Tiến sĩ Pierre Asselin, gửi cho BBC từ Hoa Kỳ
Tướng Giáp đã bị phe chủ chiến loại khỏi bộ máy chiến tranh chống người Mỹ
Võ Nguyên Giáp thực sự là một con người phi thường. Đáng chú ý nhất,
ông là kiến trúc sư trong chiến thắng của Việt Minh trước quân Pháp ở
Điện Biên Phủ vào mùa xuân năm 1954.
Chiến thắng này dẫn tới việc ký kết hiệp định Geneva kết thúc cuộc
chiến tranh Đông Dương (1946-1954) và chấm dứt chế độ thực dân Pháp ở
Việt Nam, Campuchia và Lào.
Nhưng ông Giáp vẫn bị hiểu lầm ở phương Tây. Có lẽ huyền thoại vĩ đại
nhất xung quanh con người của ông là ông tiếp tục chỉ đạo cuộc chiến
tranh của cộng sản chống lại Hoa Kỳ và đồng minh Nam Việt Nam sau năm
1965. Thực tế là ông Giáp không có vai trò quan trọng trong việc định
hình chiến lược chiến tranh của cộng sản sau năm 1965, và ông còn thực
sự phản đối cuộc chiến ngay từ đầu.
Sau khi ký kết hiệp định Geneva vào tháng Bảy 1954, ông Giáp và Hồ
Chí Minh chỉ đạo những người đi theo họ ở cả hai miền của Việt Nam chấm
dứt chiến đấu, tập kết ở miền Bắc nếu họ khi đó là chiến binh ở khu vực
phía dưới vĩ tuyến 17, và tin tưởng vào việc thống nhất hòa bình của đất
nước trong vòng hai năm, sau khi một cuộc tổng tuyển cử bắt buộc theo
hiệp định Geneva được tiến hành.
Hiệp định được ông Hồ và Giáp tin tưởng là khả thi. Bên cạnh đó, từ
chối hòa bình và nối lại chiến tranh ngay lập tức có thể kích thích sự
can thiệp quân sự của Mỹ. Sau tám năm dài chiến đấu, các lực lượng quân
sự dưới sự chỉ huy của họ không có điều kiện để nghênh chiến ngay với
quân đội Mỹ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Điện Biên Phủ là một chiến
thắng ngoạn mục, nhưng đó cũng là một chiến thắng với giá quá đắt khi
tổn phí nhân lực và vật chất của chiến dịch là quá đáng.
Do đó, sau năm 1954 và tiếp tục vượt ra ngoài thời hạn tiến hành cuộc
tổng tuyển cử quốc gia về thống nhất đất nước mà chúng ta đều biết là
không bao giờ diễn ra, ông Hồ và Giáp là những người ủng hộ nhiệt thành
của "đấu tranh hòa bình" ở miền Nam, tránh khiêu khích Washington, và
"xây dựng chủ nghĩa xã hội" ở miền Bắc.
Trong thời gian này, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành
một nỗ lực đầy tham vọng và tốn kém để hiện đại hóa và sắp xếp lực lượng
vũ trang của miền Bắc, Quân đội Nhân dân Việt Nam, và động viên hàng
chục ngàn binh lính nhập ngũ phục vụ mục đích đó. Cam kết của lãnh đạo
Liên Xô, Nikita Khrushchev "chung sống hoà bình" với những kẻ thù tư bản
phương Tây bắt đầu vào năm 1956 chỉ càng xác nhận quan điểm của hai ông
Hồ và Giáp chống lại việc tái mở chiến tranh ở Việt Nam.
Quyết định đình lại "cuộc đấu tranh giải phóng" trong năm 1954 và
việc không thể nối lại chiến tranh ngay lập tức vào sau năm 1956 đã
không được lòng của một số nhà lãnh đạo cộng sản ở miền Nam.
'Rạn nứt hai phe'
Tác giả cho rằng Lê Duẩn và phe chủ chiến đã sớm gạt bỏ phe Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ra ngoài lề
Lê Duẩn, người chỉ đạo nỗ lực chiến tranh của Việt Minh ở miền Nam
trong phần lớn cuộc chiến Đông Dương, và vị phó của ông, Lê Đức Thọ, đặc
biệt bực bội với việc hai ông Hồ và Giáp ủng hộ hiệp định Geneva. Cả
hai ông này sau này đã được triệu tập về Hà Nội, nơi mà họ sẽ mở ra một
chiến dịch kêu gọi nối lại ngay lập tức cuộc đấu tranh vũ trang ở miền
Nam.
Đường lối của họ và sự chống đối của ông Hồ và Giáp tạo ra rạn nứt
trong giới lãnh đạo. Cuộc rạn nứt này đã phân ra một bên là phe "ôn
hòa", bao gồm ông Hồ, Giáp, và các đệ tử của họ - những người phản đối
nối lại chiến tranh ít nhất vào thời điểm đó, và bên kia là phe "chủ
chiến", bao gồm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh - những người
cho rằng việc "giải phóng" miền Nam là không thể chờ đợi.
Cuộc tranh cãi tại Hà Nội lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 1963, sau
khi Tổng thống miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Cảm thấy đây
là thời gian tốt hơn bao giờ hết để nam tiến mạnh mẽ, phe chủ chiến đã
tổ chức một cuộc đảo chính tại Hà Nội, thâu tóm việc kiểm soát ra quyết
định.
Các ông Hồ, Giáp và những người ôn hòa khác đã bị gạt ra ngoài lề sau
đó, và Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng đã đảm nhận
việc cầm cương của quá trình hoạch định chính sách tại Hà Nội. Với sự
thúc giục của Lê Duẩn, vào tháng 12/1963, ban lãnh đạo cộng sản ban hành
Nghị quyết 9 kêu gọi tiêu diệt quân thù ở miền Nam và khởi đầu một
“cuộc chiến tranh lớn" để "giải phóng" khu vực phía dưới vĩ tuyến 17.
Vào thời gian cuộc chiến chống người Mỹ nổ ra vào năm 1965, Võ Nguyên
Giáp đóng một vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ ở miền Bắc.
Cũng giống như Hồ Chí Minh, ông trở thành một khuôn mặt của các nỗ
lực chiến tranh chống Mỹ, một công cụ tiếp thị, cho một phe cánh trong
Đảng, những người thiếu danh tiếng, uy tín và tính hấp dẫn trên trường
quốc tế.
Cuộc "tổng công kích" năm 1968 không liên can gì tới tướng Giáp. Trên
thực tế, Giáp chống lại chủ trương này. Cuộc công kích là đứa con tinh
thần của Lê Duẩn. Hơn ông Hồ và chắc chắn là hơn hẳn ông Giáp, Lê Duẩn
là người chịu trách nhiệm tại Hà Nội về cuộc chiến tranh chống lại Mỹ.
Với ý nghĩa này, ông là kiến trúc sư "thực sự" trong chiến thắng của
quân đội cộng sản vào năm 1975.
Chiến thắng của Lê Duẩn trước người Mỹ và các đồng minh của họ vào
năm 1975 chắc chắn "toàn diện" hơn chiến thắng của tướng Giáp với người
Pháp vào năm 1954, nhưng nó cũng tốn kém hơn. Ông Giáp không có công
trạng gì với kết quả cuộc chiến chống Hoa Kỳ cũng như ông cũng không
đáng bị đổ lỗi cho những tổn thất trong chiến thắng cuối cùng của Hà
Nội.
Với giai đoạn sau năm 1954, ông Giáp nên được nhớ đến như một người phản đối cuộc chiến Việt Nam.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, người
đang là Phó Giáo sư Lịch sử thuộc Đại học Hawaii Pacific, Hoa Kỳ