Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Nhân vật lịch sử Phan Châu Trinh và những bài học cho hôm nay

Hà Sĩ Phu
Theo Bauxite Việt Nam
Mấy lời viết thêm gửi Quốc hội đang họp tại Hà Nội (ngày 26-10-2013):
Đọc lại những lời Phan Châu Trinh trước đây một thế kỷ mà tưởng như lời một Blogger hay một Trí thức phản biện của ngày hôm nay. Cứ như thể cụ Phan đang nói với kỳ họp Quốc hội lần 6 khóa 13 này, nói về Hiến pháp sắp được thông qua, phản đối chủ trương độc đảng và “sở hữu toàn dân”, phản đối việc cho đạo Khổng nô dịch dân Việt, yêu cầu phải thực thi tam quyền phân lập và đa đảng đa nguyên…
Đúng như nhận định của nhà văn hóa Nguyên Ngọc: Những vấn đề cơ bản nhất làm nền tảng cho độc lập tự chủ và phát triển dân tộc mà Phan Châu Trinh đã thống thiết nêu lên từ đầu thế kỷ XX… thì đến nay vẫn còn nguyên đấy”, “Đó là một nhiệm vụ, một món nợ mà lịch sử còn để lại cho chúng ta hôm nay”.
Đảng, Nhà nước và Quốc hội hôm nay chẳng những không giải quyết được những yêu cầu của dân tộc như cụ Phan đề xuất mà còn làm ngược lại và chống lại gần như trăm phần trăm!
Vậy: Nếu đã coi Phan Châu Trinh là nhà Ái quốc, nhà Văn hóa, nhà Cách mạng đầu tiên của Việt Nam (như đã viết trên báo Nhân dân - báo giấy)… thì những người, những chủ trương phản lại các yêu cầu ấy ắt phải coi là Phản quốc, Phản văn hóa, Phản cách mạng…! Lô-gích tự nhiên buộc ta phải kết luận như thế, làm sao khác được?
A. Con đường dẫn ta về với Phan Châu Trinh
Trong những nhân vật lịch sử của dân tộc ta hồi đầu thế kỷ 20, gắn liền với cuộc đấu tranh chống Pháp, có ba nhân vật đặc biệt mà tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn cả là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh.
Nói về tinh thần đánh Pháp và đi đến thành công thì nổi bật nhất là Hồ Chí Minh, rồi đến Phan Bội Châu, rồi mới đến Phan Châu Trinh, vì hai vị trên chủ trương dùng bạo lực đánh Pháp ngay, còn Phan Châu Trinh lại bắt đầu bằng sự tiếp xúc ôn hòa với Pháp. Ấn tượng Phan Châu Trinh để lại trong đầu chúng tôi chỉ là hình ảnh một nhà nho nghĩa khí không sợ Côn Lôn (nhà tù của Pháp), một bức thư “thất điều” kể tội vua Khải Định, một cái án tử hình sau giảm thành lưu đày chung thân, vài hoạt động nhân quyền ở Pháp, một số văn thơ yêu nước, và đặc biệt là đám tang lịch sử khơi dậy một cao trào đấu tranh toàn quốc, thế thôi, chẳng mấy ai chú ý đến vấn đề tư tưởng. Phan Châu Trinh mặc dù vẫn được kính trọng song đối với chúng tôi quả thực chưa có gì thu hút lắm.
Nhưng từ khi biết vươn ra khỏi “tháp ngà” chuyên môn của mình để suy nghĩ và viết ra những ưu tư về tình hình đất nước, chúng tôi mới thực sự để tâm tìm đọc cụ Phan.
Điểm khởi thủy dẫn chúng tôi đến với Phan Châu Trinh là từ hai chữ “dân trí”. Nhất định trước hết phải khai thông dân trí, mà “tổ sư” đề cao dân trí là Phan Châu Trinh. “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, Cụ đưa dân trí lên hàng đầu trong chiến lược hành động!
Điểm thứ hai là phương pháp đấu tranh ôn hòa bất bạo động, hơn thế còn lợi dụng những yếu tố tiến bộ của chính nước Pháp là kẻ đang cai trị mình để dần dần thoát khỏi thân phận bị cai trị. Điểm này cũng đang lặp lại với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay (chiến thuật “diễn biến hòa bình” với kẻ đang cưỡi trên cổ mình!). Đây chính là thủ pháp “hiệp khí đạo”, nhìn bề ngoài nó giống như sự mềm yếu xin xỏ vậy, điểm khác nhau là ở chỗ lợi dụng sự “cầu hòa” ấy để tranh thủ nâng cao dân trí, tự lập tự cường, nâng trình độ văn minh của dân mình lên. Nâng cao được dân trí là củng cố được hậu phương, gây lại được sức mạnh cho mình. Có nội lực cao cường rồi thì lật ngược thế cờ lúc nào chẳng được? Dân trí chưa cao thì dân chưa đủ năng lực làm chủ, có đem máu xương đổi lấy chính quyền ngay thì dân cũng không làm chủ được chính quyền ấy, và rút cuộc dân lại chuốc lấy một kẻ áp bức khác thôi.
Phan Châu Trinh hơn hẳn những người cùng thời ở suy nghĩ ấy. Chúng tôi khâm phục và coi cụ Phan như người Việt Nam đầu tiên tiếp cận phương pháp chuyển đổi xã hội bằng con đường văn minh nhất, mà ngày nay gọi là phương pháp “diễn biến hòa bình”.
Nhưng như thế chưa đủ. Điều quan trọng có tính xuyên suốt là phải có một tư tưởng, vì sự nghiệp lớn nào chẳng cần một triết lý để quán xuyến và làm nền cho dân trí.
Những chân lý phổ quát đã phổ biến trên thế giới là một chuyện, có Việt hóa được chân lý ấy để tạo ra sức mạnh lôi cuốn dân tộc, đủ sức chống lại những thiên hướng sai lầm hay không, thì không phải dễ. Những hạt giống tư tưởng ưu việt ở nơi khác đem gieo vào mảnh đất Việt Nam chắc gì đã mọc, hay mọc rồi cũng còi cọc lụi tàn? Đâu có thể sang Tây Trúc hay “Mỹ Trúc” gì đó để thỉnh kinh?
Thử điểm lại chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa Mác tuy là ngoại lai nhưng trước đây vào được Việt Nam vì nó bắt rễ rất nhanh vào lòng khát khao đổi đời của người bị trị cùng khổ, nay tình hình đã đảo ngược, nếu những người bị trị cùng khổ lại tiếp tục áp dụng nó thì lịch sử sẽ lặp lại một chu kỳ nữa chăng?
“Tư tưởng Hồ Chí Minh” xuất hiện mấy năm gần đây có ưu điểm là giống “local” nhưng khốn nỗi lại là cái không có thật, mới chế biến ra thôi, thực chất vẫn là hạt giống Quốc tế 3, là hạt giống hiện nay đã bị loài người gạt ra ngay tại mảnh đất quê hương của nó.
Không phải cứ chấp nhận có “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mới là yêu quý cụ Hồ, có khi còn ngược lại. Làm người thì trong đầu ai cũng có tư tưởng (hiểu theo nghĩa đó thì cụ Hồ cũng có tư tưởng như 80 triệu người dân thôi), nhưng nói “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là dùng đến một thuật ngữ, xác nhận cụ Hồ là một nhà tư tưởng. Chính cụ Hồ không nhận mình là nhà tư tưởng là rất đúng. Những điều cụ Hồ suy nghĩ thực ra không có gì vượt khỏi tư tưởng Mác-Lênin, mà chỉ nằm gọn trong tư tưởng ấy. Chưa có độc lập thì phải giành độc lập, rồi đi theo tư tưởng Mác-Lênin thì vẫn là tư tưởng Mác-Lênin thôi, không phải vì thế mà coi là sự “kết hợp” để thành một tư tưởng mới. Vận dụng thêm một số suy nghĩ có tính nông dân hay tính Khổng giáo thì chỉ là sự cộng hưởng để tô đậm thêm tính chất phong kiến cũng vốn có sẵn trong tư tưởng Mác-Lênin, như đã phân tích ở phần trên.
Thành công của cụ Hồ Chí Minh một phần lớn thuộc về phương pháp, đặc biệt là phương pháp vận động quần chúng. Cũng giống như cụ Phan, cụ Hồ cũng phải phê phán những nhược điểm của tính cách dân tộc và ngay từ đầu đã thấy tầm quan trọng của dân trí, và là người đầu tiên coi sự “dốt” là “giặc”.
Chỉ có tư tưởng của Quốc tế 2, tức tư tưởng dân chủ xã hội là kết hợp được mấy yêu cầu cơ bản, làm đòn bẩy để xây dựng và phát triển:
  • Đó là một nhánh của chủ nghĩa Mác nên không xa lạ với điều kiện Việt Nam.
  • Tuy xuất phát từ chủ nghĩa Mác nhưng đã loại trừ được hai độc tố là chuyên chính vô sảnkinh tế chỉ huy, nên rất tiến bộ.
  • Đã được nhiều nước kiểm nghiệm là rất thành công. Những nước theo tư tưởng ấy (các nước Bắc Âu, một số nước Trung Âu) hiện nay đạt nhiều chỉ số văn minh, nhân đạo vào loại cao nhất thế giới, đối lập hẳn với tấm gương tan vỡ của các nước theo Quốc tế 3.
  • Nhờ có quan hệ huyết thống với chủ nghĩa Mác nên hy vọng Đảng Cộng sản có thể chấp nhận, ít gây sốc nhất (mặc dù trước đây Đảng Cộng sản Việt Nam rất phê phán xu hướng gọi là “xét lại” này). Kinh tế thị trườngnhà nước pháp quyền là hai thứ trước đây bị Đảng Cộng sản coi là của tư sản nên ghét như kẻ thù, nhưng nay Đảng đã bảo hai thứ ấy là của chung nhân loại rồi (nên ta cứ dùng thoải mái, không có gì phải ngượng), thì nay có áp dụng tư tưởng dân chủ xã hội cũng là một cách “trở về với Mác” thôi mà (!), cũng là của mình cả, trước mình bỏ đi nay mình dùng lại chứ có phải của tư bản đâu mà tự ái? Đảng không phải tự ái, mà mỗi đảng viên cũng không phải lấy thế làm day dứt. Vẫn có thể dựng tượng Mác kia mà! Đối với chính trị thì điều này rất quan trọng (tuy có làm cho một số người nông nổi cực đoan thấy khó chịu).
  • Một ưu điểm nữa là mặc dù trước đây các vị Quốc tế 3 rất ghét tư tưởng “đệ nhị” nhưng chính các nước liên quan đến “đệ nhị” này lại luôn chân thành và hào phóng giúp đỡ Việt Nam, nay nếu ta cũng đi theo đường đó thì sự giúp đỡ của họ chắc còn lớn hơn nhiều. Khi ấy Trung Quốc và Hoa Kỳ khó lòng mà “bắt bí” được ta.
Về lý thuyết, những luận điểm của tư tưởng dân chủ xã hội tuy không có sự đột phá gì ghê gớm, nhưng rất thuận lẽ tự nhiên, điều chỉnh được một số nhược điểm của xã hội tư bản, điều chỉnh cả những sai lầm của lý thuyết cộng sản, tạo được những nhà nước phúc lợi (Etat-providence, welfare state), kinh tế và dân quyền cùng phát triển và không ngăn cản gì việc tiếp tục đổi mới về sau, nên có ý nghĩa thực tế vô cùng to lớn.
Tư tưởng dân chủ xã hội là một tư tưởng tiến bộ, nếu được tiếp nhận vào nước ta thì đó là cách hóa giải tốt nhất, đỡ mất sức nhất, trong hoàn cảnh một xã hội đang bị ngự trị bởi “người anh em sinh đôi” rất cực đoan là tư tưởng cộng sản.
Nghĩ được đến đấy, chúng tôi đã mừng. Nhưng rồi tiếp tục tìm hiểu về Phan Châu Trinh chúng tôi đã gặp những kết quả bất ngờ. Cụ Phan không chỉ là một nhà ái quốc, một người làm dậy sóng phong trào, người có một phương pháp cách mạng uyển chuyển, mà trước hết cụ là một nhà tư tưởng. Sàng lọc và kết hợp chính xác hai hai luồng tư tưởng Đông Tây, cụ đã trở thành một nhà dân chủ-nhân quyền, rồi từ dân chủ Phan Châu Trinh lại trở thành một nhà dân chủ xã hội, tán thành một kiểu xã hội “xã hội chủ nghĩa” nhưng phi Mác-xít.
Đó cũng là những đúc kết sơ bộ về tư tưởng Phan Châu Trinh trong ba tiểu luận nghiên cứu của tác giả Mai Thái Lĩnh đăng trên trang Web talawas, ngày 24.2.2007 [1], 26.2.2007 [2] và 24.3.2007 [3].
B. Sàng lọc và kết hợp văn hóa Đông Tây, Phan Châu Trinh trở thành nhà dân chủ-nhân quyền
Là một nhà nho cụ Phan hiểu biết sâu sắc về Nho giáo, Khổng giáo, nhưng đây cũng là lĩnh vực mà cụ Phan thể hiện tinh thần sàng lọc và phê phán mạnh mẽ nhất. Cụ phân loại, tách bạch đâu ra đấy. Cụ phân biệt đạo đức với luân lý. Những phẩm chất thuộc về cá nhân riêng biệt thì thuộc ĐẠO ĐỨC, như “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Cần, Kiệm”, như “Sĩ khả sát, bất khả nhục”, như “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Đạo đức là những phẩm chất của mỗi con người riêng biệt, nó dạy làm người, muốn làm một con người thì phải như vậy nên đạo đức này rất ổn định, dù là Đông hay Tây, là kim hay cổ cũng tương tự nhau. Đạo đức như vậy đương nhiên là tốt.
Những phép ứng xử trong các mối quan hệ gia đình và xã hội thì thuộc về LUÂN LÝ, như trong các quan hệ “Quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu”, quan hệ giữa dân với nước… Luân lý lại chia thành luân lý gia đình gọi là “tư đức” hay đức nhỏ, luân lý quốc gia và luân lý xã hội thì gọi là “công đức” hay đức lớn. Luân lý dạy con người trong những mối quan hệ, cho biết bổn phận, trách nhiệm giữa người trên kẻ dưới, giữa riêng và chung. Luân lý có thể khác nhau theo quốc gia và theo chế độ chính trị. Các chế độ thường uốn nắn luân lý sao cho có lợi cho vai trò chính trị của mình.
Sự tách bạch này rất quan trọng để có thể tiến hành sàng lọc.
Nếu cụ Phan còn sống thì chắc chắn cụ không thể chấp nhận khái niệm “Đạo đức xã hội chủ nghĩa”, vì cụ đã khẳng định:
Đạo đức đã như thế thì không có mới có cũ, có đông có tây nào nữa, nghĩa là nhất thiết đời nào, người nào cũng phải giữ đạo đức ấy mới là người trọn vẹn. Dầu nhà bác học xướng ra học thuyết nào khác nữa, dầu các chính thể khác nhau hoặc dân chủ, hoặc quân chủ, hoặc cộng sản nữa, cũng không tài nào vượt qua khỏi chân lý của đạo đức, nghĩa là đạo đức thì không bao giờ thay đổi được.” (Nguyễn Q. Thắng, tr. 478-479) [4]
Người ta có thể thay đổi luân lý mà không thay đổi được đạo đức…, thay đổi được thì là đạo đức giả.” (Nguyễn Q. Thắng, tr. 479)
Cũng vì muốn uốn đạo đức để phục vụ nhu cầu chính trị nên Nho giáo ở Trung Quốc đã bị biến dạng, thóai hóa từ sau đời nhà Tần, và chính cái Nho giáo thóai hóa ấy đã du nhập vào Việt Nam nên Nho giáo ở Việt Nam mang nhiều tính chất tiêu cực về chính trị. Các triều đại phong kiến hết sức đề cao giường mối “quân sư phụ” chẳng qua là để được thảnh thơi cưỡi cổ thiên hạ. Cụ nói: “Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí chuyên chế trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.” (Nguyễn Q. Thắng, tr. 485-486).
Nhưng trong sự đề cao nam giới thì người cha và người chồng cũng là kẻ được kéo vào để ăn theo, cho có đồng đội thôi, chủ mưu là người đàn ông trên cùng là vua: “Chẳng những vua quan chuyên chế mà thôi, họ còn lại lập mưu kéo cả kẻ làm cha, kẻ làm chồng vào cái cạm bẫy độc ác ấy nữa để cho tiện việc chuyên chế của bọn họ.” (Nguyễn Q. Thắng, tr. 484).
Vua quan cần lợi dụng cái “luân lý xã hội” (tức cái công đức), để tăng uy quyền, nhưng khi luân lý xã hội đã thóai hóa thì nó chi phối cả “luân lý gia đình” (tức cái tư đức) nên cá nhân và gia đình cũng hư hỏng theo. Phát hiện của cụ Phan xem ra cũng rất đúng cho xã hội Việt Nam ngày nay. Phải yêu dân đến mức nào, phải quý đạo đức đến mức nào một nhà nho mới khám phá ra được những điều sâu xa chua chát ấy.
Sự sàng lọc của Phan Châu Trinh đối với Nho giáo là tôn trọng những đạo đức cá nhân nhưng phê phán kịch liệt sự trung thành mang tính nô lệ của chữ “trung” Nho giáo (gái trinh không thờ hai chồng, tôi trung không thờ hai vua). Cụ không bảo những điều Khổng Mạnh nói ra là không tốt, nhưng cụ vạch ra tính chất một chiều của giáo lý ấy. Cụ lật ngược tình huống để chất vấn: “Đức Khổng đã nói rằng: Vua phải thương dân, dân phải thương vua, song nếu vua không thương dân thì dân phải làm sao? Tiếc thay! Ngài không dạy đến. Ông Mạnh cũng nói rằng: Dân ‘quý’ mà vua ‘khinh’, nhưng ngày nay dân hỏi vua, vua bảo rằng vua ‘quý’ mà dân’khinh’ thì dân phải làm sao? Ông cũng không hề nói đến”. Cụ đã phát hiện đúng chỗ yếu nhất của thuyết Nhân trị.
Luân lý ấy cốt dạy điều “tôn quân” mà nhẹ điều “ái quốc”, tôn trọng bề trên quá thì không có dân chủ, dân không làm chủ thì tự mình không thể yêu nước theo ý chí của mình. Nhiều trường hợp anh dũng đánh giặc nhưng chắc gì đã là yêu nước mà chỉ là buộc phải theo vua. Yêu nước theo kiểu khác đi là bị cấm ngay. Cụ viết rằng: “Không phải là cái độc quyền chuyên chế từ xưa đã thâm căn cố đế trong người nước ta rồi đấy ư? Tiếng thương (yêu) nước đã có luật Gia Long cấm. Những kẻ học trò và dân gian không được nói đến việc nước, lo đến việc nước”. (Nguyễn Q. Thắng, tr. 489)
Thực ra thì bệnh “thâm căn cố đế” của mọi thể chế chuyên quyền là bắt dân chỉ được yêu nước theo cách của họ (nhưng nói toẹt ra như luật Gia Long thì thật quá kém về thuật mỵ dân). Rất đáng hoan nghênh lời phát biểu mới đây của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Có hàng trăm cách yêu nước khác nhau!”. Kể từ ngày có Đảng lãnh đạo đến nay, lần đầu tiên tôi được nghe thấy một đảng viên dám nói cái chân lý sơ đẳng ấy.
Thuyết Nhân trị hay Đức trị cứ nói đạo đức một chiều, không dám lật ngược tình huống để phản biện, nên khi gặp điều trái ngược thì không có giải pháp, bế tắc thì khùng lên, từ chỗ đạo đức dẫn đến chỗ phải chém giết nhau để giải quyết, và luân thường đảo lộn.
Vì thế Nhân trị sẽ dẫn đến bất nhân. Hiểu được nghịch lý này Phan Châu Trinh đã tìm đến nền dân chủ pháp trị. Chỉ trong sân chơi dân chủ mới có thể giải quyết mâu thuẫn bằng phương pháp hòa bình mà bây giờ ta gọi là “diễn biến hòa bình”.
Những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, cũng sàng lọc đạo Khổng, nhưng sàng lọc ngược với Phan Châu Trinh, đề cao chữ Trung là chữ mà cụ Phan kịch liệt phê phán. Rất nhiều đảng viên cộng sản nói rằng vì có tư duy nho học nên tiếp cận chủ nghĩa Mác được dễ dàng, chẳng qua là do giống nhau ở tinh thần đức trị, giáo huấn từ trên xuống, coi nhẹ sự phản biện, “feed back” từ dưới lên. Chữ Trung ấy bao giờ cũng kèm theo ý niệm về tôn ti trật tự, người trên kẻ dưới rõ ràng, công dân loại một loại hai, và đây là đặc điểm giống nhau giữa cộng sản và phong kiến.
Khẩu hiệu “Trung với nước, hiếu với dân” là dẫn xuất từ giường mối “quân sư phụ”, nhưng trong điều kiện Đảng lãnh đạo “trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối” thì thực chất trung với nước cũng là trung với Đảng thôi, nhưng những người kế thừa Chủ tịch Hồ Chí Minh còn muốn trực tiếp hơn cho chắc ăn nên đổi thẳng ra là “Trung với Đảng, hiếu với dân”. (Dù trung hay hiếu, dù Đảng hay dân thì cuối cùng vẫn thu về một mối là trung với Đảng thôi, kiểm nghiệm qua thực tế càng thấy đúng như vậy.)
Cũng sàng lọc, nhưng Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành là hai nhánh sàng lọc ngược nhau, một đằng đề cao quốc gia và bảo vệ quyền làm chủ của dân, một đằng sa vào thuyết tranh đấu giai cấp nên đề cao quyền lãnh đạo của Đảng. Ai gần với phong kiến hơn ai? Điều ngược đời là tính dân chủ, tính cách mạng, tính hiện đại lại ở phía người nhiều tuổi hơn. Hóa ra già không phải ở tuổi mà ở tư tưởng. Biết nghĩ cho chín để bắt đúng cái mạch của tương lai thì thành trẻ trung.
Nhà duy tân Phan Châu Trinh nổi tiếng ở sự du nhập tư tưởng dân chủ phương Tây, nhưng sao cụ lại dành nhiều công sức khảo cứu và bàn thảo về đặc điểm phương Đông cổ truyền của ta như vậy? Hãy nghe cụ giải thích: “Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng cũng không tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên sức lực bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy”. (Nguyễn Q. Thắng, tr. 505-506)
Cái mầm khỏe mạnh tươi tốt của châu Âu mà cụ chọn để ghép vào cái gốc Việt Nam ta chính là tư tưởng dân chủ và pháp quyền, hai điều tinh túy mà ngót một thế kỷ sau, xã hội Việt Nam mới nhìn ra (mà nhãn quan của giới chính thống hôm nay xem ra vẫn chưa theo kịp cụ đâu).
Trước khi kết hợp văn hóa Đông và Tây, Phan Châu Trinh còn nhận xét: “Vua Âu châu ở xứ thượng võ, cho nên làm cái gì cũng hung hăng mà ngay thực, cho đến sự độc ác cũng vậy”. “Vua Á Đông thì họ không làm như thế. Họ lựa ở trong các lời nói của ông Khổng, ông Mạnh, hoặc ở trong các sách cổ những câu nói có nhiều nghĩa để họ dựa vào đó; họ lập ra pháp luật để bó buộc cai trị dân; cái ngôi vua thì gọi là con Trời, nhưng họ cũng cứ xưng họ là người, chẳng những họ không đứng ra ngoài cái hàng bà con của dân mà họ lại đứng vào cái hàng thân thiết của dân, như là ta nói ‘quân, sư, phụ’, lại thường nói ‘vua, cha, chồng’. Dù ở chốn hương thôn dốt nát không biết ông vua thế nào, nhưng mà họ thấy đứng vào hàng cha, thầy, chồng, thì họ cũng cho đứng vào đám thân thiết. Dân ngu thì (đối với vua - HSP) họ cứ kính, cứ yêu, chớ họ có biết đâu đến hồi giận của ông vua thì ông giết cả ba họ người ta.” (Nguyễn Q. Thắng, tr. 458)
Vậy sự độc đoán chuyên quyền ở châu Á vẫn có truyền thống thâm độc hơn, giỏi nguỵ trang nên khó trị hơn. Trong 4 nước cộng sản điển hình còn sót lại thì 3 nước là của châu Á đâu có phải ngẫu nhiên?
C. Từ dân chủ, Phan Châu Trinh trở thành nhà dân chủ xã hội, hướng về một chủ nghĩa xã hội phi Mác-xít
Điểm nổi bật trước tiên trong quan điểm chính trị của Phan Châu Trinh là tinh thần dân chủ, “đa số các nhà làm sử đã công nhận: Phan Châu Trinh là nhà dân chủ đầu tiên ở Việt Nam”. [5]
Dân chủ là quyền làm chủ của dân trong một nước, một quốc gia. Nhưng thế nào là một quốc gia, khi nào thì hình thành quốc gia? Theo Phan Châu Trinh, thoạt đầu trong chế độ quân chủ chưa có quan hệ giữa dân và nước, mà chỉ có vua và các thần dân của vua, vua thu hết mọi thứ vào trong tay của mình, xử sự mọi việc như trong nhà của mình, mình chết thì con mình lên thay.
Quan hệ ấy là “gia đình luân lý” và khi ấy chưa có quốc gia. Từ khi có tư tưởng Khai sáng, bác bỏ tính chất “đại gia đình”, bác bỏ quyền lực của vua là do trời định sẵn, vạch rõ quan hệ của vua với mọi người trong xã hội là bình đẳng, quyền lực của vua là do mọi người trong xã hội giao cho…, khi ấy khái niệm nước (quốc gia) mới hình thành, gia đình luân lý mới chuyển thành quốc gia luân lý. Và sau này từ quốc gia luân lý sẽ hình thành xã hội luân lý, từ chủ nghĩa quốc gia sẽ phát triển thành chủ nghĩa xã hội. Theo Phan Châu Trinh, khái niệm Chủ nghĩa xã hội (socialism) có căn nguyên như thế. Sự tiến triển ấy theo Phan Châu Trinh là “lẽ tiến hóa tự nhiên”.
Đối chiếu tiến trình “tiến hóa tự nhiên” ấy vào nước ta cụ Phan thấy trình độ Việt Nam thời ấy còn quá lạc hậu: “Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi xin thưa rằng, nước ta tuyệt nhiên không có” (NQT, tr. 487). “… quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp hai chữ vua và tôi. Không nói đến ‘dân và nước’ vì dân không được bàn đến việc nước!” (NQT, tr. 487). Chưa có một nhà nước dân chủ thì chưa thể nói đến quốc gia theo đúng nghĩa được (quan niệm dân chủ của Phan Châu Trinh thật là triệt để, quyết liệt).
Theo Phan Châu Trinh, chủ nghĩa quốc gia (nationalism) phải tiến sang chủ nghĩa xã hội (socialism) để giải quyết hai mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa người với người trong mỗi quốc gia và mâu thuẫn giữa các quốc gia trên thế giới. Bên trong thì “giàu nghèo cách biệt thái quá, người ngồi không kẻ cắm đầu làm, thành ra kẻ lao động, người tư sản xung đột nhau mà trong nước không yên” (NQT, tr. 506). Trên thế giới thì “Mê tín quốc gia chủ nghĩa về đời trung cổ thái quá, yêu nước mình, ghét nước người, cho nên phải mang họa chiến tranh mãi mãi” (Nguyễn Q. Thắng, tr. 506).
Chủ nghĩa xã hội giải quyết quan hệ “người này với người kia, người có giúp người không, người mạnh giúp cho người yếu” (tức là làm giảm bớt sự cách biệt về tiền bạc và về quyền lực), ngoài ra còn giúp giải quyết quan hệ “loài người với loài người” tức quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia.
Nghiên cứu quan điểm Phan Châu Trinh về xã hội chủ nghĩa so sánh với quan điểm Mác-xít, ông Mai Thái Lĩnh đã rất đúng khi kết luận: “Với quan niệm như trên, rõ ràng là cái nhìn của Phan Châu Trinh hoàn toàn khác với quan điểm Mác-xít. Theo nhà chí sĩ họ Phan, xã hội loài người tiến lên theo con đường ‘gia đình - quốc gia - xã hội’, trong khi đối với Marx thì “lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp” (Mai Thái Lĩnh, bđd). Thực tế cho thấy không bao giờ có chuyện Vô sản toàn thế giới (vượt qua ranh giới các quốc gia) mà liên hiệp lại được.
Điều đáng khâm phục ở Phan Châu Trinh là khi phê phán nền quân chủ, phê phán nạn bất công, phê phán thói độc tài, phê phán những sai lầm, yếu kém của bạn bè, cụ là người thẳng thắn đến mức rất nặng lời, rất quyết liệt (như phê phán Phan Bội Châu, Nguyễn Tất Thành…), nhưng khi tìm đường giải thoát cho dân tộc cụ lại luôn nghĩ đến con đường trung dung, ôn hòa, hợp pháp.
Phải chọn con đường ôn hòa là bởi thương dân. Khi phê phán con đường bạo lực cách mạng của Phan Bội Châu, của Nguyễn Tất Thành, cụ giải thích: Lực mình yếu mà muốn dùng bạo lực tất phải nhờ vả người khác, thế thì “thảng như cái phương pháp của ông Phan (Phan Bội Châu) mà thành công, thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi”. (Thư Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Ái Quấc)
Vì thế mà phải tự lực, lúc đầu phải chọn con đường hoạt động hợp pháp, hợp pháp tối đa, thậm chí phải “khẩu thuyết vô bằng” để chính quyền không kiếm được cớ mà trị tội. (Chứ không phải chưa chi đã ngang nhiên tuyên bố thế này thế khác để giương oai!). “Chỉ vì tánh cách và trình độ của ông (tức Phan Bội Châu) cùng với tánh cách và trình độ của quốc dân trong nước tương ứng với nhau, nên người trong nước mê theo mà không biết, vui theo mà quên chết. Do đó cuộc dân biến không khác nào ông Phan Bội Châu trực tiếp giết dân”. Cụ lên án thái độ cứ ở bên ngoài xúi giục người trong nước hy sinh để mình “đãi thời đột nội”. Cụ lên án sự bạo động của “chủ nghĩa báo thù” hay chỉ biết “đâm đầu vào lửa chết vô ích”.
Thời kỳ Phan Châu Trinh ở Pháp (1911-1925) là thời kỳ thế giới đầy biến động về các quan điểm cách mạng, trong đó có cách mạng vô sản Nga tháng Mười 1917, sự phân ly giữa Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp ở Đại hội Tours tháng 12-1920.
Trong khi Nguyễn Tất Thành chọn con đường cộng sản của Quốc tế 3 thì Phan Châu Trinh rất gần gũi với Léon Blum, Jean Jaurès, Jules Roux, Marius Moutet… là những đảng viên Đảng Xã hội không chịu gia nhập Đảng Cộng sản mà vẫn tiếp tục con đường Jean Jaurès vạch ra.
Phan Châu Trinh không gần gũi với ‘cánh tả’ của Đảng Xã hội, tức là phái xã hội chủ nghĩa từ cuối năm 1920 đã rời bỏ Đảng Xã hội (SFIO) để thành lập Đảng Cộng sản, gia nhập Quốc tế III. Trước và sau Đại hội Tours (12/1920), đã có nhiều Việt kiều khuynh tả lôi kéo ông tham dự các cuộc họp của cánh tả Đảng Xã hội và sau này là Đảng Cộng sản. Nhưng có thể vì bản tính ôn hòa, hoặc vì quan niệm về ‘dân chủ, cộng hòa’ của ông đã bắt rễ khá sâu trong nhận thức, ông xa rời Đảng Cộng sản Pháp một cách tự nhiên; và những người cộng sản cũng “dị ứng” với ông một cách tự nhiên...” (Mai Thái Lĩnh, bđd.)
Trong một lá thư đề ngày 26.3.1922 Phan Châu Trinh viết: “Say mê chủ nghĩa xã hội, tôi đã luôn đấu tranh chống lại chế độ độc tài chuyên chế hiện nay đang có mặt ở Đông Dương, do các nhà chức trách Pháp cũng như do các quan lại bản xứ thực hiện” (Mai Thái Lĩnh, bđd.). Cũng đau lòng vì cảnh đất nước trong vòng nô lệ, cũng một môi trường trưởng thành là Paris nước Pháp, lại cũng yêu lý tưởng xã hội đến say mê, vậy mà khác với Nguyễn Tất Thành, Phan Châu Trinh không sa vào chủ nghĩa chuyên chính. Trước sau trong tâm hồn nhà nho cách mạng vẫn thắp sáng một ngọn đèn dân chủ.
Chính ngọn đèn ấy đã dẫn cụ đến tư tưởng đa đảng đa nguyên từ những ngày đầu thế kỷ. Hồi ấy ở Paris cũng có một du học sinh tên là Đông gửi thư cho Phan Châu Trinh bày tỏ lo ngại “đa đảng đa nguyên thì loạn” (như quan điểm của ĐCSVN hôm nay), cụ đã trả lời: “Còn anh lo trong nước sinh ra nhiều đảng phái mà hại, ấy là anh hiểu lầm; trong nước nhiều đảng thì cãi cọ nhau nhiều, cãi cọ nhiều thì sự lợi hại mới biết, dân mới có thể lựa đảng nào phải mà theo; anh xem các nước văn minh, nước nào mà không có bè đảng, chỉ có nước dã man, thì chỉ có một lệnh vua mà thôi” (Mai Thái Lĩnh, bđd.). Cụ chủ trương xã hội pháp trị (dân trị) và vạch rõ những tệ hại, tùy tiện, may rủi của chủ nghĩa nhân trị (đức trị, quân trị) mà hôm nay không ít người vẫn còn say mê. Phan Châu Trinh chủ trương tam quyền phân lập. “Đảng tiền phong” ngày nay đã đi chậm sau ông già nhà nho ấy ngót một thế kỷ, mà bây giờ cũng đã chịu nghe đâu?
Phan Châu Trinh là một người dân chủ xã hội. Nhưng “mặc dù gần gũi với những người thuộc Đảng Xã hội, tư tưởng của Phan Châu Trinh vẫn không hoàn toàn giống họ. Trong khi những người xã hội chủ nghĩa ở Pháp vẫn còn bị ràng buộc ít nhiều với chủ nghĩa Marx thì quan niệm về chủ nghĩa xã hội của Phan Châu Trinh lại không có dính dáng chút gì với chủ nghĩa Marx. Không có đấu tranh giai cấp, không có sự lên án đối với chế độ tư hữu, và do đó cũng không có chủ trương quốc hữu hóa.” (Mai Thái Lĩnh, bđđ.)
Vấn đề là tại sao Phan Châu Trinh không đả kích chế độ tư hữu, không lên án kịch liệt giai cấp tư sản như những người mác-xít hay những người cộng sản? Ngoài bản tính ôn hòa mà ông đã có ngay từ thời bắt đầu hoạt động chính trị, chúng ta cần chú ý đến chủ trương của ông về kinh tế. Ngay từ khi phát động Phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh đã đề ra khẩu hiệu ‘khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh’, kêu gọi mọi người lập ‘hội nông’, ‘hội buôn’, ‘hội nuôi tằm’, v.v. nói chung là khuyến khích dân làm giàu. Như vậy, nếu ông không lên án chế độ tư hữu, không đặt quốc hữu hóa thành mục tiêu hàng đầu thì cũng là điều dễ hiểu. Có thể do Phan Châu Trinh không coi chế độ tư hữu là nguồn gốc của mọi bất công xã hội. Hoặc ông cho rằng nước Việt Nam còn quá nghèo, đất nước muốn phát triển còn cần nhiều đến những nhà tư sản yêu nước. Do đó, ông không đả kích người giàu, mà chỉ đề ra yêu cầu ‘người giàu giúp đỡ người nghèo’. Nói một cách chính xác, quan niệm của ông nghiêng về ‘công bằng’ (justice) hơn là ‘bình đẳng’ (égalité)”. (Mai Thái Lĩnh, bđd.)
Phan Châu Trinh thuộc những nhà dân chủ xã hội tiên phong, một chủ nghĩa dân chủ xã hội mang dấu ấn Việt Nam, sinh ra từ điều kiện Việt Nam. Cái chủ nghĩa xã hội nhân đạo mà ta đang định hướng về Bắc Âu để kiếm tìm thì nay chẳng những không phải tìm đâu xa, mà còn sẵn có một phương sách thích hợp hơn với dân với nước ta nữa.
D. Từ Phan Châu Trinh, nghĩ về một vài bài học cho hôm nay
a. Vai trò tiên phong của tư tưởng Phan Châu Trinh
Trong cuốn sách nghiên cứu về Phan Châu Trinh, TS Thu Trang Công Thị Nghĩa viết: “đa số các nhà làm sử đã công nhận: Phan Châu Trinh là một nhà dân chủ đầu tiên ở Việt Nam” (Thu Trang, sđd).
Tinh thần dân chủ Phan Châu Trinh được bộc lộ một cách toàn diện: Điều hành xã hội bằng luật pháp chứ không bằng ý thức hệ, phải “tam quyền phân lập” và đa đảng đa nguyên (bên cạnh một đảng cánh tả rất cần có một đảng cánh hữu), chú trọng tự do tư tưởng, tự do ứng cử bầu cử, tự do lập hội. Phan Châu Trinh luôn coi sự phản biện trong mọi lĩnh vực là tối cần thiết, ngay khi diễn thuyết cũng phải theo nguyên tắc “nghịch luận” (tạo những ý kiến trái ngược để cùng bàn luận). Phan Châu Trinh luôn coi trọng sự khác biệt, đồng thời coi trọng sự hợp tác tương hỗ. Về hoạt động thực tiễn Phan Châu Trinh là chiến sĩ dân chủ-nhân quyền đầu tiên, chiến sĩdiễn biến hòa bình” đầu tiên của Việt Nam.
Tiến bộ đặc biệt của Phan Châu Trinh là sớm biết phê phán bản chất lạc hậu của Nhân trị (hay Đức trị), nó cản trở pháp luật, cản trở nền dân chủ pháp trị: “Nhân trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay là nghiêm khắc chỉ tùy theo lòng vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không.” Đừng quên rằng sau bao năm cầm quyền mà thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn chưa có ý thức rõ ràng về xây dựng nền luật pháp (e pháp luật sẽ “trói tay” Đảng làm Đảng khó lãnh đạo), và ngay đến thế kỷ 21 này ĐCSVN vẫn chưa dám thực hiện “tam quyền phân lập”, và không ít cán bộ cũng như trí thức vẫn còn lưu luyến Nhân trị thì mới biết cụ Phan đã đi trước dân tộc một đoạn dài lắm.
Tiếp tục đi xa hơn, Phan Châu Trinh đã trở thành nhà xã hội dân chủ đầu tiên, người đầu tiên chủ trương “định hướng” xã hội chủ nghĩa, nhưng là xã hội chủ nghĩa phi Mác-xít, mà thực chất rất gần gũi với nền chính trị của nhiều quốc gia tiên tiến nhất của thế kỷ 21 này.
Vậy nếu tôn vinh Phan Châu Trinh là nhà tư tưởng lớn của dân tộc này thì có xứng đáng không?
Học giả Hoàng Xuân Hãn nói: “Những tư tưởng của Phan Châu Trinh về cơ bản vẫn còn giá trị lớn đối với xã hội ta ngày nay”. Bởi vì, như ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc: “Những vấn đề cơ bản nhất làm nền tảng cho độc lập tự chủ và phát triển dân tộc mà Phan Châu Trinh đã thống thiết nêu lên từ đầu thế kỷ XX, trong đó trung tâm là vấn đề dân trí… thì đến nay vẫn còn nguyên đấy”, “Đó là một nhiệm vụ, một món nợ mà lịch sử còn để lại cho chúng ta hôm nay: nhiệm vụ xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở một dân trí được nâng cao”. [6]
Nhà sử học Daniel Héméry, một người nghiên cứu khá sâu về Việt Nam, (và khá sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã viết: “Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh theo tôi là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề (les problématiques) đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải - và mãi mãi còn phải - đảm nhận”. [7]
b. Phan Châu Trinh biết chắt lọc và kết hợp một cách sáng tạo những tri thức của thế giới. Với cái vốn Hán học, Phan Châu Trinh ngoài việc tiếp thu những tư tưởng của Lương Khải Siêu, Khanh Hữu Vi, Tôn Dật Tiên… còn đọc các bản dịch chữ Hán các cuốn De l’esprit des lois của Montesquieu, Contrat social của J. J. Rousseau. Đọc như thế chưa phải là nhiều, nhưng cụ rút ngay ra được nhiều điều tinh túy là bởi cách đọc thông minh. Huỳnh Thúc Kháng viết về Phan Châu Trinh: “Tiên sinh (…) đọc sách có con mắt riêng, làm văn tạo xuất cách mới, không làm những lối tìm câu lặt chữ, vẽ bóng pha mầu (…). Bất kỳ đề mục gì vào đến tay tiên sinh thì sao cũng mở ra một lối mới để tỏ ý bi ca khảng khái của mình”. [8]
Với lối đọc sách như thế, kết hợp với thực tiễn tổ chức và tham gia tranh đấu và tù đày trong nước, kết hợp với sự quan sát học hỏi trong môi trường chính trị ở Pháp, dưới sức thôi thúc của tinh thần ái quốc tự thân, (không bị bất cứ trào lưu nào làm cho mất tính chủ động) và ở vào độ chín sung mãn nhất của đời người (từ 35 đến 55 tuổi) Phan Châu Trinh đã kịp kết tinh và thăng hoa.
Từ tấm gương ấy, mỗi chúng ta đều có thể rút lấy một phần kinh nghiệm. Thời nay bao nhiêu người được đọc nhiều sách, nhưng ngập trong rừng sách mà làm nô lệ cho sách, bao nhiêu người từng dấn thân sâu vào cuộc tranh đấu nhưng vì thế mà mất hết tính chủ động, có thể nhìn vào tấm gương Phan Châu Trinh mà tự gỡ cho mình.
c. Phan Châu Trinh là người biết kết hợp nhận thức-tư tưởng với hoạt động thực tiễn. Trước hết Cụ là người của hành động, chủ trương “thực học”. Mục đích của cụ là “ Chống lại chế độ độc tài chuyên chế hiện nay đang có mặt ở Đông Dương, do các nhà chức trách Pháp cũng như do quan lại bản xứ thực hiện”. Cụ không bao giờ là người lý thuyết suông (có thể nói: Lý thuyết cụ vốn không ham!). Nhưng cụ biết vai trò rất căn bản của tư tưởng nên phải “sục” vào kho tàng tư tưởng để xác định nền móng và tìm phương hướng, cuối cùng (như “vô tình”) thành nhà tư tưởng với một nội dung rất sắc sảo và phong phú. Vì cần giải phóng dân tộc mà một nhà nho tự biến mình thành một nhà “Tây học” (mà không hề lai căng), vỡ lòng học lấy những điều mới lạ, không chút tự ái bảo thủ.
Ngày nay, một số người Tây học hoạt động dân chủ lại chỉ đề cao hành động (thực ra mới chỉ là hành động bề nổi, chưa đáng gọi là hoạt động chính trị) mà coi khinh nền tảng tư tưởng.
Một bạn trẻ tâm sự với tôi đầy tự tin: “Đã biết chân lý là dân chủ đa nguyên thì ta cứ xốc thẳng tới đó mà tiến, chẳng phải rắc rối quanh co gì hết! Còn cả thế giới bên ngoài, sợ gì!”
Ta đã từng chê cười chủ trương trước đây “dựa vào sức mạnh vô địch của phe ta, để tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, nhưng hiện nay xốc nổi như thế thì khác nào “dựa hẳn vào sức mạnh Hoa Kỳ để tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên dân chủ đa đảng đa nguyên”? (Có người còn dự đoán năm 2007, năm 2008… dân chủ sẽ toàn thắng!) Vẫn giống nhau cái tâm lý thực dụng, ăn xổi, võ biền thì rất khó rút kinh nghiệm. Ai phê bình là tự ái ngay.
Có người lại hỏi: “Thế bên Tiệp, cũng xã hội chủ nghĩa, sao người ta làm Cách mạng Nhung, xoạch một cái là xong? Chờ xây dựng dân trí thì đến mùng thất!”. Xin thưa, cái nền dân trí của Tiệp đã cao hơn mình hẳn một tầm, nhưng dân trí là cái vô hình, nó ngấm sâu vào tâm lý, vào nhiều mặt sinh hoạt khác nên ta không để ý. Dân trí lại phụ thuộc nhiều vào giới trí thức tinh hoa. Dân trí chỉ xuất lộ trước những biến cố, nên ngồi nói chuyện với một người dân Tiệp có thể thấy họ cũng chẳng hơn gì mình, nhưng đừng vì thế mà nghĩ rằng dân trí hai nước như nhau. Châu Âu đã từng trả bao nhiêu xương máu (từ thế kỷ 18-19) để có ý thức dân chủ ngày nay, để bây giờ có cái Nghị quyết 1481. Nước mình đổ xương máu cũng nhiều, nhưng chỉ để trả cái nợ độc lập cho dân tộc còn chưa xong, cuộc tranh đấu cho dân chủ mới chỉ bắt đầu.
d. Vững tin vào con đường dân chủ-xã hội (Social Democracy)
Mấy năm gần đây, tuy chưa khai thác được “kho báu” tư tưởng Phan Châu Trinh, nhiều trí thức Việt Nam trong và ngoài nước tự mình cũng đã lưu tâm đến con đường dân chủ xã hội (cũng gọi là xã hội dân chủ) và tìm thấy ở đó sinh lộ cho tình hình Việt Nam.
Bài “5 nhà trí thức phát biểu về “Con đường xã hội – dân chủ” ở nước ta” của Lê Bảo Sơn-Phan Trọng Hùng (talawas 2.9.2005) [9] đã giới thiệu tóm tắt ý kiến của Phan Đình Diệu, Lữ Phương, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Xuân Nghĩa, Hà Sĩ Phu về con đường XHDC ở nước ta.
Sau đó là tác phẩm Huyền thọai về một nhà nước tự tiêu vong và bài “Dân chủ - Xã hội là gì?” của Mai Thái Lĩnh, bài “Xưa nhích chân đi, giờ nhích lại” của Hà Sĩ Phu… và rất nhiều bài viết khác của các tác giả trong và ngoài nước (tôi xin lỗi, vì không có văn bản chính thức trong tay nên không kể được ra đây) từ những cách tiếp cận khác nhau đều gặp nhau ở niềm hy vọng vào con đường dân chủ xã hội (cũng gọi là xã hội dân chủ), bạn bè khắp nơi giới thiệu những thành tựu đỉnh cao của Thụy Điển, Na Uy.
Đến khi phát hiện con đường dân chủ xã hội trong kho tàng tư tưởng Phan Châu Trinh thì chúng tôi mừng lắm, khâm phục viễn kiến của Phan Châu Trinh vô cùng, như đã giới thiệu trong các phần trên.
Một thắng lợi bất ngờ là lại đến. Tác giả Trung Quốc Tạ Thao giới thiệu công trình nghiên cứu của một đảng viên cộng sản Trung Quốc, ông Tân Tử Lăng.
Tác giả khẳng định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội dân chủ, tức Quốc tế Hai, là tất yếu, thất bại của “chủ nghĩa xã hội bạo lực” của Lênin là tất yếu. Vì chính cuối đời Marx và Engels đã thấy sai lầm và sửa đổi theo tinh thần xã hội dân chủ (?), chỉ có Lênin lúc ấy còn chống lại.
Xin trích vài dòng trong bài viết của Tạ Thao:
  • Quyển 3 Tư bản luận đã lật đổ kết luận của quyển 1 Tư bản luận”, ”chủ nghĩa cộng sản Marx đề xướng lúc trẻ nhưng vứt bỏ lúc cuối đời” (?);
  • “Breznev nói với em trai: Chủ nghĩa cộng sản cái gì, đều chỉ là những lời nói trống rỗng nhằm dỗ dành dân chúng”;
  • “Cái viết trên ngọn cờ chủ nghĩa Mác đương đại là chủ nghĩa xã hội dân chủ, kiên trì chủ nghĩa Mác là kiên trì chủ nghĩa xã hội dân chủ”, “Khi chủ nghĩa xã hội bạo lực đi đến sơn cùng thủy tận, thì chủ nghĩa xã hội ở Tây Âu và Bắc Âu lại giành được thành công cực lớn”;
  • Thụy Điển là tấm gương của chủ nghĩa xã hội dân chủ, kinh nghiệm của Thụy Điển có giá trị phổ cập thế giới, là cống hiến vĩ đại cho văn minh nhân loại”;
  • “Chỉ có chủ nghĩa xã hội dân chủ mới có thể cứu Trung Quốc”;
  • Năm 2004, Hồ Cẩm Đào nói chuyện tại Quốc hội Pháp, đã trịnh trọng nói rõ với thế giới: “Phát triển chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phấn đấu trước sau không thay đổi của chúng tôi”, “hàng loạt chính sách mới đó thuộc về chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhưng để tránh nỗi nghi ngờ “chủ nghĩa xét lại” chúng ta đã gọi nó là con đường xã hội chủ nghĩa có sắc thái Trung Quốc”… [10]
Đây là lời những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người “một lòng canh cánh cứu Đảng”, dũng cảm gấp trăm lần những đảng viên cộng sản Việt Nam, và đi trước Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần, nhưng thưa rằng so với Phan Châu Trinh thì họ chỉ là những người nói sau ngót một thế kỷ!
e. Phan Châu Trinh, lý tình trọn vẹn
Phan Châu Trinh sống giữa một giai đoạn đầy biến động của một dân tộc đang tìm đường cứu nước, nên tính mâu thuẫn giữa các xu hướng là điều nổi bật.
Nhưng phê phán nhau kịch liệt (về phương pháp) mà vẫn không quên ca ngợi sở trường của bạn, bảo vệ quan điểm của mình mà vẫn dũng cảm nhận ra sở đoản của mình, mà vẫn khuyên nhủ thuyết phục nhau, vẫn ủng hộ nhau, mà vẫn vui sướng khi xu hướng khác mình giành được thắng lợi như các vị ấy thì thật hiếm có.
Trong những cuộc bàn thảo vừa xung đột vừa cảm động ấy (đặc biệt là giữa Phan Châu Trinh với Phan Bội Châu và Nguyễn Tất Thành) Phan Châu Trinh luôn là người chủ động nhất và cũng là người có nhiều trăn trở dằn vặt nhất. Sở dĩ như vậy là vì Phan Châu Trinh luôn là người trung dung, dân chủ, ôn hòa, mà người như thế thường là chiếc cầu ở giữa nối các phía cực đoan gần lại với nhau.
Nhưng từ khi Phan Châu Trinh mất đi, phe ôn hòa không còn, chỉ còn toàn những phe chủ trương bạo lực thì tình hữu ái tương đối ấy không còn nữa, tuy cùng muốn cứu nước mà lại tìm cách vu cáo nhau, thôn tính nhau, tranh công của nhau đến một mất một còn. Bài học ấy đáng để những người đương thời suy ngẫm.
f. Tại sao tư tưởng Phan Châu Trinh bị chìm lắng?
Đã 81 năm kỷ niệm ngày mất của chí sĩ họ Phan (24.3.1926), hôm nay đã có đủ độ lùi để nhìn lại một giai đoạn lịch sử dân tộc. Tất nhiên lịch sử là cái đã qua, nhưng với niềm luyến tiếc ta cứ thử nghĩ về một chữ “nếu”.
Nếu đoàn tàu Việt Nam thuở ấy rẽ vào đường ray Phan Châu Trinh, nhằm hướng xã hội dân chủ như Na Uy, Thụy Điển bây giờ thì sao nhỉ?
Nếu nương vào Pháp để đi lên thành công, không thành cộng sản, thì giản ước được bao nhiêu thứ:
  • không có cuộc đánh Pháp 9 năm
  • không có cuộc “Nam Bắc phân tranh lần thứ 2” dẫn đến cuộc đánh Mỹ
  • không phải tham chiến ở Căm-pu-chia
  • không tranh giành gì để phải đánh Tàu năm 1979 (và đứng trước nguy cơ Bắc thuộc mới)
  • không có lý do gì phải tiến hành cuộc “đổi mới hay là chết”
  • không có lý do gì để xuất hiện làn sóng đòi dân chủ-nhân quyền, dẫn đến hài kịch bịt miệng bị cáo trước toà cho thiên hạ xem, vân vân…
Nghĩa là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu gương anh hùng, bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu máu xương, bao nhiêu hận thù…, và tăng thêm được bao nhiêu là hạnh phúc. Lịch sử không thể quay lại để kiểm chứng, nhưng ai cũng có quyền giả thiết để suy ngẫm, để rút kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai.
Nhưng tổ tiên mình thuở trước chắc vụng đường tu nên Trời đã sai lão Thiên lôi ra “bẻ ghi” để con tàu Việt Nam không thể đi vào đường ray Phan Châu Trinh, mà ngoặt sang đường ray Quốc tế số 3, có chữ “tiên tiến nhất trong xã hội loài người”, và thế là hôm nay ta đang ngồi đây giữa sân ga hiện thực này, tụt hậu so với xung quanh gần nửa thế kỷ, với bao vết thương trên thịt da và trong phủ tạng.
Sau khi đã công nhận những điều ưu điểm tuyệt vời trong tư tưởng Phan Châu Trinh, ta thường an ủi cho sự đi trệch đường ray đó bằng cách giải thích:
Lịch sử, do những éo le của nó, đã không đi được theo con đường Phan Châu Trinh sáng suốt lựa chọn gần 100 năm trước” (Nguyên Ngọc, bđd.). Có lẽ hầu hết chúng ta đều làm dịu vết thương của mình như thế.
Nhưng cái gì là “sự éo le” của lịch sử? Ta bảo đó là “kẻ thù đã buộc chúng ta…
Cũng có thể kể ra một loạt sử liệu làm “bằng chứng cấu thành tội phạm” để kết án kẻ thù đã làm chúng ta “lỡ tàu”, để tự an ủi bằng chữ “bất khả kháng”. Nhưng mọi kẻ thù xưa nay, dù ở mức độ này hay mức độ khác, bản chất chúng bao giờ cũng thế thôi, bao giờ kẻ thù chẳng buộc chúng ta chọn con đường bất lợi. Quy tội cho chúng một nghìn lần cũng vô ích.
Vấn đề là ở mình. Nhìn số phận của mình mà lại thấy nguyên nhân nằm ở ngoài mình thì có nghĩa là mình bó tay. Cứ chịu bó tay, cứ chịu thua kém thiên hạ thì kẻ thù lại đến, và mình lại phải gồng lên để lại tiếp tục “anh hùng”! (Năm 1975, sau “đại thắng”, ta tuyên bố từ nay trở đi không kẻ thù nào dám xâm phạm bờ cõi ta nữa, thì chỉ 4 năm sau, một kẻ thù khác lại xâm phạm bờ cõi ngay chứ họ sợ gì đâu? Rồi đây, cái “biên giới mềm” lại càng khó bảo vệ hơn nữa). Phan Châu Trinh là người Việt Nam đầu tiên nhận ra nguyên nhân gốc rễ của cái chuỗi khổ ải lặp đi lặp lại bất tận ấy, là thua kém thiên hạ một tầm văn minh, và có giải pháp cơ bản để thoát ra và chấm dứt nó.
Nhưng bất hạnh thay, lịch sử đã không “chọn” Phan Châu Trinh.
Không, đừng nói lịch sử, phải nói: dân tộc này đã không “chọn” Phan Châu Trinh. Đổ cho lịch sử khách quan là vô trách nhiệm với chính mình.
Mặc dù đã cố gắng hết mình, lo cho số phận dân tộc, Phan Châu Trinh vẫn không thoát khỏi số phận cô đơn. Nếu Phan Châu Trinh cũng hô “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, cũng “thề phanh thây uống máu quân thù” (lời cũ bài Quốc ca) thì chắc “lịch sử” đã chọn cụ rồi. Chọn cái gì, không chọn cái gì là do tâm lý dân tộc, sở thích của dân tộc, nhận thức của dân tộc, và chúng ta lại trở về với hai phần đầu của bài viết này (về mấy nhược điểm chính trong tính cách của dân tộc ta).
Thay vì “phanh thây” quân thù ta cần “nội soi” và mổ xẻ chính cơ thể mình với bàn tay tinh tế của y thuật.
Phan Châu Trinh lo cho dân trí của dân tộc này, nhưng chưa kịp làm cho dân trí trưởng thành thì dân trí đã gạt cụ ra bên lề lịch sử (mặc dù vẫn kính trọng cụ nhưng kính nhi viễn chi thôi, chỉ “cung kính” chứ không “tòng mệnh”, không đi theo đường).
Nhưng điều oái oăm là trong khi những người muốn đổi mới số phận dân tộc còn đang lúng túng trước dân trí thì phía cai trị bao giờ cũng hiểu dân trí rất rõ và tận dụng rất tài những nhược điểm của dân trí.

* * *
Mở đầu bài viết tôi chỉ muốn kính gửi đến các ông Võ Văn Kiệt, Bùi Tín, Lê Hồng Hà (và đến tất cả mọi người) mấy ý kiến nhỏ mà các ông đề cập về tình hình thời sự-chính trị, mà rồi lan man phải nhắc đến cụ Phan Châu Trinh 100 năm về trước, có lẽ một phần vì những điều các ông phát biểu (nhất là bài của ông Lê Hồng Hà) đều phảng phất có hình bóng Phan Châu Trinh trong đó, gợi ra cái nhu cầu phải ôn lại nhân vật lịch sử kiệt xuất này, làm chút ánh sáng giúp ta tránh một số điều mù quáng hiện nay. Nhưng đây là lĩnh vực tôi ít hiểu biết nhất. May mà có những người đi trước đã khảo cứu khá sâu về Phan Châu Trinh như các vị Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Văn Dương, Nguyên Ngọc, TS Thu Trang, Mai Thái Lĩnh…, lại thêm ở quê nhà Quảng Nam của cụ Phan cũng đã có nhiều hoạt động để nối tiếp con đường của cụ. Tôi xin cảm ơn các vị ấy.
Để kết luận, tôi thấy không gì bằng dùng lời kết của TS Thu Trang khi viết về Phan Châu Trinh: “ CHỚ ĐEM THÀNH BẠI LUẬN ANH HÙNG!”
Bà nhắc lại lời của triết gia Nietzsche: “Có vô vàn sự việc mà nhân loại đã thu đạt được trong bao thời kỳ trước, nhưng với một vẻ rất nhỏ, rất yếu tựa như còn trong trứng, nên người ta không trông thấy được sự thành hình. Nhưng với thời gian, có khi cần đến hàng thế kỷ, những sự việc ấy mới nổi bật lên trong ánh sáng” (Thu Trang, sđd)
Sinh thời, bao giờ Phan Châu Trinh cũng rất yêu mến bạn bè và dân chúng, thế mà rất nhiều lần cụ phải nhắc đến chữ “ngu”, như nhắc đến một kẻ thù nguy hiểm, không thể coi thường. Chính cụ cũng lấy chữ ngu ra để tự răn mình.
Vâng, cái ngu dốt thật đáng sợ, nhưng đáng sợ nhất là ngu dốt mà được hoan hô và nhất thời thắng lợi, vì như thế nó phá hủy mất khả năng nhận thức ra chân lý.
Đà Lạt, viết xong ngày 24.5.2007
H.S.P.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
[1] Mai Thái Lĩnh, "Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh - Về những nguyên tắc căn bản của chế độ dân chủ (Phần 1)", talawas 24.2.2007
[2] Mai Thái Lĩnh, "Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh - Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (Phần 2)", talawas 26.2.2007
[3] Mai Thái Lĩnh, "Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh - Về nền tảng đạo đức Nho giáo (Phần 3), talawas 24.3.2007
[4] Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh - Cuộc đời và tác phẩm, Nxb Văn học, 2006 (tái bản lần thứ tư, có bổ sung)
[5] TS Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Nxb Văn Nghệ TPHCM, 2000
[6] Nguyên Ngọc, "Nhà cải cách giáo dục lớn đầu thế kỷ XX", tạp chí Tia sáng, Bộ Khoa học và Công nghệ, tháng 10.2002, Hà Nội
[7] Daniel Héméry, trích theo Nguyên Ngọc, tạp chí Tia sáng (bài đã dẫn)
[8] Trích theo Huỳnh Lý, Lời giới thiệu - Phan Châu Trinh toàn tập, tập I, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr. 13-14
[9] Lê Bảo Sơn; Phan Trọng Hùng, "5 nhà trí thức phát biểu về 'Con đường xã hội-dân chủ ở nước ta’”, talawas 2.9.2005; http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5273&rb=0401

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"