Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

“Khóc người ở lại”

Mr. Kitchenhand
Theo blog Hiệu Minh
Xếp hàng 4
Bạn trẻ đi viếng tướng Giáp. Ảnh: HM

Sáng 4/10/2013, chính phủ Việt Nam loan tin về chuyến thăm chính thức của Thủ tướng quốc vụ viện Trung Quốc từ 13 đến 15/10/2013. Chiều tối cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã đặt lãnh đạo Hà Nội vào một tình huống khó xử, biểu hiện ở việc đến chiều tối 5/10/2013 thông tin về việc Đại tướng từ trần mới được chính thức công bố. Đến hôm nay, ngày 14/10/2013 khi mà “tang gia bối rối” đã kết thúc và Lý thủ tướng đang ở thăm Việt Nam thì chúng ta phần nào hình dung ra được lãnh đạo Hà Nội đã ứng phó tình huống ra sao.

Tại sao Quốc tang lại bắt đầu từ 12 giờ trưa, ngày 11/10/2013?
Có hai việc cố định, đó là Đại tướng đã chọn nơi an giấc ngàn thu và lịch trình chuyến viếng thăm của Lý thủ tướng lại không thay đổi. Hà Nội đã phải làm gì? Trước hết, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần thì việc tổ chức Quốc tang là điều được xác định từ trước, thậm chí kịch bản cho Quốc tang cũng đã được chuẩn bị khi Đại tướng của chúng ta bước qua tuổi 100. Việc chậm công bố thông tin về Đại tướng từ trần và kế hoạch tang lễ là do điều chỉnh kế hoạch Quốc tang sao cho phù hợp. Một cách rõ ràng, không thể tổ chức Quốc tang sớm hơn vì lòng dân không chấp nhận một cách làm gấp gáp. Ngược lại, chính quyền Hà Nội cũng không muốn để Quốc tang kéo dài trong và sau khi đón tiếp Lý thủ tướng. Điều này sẽ tiềm ẩn những bất ổn về mặt an ninh – xã hội trong thời gian Lý thủ tướng viếng thăm.
Vì vậy, chỉ có thể là một Quốc tang được tổ chức vào hai ngày cuối tuần ngay trước thời điểm khách viếng thăm xem như khả dĩ nhất. Nhưng nút thắt của sự việc ở chỗ máy bay của Lý Khắc Cường sẽ đến Nội Bài vào trưa ngày 13/10/2013.
Yêu cầu được đưa ra là Quốc tang phải kết thúc trước khi Lý thủ tướng đặt chân đến Hà Nội. Giải pháp chỉ có thể là thời điểm bắt đầu hai ngày Quốc tang vào 12h trưa ngày thứ Sáu (11/10/2013). Do vậy, sự việc đau lòng mới có thể diễn ra: khi linh cữu của Đại tướng còn đang trên đường về nơi an nghỉ cuối cùng tại Quảng Bình thì ở Hà Nội người ta làm lễ hạ cờ rủ – kết thúc Quốc tang!
Di sản của Đại tướng
Khi còn sống, chữ Nhẫn là một giá trị của Người. Theo Tiến sỹ Ngô Vương Anh, “những kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm sáng tạo của một dân tộc nhỏ yếu hơn chống lại kẻ thù lớn mạnh bằng cách “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy đoản binh mà chế trường trận” (Trần Hưng Đạo), “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi), mưu trí sáng tạo, “dĩ nhu xử cương”… càng bồi đắp thêm “bản lĩnh Nhẫn” của ông, để ông vượt qua mọi gian nan sóng gió cuộc đời” (trích dẫn từ Vietnamnet ngày 9/10/2013). Khi ra đi, Người đã đặt những lãnh đạo đất nước vào một tình huống của chữ Nhẫn.
Kiên Nhẫn. Ảnh: HM
Kiên Nhẫn. Ảnh: HM
Trở lại với chuyến thăm của Lý thủ tướng. Thông tin được truyền đi từ Hà Nội hôm nay (14/10) đã đề cập đến việc sớm khởi công tuyến đường cao tốc Lạng Sơn – Hà Nội, tuyến đường cao tốc Móng Cái – Hạ Long, nghiên cứu khả thi đối với dự án đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hải Phòng và nâng kim ngạch thương mại lên 60 tỷ USD vào năm 2015. Vấn đề biển Đông đã chiếm 2/3 ngôn từ được sử dụng trong nội dung thông tin loan báo. Cộng thêm các vấn đề nghiêm trọng kéo dài như Bauxite Tây Nguyên, lao động nhập cư trái phép, … cho thấy Việt Nam đang ở vào thế bất lợi trên mọi mặt trận từ kinh tế, chính trị, ngoại giao đến văn hóa và đặc biệt là an ninh quốc phòng và vấn đề toàn vẹn lãnh thổ.
Trong tình hình quan hệ hai nước đang hiện hữu những căng thẳng, trước một quốc gia luôn có tư tưởng bành trướng, lại đang ở thời kỳ sẵn sàng gây hấn với láng giềng để ổn định tình hình nội bộ; chúng ta nén đau thương cho một một cuộc viếng thăm đã thể hiện chữ Nhẫn trước kẻ bá quyền phương Bắc.
Nỗi lòng
Người phương Đông coi “nghĩa tử là nghĩa tận”. Do vậy, không ai làm phiền lòng gia quyến trong thời khắc bối rối. Lý Khắc Cường đã làm một việc trái với văn hóa và đạo lý Á Đông. Việt Nam hoàn toàn có thể lấy lý do “tang gia bối rối” để gây sức ép điều chỉnh kế hoạch viếng thăm của người phương Bắc, nhưng chúng ta đã làm tất cả để thể hiện tinh thần từ xưa đến nay của Đất Việt trước kẻ bá quyền Trung Quốc, dẫu biết rằng, “bi kịch tang lễ” đã khiến bao trái tim phải bật khóc, phải nuốt sự uất hận vào trong để tiếp tục công cuộc bảo vệ non sông mà tổ tiên để lại! Có thể nhiều người cho rằng lãnh đạo Việt Nam đã làm một hành động nhu nhược, là một thông điệp bán nước cầu vinh, chấp nhận khuất phục trước kẻ thù; nhưng tôi tin rằng tận cùng của chữ Nhẫn sẽ là hành động mạnh mẽ vì độc lập dân tộc, và đó mới là điều tạo nên sức mạnh để đánh bại kẻ thù!
Mr Kitchenhand

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"