Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Nước mắt có màu gì?

Đào Hiếu
Theo blog Đào Hiếu
Trong suốt những ngày qua nhiều nước mắt đã chảy. Đến trước tư gia của tướng Giáp thấy người ta đứng xếp hàng và khóc, mở ti-vi thấy người ta khóc, đọc báo cũng thấy rất nhiều nước mắt.
Người ta bình luận, suy luận và đặt câu hỏi: “Tại sao lại có nhiều người khóc cho cái chết của một vị tướng như vậy?”
Chưa thể cả quyết rằng người ta khóc vì cái gì, nhưng có điều ai cũng thấy rằng quần chúng đã khóc tự nguyện, khóc vì thương tiếc, khóc vì kính phục. Không có sự bắt buộc, không màu mè, giả dối. Không bị cưỡng ép, đe dọa như ở Bắc Hàn. Chuyện khóc lóc ở Bắc Hàn là một thứ phản xạ có điều kiện, một thứ phản xạ gần giống như bệnh tâm thần.
Trong cái chết của tướng Giáp không có hiện tượng đó.
Vậy người ta khóc vì cái gì?
* * *
Hãy nêu một giả thiết:
Nếu trước khi chết tướng Giáp là Thủ tướng chính phủ, là Tổng bí thư, là Thống đốc ngân hàng hay Tổng giám đốc EVN… thì quần chúng có xếp hàng dài trước tư gia để khóc như vậy không?
Tôi nghĩ là không, cho dù ông đã từng có một trận Điện Biên Phủ.
Vì sao?
- Vì trước khi xếp hàng viếng tang, họ sẽ nhìn thấy một bóng ma, không phải của tướng Giáp mà của một tài sản hàng trăm ngàn tỉ của Vinashin, Vinalines đang đùn lên, đang tan rã thành cuộn khói đen bốc mùi. Và họ chùn bước, họ quay gót trở về.
- Vì trước khi xếp hàng viếng tang, họ sẽ nhìn thấy hơn một triệu tỉ nợ xấu đang che phủ hệ thống ngân hàng như một đám mây xù xì lông lá, xác thối, rác rưởi và sũng nước cống rãnh tanh tưởi.
- Vì trước khi xếp hàng viếng tang, họ sẽ nhìn thấy những tờ giấy bạc nhàu nhò trong túi mình đang run rẩy không muốn bị móc ra để trả cho xăng, cho điện, cho thực phẩm tăng giá đều đều.
- Vì trước khi xếp hàng viếng tang, họ sẽ nhìn thấy gương mặt tuyệt vọng của Đoàn Văn Vươn trong tù, họ sẽ nhìn thấy dòng máu đang tuôn chảy từ ngực anh Đặng Ngọc Viết sau phát súng cuối cùng kết liễu đời mình.
Những bóng đen ấy, những rác rưởi ấy, những số phận hẩm hiu ấy sẽ làm mọi người xa lánh tang lễ cho dù người đang nằm trong quan tài là ai.
* * *
Chúc mừng tướng Giáp đã chết khi đang đứng ngoài cuộc đỏ đen. Cho dù tướng Giáp có là một đảng viên cộng sản, có từng là phó thủ tướng, có từng là bộ trưởng quốc phòng… thì ông vẫn là một kẻ xa lạ của chế độ, một cái gai trong mắt chế độ. Khi sống, ông đã sống ngoài chế độ, và khi chết – cho dù nhà nước có tổ chức quốc tang – ông cũng đã chết ngoài chế độ. Chính vì thế mà quần chúng thương tiếc ông. Tình cảm ấy quá rõ ràng, không thể đánh tráo được, không ai có thể ăn theo ông được.
Khóc thương tướng Giáp là khóc cho một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm hào hùng và đẹp của cả dân tộc, của nhiều phong trào kháng chiến yêu nước từ Phan Đình Phùng, Hoàng hoa Thám, Trương Định, Hàm Nghi, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học… cho đến phong trào Việt Minh, mà trong đó tướng Giáp là người dứt điểm, là cầu thủ mang áo số 10 đã ghi một bàn thắng ngoạn mục, mang tính quyết định.
Khóc thương tướng Giáp là sự bày tỏ tình cảm với một thiên tài quân sự đã “may mắn” đứng ngoài cái guồng máy tham nhũng, thối nát, và giữ được mình trong sạch.
Khóc thương tướng Giáp là cách bày tỏ sự phản kháng chế độ rằng: tuy các người đã cố xóa nhòa một anh hùng, cố phủ nhận công lao của một vị tướng thiên tài, cố làm nhục một biều tượng rực rỡ của phong trào kháng chiến chống ngoại xâm… nhưng chúng tôi vẫn có tiếng nói của chúng tôi, có cách nhìn của chúng tôi, có sự đánh giá của chúng tôi. Chúng tôi phân biệt được chánh-tà.
Khóc thương tướng Giáp là lời nhắc nhở hùng hồn đến giới cầm quyền rằng cái chết sẽ không từ một ai, nếu không thể chết trong sự thương tiếc của mọi người thì cũng đừng để quan tài mình lầm lũi ra đi trong những lời nguyền rủa.
ĐÀO HIẾU

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"