Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Xin đừng "sống chung với lũ"

Thu Hiền
“Sống chung với lũ” là cách mà người Việt Nam áp dụng khá nhiều khi phải đối mặt với những khó khăn của mình. Thay vì hành động để giải quyết vấn đề, chúng ta học cách né tránh, hoặc giảm thiểu tác động đối với cuộc sống riêng của mình.

Ảnh: nếu không lên tiếng người đồng tính không bao giờ đòi được quyền của mình
Một trong những ví dụ điển hình, đó là thực phẩm bẩn. Ai cũng biết ăn thực phẩm bẩn là có hại cho sức khỏe, không những cho thế hệ hiện tại mà cho cả thế hệ tương lai. Tuy nhiên, mạnh ai nấy đối phó theo cách của mình. Ai có đất, cố gắng trồng một mảnh vườn để hy vọng có rau sạch ăn. Ai có tiền, đặt mua thực phẩm sạch từ những người quen hoặc cửa hàng bán rau sạch. Ai có họ hàng hoặc cha mẹ ở quê, thiết lập một đường dây cung cấp thực phẩm sạch lên thành phố. Tiếc rằng, mỗi người cũng chỉ giải quyết được một phần vấn đề của mình, vì họ không thể tìm nguồn cung sạch cho tất cả những thứ mình ăn và uống.
Ai cũng biết tham nhũng là xấu, và hối lộ góp phần làm trầm trọng thêm tệ nạn xã hội này. Tuy nhiên, hầu như tất cả mọi người đều sẵn sàng đưa phong bì cho bác sĩ vì sợ nếu không mình sẽ bị chuẩn đoán sai bệnh, hoặc kê sai thuốc. Ai cũng sẵn sàng đi thầy cô, vì sợ con mình sẽ không được quan tâm ở lớp. Ai cũng sẵn sàng kẹp tiền nộp cho công an khi bị tuýt còi, vì có lẽ đó là cách giải quyết nhanh nhất. Dường như, ai cũng tặc lưỡi cho qua, dù bực dọc trong thâm, trước mặt xởi lởi phía sau chửu rủa. Nhưng thôi, đành sống chung với lũ, vì thiên hạ đều thế cả mà.

Bên cạnh những vấn đề cụ thể, những điều to lớn hơn như chất lượng giáo dục, hay chủ quyền kinh tế thì càng xa vời với người dân. Với họ, sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, hay khả năng làm việc của con em sau khi ra trường là vấn đề bất khả kháng. Nếu có điều kiện, họ gửi con đi du học và ở lại nước người, hoặc tặc lưỡi cho rằng thời kỳ toàn cầu hóa, mình phụ thuộc người ta là điều hiển nhiên.
Việc sống chung với lũ hay đầu hàng trước cái xấu, nguyên nhân do người dân cảm thất bất lực và tin rằng, mình có hành động cũng không giải quyết được vấn đề. Niềm tin này được củng cố, vì “sống chung với lũ” đang là phương châm sống của của đa số mọi người. Mình đi ngược lại, không được cổ vũ, ngợi khen, mà còn bị coi là dở hơi và khùng. Chính vì vậy, những cá nhân đơn lẻ thường buông xuôi và chấp nhận “sự thật” một cách ấm ức trong lòng.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều người không bằng lòng với những điều hiện tại. Họ đang phải đối mặt với vấn đề tưởng như đơn lẻ của riêng mình. Họ chỉ phàn nàn chứ không kêu lên để những người khác cũng biết. Có lẽ, đây là điều đầu tiên người dân cần thay đổi, muốn tìm thấy nhau thì họ phải kêu lên.
Mỗi cá nhân thì rất khó thay đổi thế giới, nhưng tập hợp nhau lại, cùng nhau kêu lên thì chắc chắn tiếng nói của họ sẽ to hơn, mạnh hơn, và có uy lực hơn. Khi đó, những kẻ tham nhũng, những người làm điều xấu sẽ biết run sợ vì trước nay họ chỉ có thể bắt nạt từng người riêng lẻ, nhưng khi phải đối mặt với số đông, họ sẽ chùn chân.
Hơn nữa, những người lên tiếng vì công lý sẽ có công lý đứng bên. Còn những kẻ xấu, tham nhũng hoặc làm hại người khác sẽ không bao giờ dám lên tiếng để tập hợp lực lượng với nhau. Đây là sức mạnh của chính nghĩa và công lý. Nó là điều kiện để người dân, những người bị hại có thể bảo vệ mình.
Có điều kiện, bạn có thể giảm thiểu vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình bạn, nhưng sẽ không bao giờ giải quyết được nó. Hơn nữa, những người không có điều kiện sẽ phải hứng chịu những bất công mà bạn và họ đang phải chịu đựng. Điều bạn cần làm là hãy lên tiếng, vì khi lên tiếng, mọi người mới tìm thấy nhau!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"