Bertrand Russell
Lê Dọn Bàn chuyển ngữ
Lê Dọn Bàn chuyển ngữ
Mặc dù Russell tự nhận rằng ông không phải là một sử gia chuyên nghiệp, và ông đến gần môn học với “bối rối đáng kể”, ông cho thấy cái nhìn sắc bén trong một số các vấn đề chính yếu của lịch sử. Russell đã chú tâm rất đậm đà với lịch sử từ khi còn trẻ, và từ đó vẫn giữ đam mê này sinh động đến tận cuối đời. Có sự quan tâm sâu mạnh như thế với bức tranh toàn cảnh của lịch sử, không ngạc nhiên khi thấy vị triết gia này sớm chuyển sang lịch sử triết học.
Russell nghĩ rằng lịch sử cần được quan tâm không chỉ với những học giả, nhưng mà nó phải nên là “một phần thiết yếu của những gì vẫn có đấy” của bất kỳ một trí não học thức nào. Những con người có quan tâm bị chi phối chỉ bởi khoảng thời gian ngắn ngủi giữa sinh và tử của mình mà thôi, thì có cái nhìn cận thị và tầm nhìn giới hạn. Mặt khác, một ai với một ý thức về lịch sử có thể thấy trước bi kịch của sự tái diễn những sai lầm ngu xuẩn, và có được sức chịu đựng im lặng cao cả khi phải đối mặt trước những điên dại thời nay.
theo John G. Slater
Bertrand Russell - Về Lịch Sử
Trong tất cả những ngành học qua đó con người thu được tư cách công
dân của khối thịnh vượng chung về trí thức, không một ngành duy nhất nào
lại hết sức không thể thiếu được như ngành học về quá khứ. Để biết thế
giới đã phát triển ra sao ngược về tận điểm khi ký ức cá nhân của chúng
ta bắt đầu, những tôn giáo, những tổ chức, những quốc gia trong đó chúng
ta sống, chúng đã trở thành những gì chúng là như thế nào; để quen
thuộc với những con người lớn lao của những thời khác, với những phong
tục và những tin tưởng khác biệt rộng rãi so với của chúng ta riêng –
những điều này là không thể thiếu với bất kỳ nhận thức nào về vị trí của
chúng ta, và với bất kỳ giải phóng nào khỏi những trường hợp tình cờ
của giáo dục của chúng ta. Lịch sử có giá trị không chỉ với sử gia,
không chỉ với những người tự xưng là sinh viên nghiên cứu trên những văn
bản lưu trữ và những tài liệu, nhưng với tất cả ai là người có khả năng
của một duyệt khảo trầm ngâm về đời người. Nhưng giá trị của lịch sử
thì quá đa dạng đến nỗi đối với những ai bị một vài mặt của nó quyến rũ
với sức mạnh đặc biệt thì trong nguy cơ liên tục của sự quên mất tất cả
những mặt khác.
I
Để bắt đầu, lịch sử có giá trị vì nó là sự thực, và điều này, mặc dù
không phải là toàn bộ giá trị của nó, là nền tảng và điều kiện cho tất
cả những gì còn lại. Rằng tất cả kiến thức, giống thế, trong một vài mức
độ nào đó là tốt, sẽ xuất hiện là ít nhất có thể xảy ra, và kiến thức
về tất cả mỗi sự kiện lịch sử có chứa yếu tố này của sự tốt đẹp, ngay cả
nếu nó không chứa gì khác. Với phần đông những sử gia hiện đại, xem
dường nghĩ rằng sự thực như cấu thành toàn bộ giá trị của lịch sử. Trên
nền tảng này, họ kêu gọi sự xóa-mình của sử gia trước tài liệu; mọi sự
thâm nhập của cá tính riêng của ông, họ sợ, sẽ liên quan với một vài mức
độ của sự giả mạo. Sự khách quan, thì được tìm kiếm trước tất cả mọi
sự, họ bảo chúng ta, hãy để những sự kiện chỉ đơn thuần được thuật kể,
và hãy để chúng tự nói cho chúng – nếu chúng có thể tìm thấy lưỡi chúng.
Nó dẫn tiếp đến, như một phần của vị thế, rằng tất cả sự kiện đều quan
trọng ngang nhau, và mặc dù học thuyết này có thể không bao giờ hoàn
toàn làm theo trong thực hành, tuy thế nó như vẫn lơ lửng trước nhiều
não thức như một lý tưởng nhắm tới, vốn nghiên cứu có thể dần dần đến
gần.
Nói rằng viết sử nên dựa trên sự nghiên cứu những tài liệu là một ý
kiến mà bàn ngược lại sẽ là điều phi lý. Vì duy chỉ chúng có chứa đựng
bằng chứng về phần những gì thực sự đã xảy ra, và điều đơn giản là lịch
sử không thực không thể có giá trị lớn. Hơn nữa, có nhiều đời sống trong
một tài liệu hơn là trong năm mươi bộ sử (bỏ một số rất ít thuộc hạng
nhất); bởi đơn thuần chỉ sự kiện rằng nó chứa đựng những gì thuộc về
thời quá khứ có thực đó, nó có một sự sống-trong-cái-chết sinh động lạ
lùng, chẳng hạn như thuộc về quá khứ riêng của chúng ta khi một vài âm
thanh hoặc hương vị đánh thức nó dậy. Và một lịch sử viết kể về biến cố,
có thể khó làm chúng ta nhận ra rằng những diễn viên đã không biết gì
về tương lai, điều là khó khăn để tin rằng những người Lamã cuối thời đã
không biết đế quốc của họ sắp xụp đổ, hoặc rằng vua Charles I đã không
hay biết gì về một sự kiện nổi tiếng ai cũng biết là chuyện chính ông bị
hành quyết [1].
Nhưng nếu những tài liệu, trong nhiều những cách thức như thế, là
vượt trội hơn bất kỳ một lịch sử viết với chủ đích tính toán, những chức
năng nào còn lại cho những sử gia? Để bắt đầu, có công việc của sự lựa
chọn. Điều này sẽ được tất cả chấp nhận, vì những vật liệu thì quá lớn
rộng khiến không thể nào trình bày chúng toàn bộ. Nhưng điều không luôn
luôn được nhận ra là sự lựa chọn bao gồm một tiêu chuẩn về giá trị giữa
những sự kiện, và do đó có nghĩa ngầm rằng sự thực không phải là mục
tiêu duy nhất trong sự ghi chép quá khứ. Vì tất cả những sự kiện đều có
thực ngang nhau; và sự lựa chọn giữa chúng chỉ có thể được bằng những
phương tiện của một vài tiêu chuẩn khác hơn là sự thực của chúng. Và sự
hiện hữu của một số tiêu chuẩn như thế là hiển nhiên, không ai sẽ duy
trì, lấy thí dụ, những vụ tai tiếng bê bối nhỏ nhặt thời Phục hồi (nước
Anh) đã được Grammont [2] ghi chép là cũng quan trọng như những dòng chữ
viết về những thảm sát những người Tin lành ở Piedmont, mà Milton [3],
nhân danh Cromwell, đã triệu tập những vương hầu chậm trễ của châu Âu.
Tuy nhiên, có thể nói được rằng chỉ nguyên tắc lựa chọn đích thực duy
nhất là một nguyên tắc thuần túy khoa học; những sự kiện nào được nhìn
như quan trọng dẫn đến sự thiết lập của những luật tổng quát. Không biết
bao giờ sẽ có một khoa học của lịch sử hay không, là điều hoàn toàn
không thể đoán; dù bất kỳ tầm mức nào đi nữa, điều chắc chắn là khoa học
như vậy ngày nay không hiện hữu, ngoại trừ ở một số mức độ nhẹ trong
địa hạt của kinh tế học. Ngõ hầu rằng tiêu chuẩn khoa học về tầm quan
trọng giữa những sự kiện nên được áp dụng, điều cần thiết là có hai hay
nhiều hơn những giả thuyết nên được phát minh, mỗi một chúng kết toán
cho một con số lớn của những sự kiện, và sau đó nên khám phá được một sự
kiện xoay chuyển quyết định, nó tách biệt rõ ràng giữa những so bì.
Những sự kiện là quan trọng, trong những khoa học quy nạp, chỉ duy nhất
trong sự liên quan với những lý thuyết; và những lý thuyết mới đem lại
quan trọng cho những sự kiện mới. Vì vậy, thí dụ, học thuyết về Chọn lọc
Tự nhiên [4] đưa sự chú ý nổi bật vào tất cả những loài chuyển tiếp và
trung gian, sự hiện hữu của những cơ phận sinh vật thô sơ, và ghi chép
của dòng giống trong phôi thai.
Nhưng sẽ là chật vật để duy trì rằng lịch sử đã đạt, hoặc có lẽ sắp
đạt, đến một điểm ở đó những tiêu chuẩn như thế là có thể áp dụng được
với những sự kiện của nó. Lịch sử, được coi như một tổng thể của sự
thật, xem ra có định mệnh lâu dài bị giữ lại hầu như hoàn toàn mô tả
thuần túy. Những sự khái quát hóa như vậy đã từng được đề ghị – bỏ qua
lĩnh vực kinh tế – đối với nhiều phần, là quá rõ ràng không có lý do xác
đáng về phần thậm chí đáng bõ công để đem ra bác bỏ. Burke [5] đã
tranh cãi rằng tất cả những cách mạng kết thúc với những chế độ độc tài
quân sự, và đã tiên đoán Napoleon. Trong phạm vi như biện luận của ông
đã dựa trên tương đồng với Cromwell, nó đã rất may mắn đoán trúng, nhưng
chắc chắn không phải là một luật khoa học. Đúng là đông đảo những
trường hợp cá biệt không phải luôn luôn là cần thiết để thiết lập một
luật, miễn là yếu tính và những trường hợp liên quan có thể dễ dàng tháo
gỡ được. Nhưng trong lịch sử, có quá nhiều những trường hợp thuộc một
bản chất nhỏ và ngẫu nhiên, chúng có liên quan mà không có thể có được
những đồng nhất đơn giản và rộng rãi.
Và có một điểm thêm nữa chống lại quan điểm này của lịch sử như duy
nhất hoặc chủ yếu là một khoa học trên quan hệ nhân quả. Chỗ nào nỗ lực
chính của chúng ta là khám phá ra những luật tổng quát, chúng ta xem
những điều này như tự bản chất nội tại có giá trị hơn bất kỳ những sự
kiện nào vốn chúng kết nối. Trong thiên văn học, luật về lực hấp dẫn rõ
ràng là giá trị đáng hiểu biết hơn nhiều so với vị trí của một hành tinh
cá biệt trong một đêm sao cá biệt, hoặc ngay cả mọi đêm trong suốt một
năm. Có một huy hoàng và đơn giản và ý thức chủ tể trong luật vốn nó
thắp sáng một khối lượng của những chi tiết mà nếu không thì sẽ không có
gì đáng để ý. Và cũng như thế nữa trong sinh học: cho đến khi học
thuyết tiến hóa đưa ý nghĩa vào trong sự đa dạng hoang mang khó hiểu của
những cấu trúc hữu cơ, những sự kiện đặc thù đã chỉ được những nhà
thiên nhiên học chú ý. Nhưng trong sử học vấn đề là khác xa. Trong kinh
tế học, nó là sự thật, là dữ liệu thường phụ thuộc dưới những nỗ lực của
khoa học vốn dựa trên chúng, nhưng trong tất cả những ngành khác, dữ
liệu là đáng chú ý hơn, và những cấu trúc thượng tầng khoa học kém hài
lòng hơn. Những sự kiện lịch sử, nhiều trong số chúng, có một giá trị
nội tại, một sự quan tâm sâu xa trên ý nghĩa quan trọng của bản thân
chúng, làm chúng đáng nghiên cứu, khá xa rời với bất kỳ một khả năng nào
khi liên kết chúng lại với nhau bằng những phương tiện của luật nhân
quả.
Nghiên cứu về lịch sử thường được khuyến khích trên nền tảng hữu ích
của nó liên quan với những vấn đề chính trị hiện nay. Nói rằng lịch sử
có hữu ích lớn trong phương diện này thì không thể nào phủ nhận được;
nhưng điều cần thiết là rất cẩn thận để giới hạn và định nghĩa loại
hướng dẫn nào được trông mong từ nó. Những “lời dạy của lịch sử”, trong
nghĩa thô sống, tiền giả định sự khám phá những luật nhân quả, thường
thuộc một loại rất sâu rộng, và những “giảng dạy” thuộc loại này, mặc dù
trong một số trường hợp chúng có thể không gây tổn hại, luôn luôn là
không vững chắc về lý thuyết. Không ngớt trong thế kỷ mười tám, và đôi
khi trong thời chúng ta, những biện luận về phần giá trị của tự do, hoặc
dân chủ là được rút ra từ Hylạp và Lamã; sự vĩ đại hoặc suy tàn của
chúng, tùy theo thành kiến của tác giả, thì được gán phần vào những
nguyên nhân này. Điều gì có thể là quái đản hơn khi nghe những lời luận
giải hoa hòe của người Lamã đem áp dụng vào những trường hợp của Cách
mạng Pháp! Toàn bộ tổ chức của một nhà nước đô thị, đã dựa trên chế độ
nô lệ, không có những tổ chức đại diện, và không có nghề in, là cực kỳ
xa lạ với bất kỳ một nền dân chủ hiện đại nào nếu như để làm tất cả
tương đồng, trừ cái loại mập mờ nhất, hoàn toàn phù phiếm và không thực.
Cũng thế liên quan với chủ nghĩa đế quốc, những lập luận được rút ra từ
những thành công và thất bại của những người xưa. Chúng ta sẽ tin hay
không, lấy thí dụ, Rome đã bị suy tàn bởi sự không ngừng mở rộng những
biên cương của nó? Hay, với Mommsen [6], chúng ta sẽ tin hay không, rằng
thất bại không chinh phục được dân Đức, vùng giữa sông Rhine và Danube,
là một trong những lỗi lầm sinh tử nhất của Rome? Tất cả những luận
chứng như thế sẽ luôn luôn được tiến dẫn theo những thiên kiến của tác
giả, và tất cả giống nhau, ngay dẫu nếu chúng đã có một vài cân lượng
của sự thật liên quan với quá khứ, phải là gần như không áp dụng được
với ngày nay.
Ác hại này là lớn nhất khi lịch sử được xem như sự giảng dạy một vài
học thuyết triết học tổng quát, chẳng hạn như: cái Phải, về lâu về dài,
là cái Có-thể [7]; sự Thật luôn luôn thắng thế ở sau cùng, hoặc Tiến bộ
là một luật phổ quát của xã hội. Tất cả những học thuyết như thế đòi
hỏi, để hỗ trợ chúng, một lựa chọn cẩn thận về địa điểm và thời gian,
và, điều tồi tệ hơn, một bóp méo những giá trị. Một thí dụ rất trắng
trợn của nguy hiểm này là Carlyle [8]. Trong trường hợp của Puritanism
[9], nó dẫn ông đến biện minh cho tấ cả nhũng hành vi thiếu kiên nhẫn và
bất hợp pháp của Cromwell, và tùy tiện để hoãn thi hành sự điều tra
(đất đai) của ông năm 1658; phần của ông trong giải thích cho sự Phục
hồi (đế chế nước Anh) thì không thể nào nói được. Trong những trường hợp
khác, nó dẫn ông vẫn tiếp tục lạc lối xa hơn. Vì thường là khó khăn để
khám phá bên nào là bên cái-Phải nằm, nhưng cái Có-thể thì thấy được
với tất cả mọi người, do đó học thuyết cái-Phải là cái Có-thể lạnh lẽo
trôi, không cảm nhận được,vào trong tin tưởng rằng cái Có-thể là cái
Phải. Từ thế nên có lời tâng bốc với Frederick và Napoleon và Bismarck,
sự khinh miệt nhẫn tâm với những người da đen, người Irish, và “ba mươi
nghìn phụ nữ làm nghề may vá đau buồn”. Trong một số cách như vậy, mọi
lý thuyết tổng quát rằng – tất cả thì cho điều tốt nhất [10] – phải bị
những sự kiện đẩy vào chống đỡ cho cái không thể chống đỡ được.
Dù sao đi nữa, lịch sử có một chức năng liên quan đến những công việc
hiện tại, nhưng một chức năng kém trực tiếp, kém chính xác, và kém
quyết định. Nó có thể, trước tiên, đưa tới nảy ra trong trí những châm
ngôn thứ yếu, vốn sự thật của chúng, khi chúng đã một lần được chứng
thực, có thể được nhìn thấy mà không có giúp đỡ của những sự kiện đã đưa
tới chúng. Đây là phần lớn trường hợp trong kinh tế, nơi mà hầu hết
những động cơ có liên quan là đơn giản. Nó cũng là trường hợp, vì một lý
do tương tự, liên quan đến chiến lược. Bất cứ chỗ nào, ra từ những sự
kiện, một suy luận diễn dịch đơn giản từ những tiền đề không thể nghi
vấn, có thể được luận ra, lịch sử có thể mang lại những giới luật hữu
ích. Nhưng những điều này sẽ chỉ áp dụng ở chỗ nào cứu cánh được đem
cho, và do đó thuộc về một bản chất kỹ thuật. Chúng không bao giờ có thể
bảo nhà chính khách cứu cánh nào để theo đuổi, nhưng chỉ trong phạm vi
giới hạn nhất định, một số những cứu cánh xác định hơn, chẳng hạn như sự
giàu có, hoặc chiến thắng trong chiến tranh, là làm thế nào để đạt
được.
II
Một tiện ích khác và lớn hơn, tuy nhiên, cũng thuộc về lịch sử. Nó mở
rộng sự tưởng tượng, và gợi cho thấy những khả hữu của hành động và
tình cảm vốn đã không xảy ra với một não thức không được giảng dạy. Nó
lựa chọn từ những đời đã qua những yếu tố vốn đã có ý nghĩa đáng kể và
quan trọng, nó làm đầy những suy tưởng của chúng ta với những thí dụ
lộng lẫy, và với khát vọng về những cứu cánh lớn hơn là của ngẫm nghĩ
không có trợ giúp nếu sẽ khám phá ra. Nó liên kết hiện tại với quá khứ,
và do đó tương lai với hiện tại. Nó làm sự tăng trưởng và sự vĩ đại của
những quốc gia thành hiển hiện và sống động, cho chúng ta có khả năng
kéo dài những hy vọng của chúng ta vượt quá tầm của những kiếp sống
riêng của chúng ta. Trong tất cả những cách này, một kiến thức về lịch
sử có khả năng đem lại cho tài lãnh đạo quốc giạ, và cho suy nghĩ hàng
ngày của chúng ta, một sự phóng khoáng cao rộng và phạm vi không thể đạt
được với những ai có tầm nhìn bị hiện tại giới hạn.
Những gì quá khứ làm được cho chúng ta có thể được phán xét, có lẽ,
bằng sự suy ngẫm về những quốc gia trẻ hơn đó [11], chúng có sinh lực và
doanh nghiệp đang chiếm được sự thèm muốn của châu Âu. Chúng ta nhìn
thấy trong chúng sự phát triển một loại con người, được ưu đãi với tất
cả sự hy vọng của thời Phục Hưng (châu Â) hay của thời đại của Pericles
(Hylạp), đã được thuyết phục rằng những nỗ lực mạnh mẽ hơn của anh ta có
thể nhanh chóng đạt được bất cứ điều gì đã tỏ ra quá khó khăn cho những
thế hệ đi trước anh. Ngu dốt và khinh miệt với những mục đích vốn đã
cảm hứng những thế hệ đó, không biết gì về những vấn đề phức tạp mà họ
đã cố gắng để giải quyết, sự thành công nhanh chóng của anh trong những
thành tích tương đối đơn giản khuyến khích tin tưởng tự tin của anh rằng
tương lai thuộc về anh. Nhưng với những ai là người đã trưởng thành
được bao quanh bởi những di tích của những con người và những hành động
vốn ký ức về chúng đươc họ trân quí, có một sự mong manh lạ lùng về
những suy nghĩ và những cảm xúc vốn gây hứng khởi cho sự tự tin này, sự
lạc quan xem ra được duy trì bởi một sự theo đuổi quá chuyên nhất của
những gì có thể dễ dàng đạt được, và những hy vọng không biến hóa vào
trong những lý tưởng bởi thói quen đánh giá những biến cố hiện tại bởi
sự liên hệ của chúng với lịch sử của quá khứ. Bất cứ gì khác với hiện
đại thì bị xem khinh. Rằng giữa những người họ đã không đóng góp gì với
lãnh địa của Tiền Tài [12] những con người tuyệt vời đã sống, rằng trí
tuệ có thể cư ngụ trong những ai có những tư tưởng không bị máy móc
thống trị, là hết sức lạ thường với tính khí của não thức này. Hành
động, Thành công, Thay đổi, là những khẩu hiệu của nó, cho dù hành động
là cao quý hay không, thành công trong một nguyên nhân tốt hay không,
hoặc thay đổi là một sự cải tiến trong bất cứ điều gì ngoại trừ sự giàu
có hay không, là những câu hỏi mà không có thời giờ để hỏi. Chống lại
tinh thần này, nhờ đó tất cả những thư nhàn, tất cả chăm sóc cho những
cứu cánh của đời sống, là hy sinh cho cuộc phấn đấu để làm kẻ dẫn đầu
trong một cuộc đua vô giá trị, lịch sử và thói quen sống với quá khứ là
những thuốc giải độc chắc chắn nhất; và trong thời đại chúng ta, hơn bao
giờ hết, những thuốc giải độc như thế là cần thiết.
Ghi chép về những hành động lớn lao là một thảm bại của Thời gian, vì
nó kéo dài quyền lực của chúng qua nhiều những thời đại sau khi chúng
và những tác giả của chúng đã bị nuốt chửng vào vực thẳm của cái
không-tồn-tại. Và, trong hướng nhìn về quá khứ, nơi trầm tưởng không bị
mờ khuất bởi ước muốn và nhu cầu của hành động, chúng ta thấy, rõ ràng
hơn là trong những đời sống quanh chúng ta, giá trị về thiện và ác, về
những mục tiêu những con người đã theo đuổi, và những phương tiện họ đã
chọn theo. Là điều tốt, thỉnh thoảng, nhìn hiện tại như đã là quá khứ,
và để xem xét những yếu tố nào nó chứa đựng vốn sẽ thêm vào kho sở hữu
thường trực của thế giới, vốn chúng sẽ sống và đem cho sự sống khi chúng
ta và tất cả thế hệ chúng ta đã tàn lụi. Trong ánh sáng của sự trầm
tưởng này, tất cả những kinh nghiệm của con người là chuyển thể, và bất
cứ điều gì là đê tiện hoặc cá nhân bị tẩy đi. Và, như chúng ta lớn lên
trong sự khôn ngoan, kho tàng của những thời đại mở ra với nhãn quan
chúng ta; càng hơn và càng nhiều hơn nữa, chúng ta tìm hiểu để biết và
yêu những con người vốn qua sự hiến thân của họ, tất cả sự giàu có này
đã trở thành của chúng ta. Dần dần, do sự suy ngẫm về cuộc đời cao cả,
một sự hiệp thông huyền bí trở thành có thể, rót đầy hồn như nhạc từ một
dàn hợp xướng vô hình. Tuy nhiên, từ trong quá khứ, những tiếng nói của
những anh hùng gọi cho chúng ta. Như, từ một mỏm đất cao vợi, tiếng
chuông của một nhà thờ cổ, không thay đổi kể từ ngày Dante trở về từ
vương quốc của người chết, vẫn còn gửi đi cảnh báo trang trọng của nó
trên những vùng biển, do đó, tiếng nói của họ vẫn âm vang xuyên qua trên
biển thời gian xen giữa, vẫn còn, như sau đó, giọng nó bình tĩnh sâu
lắng nói về những khảo tra cô độc của khát vọng giữa tu viện sâu kín,
đặt sự an tĩnh của những điều vĩnh cửu ở vị trí của cuộc đấu tranh hoài
nghi chống lại những vui sướng đê tiện và lạc thú vui thoáng qua. Không
phải bởi những người đó về họ là họ đã nghe, nhưng họ đã nói với những
cơn gió của trời cao, và những gió của trời cao kể câu chuyện với người
lớn lao của những ngày sau. Những người lớn lao là không đơn độc, từ
trong đêm đến những tiếng nói của những người đã đi trước, rõ ràng và
can đảm, và như thế qua những thời đại, họ đồng bước, một đám rước phi
thường, uy nghi, ngoan cường, bất khả chế ngự. Để nhập vào đoàn người
vinh quang này, để làm phồng lên bài thơ bất tử của những người mà cái
chết không thể khuất phục được – điều này có thể không là hạnh phúc,
nhưng hạnh phúc là gì đối với những người có tâm hồn được rót đầy với âm
nhạc đó của trời cao? Đối với họ, được-cho là những gì tốt đẹp còn hơn
là hạnh phúc: để biết đến sự giao hảo của người lớn lao, để sống trong
cảm hứng của những tư tưởng cao ngất, và được soi sáng trong mọi bối rối
bởi ngọn lửa của quý phái và sự thực.
Nhưng lịch sử thì còn hơn là ghi chép về những con người cá nhân, dù
lớn lao đến đâu: nó là địa phận của lịch sử để kể tiểu sử, không chỉ của
những con người, nhưng của Người; như cho đến hiện nay cái đám rước dài
của những thế hệ, nhưng những suy nghĩ truyền đi của một đời sống liên
tục; để vượt lên trên sự mù lòa và ngắn ngủi của họ trong sự mở bày chậm
chạp của tấn tuồng diễn ra to lớn, trong đó tất cả đóng phần của mình.
Trong những di cư của những chủng tộc, trong sinh và tử của những tôn
giáo, trong thăng và trầm của những đế quốc, những đơn vị vô thức, mà
không có bất kỳ mục đích nào vượt ngoài thời điểm lúc ấy, đã đóng góp
không chủ ý vào đám rước lộng lẫy của những thời đại, và, từ sự vĩ đại
của toàn bộ, một vài hơi thở của sự vĩ đại thở ra trên tất cả những ai
là người đã tham gia trong cuộc diễu hành. Trong điều này, nằm cái sức
mạnh ám ảnh của lịch sử mờ tối vượt ra ngoài những gì đã ghi chép. Ở đó,
không có gì là được biết, nhưng chỉ những nét vẽ phác mờ mây phủ của
những biến cố vĩ đại, và từ trong tất cả những đời sống riêng biệt vốn
đã đến và đã đi, không ký ức nào còn giữ lại. Qua bao những thế hệ không
đếm được, những đứa con đã bị lãng quên đã phụng thờ bên những nấm mộ
của những người cha đã bị lãng quên, những bà mẹ đã bị lãng quên đã mang
nặng đẻ đau những chiến binh có xương làm trắng những cánh đồng cỏ im
lặng của châu Á. Đụng độ của những vũ khí, những thù hận và những ức
hiếp, những xung đột mù của những quốc gia câm, là tất cả vẫn còn, giống
như một thác nước rất xa, nhưng chậm rãi, ra từ xung đột, những quốc
gia mà chúng ta biết đã xuất hiện, với một di sản của thơ ca và lòng
hiếu mộ đã truyền đi từ quá khứ đã chôn vùi.
Và phẩm chất này, đó là tất cả những gì còn lại của những thời trước
lịch sử, cũng thuộc về những thời sau đó, nơi những kiến thức về những
chi tiết có khuynh hướng che tối sự vận động của toàn bộ. Chúng ta, cũng
vậy, trong tất cả những hành động của chúng ta, chịu phần của chúng ta
trong một tiến trình trong đó chúng ta không thể đoán được sự phát
triển: ngay cả những kẻ mù mờ nhất là những diễn viên trong một tấn
tuồng mà chúng ta chỉ biết rằng nó là rất vĩ đại. Không biết liệu có bất
kỳ mục đích nào chúng ta đạt được hay không, chúng ta không thể nói,
nhưng tấn tuồng tự thân nó, trong bất cứ trường hợp nào, là đầy đủ sự vĩ
đại của một sự đắm tàu huy hoàng [13]. Phẩm chất này đó là công việc
của những sử gia để rút tỉa ra từ những chi tiết rắc rối muôn mặt và
không liên hệ. Từ những quyển sách cũ, trong đó những yêu thương, những
hy vọng, những tín ngưỡng của những thế hệ đã qua nằm ướp xác, ông gọi
hình ảnh đến trước não thức của chúng ta, hình ảnh của những nỗ lực cao
vời và những hy vọng dũng cảm, sống động vẫn còn qua chăm sóc của ông,
bất kể thất bại và cái chết. Trước khi tất cả được gói lại trong lãng
quên, sử gia phải soạn tươi mới lại, trong mỗi thời đại kế tục, lời bia
mộ ghi trên đời sống của con Người.
Chỉ một mình quá khứ là có thực: hiện tại không là gì nhưng chỉ là
một ra đời vật vã đau đớn vào thành cái tồn sinh không thay đổi được của
những gì thôi không còn nữa. Chỉ có kẻ chết mới hiện hữu trọn vẹn.
Những kiếp đời của kẻ sống bị phân mảnh, còn ngờ vực chắc đâu, và là đối
tượng của đổi thay; nhưng những đời của kẻ chết là hoàn tất, tự do
thoát khỏi xoay vần của Thời gian, cái tất cả – chỉ trừ ra chúa tể toàn
năng của thế giới. Những thất bại và thành công của họ, những hy vọng và
sợ hãi, những mừng vui và đau đớn của họ, đã trở thành vĩnh cửu – những
nỗ lực chúng ta giờ đây không thể giảm thiểu được một giọt nào của
chúng. Những buồn đau đã vùi sâu lòng mộ từ lâu, những thảm kịch chỉ một
ký ức nhạt dần còn lại từ chúng, những tình yêu được cái Chết thử thách
thánh hóa làm thành bất tử – những điều này có một quyền lực, một ma
thuật, một tĩnh lặng không vấy động, mà không hiện tại nào có thể đạt
đến được.
Năm nối năm qua, những đồng chí qua đời, những hy vọng tỏ ra hão
huyền, những lý tưởng mờ phai, mảnh đất mê đắm của tuổi thanh xuân dần
dần trở thành xa biệt, đường đời thêm mệt mỏi, gánh nặng trần gian tăng
dần đến khi công sức và nhọc nhằn trở nên gần như quá nặng để cưu mang,
niềm vui nhạt dần khỏi những dân tộc rã rời của quả đất, và sự bạo ngược
của tương lai hút kiệt sức sống con người, tất cả những gì chúng ta yêu
thì tàn tạ, héo hon từ cái thế giới đang chết. Nhưng quá khứ, từ trước
đến giờ nhai nghiến những đứa con nhất thời của hiện tại, sống bằng cái
chết phổ quát; vững chắc, khôn cưỡng, nó thêm những chiến tích mới cho
ngôi đền im lặng của nó, vốn tất cả thời đại dựng nên; tất cả mọi kỳ
công tuyệt vời, mọi cuộc đời tráng lệ, mọi thành tựu và thất bại anh
hùng, là ở đây được đặt vào thiêng liêng ghi nhớ. Trên những bờ của dòng
sông Thời gian, đám rước buồn bã của những thế hệ loài người đang bước
đều, tiến chậm chạp đến mộ phần; trong xứ sở yên lặng của Quá khứ, cuộc
tuần hành đã kết thúc, những kẻ lang thang mệt mỏi nghỉ chân, và tất cả
sụt sùi thổn thức của họ thì câm nín.
Bertrand Russell, (The Independent Review, July 1904.)
Lê Dọn Bàn tạm dịch
bản nháp thứ nhất (Jan, 2011) – bản nháp thứ hai (Oct/2013)
Dịch từ: Bertrand Russell, “On History” (1904), trong The Basic
Writings of Bertrand Russell (1903-1959), Part XIII, The Philosopher of
History, ed. Robert. E. Egner và Lester E Denonn. London: Routledge,
2009, pp. 532-538.
____________________________
[1] Charles đệ Nhất (1600 – 1649) vua của England, Scotland và
Ireland, độc tài và những tranh chấp với nghị viện dẫn đến nội chiến,
sau khi bị phe Nghị viện có Oliver Cromwell là tư lệnh quân đội nổi loạn
đánh bại, ông bị bắt và là vua đầu tiên của nước Anh bị xử tử.
[2] Sự phục hồi lại chế độ quân chủ năm 1660, khi cả ba vương triều
English, Scottish and Irish đều được tái lập dưới thời Charles II.
Philibert, bá tước de Gramont (1621–1707), người Pháp gốc Basque, sang sống ở nước Anh, tác gỉa tập hồi ký nổi tiếng, ghi chép những chuyện tình ái trong triều đình Anh, thời Charles II, The Memoirs of Count Grammont.
Philibert, bá tước de Gramont (1621–1707), người Pháp gốc Basque, sang sống ở nước Anh, tác gỉa tập hồi ký nổi tiếng, ghi chép những chuyện tình ái trong triều đình Anh, thời Charles II, The Memoirs of Count Grammont.
[3] Thảm sát những người Tin lành Waldensians (Vaudois) ở Piedmont do
Charles Emmanuel II, Quận công xứ Savoy, theo ý của vua chiên Innocent
VIII, vào April 1655.
Những người Vaudois, hay Waldenses, là những người theo giáo phải Tin
lành, sống ở vùng Tây Bắc nước Ý, bị chính quyền địa phương Catô ngược
đãi giết hại, vì họ từ chối không theo Catô. Cuối cùng, một đàn áp đẫm
máu, năm 1655; khoảng 2000 người bị giết và 2000 người bị cưỡng bức theo
Kitô. Cuộc thảm sát quá khốc hại khiến toàn châu Âu công phẫn, nhất là
trong các quốc gia Tin Lành. Oliver Cromwell, lúc ấy đang cầm quyền ở
nước Anh, bắt đầu kiến nghị nhân danh những người Vaudois, viết thư kêu
gọi, quyên tiền đóng góp, ngay cả kêu gọi dân chúng Anh nhịn ăn, và đe
dọa gửi quân đội đến cứu.
Biến cố thảm sát những người Tin lành Waldenses này đã khiến John
Milton (1608-1674) viết bài thơ nổi tiếng, On the Late Massacre in
Piedmont.
[4] Chọn lọc Tự nhiên (Natural Selection) – động cơ của thuyết tiến hóa, hay thuyết Darwin (Darwinism).
[5] Edmund Burke (1729-1797) chính trị gia và triết gia nước Anh, gốc Ireland.
[6] Theodor Mommsen (1817-1903), người Đức, được xem như sử gia vĩ
đại nhất về cổ điển của thế kỷ XIX, chuyên về lịch sử La Mã. Giải Nobel
về Văn Chương, 1902.
[7] “Right, in the long run, is Might” (điều gì Phải, hãy mãi tranh đấu rồi cũng sẽ thành điều Có-thể)
[8] Thomas Carlyle (1795 – 1881), người viết sử và luận thuyết, Những
công tring nổi tiếng The French Revolution, 3 quyển (1837), On Heroes,
Hero-Worship, and the Heroic in History (1841), và The History of
Friedrich II of Prussia, Called Frederick the Great, 6 quyển (1858–65).
[9] Một phong trào cải cách tôn giáo ở nước Anh, phát triển mạnh ở
thế kỷ 16 và 17 – vẫn dịch là Thanh giáo, ở nước Anh, trong thế kỷ 16,
17; có tên gọi như thế là do chủ trương muốn làm sạch Anh giáo, vì chủ
trương của phong trào này là tẩy xóa những “tàn dư” của Catô trong Anh
giáo, cho là vẫn còn lại từ thời nữ hoàng Elizabeth I; phong trào này
cũng làm nền tảng cho lập trường chính trị, và sinh hoạt đạo đức, xã
hội. Những nỗ lực chuyển hóa nước Anh của phong trào Thanh giáo đã đưa
đến hai hậu quả quan trọng: Nội chiến ở nước Anh, và sự thành lập những
thuộc địa của Anh ở bắc Mỹ.
[10] “all is for the best”. Lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện,
cho hành động, là nguy hiểm, là ngụy biện, và phản bội sự kiện thực tại
lịch sử. Tàn khốc và độc ác nếu cứu cánh đó là những ảo tưởng không
thực. Như Russell giải thích – khi cái-Phải âm thầm không ai chú ý, mặc
nhiên thành cái Có-thể, và như thế sẽ có tai hại, đuổi theo cái có-Thế;
nghĩa là cuồng nhiệt chạy theo ảo tưởng, bạo động với tất cả trên đường
theo đuổi, đến tàn nhẫn vì tin một ảo tưởng, vì mê tín.
[11] tôi nghĩ Russell hiển nhiên đang nói đến các nước mới như Mỹ, Canada.
[12] Mammon
[13] Titanic.