Nam Nguyên
Toàn cảnh buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 của Việt Nam hôm 21/10/2013.
Bản chất chế độ sẽ không thay đổi
Việt Nam sẽ có một bản Hiến pháp mới về hình thức sau khi Quốc
hội biểu quyết vào ngày 28/11/2013. Tuy vậy bản chất chế độ sẽ không có
gì thay đổi và những cái mới mà nhiều người trông đợi sẽ là hoài công.
Theo tinh thần Dự thảo đang được xem xét ở Quốc hội, Việt Nam theo
đuổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến định vai trò
chủ đạo của kinh tế Nhà nước; đất đai sở hữu toàn dân; Nhà nước có thể
thu hồi đất ngay cả với lý do phát triển kinh tế xã hội. Sẽ không có
định chế Hội đồng Hiến pháp dù số đông ý kiến mong muốn một cơ quan bảo
vệ Hiến pháp, để xử lý những vi phạm Hiến pháp có thể xảy ra.
Nhiều đại biểu đề nghị gọi là Hiến pháp 2013, thay vì Hiến pháp 1992
sửa đổi. Những ý kiến này dựa trên quan điểm, 147 điều của Hiến pháp
hiện hành chỉ giữ 7 điều, 140 điều còn lại được soạn lại thành 113 điều
mới. Bản dự thảo trình Quốc hội xem xét hiện nay, được mô tả là tiếp thu
ý kiến rộng rãi trong xã hội. Tuy vậy những điều mà nhiều người tin
tưởng sẽ ít nhiều thay đổi, như vấn đề kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ
đạo, hay thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế xã hội, thì ở dự thảo
này vẫn được đưa vào.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nói rằng bà lấy
làm tiếc về việc Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lại hiến định việc kinh tế
nhà nước là chủ đạo. Từ Hà Nội bà Phạm Chi Lan nhận định:
“Theo ý kiến của rất đông đảo chuyên gia thì cho là không nên đưa
kinh tế Nhà nước là chủ đạo vào Hiến pháp, bởi vì như vậy sẽ được hiểu
là doanh nghiệp Nhà nước là thành phần nòng cốt, một biểu hiện quan
trọng hàng đầu của kinh tế Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước vẫn được
Nhà nước kỳ vọng, vừa là lực lượng vật chất để Nhà nước thực hiện chủ
trương vai trò chủ đạo của mình vừa là công cụ để Nhà nước điều tiết nền
kinh tế, ổn định thị trường. Tức là đặt cho nó rất nhiều vai trò mà nó
không thể nào đảm đương hết được. Cũng không hợp lý khi giao cho doanh
nghiệp những vai trò như vậy.”
Có thể thấy được là Hội nghị Trung ương 8 vừa qua đã quyết định phải
đưa trở lại vấn đề kinh tế Nhà nước là chủ đạo vào dự thảo Hiến pháp.
Do đó ông Nguyễn Hạnh Phúc người phát ngôn của Quốc hội mới khẳng định
trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 17/10/2013: “Đương nhiên kinh tế nhà
nước phải chủ đạo, nếu không chỉ đạo thì ai lo an sinh xã hội, đương
nhiên kinh tế nhà nước phải lo rồi, phải là chủ đạo.”
Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992.
Báo chí lúc đó đã trích lời TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội nói
rằng, khi đặt ai chủ đạo có nghĩa là đã phân biệt thành phần, nếu nhà
nước luôn nói là không phân biệt thành phần kinh tế thì tại sao lại phải
qui định ai là chủ đạo. Khoản 1 Điều 51 bản Dự thảo qui định: “Nền kinh
tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với
nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ
vai trò chủ đạo.”
Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
“Một nền kinh tế phát triển tốt thì tất cả các thành phần kinh tế
phải có cơ hội hoạt động tốt, chứ không riêng gì thành phần kinh tế
quốc doanh chủ đạo. Thành phần kinh tế quốc doanh chủ đạo này đương ở
tình trạng rất bi đát về khả năng hoạt động đạt hiệu quả…như vậy kinh tế
quốc doanh chủ đạo là một tầm nhìn đã xưa rồi, nó có từ thời kỳ chế độ
kinh tế kế hoạch tập trung mà hiện nay chúng ta đã loại bỏ, phải đi đến
chỗ giải quyết tư duy đó cho rõ ràng.”
Chỉ làm theo ý Đảng
Trung ương Đảng kiên trì áp đặt quan điểm đất đai sở hữu toàn dân do
Nhà nước đại diện chủ sở hữu, điều này đã được biết trước từ lâu. Giới
quan sát chính trị cho rằng, Quốc hội không có cách gì đi ngược lại ý
kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng. Trước đây đã có rất nhiều ý kiến đóng
góp cho Quốc hội là nên hiến định đất đai đa sở hữu. Thí dụ đất công
thuộc sở hữu Nhà nước, ngoài ra công nhận đất sở hữu tư nhân, đất nông
nghiệp do nông dân sở hữu, đất tập thể, đất doanh nghiệp, hoặc đất của
tôn giáo. Nhưng tất cả những ý kiến như thế không được Quốc hội tiếp thu
mà chỉ làm theo ý Đảng.
Vấn đề thu hồi đất theo Dự thảo Hiến pháp lần này, dù được chỉnh lý
nhưng vẫn dành cho Nhà nước quyền thu hồi đất một cách rộng rãi. Khoản 3
điều 54 Dự thảo qui định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân
đang sử dụng trong trường hợp cần thiết do luật định vì mục đích quốc
phòng an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng; phát triển kinh tế xã
hội. Việc thu hồi đất phải công khai minh bạch và được bồi thường theo
qui định của pháp luật.”
Đối với quyền thu hồi đất quá rộng rãi sẽ được hiến định theo Dự thảo Hiến pháp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định:
“Việc Nhà nước có thể thu hồi đất vì mục tiêu quốc phòng thì điều
đó có thể hiểu được, người dân kể cả nông dân có thể chấp nhận được.
Nhưng Nhà nước muốn giữ quyền thu hồi đất vì các dự án kinh tế xã hội
thì là điều mà rất nhiều ý kiến không đồng tình kể cả ý kiến của đại
biểu Quốc hội. Bởi vì qui định như vậy quá rộng, nó sẽ gây ra tình trạng
bao nhiêu người có thể nhân danh Nhà nước để lấy lại đất của nông dân.
Nếu còn để điều này thì sẽ rất khó cho người nông dân yên tâm với đất
đai lâu dài được.”
Có quan điểm tương đồng, LS Nguyễn Văn Hậu phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định:
“Theo quan điểm cá nhân, nên hạn chế việc thu hồi đất vì mục đích
phát triển kinh tế, tốt nhất là nên bỏ hẳn điều đó…. Vì mục đích an
ninh, quốc phòng, công cộng thì mọi người đồng ý; nhưng vì mục đích phát
triển kinh tế vì lợi ích một nhóm người, một tập thể nhỏ thì phải tính
toán lại, không nên qui định điều đó.”
Báo chí lề phải do Chính phủ quản lý đã thể hiện việc “lách để
viết”, khi bày tỏ sự thất vọng của giới chuyên gia, đại biểu Quốc hội
qua tựa lớn “Hiến pháp và những khoảng lặng bên hành lang Quốc hội”.
Thời báo Kinh tế Việt Nam bản điện tử ngày 23/10 ghi nhận ý kiến Đại
biểu, mà tờ báo không nêu tên nói rằng, ông cảm thấy hụt hẫng trước bản
dự thảo mới nhất, tiếp sau biết bao vấn đề đưa ra từ dự thảo Hiến pháp
lần đầu, rồi thảo luận, lấy ý kiến, rồi tiếp thu chỉnh lý, rồi lại thảo
luận tiếp thu.
Sự thất vọng được thể hiện rõ ràng hơn khi tờ báo trích lời một vị
đại biểu khác cũng không nêu tên quả quyết “sẽ không nói gì về Hiến pháp
nữa”. Theo tờ báo vị này là đại biểu chuyên trách dày kinh nghiệm qua
ba nhiệm kỳ Quốc hội, có chân trong ban biên tập và nhận thiết kế một số
nội dung tại dự thảo. Tờ báo nhắc lại tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội,
vị đại biểu này đã nói lời xin lỗi vì tự thấy không hoàn thành nhiệm vụ.
Nguyên do là thiết kế do ông soạn thảo dù có nhuận bút nhưng không được
đưa một từ nào vào Dự thảo. Thiết kế này, làm rõ chính quyền địa phương
là ai và quyền tự chủ đến đâu, tách bạch ngân sách quốc gia, ngân sách
địa phương để chấm dứt hoàn toàn cơ chế xin-cho hiện nay. Tuy Thời báo
Kinh tế Việt Nam không nêu danh, nhưng xem lại các bài báo trên mạng thì
nhân vật này này là chuyên gia kinh tế TS Trần Du Lịch, đại biểu Quốc
hội đơn vị TP.HCM.
Bản Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi từng được Trưởng ban Biên tập
Phan Trung Lý báo cáo là qua tiếp thu 26 triệu lượt ý kiến và 28.000
cuộc hội nghị, hội thảo. Với sự hụt hẫng của chính các đại biểu Quốc hội
mong muốn cải cách thể chế kinh tế -chính trị, câu hỏi được nhiều người
đặt ra là, tại sao phải lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân đến
vậy.