Phạm Đức Khiêm và Đoan Trang
Lập luận căn bản mà một số người ủng hộ Điều 258 Bộ luật Hình sự
đưa ra là: 258 là điều luật bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của tổ chức và công dân; kẻ nào xâm phạm những giá trị ấy
thì phải bị trừng phạt. Tuy nhiên, trái với lập luận căn bản này, 258
lại là một điều luật xâm phạm nghiêm trọng các quyền tự do của công dân,
chứ không hề bảo vệ.
Nếu chỉ xét về khía cạnh tinh thần và lý tưởng lập pháp, Điều 258 Bộ luật Hình sự tỏ ra rất thuyết phục. Ta hãy xem:
“Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
(1) Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
(2) Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Chung quy lại, điều luật này có nội dung là bảo vệ lợi ích của Nhà
nước, tổ chức, công dân trong xã hội trước các hành vi xâm phạm của
người khác. Có vẻ đó là một ý chí lương thiện và đầy tính lý tưởng, một
thứ không thể phủ nhận và bất cứ kẻ nào phủ nhận đều đáng bị trừng phạt.
Tuy vậy, các quyết định lập pháp không cần đến mạch máu nóng chuyên chở
những suy nghĩ giản đơn về sự lương thiện như vậy. Nó cần hơn cả là một
tư duy lập pháp, kỹ thuật lập pháp dựa trên nền tảng công lý và khoa
học.
Mơ hồ, chung chung – điều tối kỵ trong ngôn ngữ lập pháp
Trong ngôn ngữ pháp luật, có ít nhất một điều mà các nhà soạn thảo
phải tránh: sự mơ hồ, chung chung (vagueness). Xem xét các điều khoản
còn lại của Bộ luật Hình sự, ta nhận thấy hầu hết chúng đều quy định
những hành vi rất cụ thể như giết người, gây thương tích, hiếp dâm, trộm
cắp, buôn bán ma túy, nhận hối lộ, bắt giữ người trái pháp luật,... Các
điều khoản này nhằm bảo vệ những lợi ích cụ thể của tổ chức và cá nhân
trong xã hội. Lẽ dĩ nhiên, pháp luật được xây dựng nên để bảo vệ những
lợi ích chính đáng của những thành viên trong xã hội. Vậy thì tại sao
lại có hẳn một điều luật sinh ra chỉ để nhắc lại nguyên lý đó? Điều này
cho chúng ta thấy phạm vi điều chỉnh của Điều 258 rộng đến mức có tính
bao trùm lên toàn bộ hệ thống pháp luật chứ không đơn giản là một điều
luật đơn lẻ trong một bộ luật đơn lẻ.
Theo Điều 8 Bộ luật Hình sự, “tội phạm” được định nghĩa là “hành vi
nguy hiểm cho xã hội”. Khoa học hình sự chia hành vi thành hai loại:
hành động hoặc không hành động, chỉ những phản ứng biểu hiện ra bên
ngoài của một người. Như vậy, tội phạm là những gì rất cụ thể, chứ không
phải là những nguyên lý hay lý tưởng.
Giả sử có một nghị định nào đó quy định trách nhiệm của cơ quan
quản lý nhà nước là tạo ra một môi trường Internet lành mạnh ở Việt Nam.
Với tính từ “lành mạnh”, nghị định này trở thành mơ hồ, chung chung, vì
nó không chỉ ra được một ranh giới cụ thể giữa những trường hợp vi phạm
và không vi phạm. Không có tiêu chuẩn cụ thể nào để phân định “lành
mạnh” và “không lành mạnh”. Việc xem phim sex chẳng hạn, có thể bị một
người coi là đồi bại, không lành mạnh, nhưng lại là hoạt động có tính
chất giải trí hoặc chữa bệnh, v.v. đối với người khác.
Một điều khoản hoặc điều luật mơ hồ, chung chung, nghĩa là nó có phạm vi áp dụng rất rộng trong những trường hợp rất cụ thể.
Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của
Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân) không có tính
từ nào phạm lỗi mơ hồ, chung chung, nhưng nó có một động từ (“lợi dụng”)
và một số danh từ (“lợi ích của Nhà nước”) phạm lỗi này.
Nó dẫn đến một loạt câu hỏi:
- Thế nào là “lợi dụng”? Tận hưởng quyền tự do của con người đến
mức nào thì bị coi là “lợi dụng”? Tại sao việc thực hiện quyền của mình
lại bị coi là lợi dụng?
- Sử dụng, hay nói đúng hơn, tận hưởng, quyền tự do dân chủ đến mức nào thì bị Nhà nước coi là “lợi dụng”?
- Có thể sử dụng các quyền tự do dân chủ để làm những việc gì?
- Lợi ích của Nhà nước cụ thể là gì? Ai quy định lợi ích của Nhà
nước? Đã từng có công dân nào nhìn thấy bảng danh sách các lợi ích của
Nhà nước để biết đường tránh vi phạm chưa?
Ví dụ, hành động in áo phản đối đường lưỡi bò, chống dự án khai
thác bauxite Tây Nguyên, v.v. của một số người, nếu đã xâm phạm lợi ích
Nhà nước thì cụ thể là xâm phạm những gì, quy ra thành tiền là bao nhiêu
để nếu có thể thì người phạm tội sẽ đền bù thiệt hại? Công dân Việt Nam
có được hưởng quyền tự do dân chủ đủ để... in áo không, và nếu in thì
in như thế nào là xâm phạm lợi ích Nhà nước, như thế nào là không xâm
phạm?
Điều 258 không có câu trả lời cho các câu hỏi đó. Việc diễn giải
hoàn toàn tùy thuộc lực lượng công an và hệ thống tòa án, dưới sự lãnh
đạo duy nhất và tuyệt đối của Đảng. Và thế là sự tùy tiện và lạm quyền
lên ngôi.
Điều 258 đã bảo vệ được ai?
Một số người bảo vệ Điều 258 cho rằng điều luật này bảo vệ tổ chức
và công dân khỏi bị “xâm phạm lợi ích hợp pháp”, và họ suy luận thêm: Đó
là bảo vệ tổ chức và công dân khỏi bị vu khống, bị xúc phạm danh dự và
nhân phẩm.
Nếu vậy thì họ vướng vào một mâu thuẫn: Bộ luật Hình sự đã có các
điều khoản quy định về tội làm nhục người khác (Điều 121) và tội vu
khống (Điều 122). Hai tác giả bài viết này không hoàn toàn đồng tình với
việc xem xét hành vi làm nhục và hành vi vu khống dưới góc độ hình sự,
vì ở đây có dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, điều này
một lần nữa chứng minh sự chồng chéo và bao trùm của Điều 258.
Thông thường, việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm được bảo vệ bằng Bộ
luật Dân sự. Bộ luật Dân sự 2005 có Điều 37 về bảo vệ danh dự, nhân
phẩm, uy tín; Điều 38 bảo vệ quyền bí mật đời tư; và các quy định về bồi
thường thiệt hại.
Luật Báo chí cũng cấm việc đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống
nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Điều vô duyên nhất sẽ đến khi Nhà nước bắt giữ một người vì cho
rằng họ đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của một người
khác, kết luận điều tra được ban ra, Viện Kiểm sát truy tố, khi ra đến
tòa thì người bị hại tuyên bố: Tôi không cảm thấy bị xâm phạm gì cả. Khi
ấy, Nhà nước sẽ ăn nói ra sao?
Chừng đó quy định, điều khoản của pháp luật xem ra đã quá đủ cho
công dân và tổ chức. Vậy thì, Điều 258 ra đời để bảo vệ ai? Câu trả lời:
bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Mà lợi ích của Nhà nước là gì thì lại tùy
vào sự yêu ghét và diễn giải của bộ máy công quyền.
Nói cho đúng thì năm 2010, nền tư pháp và an ninh Việt Nam đã tạo
tiền lệ sử dụng Điều 258 thay cho các điều khoản pháp luật hiện hành
khác để xử lý một trường hợp “nói xấu” người khác. Đó là khi blogger Cô
Gái Đồ Long bị bắt theo Điều 258, vì có hành động viết blog động chạm
tới gia đình một ông tướng công an. Vụ bắt giam Cô Gái Đồ Long, do đó,
khiến chúng ta tưởng như ông tướng công an đó chính là Nhà nước – bởi
nếu ông là công dân thì đã có những điều luật khác để bảo vệ quyền và
lợi ích, danh dự và nhân phẩm của ông rồi kia mà.
Như vậy, có thể nói ngắn gọn là: Điều 258 đã được vận dụng để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và công an.
Hàng chục người đã bị bắt vì 258
Trên phương diện lập pháp, Điều 258 bất hợp lý, tùy tiện và xâm
phạm quyền công dân như thế. Và trên thực tế, điều luật này quả thật đã
được chính quyền lợi dụng để bắt giữ, xét xử và bỏ tù ít nhất 32 người,
tính từ năm 2006 đến nay. (*) Trong số này, có một số trường hợp
bị bắt vì Điều 258, nhưng về sau được/ bị chuyển đổi tội danh. Điều đó
cũng cho thấy công dụng bảo vệ chế độ tuyệt vời của 258: Đôi khi nó là
cái cớ ban đầu để công an bắt giữ những người nói/viết những gì mà chính
quyền không ưa; cứ bắt giam cái đã rồi sẽ điều tra, nghiên cứu để
chuyển đổi tội danh cho phù hợp sau.
- Năm 2006: Đoàn Văn Diên (Hiệp hội Đoàn kết Công Nông Việt Nam)
- Năm 2007: Trương Minh Đức (nhà báo tự do), Trương Minh Nguyệt
(Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo), Nguyễn Văn Ngọc, Trịnh Quốc
Thảo (nhóm Người Việt Nam yêu nước)
- Năm 2008: Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên), Nguyễn Văn Hải (báo
Tuổi Trẻ). Chuyển đổi tội danh thành Điều 281 Bộ luật Hình sự, “Tội lợi
dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
- Năm 2009: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), Bùi Thanh Hiếu (blogger Người Buôn Gió), Phạm Đoan Trang
- Năm 2010: Lê Nguyễn Hương Trà (nhà báo, blogger Cô Gái Đồ Long)
- Năm 2011: Nguyễn Văn Lía (tín đồ Phật giáo Hòa Hảo)
- Năm 2012: Trần Hoài An (tín đồ Phật giáo Hòa Hảo), 22 thành viên
của Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn. Các trường hợp thuộc Hội đồng
Công luật Công án Bia Sơn sau này đều được/ bị chuyển đổi tội danh thành
Điều 79 Bộ luật Hình sự.
- Năm 2013: Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào (nhà báo), Đinh Nhật Uy (blogger)
Điểm chung lớn nhất giữa các trường hợp bị bắt tạm giam, hoặc bị
xét xử và chịu án tù này là: Tất cả đều bị bắt vì tội lạm dụng các quyền
tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích – chủ yếu là của Nhà nước!
Điều 258 xâm phạm quyền công dân là thế, nhưng vẫn có một bộ phận
dư luận ủng hộ, vì sao? Có lẽ tinh thần ủng hộ tuyệt đối đó xuất phát từ
tư duy “Nhà nước luôn đúng”. Lối tư duy “Nhà nước luôn đúng” này khiến
những người đó tin tưởng và ủng hộ đường lối, chủ trương, chính sách bất
kể hay dở, và hằn học với tất cả các ý kiến phản bác hay đặt vấn đề
trái chiều.
-------
(*) Danh sách trên đây chỉ bao gồm những trường hợp bị bắt vì
Điều 258 mà giới truyền thông (báo chí, blog, mạng xã hội) có đề cập.
Trên thực tế, ở Việt Nam có thể còn rất nhiều vụ bắt giữ (tạm giam hoặc
tù có án) nhân danh “bảo vệ lợi ích Nhà nước” theo Điều 258 mà ít hoặc
không được truyền thông biết đến.
Danh sách được cập nhật vào ngày 13/9/2013, dựa theo nguồn: International Society for Human Rights (ISHR), 2012.
Theo cáo trạng, trong số tang vật của vụ án Đinh Nhật Uy có hai áo
thun ghi dòng chữ "No to U-Line, Yes to UNCLOS". Uy chỉ mới tàng trữ,
chưa mặc áo, nhưng đã bị khép vào tội 258. Vậy hàng chục người đã từng
sản xuất, tàng trữ, mặc loại áo thun nói trên có bị kết tội không?