Tưởng Năng Tiến
Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường. - Nguyễn Chí Thiện
Tôi chào đời tại Sài Gòn, và vô cùng hãnh diện về nơi sinh trưởng của mình. Chính Từ thành phố này Người đã ra đi.
Nói thế nghe (chừng) hơi nịnh. Không dám nịnh đâu. Thường dân
cỡ tôi làm sao mà bợ cao dữ vậy. Hơn nữa, trong “zụ” này, ở
môi trường XHCN thì đâu có bao giờ thiếu những thiên tài. Không
tin, và nếu rảnh xin (ghé qua wikipedia) đọc chơi vài câu cho biết:
Khi tôi còn là hạt bụi
Người đã lên tàu đi xa
Người đã lên tàu đi xa
Hay:
Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…
Chuyện xưa (như thế) đã đành nhưng hai phần ba thế kỷ sau vẫn
còn có người “ngơ ngẩn” về chuyến xuất dương (tìm đường cứu
nước) của Bác:
Đó là cuộc ra đi một mình, giữa bốn biển năm châu, giữa đại dương
sóng cả… Sau sáu năm trên khắp các lục địa anh mới về Paris… Ở Paris, kể
từ 1919, khi trình Hội Quốc Liên (tức Liên Hiệp Quốc bây giờ) bản Yêu
sách tám điểm của nhân dân Việt Nam, dưới tên ký Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn
đã bắt đầu một sự nghiệp viết nhằm lên án chủ nghĩa thực dân, cảnh tỉnh
thế giới phương Tây, thức tỉnh thế giới thuộc địa. Một sự nghiệp viết
gắn bó và phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc kể từ Bản yêu sách
tám điểm – 1919, qua Tuyên ngôn độc lập – 1945, đến Di chúc – 1969 có
độ dài 50 năm.
GS Phong Lê
viết những dòng chữ (hơi lủng củng) ghi trên, tại Huế, vào hôm
26 tháng 5 năm 2011. Hai năm sau, vào hôm 26 tháng 9 năm 2013, từ
Luân Đôn, BBC loan tin:
Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều tư liệu về cố lãnh tụ Hồ Chí Minh,
nhất là trong thời kỳ ông hoạt động ở hải ngoại… Trao đổi với BBC hôm
23/9/2013 từ Hà Nội, ông Hiển (phó giáo sư sử học Vũ Quang Hiển – ghi chú của tnt) cho
rằng nhiều tư liệu có thể đang được lưu trữ ở các trung tâm lưu trữ hải
ngoại, hoặc cần tới sự hợp tác của giới học giả quốc tế như ở Pháp,
Nga, Trung Quốc.
Giời ạ, đâu có “cần tới sự hợp tác của giới học giả quốc tế như ở Pháp, Nga, Trung Quốc…” làm chi cho thêm phiền. Giới học giả Việt Nam (Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thế Anh, Vũ Ngự Chiêu…)
đã trưng dẫn “nhiều tư liệu về cố lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhất là trong
thời kỳ ông hoạt động ở hải ngoại…” – từ lâu – nhưng nó không “khớp”
với sử (riêng) của Đảng và tự truyện của Bác nên đều bị
phớt lờ hết ráo.
Cái kim (nhỏ xíu) trong bọc còn giấu không được hoài thì
nói chi đến tiểu sử của một con người (vỹ đại) cỡ bác Hồ.
Và nói đâu xa xôi, ngay trên một trang web rất bình thường (Sức khoẻ và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế)
ở trong nước cũng đã có người “khẳng định” – một cách rất
tế nhị, từ năm 2007 – rằng Bác không có dính dáng gì (nhiều)
đến bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam”:
… Phan Văn Trường là người soạn thảo Yêu sách và trên thực tế văn
bản này mang đậm dấu ấn của ông với nhãn quan của một nhà luật học. Thực
vậy, Điểm 2 nêu rõ: ‘Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho
người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như
người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để
khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam’; hay
Điểm 7 ‘Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật’. Như
vậy có đủ cơ sở để khẳng định rằng tiến sĩ luật học Phan Văn Trường là
kiến trúc sư của Yêu sách của nhân dân Việt Nam, một sự kiện tạo nên
bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam
trong thế kỷ 20.
Tế nhị là một đức tính mà rất ít người sở đắc. Tác giả
những dòng chữ sau đây – rõ ràng – không có được cái đức tính
(dễ thương) này:
Tiểu sử Hồ Chí Minh là một bí mật. Chỗ nào ông muốn viết (hoặc sai
người viết), chỗ nào giấu đi hoặc thêm thắt vào, đều có chủ đích rõ
ràng. Và ông không hề ngần ngại nhận mình là tác giả những bài viết và
những công trình không phải của ông. Trong phạm vi khảo luận này… chỉ
chú ý đến thời kỳ Nguyễn Tất Thành ở Pháp, từ 1919 đến 1923. Thời gian
này, ông tự nhận mình là Nguyễn Ái Quốc và chính những bài báo ký tên
Nguyễn Ái Quấc/Quốc đã xây dựng nên huyền thoại Hồ Chí Minh…
Tất Thành chỉ là người được nhóm An Nam Yêu Nước chỉ định đem bản
Thỉnh nguyện thư của người An Nam đến Hội nghị Hoà bình Versaillles. (Thụy Khuê. Nhân văn Giai phẩm & Vấn đề Nguyễn Ái Quốc. Tiếng Quê Hương: Virginia 2012).
Những vụ trộm cắp (lặt vặt) cỡ này, nói nào ngay, không hiếm trong cuộc đời hoạt động của bác Hồ hay bác Tôn nên đâu có chi quan trọng lắm để mà phải làm rầm rĩ. Ông Hà Sĩ Phu
nghĩ một cách khoáng đạt hơn rằng: “… điều quan trọng đối với xã
hội không phải ở chỗ quan điểm ấy là của ai, mà ở chỗ quan điểm tiến bộ
ấy được thực hiện như thế nào.”
Ý niệm rất nới này cũng được GS Vũ Quang Hiển nhiệt liệt tán đồng – theo như bản tin (thượng dẫn) của BBC:
Nguồn gốc ở đâu, chuyện đời tư, chuyện cá nhân không quan trọng,
mà cái quan trọng là ở sự nghiệp, mỗi con người đều có những nét riêng,
thậm chí nét khuất trong đời tư, nhưng điểm quan trọng nhất là sự nghiệp
mà họ theo đuổi.
Thôi thì cứ bỏ qua vài “nét khuất trong đời tư” của Bác, cứ
giả dụ chính ổng (chớ còn ai nữa) là tác giả bản Thỉnh nguyện thư của người An Nam đi.
Vậy thử nhìn xem: Bác, và các đồng chí lãnh đạo (từ khi
giành được chính quyền về tay nhân dân đến nay) đã thực hiện 8
điểm yêu sách này ra sao?
- Tổng ân xá tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
- Cải cách nền pháp lí Đông Dương bằng cách để người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm pháp lí như người châu Âu. Xóa bỏ hoàn toàn những tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
- Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
- Tự do lập hội và hội họp;
- Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
- Tự do họp tập, thành lập các trường kĩ thuật tại tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
- Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
- Có đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ.
Tuần tự xét hết tám điểm kể trên chắc phải tới Tết, hay
không chừng (dám) tới chết luôn. Xin chỉ xem qua một điểm – điểm
thứ nhất thôi – cho nó lẹ rồi đi ngủ: Tổng ân xá tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị.
Không dám ân xá đâu. Từ ngữ này (e) không có trong tự điển của nước VNDCCH hay CHXHCNVN, nơi mà trại lính trại tù người đi không ngớt (người về thưa thớt năm ba) và mọi công dân đều có thể là một người tù ngoại trú, hay dự khuyết.
Coi: chỉ trong một tuần lễ, tuần thứ ba của tháng 10 năm 2013
thôi, công luận đã ghi nhận những sự kiện (dồn dập) như sau –
xin ghi lại theo thứ tự thời gian:
Ngày 13 tháng 10 blogger Phạm Thanh Nghiên gửi đi một bức thư ngăn ngắn:
Kính gửi quý vị lá đơn của bà Nguyễn Thị Nga gửi trại giam số 6, Nghệ An, đề nghị cho chồng bà là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa được đi chữa bệnh. Nhưng thay vì giải quyết yêu cầu chính đáng của bà thì chính quyền đã bí mật chuyển nhà văn NXN đến trại An Điềm, Đà Nẵng. Đây là một hành động rất không minh bạch và có thể coi như một tội ác. Không chỉ đối với nhà văn mà đối với gia đình, việc thăm nuôi sẽ rất khó khăn, tốn kém về tài chính cũng như về sức khỏe. Theo mong muốn của bà Nga, là phổ biến lá đơn (đã gửi ngay cho trại 6 khi viết) rộng rãi trên mạng. Bà cũng bày tỏ mong muốn được công luận, các tổ chức nhân quyền quan tâm đến trường hợp của chồng bà, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhất là kể từ khi khi ông bất chấp nguy hiểm, báo tin chuyện ông Điếu Cày tuyệt thực ra ngoài, ông luôn bị trù dập. Xin thay mặt bà Nguyễn Thị Nga, gửi lời cảm ơn tới quý vị.
Ngày 17 tháng 10, RFA loan tin: Mục sư Nguyễn Công Chính thường xuyên bị đánh đập trong tù. Mục
sư Tin lành Lutheran Nguyễn Công Chính, người bị kết án 11 năm tù giam
với cáo buộc có những hoạt động chia rẽ sự đoàn kết dân tội, nói xấu
chính quyền, thường xuyên bị đánh đập trong tù vì không chịu nhận tội.
Cùng ngày, theo FB của An Đỗ Nguyễn:
Sáng nay, 17/10/2013, tại bệnh viện 30/4 Bộ Công an đã xảy ra một cuộc trấn áp của lực lượng an ninh, công an, dân phòng đối với gia đình thầy giáo Đinh Đăng Định. Phía lực lượng an ninh viện lý do là cô con gái của thầy Định chụp hình, quay phim để bắt vợ con thầy về đồn công an làm việc. Tuy nhiên, vợ con thầy đã chứng minh cho lực lượng an ninh thấy rằng điện thoại của họ chỉ có chức năng nghe gọi, nhắn tin, không có khả năng quay phim, chụp hình. Sau đó, phía an ninh yêu cầu gia đình thầy xuất trình giấy CMND và một mực cưỡng ép về gia đình về đồn làm việc.
Ngày 18 tháng 10, blogger Nguyễn Bắc Truyển viết trên facebook: Tù nhân chính trị tuyệt thực.
Tin từ gia đình cho biết, hai tù nhân chính trị, Đoàn Huy Chương và Sơn Nguyễn Thanh Điền đã tuyệt thực 3 ngày nay để phản đối chính sách giam giữ khắc nghiệt của trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai).
Sơn Nguyễn Thanh Điền, bị bắt năm 2000, án 17 năm. Đoàn Huy Chương bị bắt năm 2010, án 7 năm. Cả hai tù nhân chính trị đang bị giam tại phân trại số 2, trại giam Xuân Lộc.
Trại giam Xuân Lộc, nơi giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị. Vừa qua trại giam Xuân Lộc đã chuyển 05 tù nhân chính trị đi trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) vì cho rằng 05 tù nhân chính trị có liên quan đến vụ nổi loạn tại phân trại số 1, trại giam Xuân Lộc vào sáng ngày 30/6/2013. 05 tù nhân chính trị là Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Phan Ngọc Tuấn, Huỳnh Anh Trí và Nguyễn Ngọc Cường. Mặc dù, lãnh đạo Tổng cục Trại giam và trại giam Xuân Lộc khẳng định trên báo chí rằng các tù nhân chính trị không có liên quan vụ nổi loạn của tù thường phạm. Tuy nhiên, tối ngày 30/6/2013, 05 tù nhân bị chuyển trại, sau đó họ bị biệt giam, cùm chân tại trại giam Xuyên Mộc.
Đầu tháng 10/2013, hai nữ tù nhân chính trị đang trong mang trọng bệnh là Mai Thị Dung và Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị chuyển đi bằng xe tù trên quãng đường dài gần 2.000 km đến trại giam Thanh Xuân (Hà Nội), tay chân bị còng, bà Dung đang tuyệt thực. Chuyến đi dài đã làm hai nữ tù nhân kiệt sức và ngất xỉu nhiều lần.
Việc giam giữ khắc nghiệt, giam xa gia đình… là biện pháp vô nhân đạo mà trong Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, công ước quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị đã cấm áp dụng. Việt Nam đã tham gia hai công ước này và chuẩn bị ký công ước chống tra tấn tù nhân vào cuối năm 2013.
Nhiêu đó thôi đủ thấy sự nghiệp của Bác (nói riêng) và của
cả Đảng (nói chung) không chỉ là một con số không, mà là một
con số trừ âm không nhỏ:
Ôi, thằng Tây mà trước kia người dân không tiếc máu xương đánh đuổi
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả!
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả!
- Nguyễn Chí Thiện