Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Ký ức về đám tang một trung tướng

Cô Gái Đồ Long
Theo FB Cô Gái Đồ Long
Trung tướng Trần Độ (1923 - 2002), gia nhập Đảng năm 17 tuổi và bị Pháp bắt một năm sau đó; phải kinh qua các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La. Năm 1943, trên đường giải từ Sơn La ra Côn Đảo, Trần Độ đã trốn thoát để ra ngoài tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông lãnh đạo giành chính quyền ở Đông Anh, Hà Nội rồi bước vào cuộc đời binh nghiệp.
Cuối năm 1964, Trần Độ vào miền Nam với bí danh Chín Vinh để gây dựng lực lượng vũ trang. Tháng 3.1974, được phong hàm Trung tướng. Khi Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương thành lập (1981), ông giữ chức Trưởng Ban kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Về sau ông còn giữ nhiều chức vụ khác, như Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Ủy viên Trung ương ĐCSVN. Và, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và hạng ba.
Do bất đồng chính kiến với một số lãnh đạo cao cấp, Trần Độ bị khai trừ khỏi Đảng năm 1999, khi đã có 58 tuổi đảng. Ông mất ngày 9.8.2002 sau một thời gian dài lâm bệnh. Đám tang Trần Độ có sự tham dự đông đảo mọi tầng lớp quần chúng và trí thức, văn nghệ sĩ.
Những câu chuyện trong đám tang ông, đến nay vẫn còn là đề tài trong rất nhiều cuộc trà dư tửu hậu. Một đám tang đặc biệt vì có nhiều người... vỗ tay!

...
Cuối tuần rảnh, đọc lại "Chuyện nghề của Thủy" - của NSND Trần Văn Thủy vừa tái bản 2013. Có một đoạn viết chuyện ông đi đám tang Trần Độ.
(Trích) ... "Cái chết của ông Trần Độ gây một sự xúc động rất mạnh trong quân đội, trong giới văn nghệ sĩ vì ông là người quá đỗi trong sáng. Tình cảm mọi người đối với ông tự nhiên, không chút gượng ép, hơn nữa nó như một nhu cầu của chính những người xung quanh ông muốn có chỗ để tin, để bấu víu vào sự tốt đẹp của con người.
… Vợ chồng tôi mang vòng hoa có viết dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc anh Trần Độ” bên dưới đề: “em Trần Văn Thủy”.
Cô bán hoa tang bê vòng hoa săm săm đi trước. Qua cổng nhà tang lễ thì bị hai cảnh vệ chặn lại. Một người dùng cái máy rà xung quanh vòng hoa tìm thuốc nổ hay gì đó; người kia nhìn dòng chữ rồi xẵng giọng:
- Đã phổ biến là không được “vô cùng thương tiếc” mà vòng hoa này vẫn “vô cùng thương tiếc” là sao?
Lúc bấy giờ tôi mới lơ mơ hiểu là có cái quy định như thế, và sau này mới biết đó là sự thật, kể cả vòng hoa của tướng Giáp cũng bị chặn lại.
Cái gã “dò mìn” bảo bạn hắn:
- Xem này: Trên là “Vô cùng thương tiếc anh Trần Độ”, dưới là “em Trần Văn Thủy”, theo quy định thì gia đình họ mạc được phép vô cùng thương tiếc!
Tôi cũng chưa kịp nói gì thì hai gã phẩy tay “cho phép” hai người đáng tuổi cha mẹ chúng nó vào.
Té ra tôi là người có họ với ông Trần Độ mà bây giờ mới biết! Cũng hay! Bọn trẻ không biết cái tên cúng cơm của ông là Tạ Ngọc Phách, chẳng có dây mơ rễ má gì với họ Trần nhà tôi cả. Trộm nghĩ, xưa kia, lấy bí danh “Trần Độ” để hoạt động cách mạng, ông có nghĩ đến tình cảnh này không? Có ai nghe được tiếng ông cười khùng khục trong quan tài không nhỉ…?
Thế là vào.
Bên trong nhà tang lễ, dòng chữ “Vô cùng thương tiếc” đúc sẵn thường thấy trên tường đã bị che bằng vải đen trên đó có mấy chữ bằng giấy trắng dán vội:
“Lễ tang ông Trần Độ”.
Đám tang diễn ra thế nào thì người ta đã nói nhiều, có thể tìm thấy trên mạng, tôi không kể lại.
@ "Chuyện nghề của Thủy", Nxb Hội Nhà văn, 2013.
____________________
Rảnh đọc luôn lá thư tường thuật của nhà văn Hoàng Tiến, được phổ biến rộng rãi hồi 2002.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"