai chính sách quan trọng Perestroika (cải cách kinh tế) và Glasnost
(cải cách văn hóa xã hội); một số người khác sẽ nghĩ đến vai trò của
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người đã tăng cường chạy đua vũ trang đến
mức làm nền kinh tế Liên Xô kiệt quệ; một số có thể nghĩ đến vai trò của
Đức Giáo Hoàng John Paul II, người với câu nói “Các con đừng sợ hãi” đã
là chỗ dựa tinh thần của phong trào Công Nhân Đoàn Kết Ba Lan và phong
trào dân chủ tại các nước Đông Âu; một số có thể nghĩ đến cố thủ tướng
Anh Margaret Thatcher, người “phụ nữ sắt” như báo chí Liên Xô mô tả và
đã được tác giả John O’Sullivan xem như là một trong ba người (Roldnald
Reagan và Đức Giáo Hoàng John Paul II) đã góp phần quan trọng vào việc
làm sụp đổ phong trào CS châu Âu.
Tất cả những người nêu trên thật sự đã có đóng góp quan trọng vào
việc làm tan rã hệ thống CS. Tuy nhiên, họ chỉ là những giọt nước tràn
ly và ly nước không thể tràn bằng vài giọt nước. Lý do chính làm tan vỡ
các chế độ CS châu Âu phát xuất từ chỗ nhân dân các nước Đông Âu và Liên
Xô đã vượt qua được căn bịnh tẩy não. Các chính sách tuyên truyền tẩy
não từ thời Lenin, Stalin đã không còn hiệu quả, không thuyết phục và
cũng không làm người dân sợ hãi, không còn ai kể cả các lãnh đạo đảng
tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng Sản. Một khi chính sách tuyên truyền không
tác dụng, chế độ độc tài sẽ sụp đổ.
Như một định luật của phát triển xã hội, ở đâu có áp bức ở đó có đấu
tranh. Khát vọng tự do trong con người chưa bao giờ chết dù giữa mùa
đông tuyết giá trong các trại tập trung Siberia hay trên đường phố
Budapest ngập máu trong tuần lễ từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 11, 1956.
Sau hơn 70 năm đối kháng trong âm thầm nhẫn nhục giữa lừa dối và chân
thành, giữa bạo lực trấn áp và khát vọng tự do, giữa độc tài và dân chủ,
giữa cổ võ chiến tranh và yêu chuộng hòa bình, giữa hận thù và tình
yêu, cuối cùng, sự thật đã thắng tại châu Âu và sẽ thắng ở Việt Nam.
George Orwell đã viết “trong xã hội đầy lừa dối, cất lên một tiếng nói
thật là một hành động cách mạng”, hơn bao giờ hết, Việt Nam đang cần
những con người làm cách mạng bằng cách sống thật và nói thật.