Giải thích về những “tiêu cực” (sau này mới dám dùng từ “tệ nạn”)
trong chế độ XHCN, các nhà lý luận cho rằng, đó là tàn dư của chế độ cũ
(chế độ phong kiến, tư bản).
Thế mà ở chế độ ta bây giờ, những thứ chỉ là tàn dư thôi mà nó đã
kinh quá. Này nhé: đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tham nhũng tràn lan,
bạo lực gia tăng… Nói theo các nhà lý luận (có lẽ gọi là nhà ngụy biện
mới đúng) thì những thứ này là rơi rớt của chế độ phong kiến, hoặc của
tư bản du nhập vào chứ bản chất chế độ ta làm gì có.
Tàn dư là những thứ còn sót lại. Ở đây đang nói đến những thứ xấu còn
sót lại. Sót lại có nghĩa là ít, rất ít, chỉ là một vài phần trăm, phần
nghìn mà thôi. Vậy mà một dúm cái xấu của bọn tư bản rơi rớt lại ở chế
độ ta nó đã hoành hành trên khắp các mặt của đời sống xã hội. Vậy nếu
còn nguyên vẹn như ở Mỹ hay Tây Âu thì nó kinh khủng tới mức nào.
Ví dụ ở ta có 1 vạn bằng giả hay bằng mua, thì ở Mỹ ắt phải nhiều lần
hơn, vì số 1 vạn ấy tạm coi là 2% so với còn nguyên (vì nó chỉ là tàn
dư) thì ở Mỹ (còn nguyên chủ nghĩa tư bản) nó phải gấp 50 lần (1/2%),
dân số Mỹ lại nhiều gấp 3,5 lần, cứ thế mà tính ra, nước Mỹ phải có hơn
150 triệu bằng giả.
Tương tự, các “tàn dư” khác, như 4 bệnh nhân chung một giường bệnh của chị Kim Tiến thì ở Mỹ sẽ phải là 4x50x3,5 = 700.
Ví dụ một năm, công an “lỡ tay” làm chết 12 người thì con số này ở Mỹ phải là 12x50x3,5=2100 người.
Anh Trương Dũng bị công an đánh thành thương tích 3 lần, nếu anh sống ở Mỹ chắc phải bị đánh hơn 500 lần.
Còn nếu đem sự “thất thoát” (tham nhũng, lãng phí) ở ta ra mà nhân
với 50 rồi nhân với 3.5 thì nó sẽ vượt qua nhiều lần thu nhập của nước
Mỹ.
Vân vân…
Đưa ra cái công thức tính chỉ là để dễ hình dung thôi.
Vậy mà không hiểu sao, đồng bào trốn khỏi đất nước hoặc sau này nhập
cư bằng con đường hợp pháp vẫn không ai chịu đào thoát khỏi cái nơi còn
nguyên chủ nghĩa tư bản mà về cái nơi chủ nghĩa tư bản chỉ còn tàn dư,
mà nơi đó lại là chính quê hương mình.
Đã gọi là “tàn dư” thì nó ngày càng ít dần cho đến khi bị quét hẳn
khỏi chế độ ưu việt của ta. Thế mà lại ngày càng nhiều lên, vượt khỏi
tầm kiểm soát của các nhà lãnh đạo, điều hành đất nước mới lạ.