Người Buôn Gió
Theo blog Người Buôn Gió
2 giờ chiều Thành mới đến cơ quan, cái máy điều hòa chạy è è mãi
không làm bớt được hơi nóng cuối tháng 8. Máy cũ rích nhiều khi tiếng
kêu của máy khiến Thành không tập trung làm việc được. Dũng gầy đã có
bản báo cáo trên bàn, thằng này được việc nhất.Chắc tranh thủ buổi trưa
về nó đã làm báo cáo. Thành đọc qua lại vài lượt rồi nhấc máy gọi Dũng
gầy sang.
Thành cười hỏi:
- Nắng nôi đi vất vả nhỉ? Làm tốt đấy, mai xuống chỗ trường vợ thằng B
hỏi trường nó về nhân thân vợ nó, quá trình công tác, tư tưởng. Rồi nói
thế nào để hiệu trưởng ở đó bắn tin lại cho vợ nó biết là có cơ quan an
ninh đến hỏi rồi đấy, nói hiệu trưởng bảo vợ nó về nói nó làm gì thì
làm đừng ảnh hưởng vợ con.
Dũng gầy lắc đầu:
- Vợ nó sắp về hưu rồi còn đâu, năm mấy tuổi rồi còn gì. Qua trường
con gái nó thì cũng không có lý do lúc này. Thằng này cứ quay nó về việc
kiện cái lối đi cho nó chóng mặt ra anh ạ.
Thành gõ gõ cái bút ngẫm nghĩ rồi nói:
- Việc đó để sau đã. Mình phải gặp nó trước làm việc về chuyện blog
của nó. Gọi anh thằng Tiến xem nó về chưa, về rồi thì lên đây báo cáo.
Mẹ cái thằng đấy không nhắc là lại la cà.
Tiến vào giở giấy tờ ra nói:
- Xong rồi đây anh, cái con mụ này được thằng C nó dẫn đến nhà thằng
B, nhờ thằng B viết bài. Mụ đấy khai là gặp tại nhà thằng B, đưa đơn từ,
kể chuyện. Thằng B có quay clip phỏng vấn mụ ấy. Mụ bảo tại chính quyền
không giải quyết nên gặp ai là mụ ấy nhờ.
Thành nhận tờ khai của Tiến đưa, đọc xong cất vào kẹp hồ sơ B. Khen Tiến:
- Tốt, được rồi, cứ về phòng có gì anh gọi sau. Giờ anh tổng hợp viết báo cáo gửi sếp xin ý kiến vụ này.
Tiến đi rồi, Thành tắt máy lạnh, mở cửa sổ hút thuốc. Việc của lão B
này cũng chưa có gì đến mức độ ghê gớm, mới chỉ là những dấu hiệu bắt
đầu sa đà vào chuyện chỉ trích chính quyền. Gia đình vợ con cơ bản có
nghề nghiệp, học hành. Nhưng dấu hiệu mà thằng C dẫn người đến nhà B nhờ
viết đơn lại là dấu hiệu cho thấy manh nha có sự liên lạc, cấu kết giữa
các đối tượng phức tạp với nhau. C là đối tượng mà bên phòng chống phản
động trong nước quản lý, hắn đã từng bị 2 năm tù vì tội kích động gây
rối. Thông tin nội bộ cho biết C có những quan hệ với các tổ chức phản
động bên ngoài. Giờ lại phải thêm việc nữa là xác minh mối quan hệ giữa C
và B mật thiết đến đâu. Lại phải làm công văn xin hồ sơ của C bên phòng
chống phản động, rồi lại làm công văn xin phòng trinh sát ngoại tuyến
cấp người giám sát việc quan hệ của B. Thôi cái việc giám sát cũng chưa
cần, thế đã. Thành vất mẩu thuốc vào gạt tàn. Ôm tập hồ sơ sang phòng
sếp.
Thành giở tập hồ sơ ra đưa sếp, miệng nói:
- Báo cáo sếp, đã cho người nắm bắt thông tin về B. Trước tiên em
định lựa một số bài viết của hắn có cơ sở pháp lý, để triệu tập hắn đến
làm việc. Bước đầu để hắn xác định blog của hắn. Vì vậy em sẽ không nhắc
đến những bài viết gay gắt chỉ trích chính quyền của hắn ngay. Đây là
những bài của hắn em lựa ra để gọi hắn làm việc. Những bài viết này thì
hắn có đủ lý để biện minh, như thế hắn sẽ xác nhận là chủ của blog...
buổi sau nữa khi hắn xác nhận rồi thì làm việc đến các bài khác.
Sếp của Thành gật đầu, ông xem lướt qua mấy tờ hồ sơ Thành đưa rồi hỏi:
- Gọi nó lên chỗ mình hay là định gọi làm việc với nó ở đâu?
Thành đáp.
- Em định gọi nó lên công an quận, coi như là quận tiếp nhận ý kiến nhân dân. Cho nó đỡ nghi.
Sếp Thành gật đầu, ông lấy tờ giới thiệu đã đóng dấu sẵn, ký tên đưa cho Thành.
B nhận giấy triệu tập của công an quận từ tối hôm trước, trong giấy
thông báo người ta muốn ông đến làm việc vì những phản ánh nội dung
khiếu nại của bà Nguyễn... người đàn bà bị lấy mất đất và đền bù với giá
rẻ mạt không đúng với pháp luật. Vườn nhà bà là đất thổ cư, đời ông bà
cụ kỵ đã sử dụng. Đến cái cây mít rành rành ai cũng biết thân nó một
người ôm mới hết, nó phải có hàng chục năm. Thế mà người ta bảo đất của
bà lấn chiếm vì không có sổ đỏ. Đợt nhà nước chủ trương cấp sổ đỏ. Bà đã
mấy lần làm đơn, nhưng vì không có lót tay cho ủy ban xã, người ta cứ
chần chừ xem xét. Đến mấy năm không xong, giờ đến lúc có chủ trương giải
tỏa làm đường thì bên giải tỏa mặt bằng họ bảo vườn nhà bà không có sổ
đỏ. Là đất lấn chiếm sử dụng không hợp pháp, chỉ đến bù theo giá hoa
mầu. Theo những gì ông mường tượng thì ông hiểu rằng chắc có sự thông
đồng giữa ủy ban xã và ủy ban giải phóng mặt bằng. Bọn họ đền bù cho bà
theo giá rẻ mạt của đất hoa mầu lấn chiếm, nhưng chắc sẽ làm hồ sơ đất
thổ trạch để lấy tiền đền bù cao hơn. Rõ ràng cả cái khoảnh dọc theo đất
nhà bà Nguyễn ấy có từ trăm năm định cư, canh tác, có cả nhà ngói cũ
năm gian. Có phải đất bãi bồi bờ sông đâu mà vô chủ.
Trong lòng B, người cựu chiến binh trải qua mấy chiến trường từ Nam
ra Bắc dấy lên niềm vui nhỏ. Ông thấy mình vẫn còn có gì đó để giúp cho
đời, cho những mảnh đời bất hạnh bị oan khuất. Từ ngày thôi công tác
nhận giấy về hưu, ông mới có thời gian nhìn quanh mình và nhận thấy cuộc
sống còn nhiều chỗ không được tốt. Thậm chí là rất xấu đằng khác. Môi
trường công tác cũ của ông gói gọn 8 giờ đến cơ quan, tối về đọc báo,
xem ti vi rồi đi ngủ. Ở cơ quan và trên báo, đài ông xem hàng ngày chỉ
thấy cuộc sống diễn ra tốt đẹp, thảng có chỗ này bị bão lụt, chỗ kia tắc
đường là cái đáng phàn nàn một chút. Bão lụt thì đúng là thiên tai,
nhưng mức độ phòng chống của ta vẫn còn chủ quan lắm, nên để thiệt hại
không đáng chút nào. Cái chuyện tắc đường thì đường sá có thế, người ở
tứ xứ cứ kéo về nườm nượp bảo sao không tắc. Nhưng từ khi về hưu ông mới
nhận ra trong cuộc sống hàng ngày còn có nhiều dông bão khác. Đấy ngày
trước ông đi từ sớm, đâu có biết cái chuyện nhà hàng xóm ban ngày chiếm
hết lối đi làm chỗ để xe. Cứ vô trách nhiệm, ích kỷ lấn chỗ đi chung như
thế, nhỡ có hỏa hoạn hay cấp cứu gì thì sao kịp. Lối đi là lối đi
chung, có phải riêng của nhà họ đâu. Bà con xung quanh góp ý, ông đã
đứng đơn gửi ủy ban. Những mãi năm lần bảy lượt chả ai giải quyết. Bà
con bảo bây giờ cán bộ nhà nước làm gì ra tiền họ làm, chứ đi dẹp xe cho
nhân dân lấy lối đi có ra tiền đâu mà họ dẹp. Mấy lần ông lên phường
nạp đơn, thấy cán bộ phường làm thủ tục gì mà có thu phí họ làm nhanh
lắm, cứ cộp cái dấu công chứng vào tờ giấy là cớ mươi ngàn, mà cộp lia
lịa người xếp hàng cả dãy. Tiền đưa cái nào cộp cái đó, cứ phải nộp tiền
trước cơ.
Chả lẽ ông phải kẹp tiền vào cái đơn khiếu nại về lối đi đó phường mới giải quyết cho ông.
- Mẹ cái xã hội toàn khốn nạn. Chế độ khốn nạn!
Tiếng chửi quen thuộc của ông bán xổ số vỉa hè lại dội vào đầu ông.
Ông bán sổ xố ấy là bạn thưở nhỏ với ông ở cái phố này. Ông đi bộ đội,
còn ông ấy làm công nhân cho nhà máy cơ khí. Ông tuổi quân đội quy đổi
nên về hưu sớm, còn ông ấy là về mất sức một cục tiền bồi thường không
có lương hưu, thế là cùng sớm như nhau. Nhà máy ông ấy sau này làm ăn ế
ẩm, nhượng đất lại cho tư nhân. Công nhân chưa đến tuổi về hưu thì về
mất sức, tiền chế độ vài chục triệu gửi ngân hàng, mỗi năm lạm phát
trượt giá lại ngót đi một phần trông thấy. Ông rút tiền mua sổ xố hàng
ngày, được nửa năm thì hết sạch tiền. Nhưng nhờ kinh nghiệm mua sổ xố
ông lại có nghề bán vé số. Có lần ông B đã hỏi ông bán sổ xố sao cứ chửi
chế độ khốn nạn. Ông sổ xố nói:
- Tôi chửi là chửi cái chế độ về mất sức, mả cha nhà nó. Mình theo nó
gần hết đời, đáng ra phải được lương hưu, trượt giá thì còn được bù như
ông. Đằng này nó đuổi mẹ bọn tôi về để bán nhà máy cho bọn tư bản xây
khu thương mại. Chúng tôi cầm mấy chục triệu bạc làm cái gì, tiền cứ mất
giá hàng ngày, chả đủ mua vé số nửa năm để mà hy vọng. Chế độ khốn
nạn. Chế độ lừa đảo, ăn cướp.
Ông B khuyên bạn:
- Ấy, bác cứ nóng. Cái đó chỉ là nhất thời, chuyện lạm phát nó có
nhiều nguyên nhân, kể cả từ tình hình quốc tế đưa lại. Chứ ai nghĩ
chuyện nhỏ để đền bù tiền mà làm mất giá thế đâu. Chính sách chỉ là
quyết định trong lúc nào đó để giải quyết tình huống đôi khi phát sinh.
Đâu mà bác cứ chửi chế độ và xã hội khốn nạn.
Ông sổ xố gào to hơn:
- Tôi chửi cả xã hội khốn nạn đấy. Mẹ chúng nó, người ta già mắt mũi
kém, đã phải ra đầu đường bán vé số, mỗi tờ được mấy phần %. Phơi nắng,
phơi mưa mà mấy thằng trẻ ranh nó lừa đưa tờ 200 nghìn tiền giả mua vé
số của tôi. Thế có phải xã hội khốn nạn không, lừa cả người bán vé số
đầu đường. Đạo đức mất hết rồi ông ạ, lại được cái bọn công an nhiều như
quân Nguyên. Cái gì cũng tài, thế mà tiền giả đầy ra đấy không tìm ra
để nó lừa cả người dân. Tôi hỏi ông, ông in tiền giả khó hơn hay truyền
đơn khó hơn. Thế mà ông thử in truyền đơn xem, chỉ mấy phút sau là nó
bắt ngay. Tôi có ông bạn đó, ngày xưa viết linh tinh chửi xỏ chúng nó,
vừa mang ra hàng photo nó phục bắt được ngay. Mẹ nó tài thế, nhưng mà
cái máy in tiền giả nó còn tinh vi hơn cả vé số nữa mà lại chẳng phát
hiện được. Xã hội khốn nạn.
Thấy khó mà ngăn được cơn giận của ông bạn, ông B hỏi mua cho bạn vài
tờ sổ xố. Giờ ông thấy lời ông bán sổ xố có cái cũng phải nghĩ. Như cái
chuyện tiền giả và truyền đơn. Rõ ràng bà Nguyễn bao năm nay vác đơn đi
kiện, rải tứ tung khắp nơi từ trung ương đến xã, khắp các ban ngành mà
chả ai xem xét cho. Nay nhờ mình viết đưa lên mạng mấy hôm mà có người
chính quyền mời làm việc ngay, kể cũng lạ.
Ông B chỉ chợt nghĩ thế thôi, nhưng ông tin ở mình, một cán bộ văn
hóa quân đội có thâm niên, một đảng viên, cựu chiến binh, người từng cầm
súng xông pha trận mạc. Đời ông làm gì cũng công tâm, không vụ lợi.
Chính quyền họ phải biết mà coi trọng lời ông chứ. Bởi nghĩ thế sáng hôm
sau ông dậy sớm hơn thường lệ, mặc bộ quân phục nhưng không đeo quân
hàm, quân hiệu. Chỉ có cái mũ lưỡi trai mềm là ông gắn ngôi sao quốc huy
mà thôi. Ông còn cẩn thận sao chép những clip ông quay phỏng vấn bà
Nguyễn, với những tấm ảnh chụp đơn từ, tài liệu của vụ việc bà ấy vào
usb để mang đi làm việc.
Lúc ra cửa, vướng xe nhà hàng xóm, nỗi bực mình lại trỗi dậy. Ông
định quát cho nhà nọ một trận, nhưng sợ đôi co mất thì giờ lỡ hẹn. Ông
nuốt giận nhấc xe nhà nó lấy lối mà đi.