Nguyễn Hưng Quốc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Lâu nay, ở Việt Nam cũng như ở ngoại quốc, hầu như ai cũng biết sự
mâu thuẫn gay gắt giữa ba người đứng đầu bộ máy cầm quyền tại Việt Nam:
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng; Trương Tấn Sang, chủ tịch nước; và
Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng. Những mâu thuẫn ấy được bộc lộ rõ rệt qua
các cuộc tranh chấp quyền lực kéo dài nhiều năm, thậm chí, như trong
trường hợp giữa Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng, kéo dài nhiều thập
niên, lúc cả hai còn là những cán bộ lãnh đạo cấp địa phương. Chúng
không có gì bí mật cả. Mọi người đều biết.
Tuy nhiên, liên quan đến các mâu thuẫn ấy, có một khía cạnh đáng chú ý
hơn: Cách xây dựng và củng cố quyền lực của mỗi người. Có lẽ, một lúc
nào đó, khi những người trong cuộc lên tiếng, chúng ta sẽ có bức tranh
đầy đủ hơn về điều này. Còn bây giờ, nhìn từ bên ngoài, điều chúng ta có
thể thấy được là những chiến lược chung.
Chiến lược ấy, ở Nguyễn Phú Trọng, là nhắm đến việc tập hợp các lực
lượng bảo thủ và giáo điều trong đảng, những người còn tin tưởng vào sức
mạnh và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội (so với chủ nghĩa tư bản); ở
Nguyễn Tấn Dũng, là ban phát ân huệ để mua sự trung thành của quân đội
và công an (bằng nhiều cách, trong đó, có cách phong tướng cho thật
nhiều người, ví dụ, riêng cuối năm 2012, có đến 49 tướng công an mới!)
và các giám đốc công ty quốc doanh, những nơi làm ăn béo bở nhất hiện
nay.
So với Nguyễn Phú Trọng, chiến lược củng cố quyền lực của Nguyễn Tấn
Dũng coi bộ có hiệu quả hơn. Điều đó có thể thấy dễ dàng qua các cuộc
tranh chấp quyền lực giữa hai bên trong mấy năm vừa qua: Nguyễn Phú
Trọng chỉ thắng ở vòng tranh chấp thuộc Bộ Chính trị (gồm, trước, 14
người; hiện nay, 16) nhưng lại thua Nguyễn Tấn Dũng ở cấp Trung ương
đảng (bao gồm 175 người). Thua từ cuộc vận động thi hành kỷ luật đối với
Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị Trung ương 6 (tháng 10/2012) đến cuộc
vận động đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị trong
Hội nghị Trung ương 7 (tháng 5/2013).
Thế còn Trương Tấn Sang? Trước, khi còn là Thường trực Ban Bí thư
Trung ương đảng, có vẻ như ông khá được lòng giới trí thức. Nhiều người
cho ông có tâm huyết và viễn kiến, khao khát làm một cái gì đó hữu ích
cho đất nước. Tuy nhiên, từ sau Đại hội XI, khi ông lên làm chủ tịch
nước, dường như niềm tin ấy dần dần nguội lạnh. Người ta không còn hy
vọng hay chờ đợi gì ở ông nữa. Trương Tấn Sang cũng không thể cạnh tranh
với Nguyễn Phú Trọng trong việc tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng giáo
điều vốn từ lâu vẫn nghi ngờ ông. Ông càng không thể cạnh tranh với
Nguyễn Tấn Dũng ở hai mặt trận: một, với các cán bộ trong quân đội, công
an và doanh nghiệp vì trong tư cách chủ tịch nước, vốn chỉ là hư vị,
ông không có gì để ban bố ân huệ cho họ; và hai, với dân chúng miền Nam,
quê gốc của ông, ông cũng bị Nguyễn Tấn Dũng, cũng là người miền Nam,
tranh giành quyết liệt. Ngay cả khi Trương Tấn Sang có liên minh với
Nguyễn Phú Trọng, ông cũng không thể thắng.
Bởi vậy, không có gì lạ khi mấy năm gần đây Trương Tấn Sang chuyển
hướng sang vận động quần chúng, những người dân bình thường. Ông thường
xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với cử tri, chủ yếu ở thành phố Hồ Chí
Minh. Ở các cuộc gặp gỡ ấy, bao giờ ông cũng tập trung vào một đề tài
chính: chống tham nhũng. Khi hô hào chống tham nhũng, có lúc ông không
ngần ngại chĩa mũi dùi thẳng vào Nguyễn Tấn Dũng, dưới cái tên đã đi vào
lịch sử: “đồng chí X”. Hơn nữa, hầu như bao giờ ông cũng kêu gọi quần
chúng chủ động và tích cực hơn nữa trong trận chiến chống lại tham nhũng
– đôi khi được hiểu là chống lại “đồng chí X”.
Với những mục tiêu và chiến lược củng cố quyền lực khác nhau như vậy,
khẩu khí của ba người lãnh đạo Việt Nam cũng khá khác nhau. Nguyễn Phú
Trọng thường xuất hiện trong các hội trường với thính giả là các đảng
viên, ở đó, ông lè nhè đọc các bài diễn văn cũ rích vốn thường được nghe
trong mấy thập niên về trước, lúc chế độ Cộng sản chưa bị sụp đổ ở Liên
xô và Đông Âu. Nguyễn Tấn Dũng thường xuất hiện trong các hội nghị với
các cán bộ vừa có quyền vừa có tiền để huênh hoang báo cáo về các thành
tích họ đã đạt được. Còn Trương Tấn Sang thường xuất hiện trong các cuộc
họp mặt ở địa phương với áo sơ mi trắng có vẻ rất hiền lành và giản dị
để nói về những thao thức của ông trước những vấn đề nghiêm trọng của
đất nước.
Thật ra, trong cái gọi là “những vấn đề nghiêm trọng của đất nước”
ấy, Trương Tấn Sang hoàn toàn né tránh những vấn đề bức thiết như quan
hệ với Trung Quốc và vấn đề dân chủ hay nhân quyền ở Việt Nam. Ông chỉ
tập trung chủ yếu vào một khía cạnh: tham nhũng.
Đóng vai tiên phong trong mặt trận chống tham nhũng, Trương Tấn Sang
thường lặp đi lặp lại một số điểm: Một, ông hiểu và thông cảm với những
bức xúc của quần chúng; hai, bản thân ông cũng bức xúc và sẽ sẵn sàng
vứt bỏ mọi chức tước, trở về làm dân thường, sống một cách giản dị như
mọi người khi ông cảm thấy không có cách nào thực hiện được ý nguyện của
mình; và ba, kêu gọi mọi người tiếp sức với ông bằng cách can đảm tố
giác bọn tham nhũng.
Nhắm vào các điểm ấy, có khi Trương Tấn Sang khá thành thực. Thành
thực ít nhất ở hai điều. Thứ nhất, thừa nhận nạn tham nhũng đang tràn
lan ở Việt Nam. Hình ảnh không phải chỉ một con sâu mà là “cả một bầy
sâu” tham nhũng là của ông. Cách nói “làm gì cũng ăn hết trọi, loang lổ
chỗ nào cũng có tiêu cực” cũng là của ông. Thứ hai, thừa nhận là đảng đã
bế tắc trong việc chống tham nhũng: Họp hành, rất căng; chỉ thị, rất
nhiều, nhưng tham nhũng vẫn hoàn tham nhũng; cuối cùng, ông kêu gọi:
“mọi người cũng cần phải ra tay, chứ không còn cách nào”.
Dĩ nhiên, việc chuyển giao trách nhiệm chống tham nhũng từ các cơ
quan chức năng sang quần chúng chỉ là một hình thức mị dân. Dân chúng tố
cáo tham nhũng nhưng không có ai giải quyết hết thì sao? Hơn nữa, làm
sao bảo vệ những người dân dám tố cáo tham nhũng? Thấp cổ bé miệng, mỗi
lần tố cáo là một lần đối đầu với tai họa. Trương Tấn Sang cũng thừa
biết, ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có cơ chế nào để bảo vệ người
dân trong nỗ lực chống tham nhũng cả. Biết vậy, tại sao ông vẫn kêu gọi
dân chúng vào một mặt trận mà ông biết chắc chắn sẽ vô hiệu? Thật ra,
ông chỉ cần được lòng dân chúng mà thôi. Điều ông nhắm tới không phải là
chống tham nhũng mà là tập hợp lực lượng cho ông.
Trước, không phải trong nội bộ giới lãnh đạo đảng không từng có các
cuộc tranh giành quyền lực. Có. Hầu như lúc nào cũng có. Nhưng phần lớn
chỉ tập trung trong nội bộ đảng viên, đặc biệt đảng viên cao cấp. Do đó,
chúng nằm ngoài tầm mắt của dân chúng. Còn bây giờ, phạm vi để tranh
thủ rộng hơn, không chỉ giới hạn trong Trung ương đảng mà lan ra mọi
đảng viên, và thậm chí, cả quần chúng. Khi phạm vi tranh thủ mở rộng như
thế, các thủ đoạn chính trị cũng trở thành lộ liễu hơn.
Trong chính trị, các thủ đoạn càng lộ liễu bao nhiêu càng mất tác dụng bấy nhiêu. Trong đó, cái mất lớn nhất là niềm tin.
Nguyễn Hưng Quốc