Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Nói trong im lặng.

Người Buôn Gió 
Thành đến cơ quan lúc 8 giờ kém 15 phút, việc đầu là pha ấm trà, lau lại bàn làm việc. Cái bàn sạch sẽ nhưng Thành vẫn lau vào những sáng đến cơ quan, đó là thói quen từ mười năm nay khi Thành có bàn làm việc. Mười năm trước Thành chỉ là tập sự ở căn phòng này. Khi tốt nghiệp xong khoa Chống phản động tại trường đại học an ninh được phân công về đây công tác. Hơn 5 năm làm tập sự, kinh nghiệm tích lũy dần theo năm tháng. Giờ Thành đã có phòng làm việc riêng với chức đội trưởng, chỉ huy một đội có hơn hai mươi người.


  Thành mở tủ lấy tập hồ sơ đối tượng B mà bên sở văn hóa truyền thông đưa sang. B là đối tượng Thành quản lý hồ sơ hai năm nay. Hắn là một cựu chiến binh, nhà thơ từng được giải văn nghệ của tỉnh.  Ở tuổi ngoài 60 hắn lập blog và dở chứng viết những bài viết công kích chế độ.  Đội tuyên truyền viên trên intenet của sở vă hóa truyền thông  phát hiện được những bài viết của hắn,họ đã tập hợp lại  các bài viết của  B và phân tích kỹ giọng văn của hắn có những giọng điệu tuyên truyền nói xấu chế độ. Hồ sơ của B được chuyển đến cơ quan của Thành.



Việc ngăn ngừa các đối tượng như thế này là của cơ quan Thành, một cơ quan  chỉ ít người biết đến, nó là Phòng bảo vệ tư tưởng chính trị nội bộ thuộc khối 5  Bộ Công An. Hơn mười năm trước intenet chưa nhiều ở Việt Nam, các đối tượng dạng như B chỉ viết bài trên giấy và  gửi truyền tay xem  trong xã hội, hoặc cùng lắm kiếm được hiệu phô tô để tán phán. Những hiệu photo đều được quản lý nhắc nhở thường xuyên. Cơ quan an ninh đã phối hợp với địa phương để có những buổi giáo dục riêng cho các chủ hàng photo những kinh nghiệm phát giác các tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia. Một bản viết tay là chứng cứ rõ ràng để đấu tranh với loại tội phạm này. Lúc mới vào nghề, Thành đã phải túc trực ở hàng intenet quen của đối tượng. Khi hắn đến đưa bài thơ của hắn để photo hai mươi bản, Thành đã bật ám hiệu để đồng đội ập vào khi đối tượng vừa cầm tập photo bài thơ còn nóng hơi máy photo.



Ngày ấy công việc của Thành thật đơn giản hơn bây giờ rất nhiều. Vụ đó Thành đã ghi được thành tích chỉ với việc phục sẵn ở một vị trí, chờ đối tượng đến mang theo cả tang chứng.



Thế nhưng intenet bùng nổ, các đối tượng ngày nay không cần phải đi đâu để dấm dúi tán phát. Bọn chúng chỉ cần ngồi nhà sử dụng máy tính để soạn ra những tài liệu, bài viết nguy hại cho chế độ, rồi tung lên intener, tốc độ lan truyền không thể kiếm soát được như hồi trước đây. Ngăn chặn sự lan tỏa không thể bằng những biện pháp như trước kia chặn ở hiệu photo. Các biện pháp đặt tường lửa cũng chỉ hạn chế được phần nào để giới hạn mức độ tuyên truyền của các đối tượng. Cuối cùng vẫn chỉ có cách thông dụng từ bao năm nay, đó là yếu tố con người, nơi phát xuất những mầm mống xấu.



Thành xem tập hồ sơ bao gồm những bài viết của đối tượng B mà bên sở thông tin truyền thông chuyển sang. Tập giấy dầy đến 40 trang, giọng điệu của B càng những ngày gần đây càng gay gắt, thậm chí đã chỉ trích đến cả tên của thủ tướng chính phủ. Gấp tập hồ sơ của B lại, Thành nhấc điện thoại gọi cấp dưới, nghe trong điện thoại bên kia có tiếng chíu chít, Thành quát.



- Mày đang làm gì.? Chơi điện tử à, sáng ngày ra mày không có việc gì sao.?



Đầu dây bên kia đáp.



- Dạ, thưa sếp, sếp chỉ đạo việc gì ạ.?



Thành quát.



- Sang đây ngay có việc.



Cậu lính trẻ tóc cắt mode Hàn Quốc vào phòng. Thành bảo.



- Mày xem blog của thằng B, lấy những bài nào trước kia , nội dung không có gì gay gắt, in hết ra cho tao xem. Những bài từ năm 2010 về trước nhé, in tất rồi mang lên đây. Gọi thằng Dũng vào đây cho tao.
 Dũng gầy lò mò vào, Thành nói.



- Mày xuống địa bàn nhà thằng B. Xin cái xác minh lý lịch gia đình nhà nó, xem vợ nó làm đâu, con nó học đâu. Bảo cán bộ địa bàn cung cấp đầy đủ càng nhiều thông tin về gia đình nó càng tốt, đi ngay bây giờ đi.



 Dũng gầy gãi tai.



- Có lấy giấy giới thiệu không anh.?  Bọn phường giờ nó toàn đi làm ăn, bảo chúng nó làm việc một lúc là đứa nào đứa nấy nhấp nhổm chỉ chực đi, trả lời qua loa lắm.



 Thành gắt.



- Mày không dọa được bọn địa bàn, thì làm ăn được đéo gì, lúc đi vắng không có ai đóng dấu thì sao. ? Xuống mà phủ đầu quy cả trách nhiệm bọn nó luôn, quản lý địa bàn để đối tượng lên mạng chửi bới, nói xấu chế độ mà không biết. Chỉ đi kiếm chác mấy cái hàng quán là giỏi.



Nói thế, nhưng Thành  vẫn mở ngăn kéo lấy tập giấy giới thiệu đã đóng dấu sẵn của trưởng phòng, Thành điền tên Dũng vào rồi đẩy cho Dũng nhận.



Dũng đi rồi, Thành rót chén nước trà nhấp, châm điếu thuốc. Thành bỗng nhớ ra sáng chưa dặn vợ hỏi mượn tiền ông bác để xây nhà. Miếng đất cơ quan cấp cho Thành được hai năm nay, giờ công việc của Thành cũng đã ổn định. Không phải đi xa nhiều như trước, Thành muốn xây cho xong, có chỗ đàng hoàng còn tiếp khách khứa. Căn nhà Thành ở do bố mẹ cho, mặt tiền bên ngoài vợ Thành bán hàng tạp phẩm. Gần Tết phải trữ hàng bán, hàng hóa chất đống cả vào bên trong chả có chỗ mà đi, đừng nói là sinh hoạt hay tiếp khách.
Thành lấy ra trước điện thoại khác trong túi, chiếc điện thoại dành riêng gọi cho vợ. Vợ Thành cũng có một chiếc điện thoại riêng chỉ hai vợ chồng liên lạc với nhau. Những người làm công tác an ninh bảo vệ chế độ như Thành luôn bị theo dõi điện thoại, đó là công tác phòng ngừa bảo mật tin tức nội bộ. Thành đi ra sân gọi cho vợ.



- Em à, hỏi được tiền bác chưa.?



- Bác ấy bảo khoảng hai tháng nữa có anh à, hình như cửa hàng nhà bác ấy dạo này bọn nó hay đến kiểm tra tạm trú, mấy đứa nhân viên chẳng dám ở, nên cũng chật vật.



 Thành bảo.



- Em bảo bác ấy lo tiền sớm cho mình mượn, chuyện kia của bác để anh lo.



 Ông bác Thành đứng tên mở cửa hàng Karaoke, cho con trai trông nom. Thỉnh thoảng cơ quan có liên hoan hay sếp cần giải trí thư giãn, Thành vẫn đưa đến đó. Không biết là bọn dưới đấy nó kiểm tra tạm trú làm gì, hay lại có người cạnh tranh muốn mượn tay bọn cảnh sát địa bàn để gây khó khăn cho ông ấy. Thành đi qua phòng máy tính của cấp dưới, thấy thằng Long đang ngồi xem mạng. Thành bảo.



- Long, sang bên đây anh nhờ.



Long dạ rõ  to rồi chạy theo. Vào phòng, Thành nói.



- Mày xuống quận X, cầm giấy giới thiệu, bảo họ cấp cho danh sách những khách sạn trên địa bàn phương Y , hỏi luôn cả chi tiết khách sạn nào, có bao nhiêu phòng, địa chỉ, người đứng kinh doanh. Nói với họ là những khách sạn nào mà có người ở phường Y đỡ  đầu, thì đánh dấu để cơ quan an ninh còn cân nhắc khi rà soát ra phương án.



 Thành ngó đồng hồ, đã hơn 9 giờ, chắc sếp trưởng đã đến. Hôm qua các sếp trưởng phòng họp với ban giám đốc cả đêm nhận định  về  tình hình an ninh  cho vụ xét xử ổ nhóm phản động tại miền Trung tới đây. Còn cách phòng sếp trưởng vài bước, Thành dừng lại ngắm nhìn trang phục, rồi mới gõ cửa phòng. Tiếng sếp vọng ra.



- Mời vào.



Thành đẩy cửa vào, sếp trưởng phòng đang ngồi đọc hồ sơ, ông ngước mắt nhìn Thành qua cặp kính trắng gọng vàng hiệu Amor đắt tiền, sếp trưởng hỏi.



- Vụ của thằng P thế nào, đã tiếp cận nó chưa.?



Thành khép cửa, cúi đầu đáp.



- Dạ thưa anh, em đã  cho người theo dõi chặt rồi ạ. Mấy hôm nữa xác định tâm lý đối tượng sẽ gửi giấy triệu tập. Hôm qua lúc anh họp với ban giám đốc, bên sở văn hóa chuyển sang hồ sơ của thằng B. Sáng nay em đã cho triển khai sáng nay nắm thông tin về nó.



Sếp gật đầu, Thành kéo ghế ngồi, xếp lại cái giá bút trên bàn sếp cho ngay ngắn, rồi nói.



- Sếp ạ, em có tí việc riêng muốn báo sếp.?



Sếp Thành đặt tập tờ giấy  xem giở xuống, ông tháo kính lấy khăn mùi xoa lau. Trán hơi nhăn lại , ông nghĩ, lại có việc gì đây. Cái nghề của ông không những quan tâm đến công việc mà còn phải quan tâm đến tất cả suy nghĩ của cán bộ, chiến sĩ cấp dưới. Chỉ thiếu tập trung của cấp dưới một phút thôi, có thể ảnh hưởng trầm trọng đến công việc chung, mà công việc chung cũng chính là sự nghiệp của ông. Năm vừa rồi ông đã học xong khóa học bồi dưỡng chính trị cao cấp ở trường Đảng, nếu công việc không vấn đề gì để bị khiển trách, chỉ cần cuối năm làm luận văn tiến sĩ về đề tài Chống tội phạm có tổ chức trong an ninh quốc gia thời kỳ mới là ông có thể cầm chắc chức phó giám đốc công an tỉnh ở nhiệm kỳ năm sau. Đã hơn 30 năm theo nghề công an, ông hiểu thành công của mình có được là nhờ tổ chức. Nhờ cấp trên chỉ đạo sáng suốt, nhờ cấp dưới tận tâm, tận lực. Người chiến sĩ an ninh đấu tranh với những tội phạm đang đêm ngày âm mưu chống phá chế độ bằng mọi hình thức xảo quyệt đã là công việc cực kỳ khó khăn , đòi hỏi phải dồn hết tâm trí. Cho nên đời sống gia đình của họ phải được đảm bảo tốt về mọi mặt, cũng như tương lai phía trước của cá nhân họ phải có những hứa hẹn chắc chắn thực sự. Một người chiến sĩ an ninh có nền tảng gia đình cơ bản vững chắc bao giờ cũng đáng tin cậy hơn. Ông chưa trả lời Thành vội, ông vẫn nhìn Thành và nghĩ.  Ông làm thế bởi muốn cho cấp dưới hiểu, khi đề đạt gì riêng tư với cấp trên là phải cân nhắc kỹ. Ông có nhiều cách tạo cái uy cho mình, đây cũng là một cách. Nếu ông hồ hởi  hỏi hạn rồi  quyết định nhận lờ, tự nhiên cái uy của ông sẽ mất dần đi. Thấy Thành có vẻ bối rối, ông cảm thấy không khí ông tạo ra đã đủ, ông ôn tồn hỏi.



- Nào, việc gì thế. Cứ nói đi xem nào.



Thành trình bày vội vã, à cái nhà hàng của ông bác Thành, nhà hàng gì ông cũng chả nhớ tên. Ông có đến hai lần cùng với đồng nghiệp ở tỉnh bạn đến chơi. Cũng là vì công việc, ngoài những trách nhiệm phải thực thi theo chuyên án, cũng còn những mối quan hệ tình cảm của công việc, nhờ qua nhờ lại nhau. Việc này cũng không có gì khó, ông  hứa hôm nào sẽ xuống quận X để làm việc về vấn đề an ninh tạm trú của người ngoài. Thành có thể nhân đó là giải quyết việc riêng gia đình.



Thành đi rồi, ông xem tiếp tập hồ sơ, rồi tự mình soạn đánh một công văn đề nghị công ty truyền thông TPN phối hợp tạo điều kiện để cơ quan an ninh tác nghiệp theo dõi điện thoại của ba đối tượng trong hồ sơ. Xong ông cầm tờ công văn lên phòng phó giám đốc xin chữ ký và con dấu.



Cậu lính trẻ mang tập giấy vào phòng, đặt lên bàn Thành báo cáo.



- Thưa sếp, có đây rồi.



Thành giở lướt qua tập giấy, hài lòng, bảo cấp dưới.



- Mày tiếp tục theo dõi blog của nó, xem nó quan hệ với những đứa nào.



Cậu lính trẻ vâng dạ quay ra, Thành bắt đầu xem kỹ những bài viết của đối tượng B từ những năm trước. Chọn ra những bài ưng ý, Thành xem kỹ lại lần nữa rồi đánh dấu bằng bút xanh bên ngoài lề. Đó là những bài viết không có gì nghiêm trọng, đối tượng B kể về hành trình của một người dân oan mất đất do giải phóng mặt bằng làm khu công nghiệp liên hợp. Trong bài viết có hình ảnh, chứng cứ khá rõ ràng, đối tượng B chỉ ghi lại và đưa lên blog của hắn. Thành gọi điện thoại cho cấp dưới Tiến.



Tiến là đội phó, kém thành 5 tuổi, bố Tiến là cán bộ an ninh cao cấp của bộ. Tuy chỉ tốt nghiệp loại xoàng xoàng vì có ông bố lo, nhưng Tiến khá sắc sảo trong việc trấn áp các đội tượng. Bố Tiến vẫn thường gọi điện hỏi thăm Thành về cậu con trai, ông nhờ Thành kèm cặp, dạy bảo Tiến như em ruột. Ông nói Thành đừng ngại quát mắng, tính thằng này cứ phải nói rát nó mới nghe. Chứ mà ề à cả nể là nó chẳng tiếp thu gì đâu, có gì cứ gọi thằng cho ông để ông dạy nó. Thành hiểu đằng sau những lời gửi gắm thân thiết ruột rà ấy là hàm ý ông bố muốn Thành phải nâng đỡ , bao che cho con ông,  con ông có gì sai trái thì nói với ông chứ đừng báo cáo lên trên hay đưa vào biên bản.



Tiến đi vào, dáng cao to lấp cả khuôn cửa, gien của người dân tộc có khác, nét mặt Tiến thô vụng. Bố Tiến là người dân tộc Tày. Nhiều năm trước bộ công an có chính sách tuyển những người dân tộc vào việc đấu tranh với phản động trong nước. Đặc tính của người dân tộc là ít suy nghĩ và trung thành, chỉ cần có cơm ăn áo mặc đầy đủ là họ theo cách mạng, theo đảng đến cùng, đối với họ kẻ thù muôn kiếp sẽ là kẻ thù, không có chuyện thỏa hiệp hay nhân nhượng. Một số chiến sĩ an ninh người dân tộc có tư chất tốt được cho đi học thêm kiến thức để đảm nhận vị trí quan trọng hơn, bố Tiến là một trong những người như vậy.



Tiến ngồi xuống ghế, đặt lên bàn cái iphone4s đời mới nhất, hai tay đặt trên bàn, cổ tay Tiến đeo sợi lắc xích vàng chóe, mỗi mắt xích phải đến nửa chỉ vàng. Tiến tự rót nước uống xong mới hỏi.



- Ông anh có việc gì dạy bảo thằng em ạ.?



Thành đưa mẩu giấy ghi tên họ, địa chỉ người dân oan trong bài viết của B cho Tiến nói.



- Mày xác minh trường hợp này, sau đó gọi nó lên công an xã bảo là làm việc về đơn từ khiếu nại, làm như là giải quyết đơn cho nó. Bảo với nó là vì bên trên thấy thông tin về vụ việc nó từ thằng B. Bảo nó trình bày việc gặp thằng B thế nào, ở đâu, ngày nào, nói gì...vừa hỏi việc đó vừa xem vào việc đất đai của nó để cho nó nghĩ là mình đang giải quyết việc của nó chứ không phải việc khác.



Cầm mẩu giấy, Tiến chửi thề.



- À đm, lại cái con mụ này, nó ở vườn hoa bao năm nay mà. Nó có về nhà đâu anh. Để em hốt nó vào trại phục hồi nhân phẩm vì tội lang thang không có nơi cư trú. Rồi em đến đó hỏi sau. Vào đó giam cho mấy bữa mà xin xỏ rối rít về với chồng con, hết cả kiện. Bọn này nó đi nằm ăn vạ ở vườn hoa được tiền nên nó nằm mãi. Bị bắt vào trại không kiếm được gì là hết vở ngay.



Thành gắt.



- Tao bảo mày hỏi nó về việc gặp thằng B thế nào, chứ có bảo mày đi giải quyết dân oan ngoài vườn hoa đâu, mày muốn thì tao cho mày sang đội dân oan bên phòng trật tự xã hội nhé. Sang đó làm đội trưởng luôn.



Thành ngừng lại  rót nước nhấp ngụm lườm Tiến rồi nói tiếp.



- Mẹ, làm ở an ninh mà ông cứ như đi đuổi chợ ấy. Thôi đi làm đi. Lấy nhanh trong chiều nay nhé.



Tiến cười khì khì, cầm tờ giấy đứng dậy, chợt nhớ ra gì, Tiến rút ví lấy ra mấy tờ hóa đơn
.
- Sếp, sếp ký em hóa đơn tiền xăng, em hết tiền rồi.



Thành nhìn mấy tờ hóa đơn xăng, Thành gắt.



- Chưa đầy tháng mà 200 lít, tối mày đi đua xe à mà tốn thế.?
Tiến cười khì khì.



- Giờ người ta gọi là đi '' bão '' đi ''xõa '' ai gọi là đua xe nữa, sếp gọi thế mất quan điểm. Bố em nghe thấy mắng chết, sếp cứ bảo là em đi '' bão'' đi '' xõa ''  để ông già em nghe nghĩ là đi làm nhiệm vụ gì đó nhé, ông ấy không hiểu mấy từ mới này đâu.



Thành ký xác nhận hóa đơn rồi đưa lại cho Tiến nhận.



Phòng hành chính kế toán chỉ còn mỗi Thu, cô đang ngồi cộng lại khoản trà thuốc, mua vật dụng văn phòng. Tiến rón rén lại gần nhẹ nhàng ngồi cạnh nói.



- Tối mình đi bar em nhé, có quán mới đấy, thằng bạn anh có cổ phần ở đó. Hôm nay nó phiên nó trông. 8 giờ anh qua đón nhé.



 Thu lắc cái mái tóc nhuộm hoe nâu.



- Không, anh đi một mình, đi với anh về muộn lắm. Còn bao nhiêu việc đây này.



Tiến xòe cái hóa đơn xăng đưa Thu.
- Em giải quyết cho anh việc này trước, anh phải cần kinh phí đi bây giờ.



Thu nhận tờ hóa đơn xăng, kêu toáng.



- Sao lại 200 lít, bà Hồng không duyệt đâu.



Tiến đập bàn, làm bộ giận dữ trêu Thu.



- Cho con mụ già ấy về vườn luôn, em lên thay. Già ngu biết cái gì, người ta đi 1 lít xăng là cứ đi 1 lít xăng đâu. Chạy 1 lít xăng phải nửa lít bia kèm, hay 300mlm cà phê. Ai cứ chạy mãi mãi như thế. Bảo mụ ấy thử đổ 100 lít xem chạy mãi hay có lúc phải dừng lại cà phê cà pháo.



Thu bĩu môi.



- Lắm chuyện, thì bảo bà ấy là đây cộng cả tiền nước nôi rồi là bà ấy nghe, gì mà tinh tướng, cậy bố làm trên kia chứ gì. ?



Tiến nói.



- Bà ấy làm bao năm thừa hiểu ấy chứ, nhưng cứ muốn hoạch họe thế hiện thế. Anh lạ cái gì cái kiểu ta đây có quyền hành. Người ta đi bạc mặt ngoài đường đã khổ, ở trong phòng lạnh thế này chả thương thì thôi, cứ làm khó nhau.



Loanh quanh ở phường đối tượng B đến cả tiếng mới gặp được cán bộ khu phố, Dũng gầy mãi cũng lấy được thông tin về B. Vợ B làm giáo viên tiểu học, con gái B đang học đại học Giao Thông Vận Tải, đứa con trai còn đi học tiểu học, loại này bé chưa cần phải hỏi trường ở đâu. Chỉ cần chỗ con mẹ và đứa con gái là được. B về hưu, đi họp chi bộ phát biểu nhiều lần khác quan điểm của Đảng. Chi bộ đã nhắc nhở nhiều lần, B cũng không đi họp nữa. Dũng gầy còn biết thêm nhà B đang có mâu thuẫn với nhà hàng xóm vì lối đi. Nhà hàng xóm hay để xe máy ngoài cửa, ngõ hẹp, nhà B bên trong đi lại vướng, thành ra hai bên hay lời qua tiếng lại. B đã có mấy lần gửi đơn lên phường để khiếu nại. Dũng gầy xin photo tờ đơn để lấy bút tích của B , cảm thấy đã đủ liền chào cán bộ khu vực về lại cơ quan. Trước khi về Dũng gầy nói với cán bộ khu vực.



- Tên B này là đối tượng mà phòng chúng tôi đang làm việc, sau này có gì đề nghị anh theo dõi sâu sát hơn. Anh nên tận dụng mẫu thuẫn giữa hàng xóm của B, để đặt họ làm cơ sở theo dõi những ai ra vào nhà tên B, có được hình ảnh về những đối tượng quan hệ với B nữa thì rất có lợi cho công việc. Về cái đơn khiếu nại chuyện lối đi, tôi nghĩ phường ta nên tổ chức cuộc họp dân phố khu B ở để bàn về việc này. Chọn người mình vào nêu ý kiến là hàng xóm nên nhường nhịn nhau, đừng mâu thuẫn chuyện nhỏ nhặt đơn từ mất hết tình nghĩa. Làm thế cho B hiểu và hàng xóm hiểu rằng không ai bênh những kẻ phản động như nó. Cho nó bị cô lập, bà con hàng xóm thấy nó không được chính quyền quan tâm, họ khinh thường gia đình hắn. Tự hắn phải rút ra bài học cho mình biết phải thế nào.



Cán bộ khu vực ngần ngừ, Dũng gầy hiểu ý nói tiếp.



- Anh cứ làm những việc đó trước,  vài bữa nữa chúng tôi sẽ có buổi làm việc chính thức với quận, có mặt cả phường. Lúc đó anh báo cáo đã có những biện pháp với tên B chẳng phải tốt cho anh hơn sao.?
 Cán bộ khu vực nét mặt giãn ra, vui vẻ bắt tay Dũng gầy.



- Anh yên tâm, tôi sẽ làm ngay.




Long trình danh sách những khách sạn ở trong phường Y cho Thành. Đã đến giờ nghỉ trưa, Thành cất cái danh sách mà Long đưa vào cặp rồi về nhà ăn cơm. Nhà Thành cách cơ quan không xa, chỉ chừng 3 cây số. Hôm nào có việc Thành mới ăn cơm ở bếp cơ quan, còn thường về nhà ăn với vợ con. Vợ chồng Thành có hai con, một gái 14 tuổi và một trai 10 tuổi.  Thằng bé ăn trưa luôn tại trường, có con chị thì ăn trưa ở nhà. Trừ vợ Thành ra, con cái và ngay cả họ hàng bên vợ hay bên nhà Thành chỉ biết Thành làm công an tỉnh. Trong nhà Thành treo tấm bằng khen chiến sĩ giỏi năm 1997 của phòng cảnh sá tquản lý hành chính xã hội của tỉnh. Ai trong đơn vị Thành cũng có tấm bằng khen như thế, thường của những phòng ban chung chung, để cho khách khứa hay họ hàng trong gia đình khỏi hỏi rõ về công việc cụ thể là gì. Với mức lương cộng với phụ phí công tác các khoản hơn 10 triệu một tháng của Thành và thu nhập từ hàng bán tạp hóa của vợ. Gia đình Thành sống cũng tạm dư dả trong thời buổi mà thiên hạ phải đầu tắt, mặt tối cày cuốc từ sáng tới khuya. Đám bạn Thành có đứa làm kinh doanh đất đai, buôn bán cũng khá giả có biệt thự, xe hơi. Nhưng có khối đứa còn lo ăn từng bữa. Đứa giàu có cũng chẳng biết thế nào. Giàu bây giờ thật đấy có khi đùng cái lại nợ cả đống chốn chui chốn lủi, đứa nghèo thì chả biết bao giờ mới ngóc đầu lên. Kinh tế nhà Thành cứ đều đều chậm mà chắc, ổn định, không phải lo lắng bấp bênh. Đồng lương cứ tuần tự theo năm tháng mà nâng dần lên. Mọi tiêu chuẩn nghỉ phép hay lễ tết chính sách nhà nước cũng ưu đãi, khám chữa bệnh cho gia đình không phải mất tiền thuốc men. Riêng cái khoản đó là đỡ lo hơn bao nhiêu người khác rồi.



Mối bận tâm của Thành là năm nay xây xong cái nhà trên miếng đất cơ quan phân. Xây xong gia đình chuyển về đó ở, chỗ này cho vợ kinh doanh mở rộng thêm hàng hóa, thuê thêm một người họ hàng nào ở quê bán hàng  phụ giúp cho vợ.  Quay đi quay lại con lớn vào đại học là thằng bé ngấp nghé cấp ba. Đời người bao thứ phải lo.Thành chặc lưỡi nghĩ - Một xã hội đang yên bình, mọi người đều làm việc tốt, có thu nhập  lũy tiến, mọi cái đều bình thường và có sự phát triển ổn định. Tại sao lắm kẻ cứ ngày đêm muốn phá phách, thay đổi cái sự bình yên này cơ chứ. Người bình thường thì cứ lo làm ăn, tích lũy. Chỉ có bọn phản động, bọn thù địch với đảng với chế độ của ta mới âm mưu lật đổ chế độ. Chúng muốn dựa hơi vào những bọn tư bản bên ngoài để mưu đồ chính trị. Chỉ có tham vọng như vậy mới khiến chúng không hề từ bỏ âm mưu đen tối.



Thành nhìn bữa cơm vợ dọn ra, thấy chỉ có hai cái bát bèn hỏi.



- Sao con không về ăn hả em.?



Vợ Thành nói.



- Hôm nay nó sinh hoạt Đoàn dã ngoại buổi trưa, sáng em cho tiền nó ăn luôn bên ngoài rồi anh à. Con bé nhà mình được nhà trường khen có trách nhiệm trong tập thể lớp lắm. Em nghĩ sau này mình hướng cho nó học hành chính công anh ạ.



Thành ậm ừ, đầu Thành vẫn đang nghĩ đến B. Ngăn chặn một kẻ đã hơn 60 tuổi đầu là điều khó, vì tư duy đã định hình. Không phải như những thanh niên máu nóng bị kích động hùa theo ở những trường hợp dễ bị kích động. Phòng của Thành chuyên về trấn áp tinh thần, ngăn chặn đối tượng,  tìm biện pháp giáo dục cảm hóa đối tượng. Nếu đối tượng đi quá mà các biện pháp nghiệp vụ không thể vô hiệu hóa được, lúc đó hồ sơ của hắn sẽ được chuyển sang cho cơ quan an ninh điều tra để khởi tố. Nói một cách khác là vị trí của Thành là ở tuyến đầu trong mặt trận bảo vệ tư tưởng chính trị. Nếu thuyết phục hay ngăn ngừa được đối tượng từ bỏ những phát ngôn, ý kiến sai lạc đó là thành công, là hiệu quả công việc của những người như Thành. Mỗi lần phải chuyển hồ sơ của đối tượng nào đó sang cho bên an ninh điều tra khởi tố, Thành không vui chút nào. Cho dù Thành đã củng cố hồ sơ chặt chẽ, đầy đủ bằng chứng để cơ quan điều tra dễ kết tội đối tượng, nhưng Thành vẫn thấy áy náy như mình đã không làm tròn nhiệm vụ. Thành mường tượng con đường nào đã đưa B đến những bài viết đả phá chế độ như ngày hôm nay. Một cựu chiến binh, vợ con đàng hoàng, lương hưu, phụ cấp khá . Lẽ ra B phải thanh thản sinh hoạt CLB hưu trí, hay nuôi trồng thứ gì , làm thơ , viết những bài tích cực đóng góp cho xã hội. Tại sao người như B lại đi vào con đường này, hắn có khúc mắc gì với cán bộ địa phương không.? Nhiều trường hợp chỉ vì không bằng lòng với một quyết định nào đó của địa phương mà nhiều cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh đã bất mãn và có thái độ quy kết cả bộ máy chính quyền không ra gì. Đơn từ, khiếu kiện chưa giải quyết được ngay theo ý lại sinh ra bức xúc, rồi những phần tử thù địch nhân đó kích động, xúi dục thêm vào. Khiến cho người ta dần dần càng chống phá đảng và nhà nước một cách vô ý thức.  Các thầy giáo ở trường T31 là những cán bộ an ninh cao cấp nhiều kinh nghiệm đã phải thường xuyên đúc kết và phân loại những đối tượng phá hoại an ninh thời kỳ mới, để giảng dạy kịp thời cho các cán bộ an ninh . Bài học đã chỉ ra rằng do sự chuyển biến về xã hội mau lẹ, nhiều khi chính sách địa phương đưa ra không phù hợp với thực tế, khiến bộ phận quần chúng nhỏ trong nhân dân. Vốn dĩ thiếu niềm tin vào chế độ lại cộng với sự chủ quan, yếu kém nắm bắt thực tế của cán bộ địa phương, sinh ra sự bất mãn. Đảng ta nhận thấy rõ điểm bất cập này, và luôn cố gắng đưa ra những giải pháp, chính sách kịp thời. Nhưng làm gì cũng phải có thời gian, đâu phải ngày một ngày hai. Thế nên trách nhiệm của cán bộ an ninh trong thời kỳ này cần phải chủ động, linh hoạt phân loại đối tượng để có biện pháp thỏa đáng. Chưa lúc nào người lính trên mặt trận an ninh phải cam go như bây giờ, nhất là lúc kẻ địch có lợi thế là phương tiện truyền thông trên internet giúp sức.



Vợ Thành xới cơm , đặt bát cơm trước mặt chồng nói.



- Anh ăn đi, lại nghĩ gì thế, suốt ngày nghĩ gì thôi. Em tính rồi, mình chỉ cần mượn thêm bác 300 triệu là đủ xây nhà. Mình hứa đầu  năm sau nữa trả được không anh, chỉ cần qua hai cái Tết là mình có tàm tạm rồi. Anh lo được bao nhiêu thì lo, còn cứ để em lo nốt cho.



Thành và cơm nói.



- ừ, cứ thế. À.! mà mấy hôm nữa anh nhờ sếp đi cùng xuống phường bác ấy, em nhớ chuẩn bị anh ít quà cám ơn sếp nhé. Ông hứa sẽ xuống dưới đó rồi.
 Vợ Thành đặt bát xuống bàn, chống tay lên cằm nhìn chồng hỏi.



- Thì việc lo quà, mình bảo bác chứ anh.



Thành lắc đầu.



- Không , mình không lặt vặt thế. Mình sẽ lo cả, em cứ nghe anh. Với bác ấy tính sau, để bác ấy dính vào không có lợi.



2 giờ chiều Thành mới đến cơ quan, cái máy điều hòa chạy è è mãi không làm bớt được hơi nóng cuối tháng 8. Máy cũ rích nhiều khi tiếng kêu của máy khiến Thành không tập trung làm việc được. Dũng gầy đã có bản báo cáo trên bàn, thằng này được việc nhất.Chắc tranh thủ buổi trưa về nó đã làm báo cáo. Thành đọc qua lại vài lượt rồi nhấc máy gọi Dũng gầy sang.



Thành cười hỏi.



- Nắng nôi đi vất vả nhỉ. ? Làm tốt đấy, mai xuống chỗ trường vợ thằng B hỏi trường nó về nhân thân vợ nó, quá trình công tác, tư tưởng. Rồi nói thế nào để hiệu trưởng ở đó bắn tin lại cho vợ nó biết là có cơ quan an ninh đến hỏi rồi đấy, nói hiệu trưởng bảo vợ nó về nói nó làm gì thì làm đừng ảnh hưởng vợ con.
Dũng gầy lắc đầu.



- Vợ nó sắp về hưu rồi còn đâu, năm mấy tuổi rồi còn gì. Qua trường con gái nó thì cũng không có lý do lúc này. Thằng này cứ quay nó về việc kiện cái lối đi cho nó chóng mặt ra anh ạ.
 Thành gõ gõ cái bút ngẫm nghĩ rồi nói.



- Việc đó để sau đã. Mình phải gặp nó trước làm việc về chuyện blog của nó. Gọi anh thằng Tiến xem nó về chưa, về rồi thì lên đây báo cáo. Mẹ cái thằng đấy không nhắc là lại la cà.



Tiến vào giở giấy tờ ra nói .



- Xong rồi đây anh, cái con mụ này được thằng C nó dẫn đến nhà thằng B, nhờ thằng B viết bài. Mụ đấy khai là gặp tại nhà thằng B, đưa đơn từ, kể chuyện. Thằng B có quay clip phỏng vấn mụ ấy. Mụ bảo tại chính quyền không giải quyết nên gặp ai là mụ ấy nhờ.



Thành nhận tờ khai của Tiến đưa, đọc xong cất vào kẹp hồ sơ B.  Khen Tiến.



- Tốt, được rồi, cứ về phòng có gì anh gọi sau. Giờ anh tổng hợp viết báo cáo gửi sếp xin ý kiến vụ này.
 Tiến đi rồi, Thành tắt máy lạnh, mở cửa sổ hút thuốc. Việc của lão B này cũng chưa có gì đến mức độ ghê gớm, mới chỉ là những dấu hiệu bắt đầu sa đà vào chuyện chỉ trích chính quyền. Gia đình vợ con cơ bản có nghề nghiệp , học hành. Nhưng dấu hiệu mà thằng C dẫn người đến nhà B nhờ viết đơn lại là dấu hiệu cho thấy manh nha có sự liên lạc, cấu kết giữa các đối tượng phức tạp với nhau. C là đối tượng mà bên phòng chống phản động trong nước quản lý, hắn đã từng bị 2 năm tù vì tội kích động gây rối. Thông tin nội bộ cho biết C có những quan hệ với các tổ chức phản động bên ngoài. Giờ lại phải thêm việc nữa là xác minh mối quan hệ giữa C và B mật thiết đến đâu. Lại phải làm công văn xin hồ sơ của C bên phòng chống phản động, rồi lại làm công văn xin phòng trinh sát ngoại tuyến cấp người giám sát việc quan hệ của B. Thôi cái việc giám sát cũng chưa cần, thế đã. Thành vất mẩu thuốc vào gạt tàn. Ôm tập hồ sơ sang phòng sếp.



Thành giở tập hồ sơ ra đưa sếp, miệng nói.



- Báo cáo sếp, đã cho người nắm bắt thông tin về B. Trước tiên em định lựa một số bài viết của hắn có cơ sở pháp lý, để triệu tập hắn đến làm việc. Bước đầu để hắn xác định blog của hắn. Vì vậy em sẽ không nhắc đến những bài viết gay gắt chỉ trích chính quyền của hắn ngay. Đây là những bài của hắn em lựa ra để gọi hắn làm việc. Những bài viết này thì hắn có đủ lý để biện minh, như thế hắn sẽ xác nhận là chủ của blog ....buổi sau nữa khi hắn xác nhận rồi thì làm việc đến các bài khác.



Sếp của Thành gật đầu, ông xem lướt qua mấy tờ hồ sơ Thành đưa rồi hỏi.



- Gọi nó lên chỗ mình hay là định gọi làm việc với nó ở đâu.?



Thành đáp.



- Em định gọi nó lên công an quận, coi như là quận tiếp nhận ý kiến nhân dân. Cho nó đỡ nghi.



Sếp Thành gật đầu, ông lấy tờ giới thiệu đã đóng dấu sẵn, ký tên đưa cho Thành.



B nhận giấy triệu tập của công an quận từ tối hôm trước, trong giấy thông báo người ta muốn ông đến làm việc vì những phản ánh nội dung khiếu nại của bà Nguyễn..người đàn bà bị lấy mất đất và đền bù với giá rẻ mạt không đúng với pháp luật. Vườn nhà bà là đất thổ cư, đời ông bà cụ kỵ đã sử dụng. Đến cái cây mít rành rành ai cũng biết thân nó một người ôm mới hết, nó phải có hàng chục năm. Thế mà người ta bảo đất của bà lấn chiếm vì không có sổ đỏ. Đợt nhà nước chủ trương cấp sổ đỏ. Bà đã mấy lần làm đơn, nhưng vì không có lót tay cho ủy ban xã, người ta cứ chần chừ xem xét. Đến mấy năm không xong, giờ đến lúc có chủ trương giải tỏa làm đường thì bên giải tỏa mặt bằng họ bảo vườn nhà bà không có sổ đỏ. Là đất lấn chiếm sử dụng không hợp pháp, chỉ đến bù theo giá hoa mầu. Theo những gì ông mường tượng thì ông hiểu rằng chắc có sự thông đồng giữa ủy ban xã và ủy ban giải phóng mặt bằng. Bọn họ đền bù cho bà theo giá rẻ mạt của đất hoa mầu lấn chiếm, nhưng chắc sẽ làm hồ sơ đất thổ trạch để lấy tiền đền bù cao hơn. Rõ ràng cả cái khoảnh dọc theo đất nhà bà Nguyễn ấy có từ  trăm năm định cư, canh tác, có cả nhà ngói cũ năm gian. Có phải đất bãi bồi bờ sông đâu mà vô chủ.



 Trong lòng B, người cựu chiến binh trải qua mấy chiến trường từ Nam ra Bắc dấy lên niềm vui nhỏ. Ông thấy mình vẫn còn có gì đó để giúp cho đời, cho những mảnh đời bất hạnh bị oan khuất. Từ ngày thôi công tác nhận giấy về hưu, ông mới có thời gian nhìn quanh mình và nhận thấy cuộc sống còn nhiều chỗ không được tốt. Thậm chí là rất xấu đằng khác. Môi trường công tác cũ của ông gói gọn 8 giờ đến cơ quan, tối về đọc báo, xem ti vi rồi đi ngủ. Ở cơ quan và trên báo , đài ông xem hàng ngày chỉ thấy cuộc sống diễn ra tốt đẹp, thảng có chỗ này bị bão lụt, chỗ kia tắc đường là cái đáng phàn nàn một chút. Bão lụt thì đúng là thiên tai, nhưng mức độ phòng chống của ta vẫn còn chủ quan lắm, nên để thiệt hại không đáng chút nào. Cái chuyện tắc đường thì đường sá có thế, người ở tứ xứ cứ kéo về nườm nượp bảo sao không tắc. Nhưng từ khi về hưu ông mới nhận ra trong cuộc sống hàng ngày còn có nhiều dông bão khác. Đấy ngày trước ông đi từ sớm, đâu có biết cái chuyện nhà hàng xóm ban ngày chiếm hết lối đi làm chỗ để xe. Cứ vô trách nhiệm, ích kỷ lấn chỗ đi chung như thế, nhỡ có hỏa hoạn hay cấp cứu gì thì sao kịp. Lối đi là lối đi chung, có phải riêng của nhà họ đâu. Bà con xung quanh góp ý, ông đã đứng đơn gửi ủy ban. Những mãi năm lần bảy lượt chả ai giải quyết. Bà con bảo bây giờ cán bộ nhà nước làm gì ra tiền họ làm, chứ đi dẹp xe cho nhân dân lấy lối đi có ra tiền đâu mà họ dẹp.  Mấy lần ông lên phường nạp đơn, thấy cán bộ phường làm thủ tục gì mà có thu phí họ làm nhanh lắm, cứ cộp cái dấu công chứng vào tờ giấy là cớ mươi ngàn, mà cộp lia lịa người xếp hàng cả dãy. Tiền đưa cái nào cộp cái đó, cứ phải nộp tiền trước cơ.



Chả lẽ ông phải kẹp tiền vào cái đơn khiếu nại về lối đi đó phường mới giải quyết cho ông.



- Mẹ cái xã hội toàn khốn nạn. Chế độ khốn nạn.!



Tiếng chửi  quen thuộc của ông bán xổ số vỉa hè lại dội vào đầu ông. Ông bán sổ xố ấy là bạn thưở nhỏ với ông ở cái phố này. Ông đi bộ đội, còn ông ấy làm công nhân cho nhà máy cơ khí. Ông tuổi quân đội quy đổi nên về hưu sớm, còn ông ấy là về mất sức một cục tiền bồi thường không có lương hưu, thế là cùng sớm như nhau. Nhà máy ông ấy sau này làm ăn ế ẩm, nhượng đất lại cho tư nhân. Công nhân chưa đến tuổi về hưu thì về mất sức, tiền chế độ vài chục triệu gửi ngân hàng, mỗi năm lạm phát trượt giá lại ngót đi một phần trông thấy. Ông rút tiền mua sổ xố hàng ngày, được nửa năm thì hết sạch tiền. Nhưng nhờ kinh nghiệm mua sổ xố ông lại có nghề bán vé số. Có lần ông B đã hỏi ông bán sổ xố sao cứ chửi chế độ khốn nạn. Ông sổ xố nói.



- Tôi chửi là chửi cái chế độ về mất sức, mả cha nhà nó. Mình theo nó gần hết đời, đáng ra phải được lương hưu, trượt giá thì còn được bù như ông. Đằng này nó đuổi mẹ bọn tôi về để bán nhà máy cho bọn tư bản xây khu thương mại. Chúng tôi cầm mấy chục triệu bạc làm cái gì, tiền cứ mất giá hàng ngày,  chả đủ mua vé số nửa năm để mà hy vọng. Chế độ khốn nạn. Chế độ lừa đảo, ăn cướp.



 Ông B khuyên bạn.



- Ấy, bác cứ nóng. Cái đó chỉ là nhất thời, chuyện lạm phát nó có nhiều nguyên nhân, kể cả từ tình hình quốc tế đưa lại. Chứ ai nghĩ chuyện nhỏ để đền bù tiền mà làm mất giá thế đâu. Chính sách chỉ là quyết định trong lúc nào đó để giải quyết tình huống đôi khi phát sinh. Đâu mà bác cứ chửi chế độ và xã hội khốn nạn.



Ông sổ xố gào to hơn.



- Tôi chửi cả xã hội khốn nạn đấy. Mẹ chúng nó, người ta già mắt mũi kém, đã phải ra đầu đường bán vé số, mỗi tờ được mấy phần %. Phơi nắng, phơi mưa mà mấy thằng trẻ ranh nó lừa đưa tờ 200 nghìn tiền giả mua vé số của tôi. Thế có phải xã hội khốn nạn không, lừa cả người bán vé số đầu đường. Đạo đức mất hết rồi ông ạ, lại được cái bọn công an nhiều như quân Nguyên. Cái gì cũng tài, thế mà tiền giả đầy ra đấy không tìm ra để nó lừa cả người dân. Tôi hỏi ông, ông in tiền giả khó hơn hay truyền đơn khó hơn. Thế mà ông thử in truyền đơn xem, chỉ mấy phút sau là nó bắt ngay. Tôi có ông bạn đó, ngày xưa viết linh tinh chửi xỏ chúng nó, vừa mang ra hàng photo nó phục bắt được ngay. Mẹ nó tài thế, nhưng mà cái máy in tiền giả nó còn tinh vi hơn cả vé số nữa mà lại chẳng phát hiện được. Xã hội khốn nạn.



Thấy khó mà ngăn được cơn giận của ông bạn, ông B hỏi mua cho bạn vài tờ sổ xố. Giờ ông thấy lời ông bán sổ xố có cái cũng phải nghĩ. Như cái chuyện tiền giả và truyền đơn. Rõ ràng bà Nguyễn bao năm nay vác đơn đi kiện, rải tứ tung khắp nơi từ trung ương đến xã, khắp các ban ngành mà chả ai xem xét cho. Nay nhờ mình viết đưa lên mạng mấy hôm mà có người chính quyền mời làm việc ngay, kể cũng lạ.



Ông B chỉ chợt nghĩ thế thôi, nhưng ông tin ở mình, một cán bộ văn hóa quân đội có thâm niên, một đảng viên, cựu chiến binh, người từng cầm súng xông pha trận mạc. Đời ông làm gì cũng công tâm, không vụ lợi. Chính quyền họ phải biết mà coi trọng lời ông chứ. Bởi nghĩ thế sáng hôm sau ông dậy sớm hơn thường lệ, mặc bộ quân phục nhưng không đeo quân hàm, quân hiệu. Chỉ có cái mũ lưỡi trai mềm là ông gắn ngôi sao quốc huy mà thôi. Ông còn cẩn thận sao chép những clip ông quay phỏng vấn bà Nguyễn, với những tấm ảnh chụp đơn từ, tài liệu của vụ việc bà ấy vào usb để mang đi làm việc.



Lúc ra cửa, vướng xe nhà hàng xóm, nỗi bực mình lại trỗi dậy. Ông định quát cho nhà nọ một trận, nhưng sợ đôi co mất thì giờ lỡ hẹn. Ông nuốt giận nhấc xe nhà nó lấy lối mà đi .





---còn nữa----

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"