Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng là nhà báo tự do hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.
Đám đông tự phát
Chiếc xe tải xám xịt của cảnh sát âm thầm luồn lách qua các ngả đường
đông đúc. Trên xe là thi hài hai mẹ con sản phụ - cái chết thường thấy ở
Việt Nam do tắc trách của giới bác sĩ.
Không khí bất chợt nhốn nháo. Người nhà nạn nhân và những người dân
bên đường đã phát hiện ra chiếc xe. Họ hò hét và xô đẩy nhau leo lên
thùng xe. Viên cảnh sát lái xe bị ép phải đi với tốc độ chậm và theo
những tuyến đường do người dân chỉ định. Giao thông tắc nghẽn. Người đi
đường kinh ngạc. Một số chạy theo xe cảnh sát. Chẳng mấy chốc, đám đông
lên tới hàng ngàn người. Cuộc diễu hành quan tài bắt đầu…
Câu chuyện trên mới xảy ra ở Thanh Hóa vào tháng 10/2013. Trong một
cơn thịnh nộ có nguyên do và cả không rõ nguyên cớ, đám đông hộ tống xe
cảnh sát đến trước nhà người bác sĩ liên quan trực tiếp đến cái chết của
hai mẹ con sản phụ. Tại đây, những người phẫn nộ nhất đã la hét và đập
phá, trong khi bác sĩ và vợ con phải trốn về quê…
Nhiều đám đông ở Việt Nam đang hình thành theo cái cách như thế. Vô
số chuyện bất công trong xã hội lại là đầu đề cho những cuộc tụ tập đông
người mà các cơ quan pháp luật rất dè chừng. Tụ tập đông người lại sinh
ra manh mối để dẫn đến những cuộc biểu tình mà chính quyền luôn lo sợ.
Thỉnh thoảng lại xảy ra một phản ứng đông người nhắm vào ngành y tế -
nơi mặt bằng y đức đang trở nên thê thảm. Cách đây không lâu, cái chết
của một cô gái ở Cà Mau đã khiến hàng trăm người bao vây bệnh viện và
nhà bác sĩ. Cuộc bao vây nhanh chóng biến thành đợt tấn công tài sản và
đòi tự mình trừng phạt lối hành xử vô trách nhiệm của giới “lương y như từ mẫu”.
Khi lực lượng cảnh sát có phiên hiệu là 113 đến can thiệp, những người
bức xúc nhất trong đám đông dân chúng còn tấn công luôn cả các nhân viên
thi hành công vụ.
Những vấn nạn ngày càng dồn dập trong xã hội đã đóng góp vai trò hết
sức tích cực trong cơ chế xóa nhòa tình yêu thương giữa con người với
con người. Thay vì sự chia sẻ và đồng điệu như tâm cảm của tôn giáo, xã
hội Việt Nam đã phân tầng một cách sâu sắc, đặc biệt giữa giới cầm quyền
cai trị, những nhóm lợi ích tham lam với giới bị trị và người nghèo.
Một trong những dấu ấn không thể chìm lắng trong mối quan hệ không
bằng lặng giữa hai giới trên là cuộc biểu tình quan tài ở Vĩnh Yên vào
giữa năm 2013. Cái chết đột ngột của một thanh niên, bị người dân nghi
ngờ gây ra bởi người nhà của một quan chức có tầm cỡ của địa phương này,
đã làm bùng nổ không khí phẫn nộ chưa từng thấy nơi thị xã yên tĩnh. Có
đến hàng ngàn người hoặc hơn thế khiêng quan tài kẻ xấu số dọc theo
trên các tuyến đường, bất chấp hàng rào ngăn cản của lực lượng cảnh sát
cơ động và chống bạo loạn.
Trong khi pháp y chỉ kết luận là nạn nhân chết đuối, đám đông biểu
tình đòi phải làm rõ nguyên nhân cái chết và trừng trị kẻ thủ ác. Chỉ
đến khi đó, một cuộc điều tra nội bộ mới được khởi sự. Kết quả của cuộc
điều tra này đã cho thấy mối nghi ngờ của người nhà nạn nhân và dư luận
là không hề sai.
Đám đông định hướng
Đám đông không chỉ sinh ra từ những cái chết y tế hoặc do mâu thuẫn
xã hội. Giải tỏa đất đai và an sinh hậu giải tỏa mới là tiêu điểm tập
trung đông người dân nhất.
Ban đầu, đó là những người dân thuần túy kéo đi khiếu nại và tố cáo
về chính sách đền bù đất không thỏa đáng, về những hành vi ăn chặn tiền
đền bù của cán bộ địa phương và những thứ vô cảm khác. Nhưng khi đã
chính thức trở thành dân oan, những người khiếu kiện đã tạo nên một
trong những tiền lệ cho luật biểu tình vẫn nằm trong vòng oan ức ở Việt
Nam.
Không hẹn mà gặp, các dân oan đất đai rất thường tập trung tại những
trụ sở công quyền ở Hà Nội và Sài Gòn. Thậm chí, đám đông được tổ chức
ngày càng bài bản còn nghĩ ra một phương cách tranh đấu sáng tạo hơn:
trận chiến binh chủng hợp thành được biến thái bằng sức mạnh được biểu
thị tại tòa đại sứ và lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Dĩ nhiên, lớp dân oan khiếu kiện đất đai đã tạo cảm hứng và không ít kinh nghiệm trận mạc cho những người bất đồng chính kiến.
Sau cao trào khiếu tố đất đai bùng nổ vào những năm 2007-2008, đến
năm 2011, một đám đông khác mang màu sắc chính trị đối ngoại đã bùng lên
ở Hà Nội và một phần ở Sài Gòn. Trong hai tháng giữa năm đó, có đến 11
cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra với chủ đề chống sự can thiệp của Bắc
Kinh vào khu vực biển Đông. Tuy con số ban đầu chỉ chưa đến một trăm
người, song sau đó đã được nâng lên đến nửa ngàn người, bao gồm các độ
tuổi khác biệt và cả thành phần khác nhau.
Sự biến đổi sắc thái chính trị mới là điều làm cho nhà cầm quyền lo
sợ nhất. Một đám đông tụ tập thông thường về những chuyện bức xúc xã hội
có thể được xử lý nhanh chóng bằng vào “công tác nghiệp vụ”.
Song phản ứng và cao hơn nữa là phản kháng về chính trị thì không dễ gì
dập xóa được. Đó cũng chính là lý do sau khi lắng đọng vào cuối năm
2011, đến đầu năm 2012 đám đông chính trị lại một lần nữa bùng lên cùng
với sự kiện Đoàn Văn Vươn chống cưỡng chế thu hồi đất ở Hải Phòng.
Đến lúc lúc này, đám đông đã mang một sắc thái mới: kết hợp giữa nạn
nhân chịu bất công, những người hoạt động xã hội với những người muốn
giương cao ngọn cờ về tư tưởng chính trị. Ngay cả báo chí trong nước
cũng hết sức nhiệt tình tham gia và trở thành một đám đông rất đặc biệt:
2.000 bài viết về vụ Đoàn Văn Vươn đã ghi dấu như một kỷ lục về sự bất
mãn đối với thái độ vô cảm và đặc lợi của chính quyền địa phương nói
riêng và sâu xa hơn là với chính quyền trung ương.
Cũng trong năm 2012, giới quan sát ghi nhận sự kết nối vừa tự nhiên
vừa khá bài bản, như một sự đồng cảm giữa các dân oan đi đòi đất với
những người hoạt động chính trị và cả với các tín đồ tôn giáo. Đám đông ở
Việt Nam cũng vì thế đã được nhân lên khá nhiều lần. Những cuộc tụ tập
đông người không chỉ là vài chục như trước đây, mà có thể lên đến vài
trăm người.
Đó cũng là lúc mà xã hội dân sự - điều bị giới tuyên giáo đảng xem là “thủ đoạn của diễn biến hòa bình” - đã manh nha bộc phát.
Nếu cuộc biểu tình đòi trả tự do cho nữ sinh viên Phương Uyên tại tòa
án Long An vào tháng 8/2013 quy tụ đến hàng trăm người thuộc các thành
phần chính trị mà nhà nước không hề ưa thích, thì vụ xét xử luật sư công
giáo Lê Quốc Quân ở Hà Nội vào đầu tháng 10/2013 đã tập hợp đến hàng
ngàn giáo dân, biểu thị sức mạnh đòi trả tự do cho giáo hữu của họ.
Vượt qua sợ hãi
Hãy trở lại với những đám đông lên đến hàng ngàn người ở Vĩnh Yên và
Thanh Hóa. Trong đám đông đó, người nhà nạn nhân tất nhiên chỉ chiếm một
phần rất nhỏ. Số đông còn lại, tất nhiên là những kẻ tỏ mò, a dua hoặc
quá khích dưới con mắt luôn thiếu thiện cảm của chính quyền.
Song những đoạn video lại cho thấy phần lớn người dân diễu hành một
cách ôn hòa trên các đường phố không đơn thuần vì lý do ham vui. Một
cuộc phỏng vấn bỏ túi do nhóm “phóng viên vỉa hè” thực hiện đã cho thấy
nhiều người dân tự nguyện tham gia vào đám đông bởi họ mang tâm tư liên
đới với những vấn nạn và bất công xã hội nhan nhản hàng ngày và ở khắp
mọi nơi. Cũng trong nhận thức nhiều người dân, tụ tập dù chỉ trong im
lặng vẫn thể hiện cho tinh thần đồng cảm giữa những người chung cảnh ngộ
để cùng hướng đến một lối thoát nào đó.
Tâm lý sợ sệt đã dần được thay thế bởi lòng can đảm, dù chỉ là sự can
đảm nhất thời và đôi khi vô thức. Trong cách nhìn của nhiều người dân,
cảnh sát chỉ có thể ngăn chặn được một ít người tụ tập, còn với đám đông
lớn hơn hẳn thì lại là một vấn đề khác hẳn.
Đơn giản là những người đi đường đã chuyển từ thái độ tò mò quan sát
sang hành động hòa vào đám đông, đi theo đám đông, đồng cảm với không
khí của đám đông về những uẩn ức tích tụ trong lòng quá lâu mà không thể
phát ra. Đó chính là cách mà người dân biểu thị thái độ bức xúc và bất mãn, biểu thị tinh thần phản đối và phản kháng đối với chính quyền.
Hiệu ứng đám đông được tạo ra từ đó. Nếu các cuộc bàn thảo bất tận của giới trí thức vẫn chủ yếu xoay quanh bàn trà, bàn rượu mà ít khi bước chân ra đường phố, thì với những người dân ít học thức hơn, câu chuyện lại giản dị hơn nhiều. Hiện thời ở nhiều đô thị miền Bắc, chỉ cần xảy ra một vụ việc nào đó với mâu thuẫn giữa quan chức nhà nước và nhân dân, lập tức đám đông dễ dàng xuất hiện. Những va chạm giữa cảnh sát giao thông với người đi đường là minh họa rất điển hình cho sự xuất hiện đột biến ấy.
Hình ảnh tụ tập và mang tính kết nối giữa một số người đầu tiên đã khích lệ nhiều người đến sau tham dự vào đám đông mà không còn sợ bị sách nhiễu hoặc bắt bớ. Ở Bắc Giang, khi hai người dân bị cảnh sát bắt vì nghi đã đánh đến chết những kẻ trộm chó, có đến 800 người dân trong xã đồng ký đơn “nhận tội”. Thật rõ ràng, người ta đã nhìn thấy một mối kết đoàn nào đó giữa đồng loại và không còn quá sợ sự trả thù của chính quyền.
Đám đông vĩ đại
Tháng 10/2013. Một đám đông khác của dân chúng, lên đến hàng chục ngàn ở Hà Nội và hàng trăm ngàn người ở các địa phương, đã làm nên sự vĩ đại bên sự ra đi vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Cho tới nay, nhiều ý kiến trong giới quan sát và bình luận vẫn ngạc nhiên tự hỏi là tại sao lại có cả một rừng người thành kính đến như thế đối với người được xem là có uy tín xã hội chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh? Họ thành kính thật sự hay còn vì nguyên do nào khác?
Xã hội Việt Nam đang xảy ra một hiện tượng tâm lý chưa từng có: trong quá nhiều thất vọng về đảng và nhà nước, người dân tự tìm đến với nhau để nương tựa vào một niềm tin còn sót lại, dù rằng niềm tin ấy đã chết.
Có lẽ đó cũng là một lý do vì sao tang lễ của tướng Giáp lại có nhiều người viếng đến thế. Đó không chỉ là tình cảm của dân chúng đối với người được xem là biểu tượng hiếm hoi bởi sự trung trinh về chữ Tâm và chữ Hiếu đối với nhân dân và dân tộc, mà còn là sự đồng quyện tự nhiên trong tâm khảm những người đến viếng. Ở đó, trước linh cữu người đã khuất, rừng người còn sống tìm thấy một không khí đồng cảm và sợi dây vô hình gắn bó họ với nhau, khác hẳn với tình trạng băng hoại đạo đức xã hội chỉ cách nhà tang lễ vài trăm thước.
Và cũng ở đó, rừng người đến viếng còn muốn biểu thị thái độ coi thường và khinh bỉ đối với lớp quan chức hậu bối - những kẻ mang thân tội ghê gớm khi đã đẩy đất nước vào thảm cảnh tê liệt đạo đức và kinh tế như ngày hôm nay.
Rất nhiều người dân muốn bày tỏ cái tôi trung trinh của họ: Chỉ khóc cho người vì dân vì nước; còn với cái chết của những kẻ vô tích sự và “ăn của dân không chừa thứ gì” - như cụm từ tán thán của bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đó lại là tiếng reo mừng đến nghẹt thở.
Lòng khinh bỉ lại có thể biến thành nỗi phẫn uất không thể kềm chế. Nếu cứ nhìn vào cái cách mà hàng chục ngàn tín đồ công giáo ở Nghệ An và hàng triệu giáo hữu ở nhiều vùng trên cả nước biểu thị tinh thần phản kháng đối với chính quyền trong và sau vụ Mỹ Yên vào tháng 9/2013, có thể thấy ngay là phẫn uất có thể biến thành hành động phản kháng vào một thời điểm nào đó không xa, đặc biệt trong hoàn cảnh sự ứng phó của chính quyền và lực lượng cảnh sát không đủ “kềm chế”. Khi đó, đám đông hoàn toàn có thể biến thành một lực lượng tự phát và có thể tạo ra những phản ứng không lường trước đối với các chính quyền địa phương.
Ở Tunisia vào năm 2010, sau vụ tự thiêu do quá phẫn uất của một người bán hoa quả, điều đáng ngạc nhiên là đám đông đã chỉ được hình thành bởi sự lan truyền thông tin của các em bé. Trẻ con lại dẫn đến mối quan tâm của người lớn. Vào cuối ngày đầu tiên, thay vì về nhà theo thói quen, nhiều người lớn đã chuyển sang một thói quen mới: tập hợp với nhau, giữa những người không quen biết, để đòi tổng thống phải từ chức.
Khi đám đông đã lên đến hàng triệu người, toàn bộ lực lượng cảnh sát trở nên bất động. Còn quân đội thường giữ thái độ trung lập.
Như một quy luật, xã hội càng nhiễu nhương và hỗn loạn, giới quan chức đảng và chính quyền càng ra sức trục lợi và cưỡng bức người dân, đám đông dân chúng càng có lý do để bạo dạn hơn và liều lĩnh hơn. Tâm lý sợ hãi cũng vì thế được chuyển hóa từ thận trọng sang giễu cợt, cho đến khi bùng vượt qua ranh giới kìm nén.
Kịch bản xã hội - chính trị như thế có rất nhiều triển vọng sẽ diễn ra, vào những năm tới.
Ở Việt Nam.
Ngay tại Hà Nội.
Phạm Chí Dũng
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.